Ông Dung nói quá,
báo nói thêm, VTV nói dóc
(VNTB) - Có thể
dễ dàng thấy rằng cả Bộ LĐ-TB-XH của ông Dung, lẫn ông khổng lồ truyền
thông Việt nam VTV cùng hùa nhau vào để lừa mị người lao động Việt bằng những
khoản tiền lương vô lý.
Trong khoảng thời gian các năm 2002 -2015, lượng
kiều hối về Việt Nam tương đương 6% tổng sản lượng quốc nội GDP, lớn gần bằng
nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI (chiếm 7,7% GDP) và hơn gấp hai lần nguồn vốn
ODA chỉ ở mức 3% GDP. Nhà cầm quyền đã thừa nhận rằng “ Số lượng kiều hối
ngày càng tăng của công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã giúp đất nước bù
đắp thâm hụt thương mại của mình, xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống của
những người thụ hưởng.”
Sau một khoảng thời gian dài gia tăng, lượng kiều
hối gởi về Việt Nam đột ngột giảm 25% tức 3 tỷ đô la trong năm 2016. Sau nhiều
năm rung đùi ngồi chờ kiều hối chảy về một cách tự nguyện, đứng trước thực trạng
kiều hối giảm sút quá nhanh, Hà nội lại đang tìm cách để bù đắp sự sụt giảm này
thông qua kênh xuất khẩu lao động.
Ông
Dung nói quá
Ngày 13/01/2017, ông Bộ trưởng Bộ
LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã rất phấn khích khi nói rằng trong 3 năm gần đây,
số lượng lao động Việt nam đi làm ở nước ngoài luôn đạt trên 100.000
người. "Riêng năm 2016 con số cán mốc trên 126.000 người." Các báo
khi đăng tin đã có thêm thông tin với 126.000 lao động trên đã đem về cho nhà
nước Việt nam 11 tỷ đô la nhưng thông tin này đã nhanh chóng bị xoá đi sau khi
cộng đồng mạng vạch ra những bất hợp lý trong con số 11 tỷ nêu trên.
Với 11 tỷ đô
la ấy chia cho 126.000 nghìn lao động trên thì mỗi lao động trong năm 2016 đã
đóng góp 87.300 đô la cho GDP của Việt nam. Một con số đáng mơ ước không chỉ của
lao động Việt mà còn của hàng triệu người làm công ăn lương ở các quốc gia phát
triển ở Âu châu. Sau khi đã trừ thuế và các khoảng chi phí mà còn lại chừng ấy
lương ròng thì những người bản xứ có bằng cấp đại học, sau đại học cũng không
thể nào mơ được. 11 tỷ đô la này nếu có thật thì sao lại có tin lượng kiều hối
trong năm 2016 chỉ đạt 9 tỷ đô la thay vì là 12 tỷ như kế hoạch?
Tới đây thì phải đặt câu hỏi “Không biết là ông
Dung nói dóc hay báo mạng bốc phét muốn góp phần giúp Bộ LĐ-TB&XH
trong năm 2017 đạt cho được mục tiêu sẽ đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước
ngoài?” Để tính cho đủ hay hơn số đó nữa, thì có lẽ Bộ LĐ-TB-XH của ông Dung
cũng phải tính thêm số lượng hàng ngàn phụ nữ Việt Nam đang phục vụ bất hợp
pháp trong ngành lao động tình dục ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia.
Báo
nói thêm
Các thông tin trên báo với tiêu đề “ Đổi đời nhờ
xuất khẩu lao động đúng hướng”, “ Cơ hội xuất khẩu lao động miễn phí tại Nhật bản
cho người Việt,” xem ra vô cùng hẫp dẫn với những người thật sự muốn kiếm tiền
một cách dễ dàng đối với những người dân nghèo miền trung giờ đây không còn kế
sinh nhai khi biển ô nhiễm nặng sau thảm hoạ môi trường của Formosa.
Trong tháng 6-2016 ông Dung đã nói rõ lương dành
cho lao động Việt ở Nhật vào khoảng 800 -1000 đô la một tháng - mức lương tối
thiểu cho lao động ở Nhật, ưu tiên cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng của Formosa.
Nhưng báo chí đã đăng lại thông tin cua VTV rằng “ Trong thời gian 3 năm
làm việc tại đây, nếu lao động hoàn thành tốt có thể tích lũy hơn 600 triệu đồng.
Ngoài ra, phía Công ty của Nhật sẽ hỗ trợ thêm khoảng 120 triệu đồng để khởi
nghiệp tại Việt Nam.” Với mức lương ấy, ai mà không ham?
Cứ cho là với mức lương 1.000 đô la đi, thì trong
vòng 3 năm người lao động nhận được tổng cộng 36.000 đô la tức 864 triệu đồng.
Trong 3 năm trời, ở một nơi đắt đỏ như Nhật bản ( Chi phí sinh hoạt ở Nhật cao
hơn Hà lan gàn 20%) mà chi tiêu có 260 triệu đồng - tương đương 300 đô la một
tháng - thì quả là chỉ ăn mì gói và uống nước lã sau khi đã thanh toán tiền
thuê nhà/chỗ ở cũng như đi lại. Chẳng trách mà tỷ lệ người Việt phạm tội trộm cắp
ở Nhật gia tăng nhằm bù đắp vô cho số lương bèo bọt không như hứa hẹn.
VTV
nói dóc
VTV vẫn tiếp tục nói dóc khi đưa thông tin định
hướng người lao động trẻ đi làm nghề điều dưỡng ở Đức. Một mức lương giật mình:
“ 100 triệu một tháng”.
Thử nhẩm tính, 100 triệu là khoảng 4000-4200 euro
một tháng.Tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại ở Đức thuộc vào hàng quá dễ chịu so với
mức sống ở các quốc gia Bắc Âu hay với nước láng giềng Thuỵ Sỹ, Hà lan, nhưng cứ
cho là 1.000 euro thôi đi. Vậy thì người lao động bỏ túi ngon ơ một tháng 3000
– 3200 một tháng. Sau ba năm cắm đầu chăm sóc cho những người già trong các viện
dưỡng lão thì cũng còn rủng rỉnh được cả trăm ngàn Euro mang về nhà. Chẳng thế
mà VTV dụ dỗ rằng người lao động có thể để dành được những 1,5 tỷ đồng và còn
có cơ hội ở lại tiếp tục làm việc tại Đức.
Mức lương căn bản ở Đức của một y tá chỉ vào khoảng
8,65 – 9,40 euro một giờ công lao động, chưa kể là công việc rất cực nhọc. Để đạt
được mức lương 4000 – 4200 euro một tháng thì cần phải có khoảng 380 giờ lao động.
Một con số không tưởng vì theo luật lao động chỉ được phép làm 38-40 giờ một tuần
tức trên dưới 160 giờ lao động một tháng.
Ngay cả người có bằng cấp đại học, kỹ sư bản xứ
cũng chưa thể đạt được mức lương từ 4.000 euro trở lên như vậy. Phần lớn họ hài
lòng với mức lương từ 1.800 đến 3.000 một tháng. Sau khi trừ đi thuế và các khoản
chi phí thì may mắn lắm mới có dư được khoảng 500-1.000 euro mỗi tháng.
Nếu quả thật
có mức lương nói trên, 100 triệu đồng một tháng, thì công việc điều dưỡng này sẽ
không tới tay người Việt trong nước. Những người Việt ở Đức hay thậm
chí người Đức sẽ vui lòng đảm nhận thay phần việc này với mức lương quá hời như
thế. Và người Đức không phải đi sang tận Việt nam để rước những người không biết
tiếng, cần phải được đào tạo tay nghề để sang Đức làm việc như vậy.
Với việc nói
quá lên, nói lấy được như thế, có thể dễ dàng thấy rằng cả Bộ LĐ-TB-XH của
ông Dung, lẫn ông khổng lồ truyền thông Việt nam VTV cùng hùa nhau vào để lừa mị
người lao động Việt bằng những khoản tiền lương vô lý nhằm trước là để đạt được
mục tiêu đưa người đi lao động như kế hoạch đã vạch ra và thứ nữa là để bù vô
nguồn kiều hối đang bị thâm thủng không cách nào cứu vãn được cho nhà cầm quyền
Việt nam.