Trang

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

5081. Tam công nằm trong phần lập công của Tam lập ...

 Bó thân về với triều đình, Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? (Kiều, Nguyễn Du)

Bởi chê bửu bối trong nhà, Học theo chi phái Hiền tài ra sao? (Nhại Kiều, BBT)
Đức Hộ Pháp dạy Tam Lập (lập công, lập đức, lập ngôn) BBT hiểu đó là pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ. Một số hiền tài của Đạo Cao Đài nhiễm độc của chi phái ngày đêm ca ngợi tam công mà chẳng hiểu Tam công  nằm trong phần lập công của Tam lập ...
 Bụt nhà không thiêng là vậy. BBT đăng bài không có nghĩa là đồng ý với cả bài. 

Tìm hiểu về Tân pháp đạo Cao Đài

Gửi ngày 09/05/2016

TẠP CHÍ LIÊN GIAO CAO ĐÀI.





Bài đã gửi Trung tâm thông tin, BTGCP, tạp chí Cao đài, liên giao CĐ ngày 6/5/2016


http://www.tapchiliengiaocaodai.com/tap-chi-cao-dai/trao-doi-nghien-cuu/tim-hieu-ve-tan-phap-dao-cao-dai

Tìm hiểu về Tân pháp đạo Cao Đài
 
Tìm hiểu về Tân pháp đạo Cao Đài
Tân pháp đạo Cao Đài là pháp môn tu hành được Đức Thượng Đế truyền dạy cho tín đồ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; từ khi lập đạo Cao Đài năm 1926, Tân pháp Cao Đài có tính chất đơn giản hơn các pháp môn tu luyện từ trước tới nay, đồng thời tổng hợp căn bản Tam Giáo đạo (Nho - Thích - Lão), giúp cho người tu dễ dàng thực hành từ thấp lên cao đến mức giải thoát; về mặt thực hành, Tân pháp Cao Đài dựa trên căn bản Tam công để rèn luyện thân tâm - tánh mạng, ứng dụng Tam công ở phần: Công phu, Công quả, Công trình (Công phu, Công quả, Công trình gọi tắt là Tam công, Tam công nằm trong phần lập công của Tam lập, Tam lập gồm: Lập đức, Lập công, Lập ngôn).

1. Công phu
Công phu có hai phần việc: Học tập kinh sách của đạo để thông hiểu Giáo lý, Luật pháp, Kinh kệ của Đạo và Cúng Đức Chí Tôn vào tứ thời: Tý, Mão, Ngọ, Dậu.

- Học tập kinh sách của đạo:
Kinh sách của đạo gồm có kinh Thiên đạo và Thế đạo, tức là Tân kinh của đạo Cao Đài (Kinh Thiên đạo: Kinh cúng tứ thời mỗi ngày, Kinh giải bệnh, Kinh trừ tà, Kinh tang lễ, Kinh cầu siêu, Kinh sám hối, Kinh giải oan, Kinh nhập môn, Kinh tắm thánh, Di Lạc Chơn Kinh; Kinh Thế đạo: Kinh trong các đạo sự, Kinh trong sống đạo hàng ngày, Kinh trong hôn lễ, Kinh cúng các vị liễu đạo, Kinh cứu khổ).
Luật gồm có Tân luật, Pháp Chánh truyền, Ngọc Đế Chơn Truyền… các Hội thánh có các đạo luật riêng.
Giáo lý gồm các sách: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và các sách Luận giải Đạo lý của các bậc tiền bối như những bài thuyết đạo của Hộ Pháp, Giáo lý của Tiếp pháp Trương Văn Tràng…
Người tín đồ đạo Cao Đài phải học tập kinh sách, nghiên cứu Giáo lý và Triết lý của Tam giáo, tham dự các thuyết đạo của chức sắc để hiểu biết rõ Giáo lý Đại Đạo, hiểu rõ nhiệm vụ của một tín đồ, cùng các nghi thức trong tế lễ, tang hôn.
- Cúng tứ thời: Người tín đồ đạo Cao Đài hàng ngày có 04 khóa lễ vào các giờ Tý, Mão, Ngọ, Dậu (giờ Tý từ 11 giờ đêm đến 1 giờ khuya, giờ Mão từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng, giờ Ngọ từ 11 giờ trưa đến 1 giờ trưa, giờ Dậu từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối); Cúng tứ thời giúp người tín đồ Cao Đài giữ tâm thanh tịnh, tập trung tinh thần giao cảm với các đấng Thiêng Liêng; khi đã được thọ pháp học thiền thì phải tu luyện thân tâm nhằm đạt đến sự giải thoát.
Việc tứ thời công phu này rất quan trọng và đã được Quan Thế Âm Bồ Tát dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển “các em phải lo cúng kiếng thường: một là tập cho chơn thần được gần gũi các Đấng Thiêng liêng cho được sáng lạn; hai là cầu khẩn với Đức Đại từ bi tha thứ tội tình cho các em và chúng sanh; ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng là lẽ tự nhiên; bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng, mà nhất là lương tri lương năng của các em nhờ đó mà lần hồi thành ra mãn huệ. Các em nhớ à!”.
2. Công quả
Công quả là tất cả những việc làm để giúp người, giúp đời, phụng sự cho Đạo, phụng sự cho nhơn sanh, dù phạm vi nhỏ hay lớn, đều gọi là công quả. Công quả muốn được chính danh, đúng ý nghĩa thì phải là công quả xuất phát từ lòng từ thiện, tự giác, thiết tha với nó, xem nó là mục đích của đời mình và phải rèn luyện hai điều sau đây:
Thứ nhất, phải tự rèn luyện khả năng hiểu biết đạo lý của mình để dẫn dắt những người chưa hiểu biết đạo hay chưa biết đạo vào con đường đạo đức như mình.
Thứ hai, phải giữ gìn sức khỏe cho tốt, cho khỏe mạnh để giúp đạo, giúp đời; nếu sức khỏe không tốt, ốm đau thường xuyên thì bản thân không giúp được ai mà phải nhận lấy sự giúp đỡ của người khác, do đó mình sẽ mất công quả và mang nợ người khác.
Mỗi người tùy theo khả năng chuyên môn của mình mà làm công quả; ở trong đạo, có rất nhiều công việc, đủ mọi ngành nghề, từ việc làm bằng sức lao động chân tay đến những việc làm bằng trí não; trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đức Chí Tôn đã dạy “Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng rụt rè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy ban cho các con”. Đạo Cao Đài quan niệm thế gian vừa là một học đường, vừa là nơi để lập công bồi đức ngõ hầu tiến hóa thêm hơn; vì vậy người tín đồ Cao Đài không được yếm thế hay phủ nhận cuộc sống giữa xã hội, ngược lại phải sống hòa nhập với đời làm tròn các bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội, trước và trong khi bước sang giai đoạn cầu tu giải thoát; trong mối quan hệ gia đình, xã hội và đất nước, tín đồ Cao Đài thực hành Nhơn đạo Khổng giáo để sống có đạo đức; cũng từ đó, tín đồ Cao Đài rất kính trọng, tôn thờ ông bà tổ tiên cha mẹ cũng như những vị anh hùng dân tộc đã quá vãng.
Làm công quả giúp đời, giúp đạo là thể hiện đức tính Từ Bi, Bác Ái, thương người, thương vật; làm công quả thường xuyên, thể Bi trong mỗi tín đồ càng phát triển và phải cố gắng làm công quả thật nhiều mới mau đắc quả.
Công quả chính là sự thể hiện lòng Bác ái, Từ bi đối với mọi người, mọi vật qua tư tưởng, lời nói và hành động dưới nhiều hình thức nhằm giúp đỡ, cứu khổ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; hướng dẫn người khác cải ác tùng lương. Cần thấy rằng, không phải là có thật nhiều tiền mới làm công quả được (như bố thí, xây chùa, in kinh, cứu trợ,…), những việc làm nho nhỏ, tùy khả năng của mình, thực hiện với tấm lòng vị tha là công quả đích thực; như cho một viên thuốc, một cái áo không dùng đến, bớt một phần ăn,… tất cả đều là những hình thức công quả rất thiết thực. Chúng ta không so sánh công quả nào nhiều, công quả nào ít mà quan trọng là ở tấm lòng, chính vì thế, tục ngữ có câu: “Cách cho quí hơn của cho”.
3.Công trình
Công trình là sự rèn luyện những đức tính tốt, sự cố gắng bỏ những thói hư tật xấu, kiên trì tu học để hoàn thiện bản thân, giữ gìn giới luật như: Ngũ giới cấm, Tứ đại Điều quy, Luật đạo, ăn chay kỳ hay ăn chay trường.
- Đạo Cao Đài sử dụng Ngũ giới cấm (năm điều cấm kỵ).
Nhất bất sát sinh, là không được sát hại cuộc sống của loài vật;
Nhì bất du đạo, là không được trộm cắp, tham lam, lừa gạt, hại người;
Tam bất tửu nhục, là không được uống rượu, ăn thịt quá độ say sưa mà dẫn đến những việc làm tội lỗi;
Tứ bất tà dâm, là không được lấy vợ (hoặc chồng) của người khác, không được đàng điếm, xúi giục người khác vi phạm luân thường đạo lý;
Ngũ bất vọng ngữ, là không được nói dối, nói thô tục, nói không giữ lời.
- Tứ đại Điều quy (4 điều trau dồi đức hạnh).
Phải tuân theo lời dạy của bề trên, chẳng hổ chịu cho bậc thấp hơn điều độ, lấy lẽ hòa người. Lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt;
Chớ khoe tài kiêu ngạo, quên mình mà làm nên cho kẻ khác. Giúp người nên đạo. Đừng nhớ cừu riêng, chớ che lấp người hiền;
Tiền bạc xuất nhập phân minh, đừng vay mượn không trả. Đối với trên dưới đừng lờn dễ, trên dạy dưới lấy lễ dưới gián trên, đừng thất khiêm cung;
Trước mặt, sau lưng đều đồng một bậc, đừng kính trước rồi khinh sau. Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi xem không để lời hòa giải. Đừng cậy quyền mà yểm tài người.
Bốn điều trong Tứ đại Điều quy nêu trên là bốn điểm: ôn hòa, cung kính, khiêm tốn, nhường nhịn (ôn - cung - khiêm - nhường)rất gần gũi với những nguyên tắc sống hằng ngày của con người với nhau, nhưng khi áp dụng thì có người đã quên nó đi, vì vậy bốn điều trên là điều kiện cần và là sự nhắc nhở để người tín đồ Cao Đài tự sửa mình và luôn luôn duy trì cuộc sống trong mối quan hệ giữa tín đồ với nhau.
- Luật tại thế.
+ Anh em đồng đạo phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau.
+ Nhân đạo có Tam cương (tam cương: Vua - Thầy - Cha), ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín).
+ Không được lấy nàng hầu, vợ lẽ; vợ chồng không được bỏ nhau trừ tội nặng như ngoại tình, thất hiếu…
+ Con cái của bổn đạo sinh ra sau một tháng phải đưa tới Thánh thất để làm lễ tắm Thánh và ghi vào sổ bộ đạo của Họ đạo; trẻ con phải có cha, mẹ đỡ đầu, từ 6 đến 12 tuổi phải cho con vào trường học chữ hoặc học đạo.
+ Việc ma chay nên làm đơn giản, việc cúng lễ nên làm chay.
+ Tín đồ phải kết hôn với người đồng đạo, trừ ra người ngoại đạo ưng nhập đạo trước rồi sau đó mới kết thành vợ chồng. Trước lễ thành hôn tám ngày, chủ trai phải dán bố cáo tại Thánh thất sở tại; lễ sánh duyên phải làm lễ cầu chứng nơi Thánh thất sở tại.
+ Việc sinh nhai phải chọn nghề không có ý sát sinh, hại vật.
- Luật xuất thế: Tịnh thất là nơi tín đồ vào đó được ăn dưỡng thần, trí, tu luyện đến công viên quả mãn, người vào tịnh thất không còn giao tiếp với bên ngoài nữa, không được giao tiếp với người ngoại đạo.
- Trừng phạt: Kẻ phạm giới phải nghe theo lời khuyên mà sửa chữa, nếu có người khuyên đến hai hoặc ba lần rồi mà còn phạm nữa thì người đó phải trình với chức sắc cai quản Thánh thất sở tại. Nếu vị đầu Họ đạo đã có ý kiến rồi mà kẻ ấy còn phạm thì có thể đem đến Hội cộng đồng xem xét, kẻ phạm luật đạo có thể bị trục xuất nếu thấy không thể tha thứ.
- Ăn chay: Đã nhập môn rồi thì phải ăn chay, ban đầu ăn chay ít nhất 6 ngày trong tháng, sau đó ăn chay 10 ngày, rồi 16 ngày để tiến dần đến trường chay. Ăn chay là hoàn toàn dùng thức ăn thực vật, không dùng đến bất cứ sản phẩm động vật; ăn chay nhưng phải chú trọng đến dinh dưỡng trong bữa ăn để cơ thể luôn được khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt. Việc ăn chay dễ tiêu hóa tức là giữ gìn được sạch sẽ bên trong và cả bên ngoài thân thể.
Việc lập hạnh đòi hỏi người tu phải có một ý chí mạnh mẽ, kiên trì tu học, hành đạo để dứt bỏ dục vọng thấp hèn trong tâm thức,tu nhân đạo trên căn bản Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và Trung Hiếu. Thực hành nhân đạo là làm tròn bổn phận đối với bản thân, đối với gia đình và xã hội. Phải làm tròn Nhân đạo trong giai đoạn nhập thế mới có thể bước qua giai đoạn xuất thế tu đạo giải thoát, phế trần hành đạo, gọi là thực hành Thiên đạo; do đó, việc lập hạnh tu hành là trau dồi thế dũng của con người.
Tóm lại, thực hành Công phu, Công quả, Công trình tức là thực hành việc lập công, là để phát triển Bi, Trí, Dũng của con người để hòa nhập vào Thượng Đế. Công quả là thể hiện đức Bi, Công phu là thể hiện đức Trí, Công trình là thể hiện đức Dũng; chúng liên hệ mật thiết với nhau, phần nào cũng quan trọng như nhau, không thể tách rời, không thể bỏ sót phần nào được, mà phải phát triển song song nhau, thì sự tiến hóa tâm linh mới nhanh chóng và mau đắc quả.
4. Tân pháp Cao Đài 
Mặc dù Tân pháp Cao Đài dựa trên căn bản Tam công để rèn luyện, nhưng có tác dụng ứng hóa biến thông và phối hợp với các qui luật: Nhơn pháp Địa -  Địa pháp Thiên - Thiên pháp Đạo.
- Về sự ứng hóa của pháp môn Tam Công (với Nhân tức người ở tam điền, Thượng trung hạ tức tam bửu: Tinh Khí Thần; Địa tức đất ở tam tài: Đất, Nước, Gió; Thiên tức Trời ở tam cực: Vô Cực, Thái cực, Hoàng Cực và tam bửu là Nhật, Nguyệt, Tinh).
- Về Đạo Lý, pháp môn Tam Công đáp ứng cả hai mặt không gian và thời gian.
+ Không gian có ba chiều: Chiều dài, công quả phải trường kỳ hành thiện; Chiều rộng, công trình phải xây dựng tình thương, mở rộng lòng bác ái; Chiều cao, công phu phải tu tính luyện mạng cho đầy đủ để tiến vào chỗ trường tồn bất diệt.
+ Về thời gian:
Công quả để rèn thân, giữ giới nhằm bảo tinh, diệt tánh Tham.
Công trình để gìn khẩu, luyện kỹ nhằm dưỡng khí, diệt tánh Sân.
Công phu để định ý, tịnh định nhằm an thần, diệt tánh Si.
Nói chung, pháp môn tam công có tác dụng vận hành cho:Người với người tức nhân loại thông cảm với nhau, Càn khôn thế giới giao thông với nhau để bảo tồn cơ sanh hóa, Trời và người lưu thông với nhau, hòa hợp thăng hoa đến chỗ chánh đẳng cho Thiên nhân hiệp nhất để trường tồn.
Nói đến Tân pháp mặc nhiên có “Cựu pháp” mà “Pháp” tức sự dịch hóa của trời đất thì chỉ có “Một”, không biến đổi, không sai biệt; còn đứng về mặt tương đối nhị nguyên thì phải có Tân có Cựu để con người dễ nhận định, dù Tân Pháp hay Cựu Pháp đều ứng dụng: Giới - Định - Huệ, chỉ có khác ở phương pháp tu luyện nhanh hay chậm, cao hay thấp tùy vào trình độ căn trí của tín đồ: Tân pháp Cao Đài có đặc điểm là tu tiến đến đâu, đắc quả đến đấy, tức có tu, có đắc.
Ở nhất kỳ và nhị kỳ phổ độ thì pháp môn tu hành được chuyên môn hóa công việc giáo dục qua tôn giáo như: Nho giáo dùng thế pháp tức công quả để độ thế; Phật giáo dùng Tâm pháp tức công phu để xuất thế; Lão giáo dùng Đạo pháp để nhập thế bằng Vương Đạo mà độ thế và dùng Tâm Pháp để xuất thế bằng công phu tu luyện
Riêng trong Tam Kỳ Phổ Độ, pháp môn được tổng hợp đủ ba mặt Thế pháp, Tâm pháp và Đạo pháp, cũng hội đủ tam cực trong thế tam tài đồng đẳng vì: Công quả tượng trưng cho vật chất: Đất; Công phu tượng trưng cho tinh thần: Trời; Công trình tượng trưng cho sinh lực người.
Tóm lại, Tân Pháp Cao Đài là pháp môn tu hành gồm đủ tam công: Công quả có điểm quyền pháp (Thái Cực) để xây dựng Thế Đạo Đại Đồng, làm cho nhân sinh nhất quán; Công trình có điểm Hoàng Cực giúp con người qui nguyên, phục nhất, tức biểu hiện Vạn giáo Nhất lý; Công phu là chỗ tĩnh lặng, tức điểm Vô Cực để con người phối Thiên và đắc nhất, hòa đồng cùng vũ trụ./.
 
  ThS. Nguyễn Ngọc Huấn
 Ban Tôn giáo Chính phủ
Tài liệu tham khảo
1. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, Nxb Tôn giáo, 2005.
2. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 2, Nxb Tôn giáo, 2008.
3. Viện nghiên cứu Tôn giáo, Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội, 1995.
4. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh (Đức Nguyên), Cao Đài Từ Điển, quyển 1, 2, 1994.
5. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
6. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Cao Đài Vấn Đáp, Nxb Tôn giáo, 2012.
 
          ThS. Nguyễn Ngọc Huấn
Vụ Cao Đài, Ban Tôn giáo Chính phủ
Tài liệu tham khảo
1. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1, Nxb Tôn giáo, 2005, Hà Nội.
2. Cơ quan Phổ thông Giáo lý, Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 2, Nxb Tôn giáo, 2008, Hà Nội.
3. Viện nghiên cứu Tôn giáo, Bước đầu tìm hiểu đạo Cao Đài, Nxb Khoa học xã hội, 1995, Hà Nội.
4. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh (Đức Nguyên), Cao Đài Từ Điển, quyển 1, 1994.
5. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh (Đức Nguyên), Cao Đài Từ Điển, quyển 2, 1994.
6. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.