Posted by adminbasam on 02/12/2016
2-12-2016
Mọi người nghĩ rằng (mà hầu hết
là vậy) ra ngoài đường thấy mấy chiếc ô tô sáng loáng lao đi hay đỗ ở một vài
nơi nào đó, hoặc thấy những toà nhà cao tầng mọc lên thấp thoáng mấy con phố là
thấy đất nước này giàu sang và kinh tế đã là khá giả hay sao?
Không. Hoàn toàn không. Đó chỉ
là cái vỏ của một nền kinh tế rỗng. Nó chỉ là vẻ ngoài của một số nhóm lợi ích
đang thao túng trong tay những mảnh đất và chính sách màu mỡ để làm giàu.
Người nghèo thì không đếm xuể,
kẻ giàu thì vốn rất ít mà thường thì lại có quyền bính vô hình nhưng rất lớn.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những toà nhà, chiếc xe đắt
tiền, phần nhiều là của ngân hàng, nằm trong tay đám tham nhũng hoặc được hiện
diện là bởi các doanh nhân luôn bất chấp và sẵn mánh lới làm ăn mà dành ra
được.
Nó
không phải là kết quả của sự vận động lành mạnh của nền kinh tế, ở đó, nhà nước
vừa nắm quyền hành lại vừa đi làm kinh tế, thế nên làm sao có nhà kinh tài tư
nhân nào ngóc đầu lên được nếu không đứng sau cái bóng của quyền lực? Và vì thế
những thứ mọc lên đó không phải là thành quả của nền kinh tế lành mạnh sản sinh
ra. Cũng giống như những giá trị ảo kiểu bong bóng chứng khoán được hình thành
như “Thánh gióng Faros” của FLC được thổi phồng lên gấp hàng chục lần nhờ “tích
luỹ đất đai” và đầu tư những dự án, chứ không làm ra sản phẩm gì ngoài những
toà nhà trên giấy hay còn nằm trong bản kế hoạch đầu tư như một tiểu luận được
viết vội vàng.
Chúng ta sắp vỡ nợ vì nợ công
cao ngất ngưởng, tính thanh khoản của nền kinh tế gần như tê liệt, việc phải
thử cho phá sản một vài ngân hàng là dấu hiệu đầu tiên, đô la tăng tỷ giá là dấu
hiệu tiếp theo, dân găm vàng và ngoại tệ là chỉ dấu thứ ba, bán đi một số doanh
nghiệp nhà nước (trong đó có đất vàng) là biểu hiện thứ tư, đánh một vài vụ
tham nhũng trong ngành tài chính, doanh nghiệp nhà nước và phát hành trái phiếu
chính phủ (kể cả huy động tiền, vàng trong dân) là chú thích cuối cùng.
Nhìn vào tính thanh khoản và sự
lành mạnh của hệ thống tài chính, vào sự bất đối xứng giữa thu nhập bình quân
và nợ công, giữa tổng sản phẩm nội địa làm ra với tỷ suất nhập khẩu, giữa cán
cân kim ngạch với Trung Quốc so với các quốc gia khác để biết được nền kinh tế
này đang siêu vẹo như thế nào.
Nhìn vào lĩnh vực đầu tư chủ
yếu là đất đai, dự án và tài chính phái sinh (vàng, chứng khoán,…), không có
lĩnh vực nào thuộc về khoa học (ngoài gia công và lắp ráp), nhập khẩu gần như
tất cả các mặt hàng tiêu dùng từ nhỏ nhất đến lớn nhất. Đất đai chiếm phần lớn
tỷ lệ nền kinh tế quy ra giá trị, mà hơn thế chúng lại bị thổi phồng giá trị
thực tế quá mức do qua nhiều khâu và nhiều nhà đầu tư trung gian (mua bán, chuyển
nhượng, chi phí lo lót,…). Chủ yếu các dự án lớn về cơ sở hạ tầng loại quan
trọng thuộc về Trung Quốc làm chủ (90%). Xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ chủ yếu
là các mặt hàng gia dụng, thủy hải sản, may mặc, và điều kiện (cả luật pháp)
thì ngặt nghèo, nên tính ra Mỹ và châu Âu không chiếm nhiều tỷ trọng xuất khẩu
đối với Việt Nam.
Nền kinh tế của chúng ta không
làm ra gì cả, nên người dân chỉ đi làm ăn nhỏ lẻ hoặc làm thuê cho những ông
chủ nước ngoài ngay chính trên quê hương mình. Và đương nhiên, Việt Nam trở
thành bãi rác về cả thành phẩm lẫn môi trường độc hại bị gây ô nhiễm. Chúng ta
bán nguyên liệu và nhân công rẻ mạt ngay trên chính mảnh đất dung dưỡng chúng
ta. Và cũng từ đó làm khổ những thế hệ tiếp theo bởi điều kiện và môi trường
sống ngày càng ngặt nghèo, suy thoái vì bị thúc ép bởi sự đòi hỏi phải đáp ứng
ngay tức thì lợi ích và nhu cầu của bản thân (từ cá nhân người làm đến kẻ đầu
tư, trong đó cũng bao hàm cả sự vô trách nhiệm của chính quyền) mà bỏ qua gần
như các tiêu chuẩn cả về con người lẫn giá trị, sự an toàn và tính bền vững.
Sau 40 năm quản lý và điều hành
đất nước, nếu nhìn vào vài chục ngàn chiếc ô tô nhập khẩu mà giá cả đắt gấp 3
lần giá trị thực của nó, lại thuộc về số ít người, tập trung hầu hết ở các
thành phố lớn, nhìn vài toà nhà mọc lên ở những thành thị ít ỏi, để coi đó là
thành quả làm ăn thì đó đích thực là những kẻ chỉ cần miếng cơm đút vào miệng
qua ngày mà không cần đến bất cứ thứ gì khác cho sinh tồn và cũng chỉ dành cho
những kẻ ngu ngốc đến mức không cần bàn cãi về sự ngu ngốc của nó nữa.
Hãy nhìn vào những chỉ số gắn
với con người mới có thể dánh giá được đất nước và nền kinh tế đó đang ở đâu,
bao gồm, chỉ số chăm sóc y tế, chỉ số giáo dục (trình độ dân trí), chỉ số minh
bạch thông tin, chỉ số thu nhập bình quân (không phản ánh nhiều), chỉ số xuất
khẩu, chỉ số sáng chế, chỉ số tham nhũng, chỉ số nợ công, chỉ số đầu tư công,
chỉ số mức độ tôn trọng nhân quyền, chỉ số về giá cả tiêu dùng và chỉ số tỷ giá
đồng tiền,…nhìn vào những thứ đó ta mới biết được thực sự nền kinh tế này đang
bất ổn như thế nào và đang ở đâu so với thế giới văn minh.
Và chẳng lẽ một lần nữa chúng
ta lại thực hiện việc đổi tiền (không phải in thêm tiền) như đã từng trong
những năm trước thời kỳ đổi mới thập niên 1980s?
Đổi tiền vì nghĩ rằng thay đổi
giá trị đồng tiền của mình thì đấy là hành động của kẻ ngu ngốc bậc thầy, bởi
giá trị đồng tiền được định giá bằng giá trị thực của nền kinh tế mà quốc gia
đó đang sở hữu và vận hành, chứ không phải bằng con số nằm trên những tờ giấy
mà ngân hàng trung ương nhà nước sẽ ấn định trên đó và phát hành ra cho dân
chúng sử dụng.
Đổi tiền lúc này, là chỉ dấu
cuối cùng cho việc sụp đổ vĩ mô một nền kinh tế của một đất nước mà vốn đã
nghèo nàn và đang bị rung lắc dữ dội trong cơn cùng quẫn bởi nợ nần và bế tắc
vì cạn kiệt cả tài nguyên lẫn trí tuệ đến tiền bạc.
____
Mời xem thêm: Ngân hàng Nhà nước bác
thông tin sắp đổi tiền (DT).
– Sắp đổi tiền, xúi nhau
mua vàng: Bịa đặt, dụng ý xấu (VNN).