Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 22 tháng 1, 2017
Với sự tham gia ngay lúc này của cộng đồng người Việt không hề nhỏ
ở Canada, chúng ta có hy vọng Luật Sergei Magnitsky sẽ được thông qua nội trước
mùa hè năm nay. Sự tham gia của chúng ta sẽ tiếp sức cho nỗ lực vận động do
cộng đồng người tị nạn và di dân Đông Âu chủ động từ 5 năm qua. Họ là điểm tựa
ở Canada của Ông Bill Browder, một tài phiệt chuyển thành nhà vận động nhân
quyền sau khi Ls. Sergei Magnitsky, đại diện pháp lý cho công ty đầu tư của Ông
Browder, bị chính quyền Nga thủ tiêu.
Đầu năm nay, chính Ông Browder đã giới thiệu BPSOS với các cộng
đồng người Canada gốc Đông Âu để phối hợp hành động. Kế đến, BPSOS đã giới
thiệu với họ 2 tổ chức tranh đấu cho nhân quyền người Trung Hoa và Nhóm Thanh
Niên Tranh Đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam.
Thuận lợi
Trong suốt 5 năm qua chưa bao giờ cuộc vận động cho Luật Sergei
Magnitsky ở Canada lại có thuận lợi như bây giờ vì những yếu tố sau:
(1) Sự chống đối của Đảng Liberal giảm hẳn sau
khi Thủ Tướng Justin Trudeau bãi nhiệm Ông Stephane Dion, người thân thiện với
Nga, khỏi chức Ngoại Trưởng và thay thế bằng Bà Crystia Freeland, người đang bị
Nga đặt trong danh sách cấm nhập cảnh.
(2) Ảnh hưởng của Đảng Liberal giảm hẳn ở Thượng
Viện Canada sau khi Thủ Tướng Trudeau “trục xuất” tất cả thượng nghị sĩ Đảng
Liberal này ra khỏi đảng để chứng minh quyết tâm cải tổ Thượng Viện. Như vậy
Đảng Liberal của Thủ Tướng Trudeau không còn tiếng nói chính thức ở Thượng
Viện.
(3) Việc Hoa Kỳ ban hành Luật Magnitsky Toàn Cầu
tăng áp lực lên chính quyền Canada. Nếu không thông qua một luật tương tự
thì có nghĩa Canada sẽ nhanh chóng trở thành nơi dung chứa những thủ phạm đàn
áp nhân quyền và chứa chấp các tài sản bất chính của họ.
Các ngả đường dẫn đến luật chế
tài
Hiện nay có 4 ngả đường để vận động luật chế tài.
Ngả thứ nhất và nhanh nhất là S-226, Luật Sergei Magnitsky ở
Thượng Viện, có thể sẽ được biểu quyết (lần đọc thứ 3) vào tháng 2 này. Nếu
được thông qua, S-226 sẽ được chuyển sang Hạ Viện để biểu quyết. Triển vọng
S-226 được thông qua ở Thượng Viện khá cao vì trên nguyên tắc Đảng Liberal
không còn Thượng Nghị Sĩ để chống lại.
Nếu S-226 bị thất bại thì vẫn còn C-267, Luật Sergei Magnitsky văn
bản Hạ Viện (House of Commons). Đấy là ngả thứ 2.
Ngả thứ 3 là một dự luật mà chính phủ của Thủ Tướng Trudeau có thể
sẽ đề nghị vào tháng 3 tới đây. Dự luật này có nội dung tương tự như S-226 và
C-267 nhưng không mang tên Sergei Magnitsky để tránh làm mích lòng chính quyền
Nga. Cũng có thể là các biện pháp trừng phạt sẽ bị gia giảm cho nhẹ đi.
Ngả thứ 4 là tu chính Luật về Các Biện Pháp Kinh Tế Đặc Biệt
(Special Economic Measures Act, hay SEMA), vốn đang trong tiến trình được rà
soát, để bổ sung thêm điều luật trừng phạt các thủ phạm đàn áp nhân quyền. Luật
này hiện có các biện pháp trừng phạt nhưng giới hạn vào các phần tử khủng bố mà
thôi.
Dù ngả nào, khó khăn nhất vẫn là ở Hạ Viện Canada.
Ts. Thắng và cô Khuê-Tú điều
trần tại Hạ Viện Canada, ngày 04/06/2015
Kế hoạch vận động
Để tăng triển vọng thành công, người Việt ở Canada cần nhanh chóng
huy động nhau để trực tiếp vận động các vị Dân Biểu Hạ Viện ủng hộ dự luật
C-267. Nhóm Thanh Niên Canada Tranh Đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam đã
phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư.
Với sự giúp đỡ của những người lớn và của nhiều tổ chức cộng đồng,
nhóm trẻ này thu thập chữ ký tại các hội chợ Tết đang diễn ra ở khắp các cộng
đồng người Việt ở Canada. Các chữ ký này sẽ được gửi cho DB Bezan để chuyển đến
các đồng viện ở Quốc Hội Canada.
Tuy nhiên, rất ít người tham gia thỉnh nguyện thư trực tuyến (online)
do nhóm trẻ này thiết lập. Đến nay mới chỉ có trên 160 người ký tên ở khắp
Canada. Cộng đồng người Việt ở các nơi cần vận động nhau nhập cuộc và cũng
không quên kêu gọi bạn bè Canada ủng hộ, nhất là ở những tỉnh bang ít người
Việt như Manitoba, Newfoundland and Labrador, Nova Scotia và Saskatchewan. Tuy
thời hạn để tham gia ký tên được ghi là 11 tháng 5, 2017, các mốc điểm quan
trọng sẽ xảy ra vào tháng 2 và tháng 3 tới đây, như đã trình bày ở trên.
Mặt khác, BPSOS đang kêu gọi Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ, một mạng
lưới bao gồm các tổ chức tôn giáo và tổ chức xã hội dân sự ở Hoa Kỳ, phối hợp
với những tổ chức tôn giáo Canada để vận động trực tiếp văn phòng Thủ Tướng
Trudeau. Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ, mà BPSOS là thành viên, đã góp phần quan
trọng trong tiến trình vận động Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Hoa Kỳ.
Tại sao cần Luật Sergei
Magnitsky cho Canada?
Canada là một nơi chốn lý tưởng cho các giới chức chính quyền độc
tài giấu của. Trong vụ tham nhũng 230 triệu Mỹ kim mà Ls. Sergei Magnitsky
phanh phui năm 2008, chính quyền Canada đến nay đã truy ra 13 triệu Mỹ kim được
chuyển qua Canada. Chính vì phanh phui vụ tham nhũng lớn này mà Ls. Magnitsky
đã bị chính phủ Nga bắt giam và tra tấn đến chết. Lúc ấy, Ls. Magnitsky đang là
tư vấn pháp lý cho công ty đầu tư Hermitage Capital Management của Ông
Brill Browder.
Sau khi Hoa Kỳ thông qua luật Magnitsky Toàn Cầu thì Canada sẽ là
mục tiêu duy nhất ở Bắc Mỹ để các giới chức chính quyền độc tài và tham nhũng
chuyển của để dọn đường ẩn náu khi hữu sự. Các giới chức Việt Nam không là
ngoại lệ, nhất là những ai có thể bị trừng phạt bởi Hoa Kỳ. Luật Sergei
Magnitsky ở Canada sẽ biến toàn thể Bắc Mỹ thành nơi không dung chứa các thủ
phạm đàn áp nhân quyền. Và những giới chức nào đã chuyển của và đưa thân nhân
đến Hoa Kỳ và Canada sẽ là cá nằm trên thớt.
Việc phong toả các thủ phạm đàn áp nhân quyền không giới hạn ở Bắc
Mỹ. Ông Browder cùng với nhiều tổ chức nhân quyền đang vận động rất mạnh ở
nhiều quốc gia Âu Châu. Estonia, một quốc gia nhỏ sát cạnh Nga, đã là quốc gia
đầu tiên ban hành luật Magnitsky Toàn Cầu, trước Hoa Kỳ 1 ngày. Tuy luật
Magnitsky ở Estonia không có biện pháp đóng băng tài sản, biện pháp cấm visa
của nước này lại có ảnh hưởng rộng khắp Âu Châu – khi một cá nhân bị Estonia từ
chối visa thì cũng tự động bị từ chối nhập cảnh vào 25 nước Âu Châu khác trong
Hiệp Ước Schengen, là hiệp ước về mở cửa biên giới.
Quốc Hội Anh ngay lúc này đang tranh luận về dự luật Magnitsky
Toàn Cầu và sẽ biểu quyết nội trong mùa Xuân năm nay. Tháng tới, Quốc Hội Na Uy
sẽ triệu tập buổi điều trần về sự cần thiết của Luật Magnitsky Toàn Cầu. Tôi
tin rằng Luật Magnitsky Toàn Cầu sẽ lan rất nhanh ra toàn khối Liên Âu vì khối
này đã có biện pháp chế tài các thủ phạm Nga đằng sau cái chết của Ls.
Magnitsky. Nới rộng nó ra toàn cầu là bước đương nhiên.
Tuần rồi, Dân Biểu Dean Macpherson của Quốc Hội Nam Phi cho biết
Ông sẽ đưa vào Quốc Hội của quốc gia này dự luật Magnitsky Toàn Cầu tương tự
như ở Hoa Kỳ. Tôi tin tưởng rằng chẳng bao lâu, Luật Magnitsky Toàn Cầu sẽ lan
đến hầu hết các quốc gia dân chủ trên thế giới, do ảnh hưởng tương tác: quốc
gia dân chủ nào không có Luật Magnitsky sẽ bị mang tiếng cố tình dung chứa thủ
phạm đàn áp nhân quyền và chứa chấp các tài sản vấy máu. Điều này tương tự như
cuộc truy nã toàn cầu các thủ phạm Đức Quốc Xã sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Trong bối cảnh ấy, vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu chính là
cơ hội để cộng đồng người Việt tị nạn khắp thế giới hoà nhập vào phong trào
nhân quyền toàn cầu. Ở Canada BPSOS đã giới thiệu Nhóm Thanh Niên Tranh Đấu cho
Nhân Quyền tại Việt Nam với các cộng đồng người Canada gốc Đông Âu để phối hợp
hành động trực tiếp với nhau. Chúng tôi cũng sẽ làm như vậy ở một số quốc gia
Âu Châu.
Sự phối hợp toàn cầu này không dừng ở giai đoạn vận động mà tạo
nền tảng cho sự hợp tác dài lâu. Các hồ sơ mà chúng tôi nộp cho Quốc Hội và Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ được chuyển cho các tổ chức bạn ở những quốc gia đã ban
hành Luật Magnitsky để nộp cho cho chính quyền của họ. Như vậy, chúng ta
sẽ có cơ hội phong toả các thủ phạm đàn áp nhân quyền ở hầu hết các quốc gia
trong thế giới tự do.
Từ đối phó, chúng ta đang từng bước dành thế chủ động trên sân
chơi quốc tế, nơi mà luật chơi được hình thành do chính chúng ta vận động, và
rồi chính chúng ta là trọng tài huýt còi những thủ phạm để bị trừng phạt. Trong
sân chơi quốc tế, thủ phạm đàn áp nhân quyền bị đẩy vào thế bị động.
Cuộc vận động cho Luật Sergei Magnitsky ở Canada là một mắt xích
quan trọng trong sách lược chuyển thế này.
Bài liên quan:
Hãy hưởng ứng cuộc vận
động Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Canada
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1180-2017-01-15-01-49-25.html
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1180-2017-01-15-01-49-25.html
Kêu gọi vận động luật
Magnitsky ở Canada
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1180-2017-01-15-01-49-25.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1180-2017-01-15-01-49-25.html
Để khai dụng các biện
pháp trừng phạt trong luật nhân quyền của Hoa Kỳ
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1182-2017-01-22-03-36-58.html
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1182-2017-01-22-03-36-58.html