11.005. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ & VŨ MINH HOÀNG
Posted by adminbasam on 11/12/2016
FB Huy Đức. 11-12-2016.
Lẽ ra một người 26 tuổi, “biết 5
ngoại ngữ”, được bổ nhiệm làm vụ phó thì dân chúng phải hoan nghênh chứ không
phải như cách mà Vũ Minh Hoàng đang nhận được. Nhưng dân chúng không phải đã
không có lý khi bày tỏ thái độ đó của mình.
Năm 2014, khi người Thụy Điển
chọn cô Aida Hadzialic, 27 tuổi, và năm 2013, khi người Áo chọn anh Sebastian
Kurz, cũng 27 tuổi, làm bộ trưởng thì báo chí Việt Nam đã rất trầm trồ. Nhưng
cả Kurz và Hadzialic, khi được bổ nhiệm, không phải vô danh như Hoàng. Họ không
chỉ có bằng cấp mà còn rất được biết đến trên chính trường châu Âu.
Lỗi không phải chỉ nằm ở Hoàng.
Chúng ta đang thiếu một không gian chính trị cho những người “muốn tham chính”
như anh nếu có thực tài sẽ đàng hoàng thăng tiến.
Từ những “đồng chí bị lộ” như
Trịnh Xuân Thanh, Vũ Minh Hoàng…, rõ ràng, “công tác cán bộ” đang có những lỗ
hổng được khoét bằng sự tha hóa của những người đương quyền. Nhưng, nếu không
nhận biết cái sai ở đâu và khắc phục nó một cách hệ thống thì cứ bịt lỗ này lại
sẽ bục ra lỗ khác.
Tại sao Vũ Minh Hoàng lại chọn
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – nơi ưu tiên người biết tiếng Khmer hơn là người biết
“5 ngoại ngữ” khác – làm bàn đạp.
Tây Nam Bộ là một trong 3 “ban
chỉ đạo” trực thuộc Bộ Chính trị. Ban Tây Nguyên được lập sớm nhất, 2002, sau
“biến cố 2001”. Vì yếu tố quan trọng nhất là “an ninh” mà các Trưởng ban Tây
Nguyên đều do bộ trưởng công an kiêm nhiệm (Trưởng ban đầu tiên là ông Nguyễn
Tấn Dũng, vốn có thời gian làm thứ trưởng Bộ Nội vụ, 1994-1996). Năm 2004 mới
lập thêm hai ban Tây Nam và Tây Bắc.
Các Ban này không phải là một
thiết chế nhà nước cũng không được thiết kế cứng trong hệ thống tổ chức của
Đảng CSVN. Trừ trưởng ban và vài chức danh có thực quyền (ở chỗ khác), nhiều
nhân vật chỉ coi đây như một trạm dừng chân và một số người thì dùng nó như
“một giải pháp cán bộ” cho những chiến hữu sắp được đưa lên hoặc gần tuổi hưu,
thôi cơ cấu.
Dù vậy, ban ngang cấp với bộ và
các cơ quan thuộc ban ngang cấp vụ. Trong ban không có các thiết chế giám sát;
chức tước ở đây cũng không thực quyền nên việc bổ nhiệm cán bộ cũng ít ai để ý.
Các bậc cha chú của Vũ Minh Hoàng rõ ràng là đã rất tinh ý khi mở một “cửa sau”
ít ai để ý như cho Hoàng lẻn vào [cách này không thể gọi là “tham chính” như
Hoàng nói].
Hoàng chỉ đứng tên ở Ban 32 ngày
vì cái mà Tây Nam Bộ có thể ban cho anh là hàm vụ phó. Từ Ban Tây Nam, con
đường còn lại của Hoàng là mênh mông. Trung tâm xúc tiến đầu tư có thể cũng chỉ
là trạm dừng chân, vì với “hàm bạc” ấy, anh có thể làm cán bộ cấp vụ ở các bộ,
cấp sở ở các tỉnh… mà về danh nghĩa chỉ là phiên ngang chứ không phải là đề
bạt.
Có lẽ ít có hệ thống chính trị
nào “nhân bản” như “Chế độ ta”. Đảng coi tất cả các đảng viên của mình là “cán
bộ”, bố trí chức vụ thường theo phẩm hàm chứ không phải theo ngạch trật. Hết
cán bộ sang công chức, nay là đại biểu dân cử, ngày mai ở trong bộ máy hành
pháp hoặc có khi tư pháp. Đã biên chế là có sự nghiệp trọn đời.
Ông Phạm Minh Chính dường như đã
sớm nhận ra công tác cán bộ của Đảng có vấn đề. Khi luân chuyển về làm Bí thư
Quảng Ninh, ông Chính đã khởi xướng việc thi tuyển giám đốc và các phó giám đốc
sở. Có lẽ, ông đưa ra những “sáng kiến” này để lát gạch cho con đường trở thành
Trưởng ban Tổ chức.
Nhưng mỗi ngạch trật có cơ chế
vận hành riêng. Thi tuyển cũng là một công cụ tốt nhưng nó chỉ đúng cho việc
chọn lựa các viên chức hành chánh công vụ. Giám đốc sở là một viên chức bổ
nhiệm chứ không phải tuyển dụng và phó của ông ta (đúng chức năng là giúp việc
cho giám đốc) lẽ ra phải để ông ta tuyển chọn.
Thôi thì cứ “xé rào” nhưng muốn
sửa được cái sai trong công tác cán bộ thì phải có những bước đi táo bạo và có
một lộ trình thích hợp. Đặc biệt, là phải chọn được chỗ để bắt đầu.
Nếu Đảng đủ tự tin thì ngay từ
bây giờ nên cho sửa luật bầu cử. Theo đó, ứng cử viên của các vị trí dân cử bao
gồm những người do đảng đề cử và các ứng cử viên độc lập.
Công tác cán bộ của Đảng, thay vì
thò tay vào mọi ngóc ngách từ Trung ương tới địa phương, chủ yếu tập trung
“săn” những người có uy tín trong xã hội (cả những người “giỏi ngoại ngữ” như
Hoàng), thuyết phục họ theo Đảng, tham chính, và giới thiệu họ ra tranh cử.
Với các ứng cử viên độc lập, thay
vì sử dụng các tổ chức chính trị của Đảng như hiện nay (bao gồm cả tổ dân phố)
để gạt bỏ, cần có luật yêu cầu họ thu thập đủ một lượng chữ ký ở nơi ứng cử
theo tỷ lệ thích hợp với quy mô dân số.
Luật có thể đưa ra “lộ trình” sao
cho từ khóa tới trong Quốc hội có khoảng ít nhất 50 đại biểu độc lập (chứ không
phải là vài đại biểu được Đảng cho tự ứng cử). Đảng vẫn nắm đa số đủ để quyết
định các vấn đề nhưng Đảng sẽ trưởng thành hơn khi mọi quyết định của mình đều
được các đại biểu độc lập lật đi, lật lại.
Ngay bây giờ, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc hoàn toàn có thể sắp xếp lại hệ thống của mình mà không đụng Luật và
Hiến pháp, bằng cách, tách bạch hai chức năng quan trọng nhất của Chính phủ:
hành pháp chính trị và hành chánh công vụ.
Bộ máy hành chánh công vụ, từ
Trung ương tới địa phương, cần được bố trí nằm trong các cơ quan cung cấp dịch
vụ hành chính công (không nhất thiết phải theo ngành dọc). Bộ phận này ở cấp bộ
do một thứ trưởng hoặc một tổng thư ký đứng đầu, các bộ ngành trung ương nên
hạn chế tối đa việc giữ những thủ tục hành chánh do mình cấp, phát.
Hành chánh cấp bộ, thay vì chia
chác giấy phép con, chủ yếu thiết lập những tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn quy
trình thực hiện một thủ tục hành chánh (cho chính sách mới hoặc cách áp dụng
trong tình hình mới); tổ chức đào tạo công chức và ban hành bộ tiêu chuẩn công
chức để căn cứ vào đó các cơ quan thi hoặc tuyển. Những người đã trúng thi hoặc
tuyển này sau thời gian tập sự có thể sẽ được đưa vào biên chế, ung dung “sáng
cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Lực lượng hành pháp chính trị bao
gồm bộ trưởng, các giám đốc sở (đưa ra các chính sách địa phương) và những
người giúp việc. Hãy để cho Thủ tướng chọn các bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh chọn
các giám đốc sở. Hãy để thủ tướng chọn cả những kẻ như “Trịnh Xuân Thanh”; hãy
để Chủ tịch Cần Thơ chọn Vũ Minh Hoàng… nếu họ muốn uy tín chính trị của họ bị
thách thức. Đồng thời, hãy để cho Quốc hội (và HĐND) bắt Thủ tướng và người
được bổ nhiệm điều trần và áp dụng quyền không phê chuẩn.
Sau khi được phê chuẩn phải để
cho các bộ trưởng chọn một ê kíp giúp việc (bao gồm các thứ trưởng, cấp đang
phải do Ban Bí thư quyết định) để thực hiện các chương trình quốc gia và đệ
trình các chính sách mà ông (hay bà) ta đã hứa với Thủ tướng và Quốc hội.
Cũng như Thủ tướng, bộ trưởng,
các thứ trưởng thuộc nhóm hành pháp chính trị này không có biên chế trọn đời mà
vô ra theo nhiệm kỳ [việc từ chức cũng sẽ xuất hiện để cứu vãn hoặc tích lũy uy
tín chính trị cho nhiệm kỳ sau chứ cơ chế hiện nay mà từ chức là… mất hết].
Trong bộ máy tư pháp cũng bao gồm
những vị trí được bổ nhiệm (thẩm phán, công tố viên…) và đội ngũ được tuyển
chọn (các viên chức hành chánh). Nguồn thẩm phán thay vì phải “vơ vét” từ lái
xe, thư ký như một ông Chánh án từng nói, cần được chọn từ các luật gia, luật
sư có thành tích chuyên môn nổi bật và có tiếng liêm chính (chứ không phải thẩm
phán về hưu mới học làm luật sư như hiện nay).
Đừng loay hoay sáng tạo hay đốt
đèn dầu đi tìm những cái mà thế giới đã đúc kết. Việt Nam đã có đủ những cái
“lồng nhốt quyền lực” vấn đề là thay vì để nó nằm trên giấy và vô hiệu hóa nó
bằng cách để Đảng bao biện làm thay mà phải cho nó từng bước vận hành theo đúng
chức năng của nó: Tư pháp biết hổ thẹn với công lý; Quốc hội có cả những ông
nghị không chỉ gật; Chính phủ bớt dần đội ngũ thư lại.
Một xã hội mà quá tôn trọng quan
lộc và dùng phẩm hàm làm thước đo các giá trị khác thì việc các thứ trưởng, bộ
trưởng sân si tiến sỹ, giáo sư; bác sỹ, giáo sư lăm le chức tước là tệ nạn
không tránh khỏi.