Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

2198. Hồ sơ Đông Yên đã nộp chính quyền Hoà Kỳ và Liên Âu

Chiến dịch Cứu Đông Yên – cập nhật ngày 17/01/2017
Mạch Sống, ngày 17 tháng 1, 2017
Trong 2 tuần đầu năm 2017, chiến dịch Cứu Đông Yên đã thực hiện một số bước quốc tế vận cụ thể nhằm kêu gọi sự nhập cuộc của các chính phủ Hoa Kỳ và Liên Âu.
Ngày 6 tháng 1, Ông Nguyễn Thống, người phối hợp "Nhóm Kết Nghĩa với Đông Yên" ở Hoa Kỳ, đã họp với nhân viên lập pháp của Dân Biểu Christopher Smith, Chủ Tịch tiểu ban đặc trách vấn đề nhân quyền toàn cầu thuộc Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ.

“Tôi đã cung cấp một số hình ảnh về các đợt đàn áp mà Giáo Xứ Đông Yên đã phải gánh chịu từ nửa thế kỷ qua, và đặc biệt kể từ năm 2012 khi người dân Đông Yên biểu tình chống nhà máy gang thép Formosa – Hà Tĩnh”, anh Thống tường trình.

Ông Nguyễn Thống đang họp với Ông Mark Kearney, phụ tá lập pháp của DB Christopher Smith, ngày 06/01/2017 (ảnh BPSOS)
Được biết văn phòng của DB Smith đặc biệt chú ý đến sự kiện Ông Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Kỳ Anh, đã bị kết tội làm trái quy định về giải phóng mặt bằng gây thất thoát 10.4 tỉ đồng. Ông Bổng đã bị xử 12 năm tù.
Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, văn phòng của DB Smith quan tâm đến khía cạnh này trong bối cảnh của Luật Magnitsky Toàn Cầu mà chính DB Smith là tác giả ở Hạ Viện.
“Tại buổi họp, tôi đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài trong luật này cho hồ sơ Đông Yên,” Ts. Thắng giải thích.
Theo Luật Magnistky Toàn Cầu, các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với viên chức chính quyền liên can đến một trong 3 trường hợp: đàn áp nhân quyền nghiêm trọng, cưỡng đoạt tài sản, tham nhũng lớn.
“Đông Yên có thể là trường hợp hi hữu hội đủ cả 3 yếu tố để dẫn đến chế tài”, Ts. Thắng nhận định.
Theo Ts. Thắng, việc người kế nhiệm Ông Bổng vẫn tiến hành chính sách xoá sổ Giáo Xứ Đông Yên có thể vì chính quyền Huyện Kỳ Anh đã nhận tiền của nhóm lợi ích đứng sau “dự án khu kinh tế Vũng Áng”.
“Chúng tôi đang tìm hiểu những ai đứng sau dự án này và mối liên hệ giữa họ và chính quyền Huyện Kỳ Anh,” Ông nói.
Song song với việc vận động chính quyền Hoa Kỳ, BPSOS đã nhờ một tổ chức bạn ở Brussels, BỈ vận động khối Liên Âu nhập cuộc.
“Ngay lúc này chúng tôi chỉ cần khối Liên Âu yêu cầu chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin về thực trạng ở Đông Yên,” Ts. Thắng cho biết.
Ông Thống cho biết là ngày 1 tháng 2 tới đây, Ông sẽ trình bày về tình trạng Đông Yên tại buổi hội thảo về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam do BPSOS tổ chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Bài liên quan:
Chiến dịch Cứu Đông Yên - Giai đoạn 1: Vận động quốc tế nhập cuộc
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1175-2016-12-28-23-32-15.html
Phát động chiến dịch “Cứu Đông Yên”
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1164-2016-12-09-19-46-39.html
Cứu Đông Yên: Lời kêu gọi đồng hành
http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1165-2016-12-11-00-19-33.html

Các giới chức Huyện Kỳ Anh và Xã Kỳ Lợi đang được Chiến Dịch Cứu Đông Yên quan tâm
(1)    Nguyễn Văn Bổng, nguyên Chủ Tịch UBND Huyện Kỳ Anh, 12 năm tù
(2) Dương Thanh Hòa (bên trái), nguyên Phó Chủ Tịch Huyện Kỳ Anh, người ra lệnh cấm sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Đông Yên để chuẩn bị đập phá, tháo dỡ. Nay Ông Hoà đương chức Phó Bí Thư đảng bộ Huyện Kỳ Anh.
(3) Nguyễn Huy Tường, Trưởng Phòng Tài Nguyên Môi Trường Huyện Kỳ Anh, 11 năm tù
(4) Nguyễn Quốc Hà (đứng), đương chức Chủ Tịch UBND Huyện Kỳ Anh; Dương Thanh Hòa (bên phải), đương chức Phó Bí Thư đảng bộ Huyện Kỳ Anh; Nguyễn Văn Phượng (bên trái), đương chức Phó Chủ Tịch Huyện Kỳ Anh
(5)    Phan Duy Vĩnh, đương chức Phó Chủ Tịch Huyện Kỳ Anh
(6) Chu Văn Quang, đương chức Phó Chủ Tịch Xã Kỳ Lợi
(7) Lê Xuân Vượng, đương chức Chủ Tịch Xã Kỳ Lợi
(8) Trần Văn Lâm, đương chức Bí Thư đảng ủy Xã Kỳ Lợi