Trang

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

2163. CÔNG AN ĐÃ THẤT BẠI...

VNTB- Bình Định: Nhiều dấu hiệu công an vừa đánh chết người vừa xâm phạm quyền tự do báo chí

. Việt Nam Thời Báo.
Trần Thành - Thảo Vy
(VNTB) - Trước sức ép của nhà chức trách, công dân Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1983, nhà ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định buộc lòng phải viết lời ‘xin lỗi’ và đưa hình ảnh tờ giấy học trò có lời xin lỗi này lên trang facebook của mình. Có dấu hiệu cơ quan công an tỉnh Bình Định đã vi phạm vào điều 10 của Luật Báo chí 2016 vừa chính thức hiệu lực từ ngày 1-1-2017. 



   Công dân Nguyễn Thị Thắm (Ảnh cắt từ Video). 


Quyền của công dân
Ngày 4-1, Cơ quan pháp y của tỉnh Bình Định đã có kết luận khám nghiệm tử thi ông Phạm Đặng Toàn (29 tuổi, ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước). Ông Toàn được người dân phát hiện tử vong trước một nhà dân sau khi tổ tuần tra Công an huyện Tuy Phước triệt phá sòng bầu cua ở khu vực chợ Định Thiện (xã Phước Quang).
Theo cơ quan chức năng, ông Phạm Đặng Toàn tử vong là do chạy quá sức dẫn đến không đủ oxy cung cấp cho phổi, phổi không cung cấp được oxy cho não dẫn đến phù phổi, phù não; hoàn toàn không có dấu vết của tác động ngoại lực.
Trước đó, khi chứng khiến cảnh người dân phát hiện ông Toàn tử vong, công dân Nguyễn Thị Thắm đã dùng điện thoại để ghi lại trực tiếp từ hiện trường và đăng tải toàn bộ lên trang facebook của mình. Clip không được xử lý biên tập, phản ánh theo thực tế diễn biến xảy ra thời điểm đó, bao gồm cả những lời cáo buộc của những người dân nơi đây về việc có hai công an viên đã đưa đến tử vong của nạn nhân.
Chiều 3-1, cơ quan công an Bình Định kết luận clip này của công dân Nguyễn Thị Thắm đã bị bình luận xuyên tạc sai sự thật, và được chia sẻ trên mạng xã hội, gây hiểu lầm.
Ở đây có dấu hiệu cơ quan công an tỉnh Bình Định đã vi phạm vào điều 10 của Luật Báo chí 2016 vừa chính thức hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Theo điều luật này, việc ghi nhận thông tin trung thực, không biên tập ‘cắt – cúp – dàn dựng’ của người ghi nhận hình ảnh ngay tại nơi xảy ra vụ việc, là hành vi được bảo hộ của “Quyền tự do báo chí của công dân”.
Xét về mặt tố tụng hình sự, thì clip của công dân Nguyễn Thị Thắm có thể được coi là chứng cứ của vụ án (trường hợp khởi tố vụ án chết người này), vì đã có đủ ba thuộc tính sau: Thứ nhất, tính khách quan. Nội dung clip là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết thời điểm đang xảy ra.Thứ hai, tính liên quan. Nội dung clip có mối quan hệ trực tiếp, hoặc gián tiếp với vụ án; có tính nhân quả, tức là chứng cứ ở đây là kết quả của một loại hành vi, hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này.
Thứ ba, tính hợp pháp. Tất cả những gì nội dung trong clip là có thật. Còn yếu tố “phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định”, thì lại tùy thuộc vào cơ quan tố tụng có muốn nhìn nhận clip này là một chứng cứ hay không, bởi dường chừng nội dung clip mà công dân Nguyễn Thị Thắm ghi nhận, có nhiều tình tiết ‘không có lợi’ cho một vài nhân vật nào đó trong ngành công an.


Không có luật là không có tội
Lá thư xin lỗi trên giấy tập học trò của công dân Nguyễn Thị Thắm đã đặt ra một câu hỏi: “Căn cứ vào đâu để nói rằng đó là một lỗi cần được bỏ qua?”.






Trong Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, có đưa ra nguyên tắc “không có luật là không có tội” buộc các cơ quan lập pháp là nếu thực tiễn phát sinh quan hệ mới cần xử lý hình sự thì cần phải quy định tội. Nguyên tắc này không cho phép suy diễn. Một hành vi mà luật không quy định tội danh, hình phạt thì không được suy diễn, đem một tội tương ứng ép vào để xử lý.
Trong mọi trường hợp, nếu một người thực hiện một hành vi, mà hành vi đó còn ý kiến khác nhau về việc định tội, hay lỗi thì phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho người có hành vi đó, tức là không được kết tội, hay lỗi người có hành vi đó.
Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam lâu nay là “tố tụng thẩm vấn”, chứ không phải là “tố tụng tranh tụng”, mọi diễn biến vụ việc/ vụ án đã được “viết lại” bằng hồ sơ vụ việc/ vụ án. Khi đọc hồ sơ, người tiến hành tố tụng đã bị chi phối bởi các tình tiết của vụ việc/ vụ án được “tường thuật”, mà các tình tiết này có thể là sự thật, và cũng có thể không phải là sự thật. Tư duy của người tiến hành tố tụng đã hằn vào tâm trí là: bị can, bị cáo là người có tội.
Cụ thể trong trường hợp của nạn nhân Phạm Đặng Toàn, cơ quan công an mặc định là những người chơi bầu cua là cờ bạc (nói thêm, đây là trò chơi dân gian phổ biến dịp Tết nguyên đán và thường kéo dài đến rằm tháng Giêng) cần phải bắt giữ, bất chấp chuyện giá trị tài sản cho lần lắc bầu cua đó của từng cá nhân tham gia có phải từ 5 triệu đồng/ người trở lên hay không (quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015). Chính điều đó dẫn tới việc các công an đã hùng hổ truy đuổi (chưa rõ có dùng vũ lực hay không), đưa tới cái chết của nạn nhân Phạm Đăng Toàn.

Một hình ảnh ghi nhận nạn nhân và hai viên công an Bình Định bị người dân bắt phải quỳ tế trước xác nạn nhân.




Vụ việc xem ra vẫn chưa dừng lại khi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đánh tiếng là hiện đang củng cố hồ sơ để xử lý việc bà Nguyễn Thị Thắm đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.