Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

2190. TIÊN TRI: NÁT NHƯ TƯƠNG LÀ THẾ ĐẤY...

Nhiều ẩn ngôn nói Sai Gon, Hà Nội, Hải Phòng... nát như tương, làm cho bao nhiêu người thắc mắc... như thế nầy có phải ứng chưa nhẽ... BBT Blog.

VNTB - Báo GDVN: Nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã “băm nát Thủ đô”?

. Việt Nam Thời Báo. Lê Kiên
(VNTB) Liên quan đến câu chuyện ách tắc tại Hà Nội, hậu quả từ việc thả cửa trong quy hoạch thủ đô. Trong một bài viết khá dài của tác giả Xuân Dương đăng trên GDVN (13/01), trong đó có dẫn quan điểm dư luận nhắm vào nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo là người có gần 10 năm tại vị, nhưng "di sản mà ông Thảo để lại không chỉ là một quy hoạch "băm nát Thủ đô" mà còn "băm nát" niềm tin của người dân với một bộ phận lãnh đạo thành phố.

Với giọng bài gay gắt, tác giả Xuân Dương còn nhấn mạnh trách nhiệm của "một số người cùng thời" với ông Thế Thảo, có thể ám chỉ là Nguyên Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị.


Ngoài ra, tác giả cũng cho biết, người dân thủ đô đang "hy vọng" Bí thư Hải và Chủ tịch Trung sẽ cho biết ai là người ký quyết định "băm nát thủ đô". Theo đó, dù người đó đang tại vị hay về hưu cũng đều sẽ "xử lý theo pháp luật.

"Cần cho nhân dân biết dù họ đã nghỉ hưu hay đương chức và kèm đó là hình thức xử lý theo pháp luật chứ không chỉ là "phê bình, nhắc nhở"."



Việc báo chí Việt Nam mạnh dạn chỉ trích các lãnh đạo về hưu là một động thái lạ và hiếm hoi. Nhất là khi những lãnh đạo đó là từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (với chức vụ Chủ tịch TP) và Ủy viên Bộ Chính trị (với chức vụ Bí thư Thành ủy). Ngoài ra, trong lập luận bài cũng dẫn cuộc tọa đàm ngày 03/12/2015 của BBCVietnamese, trong đó chỉ trích sự lãnh đạo yếu kém của ông Nguyễn Thế Thảo.
Chỉ trích sự yếu kém của Nguyên Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trong bài viết 
Không dừng lại đó, bài viết trên báo GDVN còn khuyến khích Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nên phê phán, công khai những sai lầm của thế hệ trước.

"Về phát biểu của ông Chung: "nguyên tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước" [6] tuy là quan điểm cá nhân của người lãnh đạo thành phố nhưng theo người viết có lẽ cũng nên có cách nhìn nhận biện chứng hơn,", tác giả Xuân Dương nhấn mạnh.

Hà Nội thời gian qua là điểm nóng trong dư luận Việt Nam liên quan đến sự tắc nghẽn giao thông và nhà chung cư cao tầng, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp thân hữu được cấp phép ồ ạt.


Bài trên báo GDVN: Người ta làm quy hoạch “băm nát Thủ đô” hay “băm nát niềm tin”?

(GDVN) - Không đổ lỗi cho thế hệ trước không có nghĩa là không đấu tranh, phê phán, không công khai những sai lầm của thế hệ trước.




Hai năm trước, ngày 15/1/2015, trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 19 Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XV, ông Phạm Quang Nghị khi đó là Bí thư Thành ủy phát biểu:




“Tại sao người ta hay nói “Hà Nội không vội được đâu”, vì muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ…”. 


Không biết câu “Hà Nội không vội được đâu” có nguồn gốc như thế nào, chỉ biết sau phát biểu của ông Phạm Quang Nghị, dư luận mặc nhiên thừa nhận đó là quan điểm mang tính định hướng của ông trong vai trò người lãnh đạo cao nhất thành phố bởi ông đã thừa nhận “muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ…”. 

Ông Nghị còn cho biết: “Bí thư kiêm đô trưởng thành phố Viêng Chăn (Lào) có gửi một thư chúc mừng tôi và Chủ tịch thành phố nhân dịp Quốc Khánh và kỷ niệm năm chẵn quan hệ hữu nghị hợp tác giữa 2 nước. 

Khi Sở Ngoại vụ trình đến tôi để có thư cảm ơn trả lời người ta thì chỉ thiếu đúng 1 ngày là tròn 1 tháng. Khi hỏi ra thì Văn phòng UBND chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm mất 8 ngày”? [1]

Ngày 10/5/2016, không lâu sau khi nhậm chức, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu: “Phải khắc phục nhận thức “Hà Nội không vội được đâu” ”. 

Có thể không đúng nếu nói Bí thư Hoàng Trung Hải “phê bình” nguyên Bí thư Phạm Quang Nghị, nhưng chắc chắn là không sai khi nói ông Hải phê bình thói trì trệ, bảo thủ đã thành nếp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô dưới thời người tiền nhiệm.

Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Ông Nguyễn Đức Chung vốn là Tướng công an chuyển sang làm Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội.

Là người “ngoại đạo” về lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch đô thị, nhưng ông Chung đã có phát biểu thẳng thắn, chính xác về quy hoạch kiến trúc Thủ đô: 

"Đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội. Năm qua, có những khu đất 5-7 ha cũng băm ra cho 2-3 chủ đầu tư.

Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng làm quy hoạch theo kiểu đấy không bao giờ tốt được”. [2]

Được biết người tiền nhiệm của ông Chung - ông Nguyễn Thế Thảo - vốn là kiến trúc sư tốt nghiệp tại Ba Lan, có bằng Tiến sĩ Kinh tế và Lý luận Chính trị cao cấp.

Vì sao một ông vốn là kiến trúc sư, đứng đầu Uỷ Ban Nhân Dân thành phố gần 10 năm (2007-2016) lại “làm quy hoạch băm nát Hà Nội”?

Vì sao suốt thời gian đó rất ít người dám phát biểu về quy hoạch Thủ đô như ông Nguyễn Đức Chung vừa nói?

Vận dụng câu nói của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vào phát biểu của hai vị lãnh đạo Hà Nội: “ông là Bí thư (Chủ tịch), tôi cũng là Bí thư (Chủ tịch), vì sao tôi phê bình ông” là không chính xác bởi một bên là đương chức, một bên đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên, điều mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói không hẳn là cá biệt bởi thực tế cho thấy ngay cả cấp trên phê bình cấp dưới hoặc cấp dưới phê bình cấp trên nhiều khi cũng không “được phép”.​

“Các nhà cao tầng ở Hà Nội vẫn thực hiện theo quy hoạch, không có gì là sai quy hoạch cả”. [3]Sau khi Chủ tịch thành phố có ý kiến về chuyện “băm nát quy hoạch Hà Nội”, sáng 5/1, trao đổi cùng phóng viên khi tham dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội “mạnh mẽ” khẳng định:

Thậm chí, ông Giám đốc Vinh còn nói dỗi, rằng “Thủ tướng nói thì chắc chắn phải có rà soát, phải kiểm tra lại. Có bất cập thì phải tiếp thu.

Tất cả những quy hoạch ở tại thời điểm này nó đúng nhưng đến khi phát triển kinh tế thì cũng phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Điều đó là tất nhiên”.

“Thủ tướng nói thì phải rà soát, (nhưng) tất cả quy hoạch ở thời điểm này nó đúng”, còn sau đó nó sai là do … “kinh tế phát triển”, lỗi không do tầm nhìn “ngắn” của người làm quy hoạch kiến trúc! 

Hãy đến khu Ba Đình mà người Pháp quy hoạch để xem hàng trăm năm qua, kinh tế đất nước thay đổi một trời một vực nhưng có cần thay đổi quy hoạch kiến trúc không?

Và chúng ta hãy thử xem “các nhà cao tầng ở Hà Nội vẫn thực hiện theo quy hoạch, không có gì là sai quy hoạch cả” mà ông Lê Vinh khẳng định thực tế là như thế nào.

Ngôi nhà 8B Lê trực theo giấy phép cao 53 mét nhưng xây cao 69 mét, số tầng xây vượt so với giấy phép là 5 tầng, hoàn toàn trái với quy hoạch “vùng lõi” Thủ đô, ngay sát nách các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước. 

Tại khu Linh Đàm, trên diện tích 5 ha, tập đoàn Mường Thanh cho xây 12 tòa chung cư cao tầng, Phó Chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân phường Hoàng Liệt cho biết:

“Tính riêng dân số 12 tòa HH của ông Lê Thanh Thản bằng cả phường Hoàng Liệt. Mật độ dân số quá cao, không hiểu quy hoạch như thế nào chứ mai này người dân vào ở thì lấy đâu chỗ để xe, không gian sinh hoạt cộng đồng". (Vietnamnet.vn 5/8/2016).

Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: “khi thành phố đi kiểm tra lại, thì phát hiện khu nhà ở Đại Thanh của do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư có những vi phạm hết sức nghiêm trọng.

Thứ nhất là xây dựng không phép. Thứ hai là xây dựng quá chiều cao quy định, xây cả vào khu không được phép xây như các vị trí quy hoạch dải cây xanh…”. [4]

Báo Nhân Dân điện tử trong bài “Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội diễn biến phức tạp” đăng ngày 2/12/2016 viết:

“Tính riêng chín tháng đầu năm 2016, thành phố có tới 596 công trình sai phạm, chủ yếu ở các quận, huyện: Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thanh Xuân”.

Trong 9 đơn vị có vi phạm có 5 huyện và 4 quận nội thành (Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân).

Bài báo liệt kê các sai phạm như sau: “quy hoạch ba tầng, nhưng đơn vị xây dựng nhà ở năm tầng), xây dựng công trình trên đất cây xanh tại Khu đô thị Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai);

Xây dựng vượt mười tầng so với giấy phép, từ 25 tầng lên 35 tầng tại tòa chung cư VP6, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai);

Biến khu đất công thành bốn cụm công trình, với 12 tòa nhà cao khoảng 40 tầng ở Khu đô thị Linh Đàm…”.

Báo Nhân Dân (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam) nói như thế, Chủ tịch thành phố nói như thế, truyền thông nói như thế nhưng ông Giám đốc Sở Lê Vinh dựa vào đâu để ngang nhiên phủ nhận tất cả?

Người dân không thể không đặt câu hỏi, một khi “quy hoạch bị băm nát” thì sự tồn tại của Sở Quy hoạch Kiến trúc có cần thiết và Hà Nội có cần ông Giám đốc Quy hoạch Kiến trúc khi ông phát ngôn kiểu “Vũ Đại” như vậy? 

Chủ tịch Chung có cần trợ lý như ông Vinh và Nhân Dân có cần chắt bóp tiền thuế để nuôi đội ngũ công bộc “Quy - Kiến” - đông như Kiến mà làm việc thì như Quy?

Là đảng viên, chẳng lẽ ông Lê Vinh không bao giờ đọc báo Nhân Dân, liệu có phải là ông lỡ lời hay ông cho rằng về quy hoạch kiến trúc Thủ đô, không ai bằng ông nên ông bất chấp, thậm chí là ông thách thức cả báo Đảng lẫn lãnh đạo cấp trên?

Một khi báo Nhân Dân đã chỉ rõ những sai phạm với địa chỉ rõ ràng thì không khó truy nguyên ai là người ký duyệt cho những sai phạm đó.

Và người dân hy vọng Bí thư Hải, Chủ tịch Chung sẽ công bố cho nhân dân biết ai là người ký quyết định cho việc “băm nát Thủ đô”?

Cần cho nhân dân biết dù họ đã nghỉ hưu hay đương chức và kèm đó là hình thức xử lý theo pháp luật chứ không chỉ là “phê bình, nhắc nhở”.

Báo chí nước ngoài nhận xét về người tiền nhiệm của Chủ tịch Chung như sau: “Chủ tịch vừa từ nhiệm của Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, dường như không để lại một di sản, dấu ấn nào”. [5]

Dư luận cho rằng nhận xét trên hoàn toàn không đúng, gần 10 năm tại vị, di sản mà ông Thảo và một số “người cùng thời” để lại không chỉ là một quy hoạch “băm nát Thủ đô” mà còn “băm nát” niềm tin của người dân với một bộ phận lãnh đạo thành phố.

Làm sao người dân Thủ đô có thể gửi niềm tin vào đội ngũ mà Phó Chủ tịch (Phí Thái Bình) bị công an xác định là phạm tội hình sự (nhưng được đề nghị miễn truy tố). Một thành phố mà văn hóa ứng xử nơi công quyền “không có 100 triệu không xong” (dựa lời ông Trần Trọng Dực - công dân tiêu biểu thủ đô), một thành phố mà nhiều đoạn phố và đường sắt trên cao đều là những “đường cong mềm mại” không thấy ở nơi nào khác?

Một thành phố đáng xấu hổ khi xếp thứ ba thế giới về “mạng nhện” đường dây điện và truyền thông, một thành phố mà đường nước sinh hoạt vỡ tới 20 lần khiến hàng vạn người dân điêu đứng,…

Một thành phố mà cứ sau mỗi dịp lễ hội, sự kiện là công viên, nơi công cộng lại biến thành bãi rác,…

Ý kiến của Chủ tịch Chung “Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không” là một phát biểu “tế nhị”, bởi với người từng là Giám đốc Sở Công an thành phố, ông Chung không thiếu tư liệu để biết “đằng sau” đó là những ai và người ta đã “múa rìu” như thế nào. 

Chẳng lẽ báo Nhân Dân viết “biến khu đất công thành bốn cụm công trình, với 12 tòa nhà cao khoảng 40 tầng ở Khu đô thị Linh Đàm” là ý kiến không có cơ sở? 

Và khu 4 ha đất công theo quy hoạch bị biến thành 12 tòa nhà cao mấy chục tầng ở Linh Đàm lẽ nào lại bé như con kiến nên mắt thường không thể nhìn thấy?

Về phát biểu của ông Chung: “nguyên tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước” [6] tuy là quan điểm cá nhân của người lãnh đạo thành phố nhưng theo người viết có lẽ cũng nên có cách nhìn nhận biện chứng hơn.

Lịch sử không thể sửa chữa nhưng phải có sự đánh giá công bằng.

Không đổ lỗi cho thế hệ trước không có nghĩa là không đấu tranh, phê phán, không công khai những sai lầm của thế hệ trước, đặc biệt là khi sai lầm đó buộc nhân dân phải trả giá. Một cá nhân hay một tổ chức nếu không biết rút ra những sai lầm của quá khứ thì sẽ không có tương lai tốt đẹp, điều tương tự đã được thế giới biết đến qua câu nói nổi tiếng “một dân tộc không dám đấu tranh, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ”.

Lấy gì đảm bảo rằng hôm nay chúng ta không phê phán sai lầm của “hôm qua” thì ngày mai, con cháu chúng ta sẽ không phê phán chính chúng ta?

Nếu hôm nay chúng ta không công khai sai lầm của “thế hệ trước” thì con cháu sau này dựa vào đâu để nói người này là tốt, kẻ kia là xấu?

Vấn đề là vì sao “phê bình nhau” lại khó đến thế ngay cả khi cấp trên phê bình cấp dưới?

Trả lời câu hỏi này phải tìm đến căn nguyên là kỷ cương, phép nước. Một khi “phép nước” chưa hoàn chỉnh mà “kỷ cương” lại luôn có thể biến thành những “đường cong mềm mại” theo ý muốn của một nhóm người thì “phê bình và tự phê bình” luôn là lý tưởng, mà đã là lý tưởng thì nó luôn ở phía trước, xa vời đến mức chẳng bao giờ tiếp cận được.

Mặt khác, ngay cả những cuộc phê bình rầm rộ thì đa phần cũng kết thúc bằng những hình thức kỷ luật “rút kinh nghiệm” hay “khiển trách”, cùng lắm là “cảnh cáo”, thế nên những người “sắp bị lộ” còn chẳng sợ huống chi người “chưa bị lộ”.

Một ông Thứ trưởng bị kỷ luật trong khi “hai con ông du học không về nước” thì kỷ luật có nghĩa gì, cùng lắm là nhận sổ hưu hoặc ra nước ngoài “chữa bệnh” cùng con cái.

Đương nhiên không thể không nói đến nguyên do khác, ấy là cả “trên lẫn dưới” không phải lúc nào cũng đúng, bị “bắt thóp” thì làm sao có thể “phê bình” lẫn nhau!

Báo Infornet.vn ngày 8/1/2017 viết: “Lãnh đạo báo chí than khó khi làm báo chống suy thoái, tiêu cực”.

Vì sao báo chí mới chỉ tập trung vào những người không còn “mũ áo công đường”, như ông nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, ông nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng,.. 

Những “công bộc” đương chức dính khuyết điểm thường được “vuốt ve từ vai trở xuống”.

Việc xử lý hình sự lãnh đạo đương chức (từ cấp tỉnh trở lên) vi phạm pháp luật không phải là chưa có nhưng nếu thống kê thì chiếm bao nhiêu phần trăm so với số lượng quan chức bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kỷ luật những năm tháng qua?

Người dân không phải không biết ý tứ của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung qua phát biểu:

“Chúng ta cứ bình tĩnh khắc phục dần và có trách nhiệm giải trình cho cấp trên để mọi người cùng hiểu. Án tại hồ sơ, hồ sơ còn trình tự giải quyết, còn có ý kiến từng người ở đấy”.

Thiết nghĩ, người bản chất tốt nhưng năng lực yếu khiến việc làm gây hại cho dân, cho nước thì phê bình việc làm chứ không phê bình con người.

Người xấu về đạo đức tư cách, tham nhũng, hủ hóa thì phê bình việc làm phải kèm theo phê bình con người, phải lên án và kỷ luật nghiêm khắc bất kể đương chức hay đã nghỉ hưu.

Vậy nên đồng thời với việc “khắc phục dần và có trách nhiệm giải trình cho cấp trên” thì không nên để nhân dân phải chờ đợi biện pháp “khắc phục” với “trình tự giải quyết và ý kiến từng người” mà dù ông Chung không nói, dân vẫn biết đó là ai.

Nếu Ban lãnh đạo Hà Nội không kiên quyết với các sai phạm cũ, nếu việc xử lý lại như “gãi ghẻ” thì sau đó lại càng ngứa, càng khó chịu, điều này từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo. 

Khi người ta “băm nát” quy hoạch Thủ đô thì chuyện chia rừng, chia sông, chia khoáng sản cho các “nhóm lợi ích” có phải là “băm nát” đất nước, “băm nát” niềm tin?

Người dân đã bình tĩnh rất lâu rồi chứ không chờ lời kêu gọi của Chủ tịch thành phố Hà Nội.

Hy vọng đất nước sẽ được như ngày xưa “Vua không nói đùa” và kẻ bầy tôi cũng đừng có “đùa”.

Tài liệu tham khảo:



[3] http://www.tienphong.vn/dia-oc/nha-cao-tang-van-thuc-hien-theo-quy-hoach-khong-co-gi-sai-1091393.tpo


[5]http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151203_nguyenthethao_hanoi_legacy