BÀI
2.
TIỂU SỬ BÀ CHÁNH PHỐI SƯ HƯƠNG HIẾU.
Tôi ký tên dưới
đây là Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu.
Ngày tháng nhẹ
nhàng trôi qua thắm thoát, tuổi Ðạo ba mươi mấy năm rồi mà tôi mảng lo phục vụ
cho nhơn sanh từ buổi trung niên cho đến nay đầu bạc, chưa có thì giờ nhàn rỗi
để soạn lại những gì tôi đã làm "Tôi" Trời Phật và Hội Thánh Tây
Ninh.
Hôm nay tôi nghĩ
rằng "Quang âm như thạch hỏa xá thế vô bá tuế nhơn". Vì thế mà
tôi viết quyển sách nầy để nhắc lại kể từ ngày được may duyên sớm gặp nền Ðại
Ðạo cho đến ngày nay tôi bảy mươi ba tuổi, đặng hầu lưu lại trong lúc tôi qui
vị cho khỏi mất công quý vị tìm kiếm công quả những ngày tôi hành Ðạo tại thế.
Tôi là con của
ông Nguyễn Văn Niệm và bà Trần Thị Huệ. Cha mẹ tôi đã khuất hết rồi.
Ngày sanh tôi:
Năm Ðinh Hợi, Date de naissance 1886 (Lieu de Naissance: Rue Paulbert Dakao
Saigon).
Khi tôi mới khai
sanh, Bà Nội tôi muốn tỏ dấu một nhà đạo đức, nên cha tôi là Nguyễn Văn Niệm,
thì Bà Nội tôi đặt tên tôi là Nguyễn Thị Hương, còn Bà Ngoại tôi thì đặt cho
tôi là Nguyễn Thị Hiếu.
Cha tôi muốn vừa
lòng cả nội ngoại đôi bên, nên khi ở bên nội thì gọi tôi tên Hương mà khi về
bên ngoại thì gọi tôi tên Hiếu.
Thân sinh quê
quán tại tỉnh Cần Thơ. Thân mẫu ở miền Gia Ðịnh.
Thuở tôi vừa nên
7 tuổi, thân mẫu tôi cho tôi vào học trường Bà Phước (Nhà Trắng) Sàigòn, đến 17
tuổi cho học nữ công, qua năm 21 tuổi sánh duyên cùng ông Cao Quỳnh Cư ở làng
Hiệp Ninh (Tây Ninh), năm 23 tuổi tôi sanh được một trai tên là Cao Quỳnh An.
Ðến năm 38 tuổi,
gặp thời kỳ Chí Tôn đến khai nền Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Một sự ngẫu nhiên
của cơ huyền bí mà trước kia ba ông Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh có tính
cách Xây Bàn cầu vong để làm thi tiêu khiển, đâu có ngờ là thời kỳ Ðức Chí Tôn
khai cơ mở Ðạo (Xin xem qua Ðạo Mạch Truy Nguyên *1). Ðức Chí Tôn giáng
cơ tại nhà tôi trước, đầu tiên ở đường Bourdais số nhà 134 Sàigòn.
Năm 1925 khai Ðạo
chưa có Thánh Thất, nên các Ðấng Thiêng Liêng dạy tạm dùng nhà tôi để thờ Ðức
Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi cầu cơ dạy Ðạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi
đầu tiên là năm 1925. Ðến năm 1926, mới mở Ðạo lần tới Tân Kiệm, Tân Ðịnh, Lộc Giang,
Thủ Ðức.
Trong buổi chưa
có Ngọc Cơ còn xây bàn, các Ðấng giáng dạy Ðạo cho Ðức Hộ Pháp, Ðức Cao Thượng
Phẩm và Ðức Thượng Sanh thì bàn gõ từ chữ, Ðức Thượng Phẩm hô chữ nào thì tôi
chép chữ nấy rồi mới ghép lại cho thành văn.
Vì thế mà lúc còn
xây bàn, các Ðấng giáng cho một bài thi Bát cú hay Tứ cú hoặc dạy việc gì, khi
chép xong rồi mới ráp lại một bài thật là lâu lắm, mà mỗi đêm mỗi cầu, buổi ấy
tôi làm Biên Tập Viên (Thơ Ký) cho các Ðấng.
Thi văn của các
Ðấng dạy Ðạo, có nhiều câu văn rất cao kỳ và mầu nhiệm (xin xem đoạn trước,
Tiểu Sử Xây Bàn, thì sẽ rõ).
Vì thế mà ba ông
mê thi văn của các Ðấng nên đêm nào cũng thức để cầu cơ học hỏi cho đến khuya
trong bảy tháng trường như vậy ai cũng ốm gầy xanh xao hết mà không đêm nào
buồn chán (sơ lược khoản nầy để xem tiểu sử Ðức Cao Thượng Phẩm thì rõ).
Bổn phận tôi ban
đêm làm Thơ Ký chép Thánh giáo học hỏi, còn ban ngày thì lo yến tiệc tiếp đãi
quí khách thượng lưu, trung lưu, hạ lưu, thiên hạ rộn rịp tới lui tìm Ðạo, ngày
nào chẳng nhiều thì ít, khách gần khách xa lui tới liền liền trong năm 1925.
Trong hai năm
1925, 1926 chưa có người để chép Thánh giáo, nên tôi được vừa làm Thơ Ký cho
các Ðấng và tiếp đón nhơn sanh, từ tháng 6 năm Ất Sửu (1925) đến năm Bính Dần
(1926); lúc sau dời về chùa Gò Kén mới có người chép phụ với tôi (mà cũng là
phần ít).
Hồi chưa có Tòa
Thánh, còn trong buổi phôi thai, mỗi khi khai đàn thượng tượng (thờ Thầy),
riêng về phần tôi theo chép Thánh giáo đem về cho Ðức Cao Thượng Phẩm chấm câu,
còn chủ nhà chép riêng theo phần của chủ nhà (khai Ðạo tại Sàigòn). Xin
quí vị xem kỹ lại, có Thánh giáo Thầy kêu tôi: "Hiếu, viết rõ con" (Quý
ông Hiệp Thiên Ðài đều biết rõ hết).
Lúc nầy nhà tôi
còn ở Sàigòn, Ðức Chí Tôn mở Ðạo trước tại Sàigòn bảo Ðức Thượng Phẩm vẽ Thiên
Nhãn (Thánh Tượng nhỏ còn đó), còn tôi thì lo mua khuôn kiếng đặng lộng
Thiên Nhãn cho chư vị mới nhập môn, tôi cho thỉnh không khỏi trả tiền và tôi
còn phải dạy thờ cúng và dạy đọc kinh. Tôi giảng giải sơ lược chớ còn nhiều chi
tiết khác.
Trải bao thỏ lặn
ác tà, những hàng trí thức cùng người mộ Ðạo tìm đến nhập môn khá đông thì tôi
lại phải để hết lòng lo tiếp đãi và chỉ dẫn trong lẽ Ðạo, thời gian ấy tôi quên
cả gia đình và sản nghiệp, chỉ vui say theo đường Ðạo mà các Ðấng thường giáng
đến dạy dỗ khuyên lơn.
Ðến tháng 3 năm
Bính Dần (1926) Chí Tôn giáng cơ dạy tôi may Thiên phục cho ông Ðầu Sư Thượng
Trung Nhựt trước hết, kế may Thiên phục cho Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng Ðài.
Thông qui kể ra sau đây:
Thiên phục CTÐ: |
|
|
|
Ông Ðầu Sư Thượng
Trung Nhựt: |
1 áo Ðại Phục xanh
và 1 cái khăn chín lớp. |
|
Ông Ðầu Sư Ngọc Lịch
Nguyệt: |
1 áo Ðại Phục đỏ, 1
khăn chín lớp đỏ. |
|
Ông Thái Chánh Phối
Sư Thái Thơ Thanh: |
1 áo Ðại Phục vàng
và 1 khăn chín lớp vàng. |
|
Ông Chánh Phối Sư
Thượng Tương Thanh: |
1 áo Ðại Phục xanh
và 1 khăn xanh chín lớp. |
|
Ông Chánh Phối Sư
Ngọc Trang Thanh: |
1 áo Ðại Phục đỏ và
1 khăn đỏ chín lớp. |
|
Ông Phủ
Ngô Minh Chiêu: (1) |
1 áo Giáo
Tông có thêu chữ bùa Bát Quái và 1 cái mão Giáo Tông. |
|
Ông Phủ Vương Quang
Kỳ Giáo Sư: |
1 áo Ðại Phục xanh
và 1 cái khăn bảy lớp. |
Thiên phục HTÐ: |
|
|
|
Ðức Cao Thượng Phẩm: |
1 áo Ðại Phục trắng,
1 cái áo lá xanh. |
|
Ðức Thượng Sanh: |
1 áo Ðại Phục trắng,
1 cái áo lá xanh. |
|
Quí vị Thập Nhị Thời
Quân: |
12 cái áo Ðại Phục
trắng, 12 cái mão Nhựt Nguyệt Mạo. |
(1) Ông
Ngô Minh Chiêu đáng lẽ phải đắc phong Giáo Tông chánh vị, nhưng tiếc thay ngày
lập Ðàn Thiên Phong ông Chiêu đến thấy đông người ông sợ bỏ ra về, vì vậy mà
ông không được phong Giáo Tông, và về sau mất hẳn phẩm.