Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

2156. Chương trình huấn luyện và công cụ hỗ trợ.


Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 31 tháng 12, 2016
Tin tức về 2 đạo luật bảo vệ nhân quyền mới được ban hành ở Hoa Kỳ đang tạo niềm phấn khởi cho nhiều người Việt ở trong và ngoài nước. Không ít người đã hỏi tôi, làm cách nào để vận dụng các luật này lên Việt Nam? Bài viết này nằm trong loạt bài hướng dẫn cách vận dụng luật trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các thủ phạm đàn áp nhân quyền.
Muốn vận dụng luật trừng phạt thì đối với mỗi vụ vi phạm nghiêm trọng, chúng ta phải đi qua 4 công đoạn:

(1)    Thu thập và phối kiểm thông tin thô về vụ vi phạm, với đầy đủ yếu tố để xác định mức nghiêm trọng;
(2)    Thực hiện bản báo cáo theo tiêu chuẩn và thể thức theo quy định của Liên Hiệp Quốc;
(3)    Vận động các vị dân cử Liên Bang Hoa Kỳ chuyển hồ sơ (sau khi đã đươc dịch sang tiếng Anh) trực tiếp đến Tổng Thống hay qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ;
(4)    Vận động Hành Pháp Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chế tài tương thích với mỗi hồ sơ đã được xác nhận.
Cả 4 công đoạn này gắn kết với nhau, thiếu một là không thể thành công. Muốn thực hiện cả 4 thì chúng ta phải có sự đồng bộ giữa trong và ngoài nước  Một công thức để tạo sự đồng bộ này là “nhóm kết nghĩa” mà tôi đã từng trình bày trước đây. Một cách tóm tắt, từng nhóm nhỏ người Việt ở hải ngoại “kết nghĩa” với một cộng đồng (hay tổ chức có nhân sự và quy củ tương đương với một cộng đồng) để:
(1)    Cung cấp phương tiện cho cộng đồng ấy phát triển khả năng thực hiện các công đoạn 1 và 2;
(2)    Tự mình thực hiện hay tiếp tay với BPSOS trong cộng đoạn 3 và 4.
Từ 3 năm qua BPSOS đã áp dụng công thức này với 20 cộng đồng ở trong nước và các nhóm kết nghĩa tương ứng.  Chúng tôi vừa giúp cho cộng đồng ở trong nước phát triển nội lực, vừa hướng dẫn các nhóm kết nghĩa cách kết nghĩa sao cho hiệu quả.
Về mặt tạo nội lực cho các cộng đồng ở trong nước, từ đầu năm 2014 BPSOS đã cùng với 2 tổ chức nhân quyền ở Anh và Đức thực hiện các chương trình huấn luyện ở nhiều cấp. Đến nay 800 người thuộc 20 cộng đồng và tổ chức đã qua các chương trình huấn luyện này. Trên 100 bản báo cáo do họ thực hiện đã được chuyển đến nhiều cơ quan LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao Canada, và nhiều cơ quan chính quyền Liên Âu.
Chương trình huấn luyện gồm 3 cấp như sau:
(1)    Cấp căn bản: Chúng tôi đào tạo số đông thành viên của cộng đồng về khái niệm căn bản về các  nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đã cam kết với quốc tế, hướng dẫn họ thực thi quyền của mình, và thu thập và phối kiểm  thông tin thô mỗi khi xảy ra vi phạm nhân quyền.
(2)    Cấp báo cáo viên: Chúng tôi đào tạo một số thành viên có năng lực trong mỗi cộng đồng về cách biên soạn một bản báo cáo theo tiêu chuẩn và thủ tục của LHQ, dựa trên những thông tin thô do những thành viên khác cung cấp. Sau phần huấn luyện, học viên thực tập viết báo cáo trên một số vụ vi phạm thực tế.
(3)    Cấp giảng viên: Chúng tôi đào tạo một số nhân sự chuyên huấn luyện cho những người khác, đặc biệt cho thành viên trong chính cộng đồng của họ. Đây là cách để tạo hiệu ứng “vết dầu loang”.
Đối tượng hàng đầu của chương trình huấn luyện là các cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng sắc dân bản địa đang bị đàn áp. Chúng tôi chọn đối tượng là các cộng đồng vì lý do đơn giản: công đoạn 1 và 2 đòi hỏi một đội ngũ nhân sự hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với nhau; khi một người bị đàn áp thì lập tức có người khác lập hồ sơ báo cáo, hoặc nếu nhân chứng chỉ có thể cung cấp thông tin thô thì đã có sẵn người có năng lực trong cộng đồng để viết lại thành bản báo cáo. Những cá nhân hoạt động rời rẽ không thể làm được điều này, trừ khi họ tập hợp lại thành các tổ chức có định chế và quy củ.
Các tổ chức có định chế và quy củ là đối tượng thứ hai của chúng tôi. Trong 3 năm qua chúng tôi có chương trình yểm trợ và huấn luyện về phát triển nội lực cho một số tổ chức đi chuyên về một số lĩnh vực nhân quyền đặc thù (quyền phụ nữ, quyền tự do tôn giáo hay niềm tin, chống tra tấn, quyền của người bản địa…). Ngoài chương trình huấn luyện ở 3 cấp như kể trên, chúng tôi còn cung ứng khoá đào tạo kéo dài 1 năm về cách thức và quy tắc để hình thành và phát triển một tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa; chúng tôi đang thu gọn lại một số tài liệu dùng trong chương trình này trước khi phổ biến.
Ngay trước mắt, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về cách thực hiện các công đoạn 1 và 2, chúng tôi nay phổ biến một số tài liệu huấn luyện cấp căn bản: http://dvov.org/cac-khoa-dao-tao-ngan-han/.
Vì cấp báo cáo viên đòi hỏi thực tập dưới sự kiểm tra của người có kinh nghiệm, cho nên không thể học “hàm thụ”. Thay vào đó, tôi xin giới thiệu trang mạng vừa được công bố bởi Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam. Trang mạng này cung cấp khung sườn mẫu cho việc thực hiện một bản báo cáo về hành vi tra tấn, bạo hành, ngược đãi hay hạ thấp nhân phẩm bởi công an: http://endtorturevn.org/replist.php?&L=vi&M=12&type=0. Báo cáo vi phạm trong các lĩnh vực khác cũng theo thể thức tương tự.
Để vận dụng hiệu quả các biện pháp trừng phạt trong luật Hoa Kỳ, tôi khuyến khích các cộng đồng tôn giáo hay sắc dân bản địa ở trong nước hãy đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ nhân sự rành rẽ về báo cáo vi phạm. Tôi cũng kêu gọi những người hoạt động nhân quyền sớm tập hợp lại thành những tổ chức đúng nghĩa: vận hành theo định chế, hoạt động có quy củ và bao gồm những bộ phận với chức năng chuyên biệt nhưng liên đới với nhau một cách hữu cơ.
Cuối cùng, tôi kêu gọi các người Việt ở hải ngoại thay vì hành động theo cách dàn trải và chạy theo sự kiện nhất thời, thì hãy tập trung yểm trợ một cách bền lâu cho từng cộng đồng hay tổ chức xã hội dân sự ở trong nước qua công thức nhóm kết nghĩa.
Bài liên quan:
Cách Thức Báo Cáo Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo và Tín Ngưỡng Với Quốc Tế
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2734
"Nhóm kết nghĩa": Công thức để gieo mầm dân chủ cho Việt Nam
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1159-2016-11-26-23-17-36.html
Video: https://www.youtube.com/watch?v=OXE5o_QTtQc
Chống Tra Tấn: Một Mũi Nhọn Nhân Quyền
http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2723