Trang

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

5090. ĐẠI ĐẠO CĂN NGUYÊN BÀI 2 & 3: LIÊN QUAN ĐẾN NGÀI NGÔ VĂN CHIÊU

 BÀI 2.

ÔNG NGÔ VĂN CHIÊU TÁCH RIÊNG

Ông Trung vẫn vâng Thánh ý lo thiết đàn giảng Ðạo. Ông Chiêu lại ở nhà lo bề tự giác. Ý ông không muốn truyền bá mối Ðạo ra cho nhiều người. Ông vẫn lấy câu: "Ngô thân bất độ hà thân độ?" mà làm tôn chỉ. Vì vậy mà ông tách riêng ra kể từ ngày 14 tháng ba, năm Bính Dần (24 Avril 1926). Ðồng một ý kiến ấy thì có mấy ông: Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lý Trọng Quí.


Từ đây, tuy đôi bên chủ nghĩa khác nhau vì một đàng (ông Lê Văn Trung) thì lo phổ thông mối Ðạo, một đàng (ông Ngô Văn Chiêu) lại chuyên bề tự giác, nhưng về phương diện tín ngưỡng, thì cũng đồng thờ kỉnh Ðức Cao Ðài Thượng Ðế.


BÀI 3.

ĐÀN LỆ 


Trước ngày ông Chiêu tách riêng ra, Thượng Ðế đã thâu phục nhiều vị có học thức và danh giá như quan Ðốc phủ Lê Bá Trang, Quan phủ Nguyễn Ngọc Tương, Quan phủ Lê Văn Hóa, Quan phủ Mạc Văn Nghĩa, hai vợ chồng Quan huyện Nguyễn Ngọc Thơ, ông Lê Văn Lịch, ông Nguyễn Văn Tương, ông Trần Ðạo Quang, ông Nguyễn Văn Kinh, ông Lâm Quang Bính thảy đều là trang rường cột (1) trong nền Ðại Ðạo. Chư vị phò loan ngoài năm ông Cư, Tắc, Sang, Hậu, Ðức, lại thêm được mấy ông Cao Quỳnh Diêu, Ca Minh Chương, Phạm Tấn Ðải, Phạm Văn Tươi, Nguyễn Văn Kim, Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng, Huỳnh Văn Mân, Võ Văn Nguyên.

Nguyên ban đầu, mấy ông Trung, Kỳ, Cư, Tắc, Sang, Hậu, Ðức, Bản, Giảng mỗi đêm đều tựu lại khi ở nhà ông Trung (Rue Testard Cholon), khi ở nhà ông Cư (Rue Bourdais Saigon), khi ở nhà ông Bản (Cầu kho) để cầu Thượng Ðế giáng cơ dạy Ðạo. Mà hễ mỗi lần có chư nhu đến xin nhập môn, Thượng Ðế lại dạy phải đến Ðại đàn Cầu kho. Vì vậy mà nhà ông Bản thành ra một cái đàn lệ, rồi gọi là Tiểu Thánh Thất, Thánh Thất Cầu kho ban đầu rất chật hẹp: Ðồ đạc thiếu trước hụt sau, vị chủ nhà lúc bấy giờ đương ở trong vòng bẩn chật, không đủ sức sắm đồ vật để thờ cho xứng đáng. Bàn thờ chỉ là một cái ghế nho nhỏ bằng cây dá tị. "Thiên nhãn" chỉ vẽ trong một mảnh giấy cao cao chừng ba tấc, ngang độ hai tấc tây. Chiếu đệm cũng không đủ trải mà lạy. Tình cảnh tuy nghèo, mà mấy chục bổn đạo mới không hổ, cứ mỗi đêm thứ bảy là đến hầu đàn. Không bao lâu lại được nhiều vị đạo tâm lo sửa sang Thánh Thất lại mới có chút vẻ vang: Quan phủ Vương Quan Kỳ lo chưởng quản việc cúng tế trong đàn và thuyết đạo, ông Ðoàn Văn Bản, ông Nguyễn Trung Hậu, ông Tuyết Tấn Thành và ông Lê Thế Vĩnh lo sửa soạn dọn dẹp nơi Thất cho có trang nghi. Ông Lê Văn Giảng, ông giáo Hiến cùng một ít đạo hữu nữa lo sắm đồ đạc lặt vặt trong Thất.

Ðương khi ở Thất Cầu kho, quan phủ Vương Quan Kỳ cùng mấy vị vừa kể trên đây lo thiết đàn giảng đạo, ông Lê Văn Trung lại cùng với mấy ông Cư, Tắc, Nghĩa xuống miệt Cần Giuộc lập đại đàn, khi thì ở chùa "Vĩnh Nguyên" khi lại ở "Hội Phước". Thêm có quan phủ Nguyễn Ngọc Tương, quan phủ Lê Văn Hóa, ông Lê Văn Lịch và ông Ngô Văn Kim giúp sức vào, nên trong mấy quận Cần Giuộc, Cần Ðước, thiên hạ nhập môn nượp nượp; mỗi một lần thiết đàn số người cầu đạo kể có trót ngàn.

Cách không bao lâu, Thượng Ðế dạy lập thêm năm cái đàn lệ nữa, kể chung với đàn Cầu kho là sáu cái:

1.- Một cái đàn ở Cầu Kho do quan phủ Vương Quan Kỳ chứng đàn, sau lại có mấy ông Ngô Tường Vân, Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Văn Ðạt, Nguyễn Văn Kinh cùng với quan phủ Kỳ để luân phiên nhau mà lo việc cúng kiếng. Ông Nguyễn Trung Hậu và ông Trương Hữu Ðức phò loan. Lo sắp đặt việc lễ, có mấy ông: Ðoàn Văn Bản, Huỳnh Văn Giỏi, Lê Văn Giảng, Nguyễn Văn Tường.

2.- Một cái đàn ở Cholon, tại nhà quan cựu Nghị viên Lê Văn Trung. Ông nầy cùng quan phủ Lê Bá Trang chứng đàn. Còn hai ông Cao Quỳnh Diêu và Cao Hoài Sang thì phò loan.

3.- Một cái đàn ở Tân Kim (Cần Giuộc), tại nhà ông cựu hội đồng địa hạt Nguyễn Văn Lai. Quan phủ Nguyễn Ngọc Tương và ông Lê Văn Lịch chứng đàn. Hai ông Ca Minh Chương, Phạm Văn Tươi phò loan. Lo sắp đặt việc lễ có mấy ông: Lê Văn Tiếp, Nguyễn Văn Nhơn, Phạm Văn Tỉ, Võ Văn Kỉnh.

4.- Một cái đàn ở Lộc Giang (Cholon) tại chùa "Phước Long" của ông Yết Ma Giống. Chứng đàn là quan phủ Mạc Văn Nghĩa, ông Yết Ma Giống. Phò loan: hai ông Trần Duy Nghĩa, Trương Văn Tràng.

5.- Một cái đàn ở Tân Ðịnh, tại nhà quan huyện Nguyễn Ngọc Thơ. Ông nầy chứng đàn. Còn phò loan là hai ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc.

6.- Một cái đàn nữa ở Thủ Ðức, tại nhà ông Ngô Văn Ðiều. Ông nầy chứng đàn. Phò loan: ông Huỳnh Văn Mai, ông Võ Văn Nguyên.

Ngoài đàn lệ, lại còn thiết đại đàn ở nhiều chỗ khác để giúp vào cuộc phổ thông Thiên Ðạo.

Thượng Ðế lại dạy lập một cái đàn riêng nơi nhà ông Ðội Trần Văn Tạ để cứu chữa bịnh nhơn. Công quả ấy về phần ông Trần Văn Tạ và con ông là Trần Văn Hoằng lo lắng.

 

(*1) Trang rường cột trong Ðạo còn nhiều vị rất xứng đáng nữa như quan Ðốc phủ Nguyễn Văn Ca, quan cựu Hội Ðồng Quản Hạt Nguyễn Văn Hoài, quan Huyện Lê Văn Hộ, nhưng nhập môn sau ngày khai Ðạo.