Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

2137. Niềm vui cuối năm cho những tâm hồn bé bỏng.


       Những gói quà tình nghĩa cho trẻ em tị nạn
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 23 tháng 12, 2016
Khoảng 300 trẻ em Việt ở Thái Lan vừa có được niềm vui của tuổi thơ ngây trong mấy ngày cuối năm và tạm quên nỗi nhọc nhằn của đời sống tị nạn.
Theo thông lệ, mỗi cuối năm các thành viên và thiện nguyện viên của văn phòng BPSOS ở Thái Lan chia nhau đem quà đến cho trẻ em tị nạn sống ở những vùng ngoại ô nghèo khó quanh thủ đô Bangkok. Năm nay cũng vậy, các em đã được phát bánh kẹo và đồ chơi mà các anh chị thiện nguyện đã cần cù bọc lại với giấy gói mầu sắc rực rỡ. Họ gói ghém trong đó cả tấm lòng thương cảm cho những thân phận nhỏ bé, ngây thơ mà đã phải sống cảnh lưu lạc xa quê, xa xứ.

Đối với nhiều thiện nguyện viên đến từ thế giới tự do, thăm viếng các gia đình tị nạn là một kinh nghiệm “mở mắt”.  Họ sửng sốt trước cảnh cơ cực và gian nan của đời sống tị nạn, cơ cực và gian nan hơn nhiều so với kinh nghiệm của các thuyền nhân trước kia. Không còn nữa các trại tị nạn dưới sự bảo vệ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Không còn nữa sự quan tâm và chú ý của quốc tế -- và phần lớn người Việt ở hải ngoại cũng chẳng ngờ rằng giờ này vẫn còn người Việt phải bỏ nước đi tị nạn.
Trong lần phát quà năm nay, các thành viên của BPSOS cùng với thiện nguyện viên đến từ Úc và Mỹ đã chia thành 3 toán chia nhau đi thăm các cộng đồng người Việt tị nạn. Phần lớn số 1000 người tị nạn này sống chen chúc trong các xóm nghèo, nằm ngoài thủ đô Bangkok; mỗi xóm có vài chục gia đình người tị nạn tụ lại để tới lui hỗ trợ nhau. Các nhóm ấy ở cách nhau và cách văn phòng BPSOS từ 1 đến 2 tiếng và phải vận chuyển bằng nhiều phương tiện: xe buýt, xe điện và xe taxi.
Các trẻ em tị nạn nhận quà của các cô chú bác ở Oklahoma City, ngày 19/12/2106 (ảnh BPSOS)
Toán thứ nhất gồm có cô Janny Dương, ở Perth, Úc Châu, cùng với cô Lei, nhân viên người Thái của BPSOS, đến thăm các trẻ em thuộc các gia đình Phật tử Khmer Krom. Hôm trước, họ đã cặm cụi gói mấy chục gói quà trong giấy bọc màu mè và hấp dẫn. Cô Janny là sinh viên đại học và đang dành mấy tuần nghỉ cuối năm để tình nguyện giúp thông dịch tại văn phòng của BPSOS.
Janny và Lei đang gói quà cho các trẻ em tị nạn, ngày 22/12/2016 (ảnh BPSOS)
Toán thứ hai gồm 2 cô luật sư, một Thái và một Anh Quốc, thuộc văn phòng pháp lý của BPSOS; họ đem quà đến các khu sinh sống của người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Khoảng 300 người Tây Nguyên sống tụ thành các nhóm quanh các nhà thờ Tin Lành của người Thái. Các hội thánh này đã dang tay cưu mang cho người Việt, nhưng chính họ cũng thiếu thốn phương tiện nên sự giúp đỡ mang tính cách tinh thần nhiều hơn vật thể. Mới đây, một nhóm cựu chiến binh và cựu cố vấn Mỹ ngày xưa phục vụ trên vùng Tây Nguyên cũng mở chương trình giúp đỡ cho một số gia đình tị nạn này.
Toán thứ 3 là gia đình của Cô Nga, một chuyên gia trẻ ở San Jose, gồm 2 vợ chồng và 2 người con nhỏ. Họ quyết định chia sẻ cảnh nghèo khó với các gia đình tị nạn ở Thái Lan trong mùa Giáng Sinh năm nay. Trước khi lên đường, cô Nga tâm sự với bạn bè cùng hãng: “Ngày 3 tháng 10 năm 1988, gia đình 8 người của tôi rời bỏ Việt Nam để tìm tự do. Đất nước Thái Lan xinh đẹp đã dang rộng đôi tay để đón nhận chúng tôi... Ngày chúng tôi rời khỏi Thái Lan, tôi tự nhủ sẽ có một ngày tôi quay lại nơi chốn này với các con để giúp đỡ những người tị nạn chậm bước đến sau.”
Cô Nga cùng chồng và 2 con đang trao quà cho các trẻ em tị nạn, ngày 23/12/2016 (ảnh BPSOS)
Và cô đã giữ lời. Cùng với chồng và 2 người con, Cô Nga đã đến với các đồng bào tị nạn thay vì đi nghỉ Lễ Giáng Sinh ở những chốn phồn hoa. Họ khệ nệ đem theo trong hành lý nào là đồ chơi, nào là bánh kẹo từ Hoa Kỳ, và 3 cái laptop đã qua sử dụng nhưng còn tốt để cấp cho người tị nạn. Anh Việt, một thành viên của BPSOS ở Bangkok, hướng dẫn họ đến thăm 2 nhóm người Hmong theo đạo Tin Lành. Hiện có trên 300 đồng bào Hmong tị nạn; họ đã đến Thái Lan theo nhiều đợt, sau mỗi cuộc đàn áp ở Việt Nam. Nhóm mới nhất gồm 3 gia đình vừa đến Thái Lan tuần trước.
Nghe thì đơn giản, nhưng các chuyến thăm viếng ấy đã phải được nghiên cứu và sắp xếp để giảm thiểu mối nguy hiểm cho các gia đình tị nạn. Trong con mắt của chính quyền Thái Lan, tất cả những người đến Thái Lan lánh nạn đều bị xem là cư trú bất hợp pháp dù có sự bảo vệ của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc; họ có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt giam bất cứ lúc nào và những ai đã vào nhà giam thì khó mà thoát ra.
Trong khi những đồng bào Khmer Krom Phật Giáo, Tây Nguyên Tin Lành, và Hmong Tin Lành sống tụ lại thành những cộng đồng nho nhỏ để đùm bọc nhau, người “Kinh” có khuynh hướng sống riêng rẽ. Điều này dễ hiểu vì họ không đến từ các cộng đồng bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay sắc tộc, mà bị đàn áp do các hoạt động nhân quyền. Trong số họ có người đấu tranh cho “dân oan”, có người là blogger độc lập, có người thuộc tổ chức xã hội dân sự... ở Việt Nam. Nhóm người Kinh duy nhất đến Thái Lan lánh nạn như một cộng đồng là số 108 giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng. Nay thì phần lớn đã đi định cư, chỉ còn lại đúng 2 gia đình vẫn chưa được xét là tị nạn và đang sống lây lất ở Thái Lan.
Một trẻ em tị nạn mê mẩn với chiếc bánh hình còn hươu, ngày 23/12/2016 (ảnh BPSOS)
Nhiều mùa Giáng Sinh trước đây tôi cũng đã đi phát quà cho các trẻ em tị nạn, nên hiểu rõ niềm vui, dù rất phù du, của các em và cha mẹ các em. Trên những khuôn mặt thơ ngây và hồn nhiên đã ánh lên hào quang của hạnh phúc. Nguồn hạnh phúc của các em đơn giản lắm, tấm bánh, viên kẹo, que kem, và món đồ chơi nho nhỏ -- những thứ mà chúng ta ở ngoài này không đếm xỉa đến nữa.  Nhìn các em vui mà lòng tôi u uẩn vì biết rằng niềm vui của các em chỉ là ánh sao băng trong đêm dài tăm tối; vây bủa các em vẫn là thực tại hẩm hiu của cuộc đời tị nạn. Những lúc ấy, tôi muốn khóc.
Từ năm 2008, khi số người Việt đến Thái Lan tị nạn bắt đầu tăng lên, hàng năm 4 lần BPSOS gửi phái đoàn đến Thái Lan để lập hồ sơ can thiệp cho quyền tị nạn của họ. Lúc ấy, cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees và tôi luân phiên nhau hướng dẫn các phái đoàn này, mỗi người thực hiện 2 chuyến một năm. Năm 2010, thì số đồng bào tị nạn đã vượt hẳn lên, ước lượng ở mức 300 người; BPSOS quyết định mở văn phòng pháp lý thường trực.
Đến nay, văn phòng này đã giúp cho trên 800 đồng bào về pháp lý. Khoảng 500 người đã được xét là tị nạn và đã đi định cư. Thế nhưng, con số thay vì giảm xuống thì lại tăng lên: hiện có khoảng 1000 người Việt đang tị nạn ở Thái Lan. Văn phòng ở Thái Lan của chúng tôi hiện có 4 luật sư -- 1 Thái, 1 Anh, và 2 Mỹ, và 2 thông dịch viên cho bộ phận pháp lý. Chúng tôi có một người chuyên về giúp đỡ đời sống và sinh kế: anh ấy là người Brazil với bằng cao học và rất siêng năng đi thăm các gia đình tị nạn.  Hoạt động song hành là toán 4 người Việt chuyên về huấn luyện và đào tạo cho những người tị nạn và yểm trợ cho những cộng đồng của họ đang bị đàn áp ở Việt Nam. Một người Thái, cô Lei, chuyên lo về giấy tờ hành chánh và sổ sách cho tất cả. Ngoài ra hàng năm văn phòng BPSOS nhận khoảng 10 đến 20 em thực tập sinh đến từ Hoa Kỳ.
Con trai của cô Nga, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tặng quà cho một trẻ em tị nạn ngang tuổi, ngày 23/12/2016 (ảnh BPSOS)
BPSOS là tổ chức duy nhất bảo vệ cho những đồng bào tị nạn ở Thái Lan. Trong những năm qua, chúng tôi đã được sự yểm trợ của những người như LM Phạm Hữu Tâm và HT Thích Huyền Việt ở Houston, MS Y Hin Nie ở Greensboro (North Carolina), anh Dương Phục và chị Vũ Thanh Thủy ở Houston, anh chị Phạm Hữu Quang ở Oklahoma City, anh chị Dan Trần ở Dallas-Fort Worth, chị Ngô Thị Hiền ở Maryland... Có những người Việt đã lên đường làm việc tình nguyện ở văn phòng BPSOS. Đặc biệt trong số những người tình nguyện là cô Tuyết Mai ở Houston, dù đã lớn tuổi nhưng vẫn nai lưng 6 tháng trời ở Thái Lan. Chính nhờ cô Tuyết Mai mà nhiều trẻ em tị nạn ngày nay được đến trường.
Và có rất nhiều người tuy không đích thân đến thăm đồng bào tị nạn nhưng đã đóng góp tài chính hay tổ chức gây quỹ để giúp tài trợ cho các hoạt động của BPSOS ở Thái Lan. Họ đã tổ chức các buổi gây quỹ trong cộng đồng người Việt ở Houston, Dallas-Fort Worth, Orange County, San Jose, Atlanta, Milwaukee, Seattle, Oklahoma City, Bắc Virginia... Trong mấy năm nay, nhóm thân hữu của BPSOS ở Oklahoma City năm nào cũng gom tiền gửi về cho văn phòng BPSOS để mua quà Tết cho các em. Và cô Nga không chỉ cùng gia đình thăm viếng đồng bào tị nạn, mà còn tự xuất tiền và kêu gọi bạn bè trong hãng và thân hữu gây quỹ 10 nghìn Mỹ kim để BPSOS giúp tạo sinh kế bền vững cho các gia đình có trẻ em.
Tôi ao ước ngày sẽ càng có thêm những người Việt ở hải ngoại quan tâm đến đồng bào tị nạn ở Thái Lan, vì máu chảy ruột mềm.

*****
Các thành quả của văn phòng hoạt động ở Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2016:
-          Lập hồ sơ xin tị nạn cho 50 gia đình vừa đến Thái Lan
-          Theo dõi hồ sơ của 77 gia đình đang xin tị nạn
-          Phân bổ 12,500 Mỹ Kim trợ cấp khẩn cấp cho những nhà đấu tranh phải đi lánh nạn
-          Phân bổ 6,000 Mỹ kim tài trợ từ quỹ y tế khẩn cấp cho 75 gia đình (156 người lớn, 125 trẻ em)
-          Tài trợ 1,800 Mỹ kim cho ca mổ của 3 trẻ em tị nạn
-          Phân phát 1000 Mỹ kim tiền lì xì Tết cho 170 trẻ em tị nạn
-          Giúp 2,260 Mỹ kim cho các gia đình có trẻ em cần đến trường
-          Tài trợ 125 Mỹ kim cho lớp dạy trẻ em của đồng bào Phật Giáo Khmer Krom
-          Tài trợ 1,500 Mỹ kim để lãnh 1 phụ nữ có con nhỏ ra khỏi trại giam của Cục Di Dân Thái Lan
-          Huấn luyện về an toàn bản thân, quyền tị nạn và nhân quyền cho 56 đồng bào
-          Trợ cấp $3,600 tiền học bổng cho 2 đồng bào Tây Nguyên để phục vụ các nhóm Tây Nguyên ở Việt Nam

BPSOS tiếp tục kêu gọi sự yểm trợ cho chương trình bảo vệ đồng bào tị nạn ở Thái Lan.
Phiếu Yểm Trợ
Họ Tên:                _________________________________
Địa Chỉ:               _________________________________                              email: ___________________________
                              ____________________________________________________________
Số tiền đóng góp: $________
Nếu ở Hoa Kỳ, mọi đóng góp có thể khai trừ thuế Liên Bang.
Chi phiếu xin đề: BPSOS và gởi về:
BPSOS/ACF 
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041, USA