Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

2173. PHỐI HỢP TRONG NGOÀI ĐÚNG VIỆC, ĐÚNG CÁCH ĐỂ ĐƯA KẺ VI PHẠM VÀO LUẬT CHẾ TÀI...


TS. Nguyễn Đình Thắng: Quan chức VN sẽ bị chế tài nhân quyền theo cách nào?

. Việt Nam Thời Báo. Hàn Giang.
(VNTB) - Khi mà những cá nhân bị như vậy thì chỉ cần một người bị thôi sẽ tạo ra sự rúng động ở trong hàng ngũ của chính  họ, không ai muốn mình trở thành nạn nhân như người bị trừng phạt và cũng chẳng mấy ai dám gần với người bị trừng phạt nữa khi đã bị nêu tên là thủ phạm theo luật của Hoa Kỳ.




   Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nhân vật trong bài phỏng vấn (ảnh: Facebook Huan Ton)



Tổng thống Hoa Kỳ ông Barack Obama hôm thứ Sáu 23/12/2016 vừa qua, đã ký vào Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) áp dụng các biện pháp chế tài trên toàn thế giới và cho phép áp đặt lệnh trừng phạt tất cả những cá nhân đã tham gia các hoạt động tham nhũng và vi phạm nhân quyền, kể cả các quan chức Việt Nam. Là một người Hoa Kỳ gốc Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài nhưng luôn quan tâm và tranh đấu cho vấn đề Nhân quyền ở Việt Nam được tốt đẹp hơn.
Tiến sĩ (TS.)Nguyễn Đình Thắng nguyên là chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành tổ chức "Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS)" cho rằng; việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky là minh chứng cho một thắng lợi rất lớn mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc đấu tranh vì Nhân quyền ở Việt Nam được tốt hơn.


Một câu hỏi đặt ra là Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giới quan chức cầm quyền và phong trào đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam?


Việt Nam Thời Báo đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Đình Thắng xoay quanh những vấn đề liên quan đến câu hỏi trên và có thêm những chia sẻ thêm khác.


PV.VNTB: Thưa TS.Nguyễn Đình Thắng! Trước tiên ông có thể dẫn chứng vài thắng lợi ban đầu mà phong trào đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam thấy được khi Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua?

TS. Nguyễn Đình Thắng: Cái thắng lợi dễ thấy nhất là bây giờ đã có thêm một công cụ để giúp mình nhằm đối phó lại sự đàn áp nhưng đã là công cụ thì phải sử dụng chứ không phải để nó tự giải quyết vấn đề cho mình. Mình có một công cụ lợi hại, hiệu quả thì mình phải sử dụng. Có một sự thay đổi rất quan trọng là thế này, trước khi có Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ này ra đời thì ở Việt Nam, chế độ cầm quyền hoàn toàn khống chế người dân, người dân không làm được gì cả, hoàn toàn bị động và đối phó. Chính quyền kiểm soát “sân chơi” ở trong nước, họ nắm tất cả các quyền sinh sát đối với người dân. Tiếp nữa là, chính quyền cũng là người đặt ra “luật chơi”, những luật có thể nói là nó đi ngược với những tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế mà chẳng ai làm gì được, hoặc có những luật mà họ đặt ra mới nghe có vẻ giống như tuân thủ theo những điều kiện nhân quyền quốc tế nhưng họ lại áp dụng một cách tùy tiện. Và rồi chính quyền họ cũng đóng vai “trọng tài”, có nghĩa họ là người quyết định trừng phạt bất chấp có luật hay không có luật thì họ vẫn làm theo cái lý của họ, vì vậy người dân hoàn toàn bị động, là nạn nhân.


Tuy nhiên, với Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ này thì chúng tôi đã chuyển toàn bộ, tức là đưa “sân chơi” ra ngoài này. Lý do là chính quyền Việt Nam, nói một cách tổng thể cũng vẫn phải nương tựa vào Hoa Kỳ, vẫn đang cầu cạnh vào Hoa Kỳ, vẫn đang trông chờ vào những lợi ích từ mậu dịch, từ quốc phòng, từ địa chính trị cho đến những hợp tác, hỗ trợ, viện trợ... từ phía Hoa Kỳ thành ra họ không thể không dấn thân vào “sân chơi” này. Và “sân chơi” này mà chúng tôi là những người ở bên ngoài vẫn có thể tham gia chơi, vẫn có thể chủ động được. Tiếp nữa là “luật chơi” này là do luật pháp Hoa Kỳ ấn định chứ không phải do chính quyền Việt Nam, người ta vừa có “luật chơi” mới vừa có thể trừng phạt những thủ phạm đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng hoặc là cưỡng đoạt tài sản, bất động sản của người dân, hoặc là tham nhũng xong rồi đi trừng trị những ai phanh phui những sai phạm của mình, đây là “luật chơi” của Hoa Kỳ đặt ra trong “sân chơi” này. Và chúng ta có thể tự biến mình thành "trọng tài" chỉ ra những sai phạm của thủ phạm đặng yêu cầu luật pháp Hoa Kỳ trừng phạt. Chữ “có thể” ở đây tôi muốn nói là chúng ta nếu có năng lực đủ thì mới dùng được cái khí cụ mới này.                      



PV.VNTB: Theo ông thì Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của giới công an và quan chức ở Việt Nam?

TS. Nguyễn Đình Thắng: Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ này có thêm phần thứ hai mà tôi chưa nói là ngoài chế tài tập thể ra thì còn có phần chế tài cá nhân. Đương phạm, những thủ phạm đàn áp nhân quyền là những cá nhân có thể bị chế tài, trừng phạt bằng hai cách. Cách thứ nhất, chính các đương sự không được đặt chân đến Hoa Kỳ, kể cả trường hợp đi công vụ, bởi vì khi tên tuổi của mình bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh Hoa Kỳ thì không thể đến Hoa Kỳ được, ngoại trừ Tổng thống Hoa Kỳ làm một “đặc miễn” và phải giải thích trước Quốc hội Hoa Kỳ là tại sao phải làm “đặc miễn” cho những thủ phạm như vậy.


Cách thứ 2 là đóng băng tài sản, chúng ta thường biết nhiều giới chức ở các quốc gia có thể chế độc tài kể cả Việt Nam họ là những người đàn áp nhân quyền thật mạnh thì họ cũng đồng thời là người tham nhũng lớn và họ thường hay gửi những của cải, “của chìm của nổi” sang giấu ở những quốc gia tự do dân chủ, nơi có nền kinh tế bảo đảm, ổn định, chứ họ ít khi gửi tài sản vào các gia như Trung Quốc, Nga, Irac, Bắc Triều Tiên... bởi khả năng họ bị cướp tài sản lúc nào không hay. Họ cướp của dân nhưng họ muốn giấu vào những chổ an toàn. Mà ở Hoa Kỳ nếu áp dụng chế tài trong Đạo luật nhân quyền toàn cầu Magnistky thì việc chuyển của cải của họ như “cá nằm trên thớt”. Đây là biện pháp trừng phạt rất hiệu quả đối với đích thân những cái nhân, và khi mà những cá nhân bị như vậy thì chỉ cần một người bị thôi sẽ tạo ra sự rúng động ở trong hàng ngũ của chính  họ, không ai muốn mình trở thành nạn nhân như người bị trừng phạt và cũng chẳng mấy ai dám gần với người bị trừng phạt nữa khi đã bị nêu tên là thủ phạm theo luật của Hoa Kỳ. Và nếu như những vụ đàn áp còn có yếu tố về tự do tôn giáo hoặc niềm tin tín ngưỡng nữa thì ngay cả thân nhân như vợ chồng, con cái của những đương sự cũng phải bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ hoặc đang ở Hoa Kỳ sẽ bị trục xuất. Đây là những biện pháp nhắm vào những cá nhân vi phạm rất hiệu quả và rất là mạnh mẽ                                         
  

PV.VNTB: Đặt trường hợp giới công an và quan chức Việt Nam tham nhũng, vi phạm nhân quyền không đặt chân đến Hoa Kỳ cũng như không gửi tài sản của cải ở Hoa Kỳ mà họ thực hiện ở một nước thứ ba nào đó. Vậy theo ông thì Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ này có hiệu lực chế tài đối với họ ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ hay không?

TS. Nguyễn Đình Thắng: Nó có những khía cạnh như thế này. Thứ nhất là ở khía cạnh tâm lý, một khi đương sự là những quan chức nói chung bị nêu tên vào danh sách thủ phạm đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng của Hoa Kỳ thì cái danh sách này ở các quốc gia khác đều biết. Thành ra những quan chức này nếu nói ở trong nước thì họ có thể hoặc tiếp tục hùng hổ chứ trong mắt quốc tế họ là những thủ phạm, đây là đòn tâm lý rất quan trọng. Ví dụ như một số nhà độc tài ở bên Trung Đông chẳng hạn, mặc dù lúc đó họ còn đương quyền nhưng mà đối với quốc tế, trong con mắt của thế giới tự do họ là những thủ phạm. Thứ hai Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ này đang có hiệu ứng lan tỏa, lan rộng đến các quốc gia khác. Lý do: nếu như Hoa Kỳ thông qua Đạo luật này mà Canada không thông qua thì có nghĩa là những kẻ độc tài đàn áp, vi phạm nhân quyền trốn sang Canada, chuyển của cải tham nhũng sang Canada thì người dân và chính quyền Canada mang tiếng là một quốc dân chủ, tự do và tôn trọng nhân quyền nhưng lại chứa chấp, biến mình thành một chổ để chuyển của cải cho những tên độc tài vi phạm nhân quyền trầm trọng. Do đó, hiện nay tôi được biết có một Đạo luật tương tự gần như giống đến 90%  Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky của Hoa Kỳ đang nằm trong Quốc hội Canada, ở một số quốc gia bên Châu Âu cũng vậy và một số quốc gia ở những nơi khác như quốc gia Estonia nhỏ bé cũng đã ban hành Đạo luật giống Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky của Hoa Kỳ nhưng chỉ có chế tài cấm nhập cảnh chứ không có phần đóng băng tài sản, lý do Estonia là một quốc gia nhỏ, không có mấy người chuyển của cải sang Estonia, nhưng một khi Estonia cấm nhập cảnh thì nó có hiệu lực đến 26 quốc gia trong Công ước chung về vấn đề Visa phần lớn là những quốc gia Liên minh Châu Âu. Bản thân chúng ta nếu có hồ sơ vận động ở Hoa Kỳ thì chúng tôi cũng dễ dàng vận động Chính phủ Estonia chấp nhận hồ sơ đó, thành ra sức lan tỏa của Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky của Hoa Kỳ hiện nay là rất mạnh. Tôi tin rằng, trong vài năm tới đây cái áp lực quốc tế sẽ thúc đẩy nhiều quốc gia khác cũng phải thông những Đạo luật giống như Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky của Hoa Kỳ.                
  

PV.VNTB: Có dư luận nói rằng khi Tổng thống Donald Trump mới đắc cử lên nắm quyền ở Hoa Kỳ thì Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky này sẽ trở thành như mớ "giấy vụn ", ông hiện là một công dân Hoa Kỳ vậy ông thấy nguồn dư luận này có đúng hay không?

TS. Nguyễn Đình Thắng: Ở đây tôi muốn giải thích kỹ hơn một chút bởi có nhiều người trong nước chưa hiểu hệ thống làm các chính sách của Hoa Kỳ, thành ra cứ đinh ninh rằng đây là Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky này do Tổng thống Barack Obama ký là ban hành và đây là kế hoạch của ông Obama, nhưng thực ra không phải. Đạo luật Nhân quyền toàn cầu Magnistky Hoa Kỳ là do các dân biểu và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã thúc đẩy từ 4 năm nay. Bây giờ nó đã thành công và cả Hạ viện lẫn Thượng viện ở Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ một cách áp đảo trong tổng số phiếu, thành ra Tổng thống Obama chỉ có một cách là ký thôi, ký ban hành chỉ là thủ tục chiếu lệ. Tổng thống Obama không thể không ký bởi khi mà một Viện của Quốc hội thôi mà thông qua với tỷ số quá 2/3 phiếu, tức là chiếm đa số thì Tổng thống bắt buộc phải ký ban hành. Do đó trong nước nhiều người đã không hiểu, đã có tờ báo hay trang mạng nào đó ở trong nước nói đây là cú ngoạn mục cuối cùng của Tổng thống Obama để vớt vác trước khi rời khỏi nhiệm sở và sau đó là Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lên nắm quyền sẽ xóa bỏ, xé thành "giấy vụn" thì điều này là không phải. Luật quốc gia Hoa Kỳ do Quốc hội Hoa Kỳ ấn định và tất cả đời Tổng thống Hoa Kỳ đều phải chấp hành và tuân thủ.                                       
  

PV.VNTB: Một câu hỏi cuối và cũng là câu hỏi liên quan đến công cuộc đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam. Thưa TS. Nguyễn Đình Thắng, để biến Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ trở thành một công cụ đấu tranh hữu hiệu về mặt nhân quyền tại Việt Nam thì theo ông, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam tối thiểu phải làm những công việc gì?
  
TS. Nguyễn Đình Thắng: Có hai yếu tố rất quan trọng tôi nghĩ nếu chúng ta đạt được thì nó sẽ tăng hiệu quả của công cuộc đấu tranh lên rất nhiều. Yếu tố thứ nhất là phải “chuyên”, các nhà tranh đấu ở trong nước thường tham gia nhiều lĩnh vực nhưng mà ở một thế giới càng ngày càng phát triển, ở bên ngoài thì họ có những lĩnh vực rất chuyên môn. Tôi ví dụ ở lĩnh vực tự do tôn giáo hay niềm tin tín ngưỡng, cái định nghĩa của nó thì rất dài mà chưa kể phải sử dụng được những cơ chế của Liên Hiệp Quốc, luật pháp của Hoa Kỳ hay luật pháp của những quốc gia khác... nói chung là phải đi rất chuyên. Rồi vấn đề thu thập thông tin, xảy ra một vụ đàn áp thì mình phải xử lý theo đúng tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc và mình phải hiểu nó, phải thực tập, phải chuyên về một lĩnh vực.


Vậy thì trong số người đấu tranh trong nước tôi thấy thay vì ai cũng làm việc giống ai hết thì tôi đề nghị nên chuyên môn hóa các lĩnh vực như: Nhân quyền, Tự do Tôn giáo hay Niềm tin tín ngưỡng, chống tra tấn, quyền phụ nữ, quyền lập Hội... Yếu tố thứ hai: tập hợp lại thành những tổ chức có định chế rõ ràng, người trong nước tại vì chưa hoặc không có cơ hội học cách thiết lập một tổ chức cho nên hiểu không đầy đủ thế nào là một tổ chức. Một nhóm người ngồi lại với nhau ta hình dung như một số viên gạch ta xếp ngay hàng thẳng lối như vậy chỉ là những viên gạch mà thôi, chứ một tổ chức thì khi nào chúng ta biến những viên gạch ấy thành những công trình kiến trúc như là một nhà thờ, một hội thánh, như trường học... như vậy mới thật sự là tổ chức. Có nghĩa là có những mối tương quan ràng buộc với nhau, có những chức năng, những bộ phận rất chuyên môn ở trong một tổ chức nhưng lại có liên đới hữu cơ với nhau. Nó có những quy tắc của một tổ chức, trong nước tôi thấy chưa có một tổ chức vận hành như vậy mà một khi chưa có tổ chức thì rất khó mà vận hành, lỡ một người bị nguy hiểm thì không có ai khác để tiếp nối công việc, lên tiếng và bảo vệ, báo cáo cho mình, cũng rất khó để làm việc với đối tác quốc tế. Đối tác quốc tế luôn luôn hoạt động theo tổ chức, họ không thể làm việc hay đối tác với một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân như những viên gạch nằm song song với nhau được, mà họ chỉ đối tác với một tổ chức trong nước dù tổ chức này không được chính quyền công nhận nhưng mà vẫn phải là một tổ chức.


Và chúng ta cần phải ở trong và ngoài phối hợp, ở trong thì có thông tin những vụ đàn áp nhưng làm sao chuyển thông tin ấy đi thì lại phải đi qua những tổ chức ở ngoài này, đặc biệt là những tổ chức Nhân quyền quốc tế hoặc các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các cơ quan của Chính phủ các nước khác ... phải trong và ngoài nối kết thì lúc đó mới tận dụng được những Đạo luật như Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky của Hoa Kỳ vừa mới ban hành.





VNTB cám ơn những chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Thắng.