Luật
Magnitsky và Luật Tự Do Tôn Giáo 1150 : Thêm cơ hội cho nhân quyền Việt Nam
RFI. Trọng ThànhĐăng ngày 28-12-2016 Sửa đổi ngày 29-12-2016 15:00
Ngày
23/12/2016, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phê chuẩn Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu. Trước
đó, ngày 16/12, tổng thống Mỹ phê chuẩn Luật Tự Do Tôn Giáo H.R. 1150. Tiến
sĩ Nguyễn Đình Thắng (Virginia) phân tích những điểm mới của hai luật này, đồng
thời nhấn mạnh ý nghĩa của hai luật đối với các nỗ lực cải thiện nhân quyền tại
Việt Nam, mà những nhà hoạt động tại Việt Nam cần biết cách « khai dụng ».
Thượng Viện Hoa Kỳ, đồi
Capitol, Washington, D.C.Ảnh : Chính phủ Mỹ
Luật
Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability
Act), một phần của Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc Phòng năm 2017, được đánh giá
là mang lại các chế tài nghiêm ngặt đối với các quan chức, thủ phạm của các vụ
xâm phạm nhân quyền « nghiêm trọng », được đánh giá « là một
sáng kiến kỳ diệu », theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.
Trong
khi đó, Luật H.R. 1150 mang tên nghị sĩ Frank Wolf, có thể gọi là « Luật tăng
cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế » (bởi đã có luật về Tự Do Tôn
Giáo trước đó) (1) đưa ra nhiều quy định mới buộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải
nghiêm khắc hơn đối với chính quyền các quốc gia xâm phạm tự do tôn giáo, các
tổ chức «tôn giáo quốc doanh », nếu tham gia đàn áp tôn giáo, cũng
có thể bị luật này chế tài; vợ/chồng, con cái của các thủ phạm cũng có thể bị
chế tài.
Cũng
trong Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế H.R. 1150, có một đoạn bổ sung ngắn, nhưng
quan trọng, vào Luật 1998 : « (…) Quyền tự do về tư tưởng, ý thức và
tôn giáo có nghĩa là niềm tin tôn giáo và không tôn giáo được bảo vệ,
mỗi người có quyền tuyên bố không theo tôn giáo hay không thực hành tôn giáo
nào (...) » (trang 2 của Luật). Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, việc
luật mới của Hoa Kỳ chú ý bảo vệ cả những người có « niềm tin không tôn
giáo » giúp cho việc mở rộng phạm vi đối tượng được bảo vệ, bao gồm cả
những công dân, vì không chấp nhận ý thức hệ toàn trị mà bị đàn áp, ở Việt Nam
thường gọi là « những người bất đồng chính kiến » (2).
RFI : Xin
ông cho biết những điểm chính của hai luật nhân quyền quan trọng này.
TS
Nguyễn Đình Thắng : Trước hết, về cái luật tạm gọi « Luật trừng phạt
các thủ phạm đàn áp nhân quyền ». Điểm chính của luật này là đưa ra
các biện pháp, trừng phạt cá nhân những giới chức chính quyền can dự vào các
trường hợp đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng. Có hai biện pháp trừng
phạt. Biện pháp thứ nhất là cấm không cấp chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ, kể cả
trong những trường hợp đi công vụ, vào Hoa Kỳ, đối với các thành phần « thủ
phạm », và những người hợp tác, cộng sự viên của những thủ phạm ấy.
Biện
pháp thứ hai là đóng băng tất cả các tài sản của những thủ phạm đã được đưa vào
Hoa Kỳ, dưới tên mình, hoặc dưới tên bất kỳ ai khác. Đây là hai biện pháp đi
song hành, để áp dụng, đối với những thủ phạm gây ra các cuộc đàn áp nhân quyền
một cách « nghiêm trọng».
Thế nào
là đàn áp nhân quyền ? Định nghĩa rất là rộng. Thứ nhất là vi phạm tất cả những
nhân quyền được quốc tế công nhận, tức Liên Hiệp Quốc công nhận. Thứ hai là
những thành phần nào đi cưỡng đoạt tài sản của người dân. Chúng ta biết rằng
tình trạng cưỡng chế đất ở Việt Nam rất phổ biến, gây nên hiện tượng dân oan.
Thành phần thứ ba là những ai, những giới chức chính quyền nào can dự vào những
vụ tham nhũng lớn, và rồi đàn áp để bịt miệng những người đã phanh phui những
vụ tham nhũng ấy.
Luật
thứ hai chúng tôi tạm gọi là « Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo
Quốc Tế », tăng cường bởi vì thực ra đã có luật tại Hoa Kỳ, tuy nhiên,
có nhiều điểm rất lỏng lẻo. Cho nên, nó tạo điều kiện cho bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ
áp dụng luật một cách khá tùy tiện. Như là đối với Việt Nam chẳng hạn, tình
trạng vi phạm tự do tôn giáo rất trầm trọng, trong rất nhiều năm qua, nhưng bộ
Ngoại Giao chỉ bày tỏ mối quan tâm, chứ không đưa Việt Nam vào danh sách phải
bị chế tài, chúng ta quen gọi là danh sách « CPC » (tức Country
of Particular Concern). Thứ hai là bộ Ngoại Giao khá rộng quyền để làm giảm
bớt đi mức trầm trọng của Việt Nam, và trình bày với Quốc Hội rằng, Việt Nam « trầm
trọng » đấy, nhưng chưa vượt ngưỡng để phải đưa vào CPC.
Với cái
luật mới, thì không thể như vậy được nữa. Dù mấp mé dưới ngưỡng một tí, thì vẫn
phải đưa vào danh sách « Cần theo dõi đặc biệt ». Nếu hai năm
ở trong danh sách ấy mà không thay đổi, thì tự động rớt xuống danh sách CPC, để
phải đối mặt với các chế tài.
Cái
luật này cũng có thêm những điểm rất đặc biệt sau đây. Trước hết, bộ Ngoại Giao
Hoa Kỳ phải lập ra danh sách để phúc trình cho Quốc Hội hàng năm, tất cả những
trường hợp vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng, kèm theo danh sách thủ
phạm. Thứ hai là chỉ ra những « tác nhân ngoài chính phủ »
(non-state actor), được sử dụng bởi chính phủ, hoặc tự động đàn áp tôn giáo. Ở
Việt Nam, có những trường hợp các tổ chức « tôn giáo quốc doanh »,
các chức sắc và tổ chức của họ, theo luật mới, cũng có thể trở thành « các
thực thể phải quan tâm đặc biệt » (3).
Một
điểm quan trọng khác trong luật này là bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hàng năm phải gửi
danh sách những người bị đi tù vì lý do tôn giáo. Chẳng hạn ở Việt Nam, nếu có
một danh sách khá dài, bộ Ngoại Giao phải báo cáo cho phía Quốc Hội cũng như
Tòa Bạch Ốc. Nếu danh sách đó dài, thì rất khó để bộ Ngoại Giao bao biện cho
Việt Nam như trước đây.
Một
điểm cũng rất đặc biệt nữa là không những đương sự, thủ phạm bị chế tài, mà cả
vợ/chồng, con cũng không được phép nhập cảnh Hoa Kỳ, và nếu đang có mặt tại Hoa
Kỳ, sẽ bị trục xuất.
RFI
: Đây là các chế tài chưa từng có, hay là những cải tiến về mặt kỹ
thuật của việc thực thi luật ?
TS
Nguyễn Đình Thắng : Việc chế tài các cá nhân rất nặng nề như vậy là một sáng
kiến mới đây, do Quốc Hội Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng rất hãnh diện để trình bày
rằng, một trong những người đưa ra sáng kiến rất sáng tạo này chính là cựu dân
biểu Cao Quang Ánh. Người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở thành dân biểu của Quốc Hội
Liên Bang Hoa Kỳ. Năm 2010, cùng lúc với thượng nghị sĩ John McCain, dân biểu
Cao Quang Ánh đã đưa ra dự luật gọi là « Chế tài Vi Phạm Nhân Quyền
Việt Nam », ông John McCain thì đưa ra đạo luật Magnitsky (4), nhắm
vào Nga. Cùng tiến hành song song, nhưng không dự luật nào được thông qua cả.
Sau đó,
thượng nghị sĩ John McCain lại đưa ra dự luật vào Thượng Viện và được thông qua
năm 2012. Tổng thống Obama trong thời gian gần đây đã áp dụng đạo luật này để
chế tài một số giới chức chính quyền thân cận với tổng thống Putin ở Nga.
Cho đến
cách đây ba năm, thượng nghị sĩ Ben Cardin ở Maryland đưa ra sáng kiến là, nếu
chỉ giới hạn ở Việt Nam thôi, thì e rằng không huy động đủ sự ủng hộ trong Quốc
Hội để thông qua. Ông Ben Cardin mới nghĩ ra cách nới rộng ra toàn cầu. Ở dưới
Hạ Viện, dân biểu Christopher Smith cũng cùng làm như vậy. Chính nhờ vậy mà đạo
luật Magnitsky Toàn Cầu đã được thông qua.
Trên
toàn thế giới, đây được xem là một sáng kiến rất kỳ diệu. Bởi vì từ trước đến
giờ, chỉ có các biện pháp chế tài tập thể, đối với cả một chế độ. Nhiều người
không hài lòng với việc ấy. Bởi khi chế tài tập thể có hai trở ngại. Thứ nhất
là người dân thường bị ảnh hưởng nhiều hơn. Thủ phạm vẫn phây phây, bởi nó
không tác động đến họ nhiều. Thứ hai là nó chỉ hiệu quả, khi rất nhiều quốc gia
đồng lòng để chế tài, như đã xảy ra cho Nam Phi trước đây, hoặc Miến Điện gần
đây. Nhưng ít khi nào nó có được yếu tố đó lắm. Trong khi luật chế tài từng cá
nhân này đánh động đến tâm lý của các giới chức. Và nó không ảnh hưởng đến
người dân, không ảnh hưởng đến các chương trình viện trợ, mậu dịch giữa hai
quốc gia.
RFI : Hai
luật mới có ý nghĩa như thế nào với việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt
Nam ?
TS
Nguyễn Đình Thắng : Muốn khai thác hai luật này, tôi thấy ở trong nước những
người đấu tranh, các cộng đồng tôn giáo độc lập, đang bị đàn áp, hoặc các cộng
đồng sắc dân bản địa, đang bị đàn áp, sẽ cần phải tạo được cho mình một khả
năng, để nhận diện ra những sự vi phạm. Và báo cáo về mỗi trường hợp vi phạm,
theo đúng tiêu chuẩn của quốc tế, của Liên Hiệp Quốc – được các quốc gia, kể cả
Hoa Kỳ công nhận. Mà muốn như vậy, thì những người chuyên về báo cáo phải được
đào tạo.
Đó là
bước đầu tiên rất quan trọng. Bởi, chính quyền trung ương ở Hà Nội có cam kết,
nhưng mà sự vi phạm xẩy ra tại các địa phương, và ở các địa phương như vậy, thì
quốc tế làm sao theo dõi được. Chỉ có một cách là trong nước phải tạo được cho
mình khả năng báo cáo. Và bên ngoài này, ở hải ngoại sẽ đóng được vai trò là
nhịp cầu chuyển báo cáo ấy đến các vị dân biểu, thượng nghị sĩ, đặc biệt ở Hoa
Kỳ (5).
Vào
cuối năm 2016, các nỗ lực vận động quốc tế, đặc biệt là vận động Quốc Hội Hoa
Kỳ đã đưa lại hai thành quả rất đáng khích lệ. Đó là hai luật về nhân quyền. Nhưng
đó là các biện pháp, không phải là giải pháp. Chúng không tự dưng làm thay đổi
tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đó là những biện pháp mà chúng ta
phải sử dụng. Thành ra, trong năm mới, tôi thấy rằng, cộng đồng người Việt ở
hải ngoại, cũng như đồng bào ở trong nước, sẽ còn phải đổ công nhiều hơn nữa so
với trước đây, để mà khai dụng các biện pháp. Hiệu quả đến mức độ nào là tùy
theo khả năng khai dụng của chính chúng ta (6).
RFI
: Xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.
* Tiến
sĩ Nguyễn Đình Thắng là giám đốc Boat People SOS/ BP SOS (Ủy Ban Cứu Người Vượt
Biển), đồng sáng lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới tại châu Á/Coalition to
Abolish Modern-day Slavery in Asia (CAMSA).
Năm
2011, Sáng Hội Dân Chủ Đài Loan (Taiwan Foundation for Democracy) đã chọn Boat
People SOS để trao giải Dân chủ và Nhân quyền Châu Á, do thành tích trợ giúp
những người tỵ nạn tái định cư trên toàn thế giới.
----
1) Luật
Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế H.R. 1150 mang tên nghị sĩ Frank Wolf, vừa được thông
qua, là nhằm điều chỉnh Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 1998.
2) Về
điều này, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận xét thêm : « Luật tăng cường
bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế có một khoản mới, nhấn mạnh rằng không nhất thiết
(đối tượng bảo vệ) phải là niềm tin mang tính tín ngưỡng, liên quan đến một tôn
giáo. Bất luận niềm tin nào, dù không dính dấp với tôn giáo nào, đã là niềm tin
thì phải được bảo vệ. Và các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân hoặc là chế
tài tập thể áp dụng cho cả những trường hợp, mà những người, chỉ vì niềm tin ôn
hòa của họ, mà bị đàn áp. Xin lấy một vài ví dụ : chẳng hạn như những người tin
vào thể chế dân chủ, thay vì thể chế độc tài, họ tin vào cách tổ chức xã hội
theo công thức ‘‘xã hội mở’’ chẳng hạn, tin rằng xã hội dân sự là người dân tập
hợp lại với nhau, cần phải kiểm soát chính quyền. Hoặc là chúng ta thấy một số
người trẻ trong nước bây giờ bắt đầu rộ lên, chưa thành phong trào, nhưng bắt
đầu lan dần, một số người yêu mến thể chế Việt Nam Cộng Hòa trước đây chẳng
hạn. Nếu họ không làm gì bạo động, ảnh hưởng đến người khác, mà chỉ vì niềm tin
thôi mà họ bị đàn áp, thì cái Luật tăng cường bảo vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế
cũng áp dụng cả cho những trường hợp như vậy ».
3) Theo
tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, nhiều năm theo dõi cho thấy, chính quyền Việt Nam
muốn xóa bỏ các tôn giáo độc lập, như đạo Cao Đài, các hội thánh Tin Lành độc
lập, bằng cách một mặt họ không công nhận những tổ chức, cộng đồng ấy, mặt khác
họ lập ra, dựng nên các tổ chức tôn giáo do chính quyền kiểm soát và chỉ định.
Ví dụ như bên Cao Đài, Hội Đồng Chưởng Quản do Nhà nước Việt Nam chỉ định thành
lập đã chính tự họ, và thường là đi kèm với công an, đến để cướp, cưỡng đoạt
các thánh thất Cao Đài còn độc lập. Đưa người đến bao vây, nhiều khi đánh đập
các tín đồ Cao Đài độc lập, để rồi cướp luôn tài sản. Đối với đạo Hòa Hảo cũng
vậy. Mới đây, có tin một số hội thánh Tin Lành « quốc doanh »
ép buộc các tín đồ Tin Lành độc lập phải bỏ đạo, để chuyển sang các hội thánh « quốc
doanh ».
4) Về
luật Magnitsky, xem thêm bài « Vụ luật gia Magnitsky : Nga trả đũa Mỹ »,
RFI, ngày 07/12/2012.
5) Theo
tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, thường thường khi nhận được hồ sơ như vậy, họ liên
lạc với phía Việt Nam, qua Tòa đại sứ tại Mỹ, hoặc trực tiếp với bộ Ngoại Giao
Việt Nam, yêu cầu phối kiểm thông tin. Phía Việt Nam phủ nhận thì rất khó, vì
có các nhân chứng. Nếu Việt Nam công nhận, thì phải có biện pháp trừng trị giới
chức cấp dưới, đã vi phạm, nếu không trừng trị, coi như có sự đồng lõa, thì
giới chức ở cấp trung ương phải chịu trách nhiệm. Đây thường là những người mà
bản thân họ hoặc thân nhân có tài sản, hoặc cư trú tại Hoa Kỳ. Nếu chính quyền
chọn cách không trả lời, thì như vậy có sự toa rập, hoặc dung túng cho cấp dưới
đàn áp.
6) Tiến
sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết, kể từ năm 2014, đã phối hợp với hai hiệp hội tại
châu Âu để huấn luyện làm báo cáo vi phạm cho một số cộng đồng tôn giáo độc
lập, cộng đồng bản địa tại Việt Nam. Đến nay, đã huấn luyện được 800 người,
hoàn thành 100 bản báo cáo, được gửi đến Liên Hiệp Quốc, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ,
một số giới chức Quốc Hội Hoa Kỳ, một số quốc gia Liên Âu, Canada, Úc… 800
người được huấn luyện chủ yếu mới tập trung vào 20 cộng đồng. Theo ông, vì đàn
áp xảy ra ở từng địa phương, nên cần người ở cộng đồng biết làm báo cáo. Cộng
đồng nào muốn bảo vệ được chính mình phải đào tạo được người cho mình. Cho tới
khi nào, rất nhiều cộng đồng phát triển được năng lực ấy, mới hy vọng đàn áp,
vi phạm không xảy ra ở phần lớn địa phương tại Việt Nam.