Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà: Tam giáo thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ nay Thượng Đế gọp lại thành một nhánh trong pháp luật ĐĐTKPĐ.
Kinh dạy Một cội sanh ba nhánh in nhau: vậy nhánh là Tam giáo: Phật, Tiên, Nho từ ba nhánh ấy mới có chi phái cho mỗi nhánh.
Như vậy chi phái không phải là nhánh. Đưa chi phái thánh nhánh là sai với chánh giáo. Có cái sai ấy là do dùng câu: Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà làm cơ sở lý luận cho việc lập thành chi phái.
BBT đăng nguyên văn vài viết của ông Lữ Bảo Văn từ Tạp Chí Liên Giao Hành Đạo để phân tích những điều chưa đúng về Bài thi:
“Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.”
NGÀY XUÂN ĐỌC THÁNH NGÔN THẦY DẠY
Lữ Bảo Văn
Mở trang Thánh ngôn hiệp tuyển Q1 đọc lời dạy của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo đạo Nam phương với bài Thánh thi mở đầu và lời giải:“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.”
Đêm nay, 24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây (Europe)
Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy, giờ ngày gần đến đợi lịnh nơi Ta.
Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa!
Những vị hầu đàn nghe bài thơ này cảm được ý thơ và hầu hết phát nguyện tu hành! Các môn đệ buổi đầu của Đức Cao Đài đã vui lòng tu niệm và hầu hết đã hưởng được ân Thiên. Các bậc tiền khai Đại Đạo đã tin nhận mối Đạo Cao Đài rất mầu nhiệm và sẽ phổ truyền khắp nơi trên trần thế để giáo hóa con người từ bờ mê sang bến giác. Các vị hầu đàn nghe thơ văn dạy Đạo không phải ai cũng cảm và hiểu được. Thầy dạy phải hữu duyên mới độ thấu nguồn chơn Đạo!
Sau 92 năm đọc lại lòng thấy bâng khuâng cảm xúc vô cùng! Thầy chỉ ra cái gốc của nhân loại và Đạo giáo xưa nay đều do chính mình Thầy làm chủ. Tất cả các vị Thần, Thánh, Tiên, Phật các thời kỳ đều do con người tu mà đắc. Mà con người là do Thầy sinh ra. Lý lẽ này nghe đơn giản nhưng hết sức sâu sắc.
Nhân đón mừng Đại lễ Đức Gia Tô giáo chủ Thánh đạo năm nay, đọc và tìm hiểu ý nghĩa lời dạy lòng lâng lâng tưởng cảm cách đây trên nửa thế kỷ có duyên may ngộ Đạo Thầy rồi lo hành đạo nay hiểu và cảm sâu hơn sau khi trải nghiệm thực tế cuộc đời. Nhiều lần gặp vấn nạn nhờ ân Thiên mà thoát nạn tai và được tấn hóa giúp cho bản thân thấy sự mầu nhiệm của Đạo Thầy. Thầy dạy phải vui mừng khi Thầy phân thân xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây. Hiện nay Đức Gia Tô giáo chủ đã truyền Thánh Đạo khắp nơi trên quả địa cầu. Số người được ân Thiên từ Đức Chúa ban cho quả chưa ai tổng kết đầy đủ được. Thầy rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy, giờ ngày gần đến đợi lịnh nơi Ta. Đọc và suy nghĩ thấy sự giao cảm giữa Thầy và các môn đệ thật thắm thiết, người biết đạo và hành đạo lo tu điều ấy làm cho Thầy vui, rất vui! Rồi Thầy dạy ngày giờ gần đến đợi lịnh nơi Ta. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Ngày giờ phán xét chăng? Người tu hành nào cũng tin có ngày phán xét lành dữ, thưởng phạt? Lời Thánh ngôn này có ý nghĩa sâu xa làm sao!
Rồi Thầy dạy: “Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa”. Sự huyền diệu của Thầy quả không thể dùng ngôn ngữ diễn tả hết được. Trải bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử lời Thầy dạy theo thời gian ứng hiện nhiều điều rất linh hiển. Người tin nhận càng ngày càng tăng, cơ Đạo mở rộng ra khắp các châu lạc!
Ngày 20 Février 1926, Thầy cho bài Thánh thi:
“Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.”
Thầy dự báo mối Đạo Thầy khai như tòa nhà quý báu theo thời gian sẽ trổ thêm hoa. Có ý điều tốt đẹp sẽ tăng lên mãi. Ngày nay điều ấy đã ứng hiện. Rồi Thầy nói rõ ban sơ chỉ có một cội Cao Đài sau cội ấy sẽ thêm nhiều nhánh, sau sẽ có hoa thơm trái ngọt nhưng chung quy cũng hiệp lại một nhà. Điều này Thầy có ý dạy tuy phân ra nhiều nhánh nhưng chốt Cao Đài có một, cội Cao Đài có một. Không phải phân ra nhiều nhánh mà khác Đạo. Vậy nên người Đạo phải chung hiệp vun quén nền Đạo cho ngày một phát triển, điều ấy là ý muốn của Thầy. Thầy cũng chỉ rõ phải có thời gian và thử thách. Người ta phải bền chí gìn lòng son sắt có ngày đến với Thầy. Sau 92 năm đã chứng minh có nhiều môn đồ đã đi cùng bước đạo ngày công viên quả mãn về Thầy thật vẻ vang, Đạo nghiệp rạng rỡ. Thầy nói rõ lời dạy của Thầy không phải môn đệ nào cũng thấu đạt vì vậy:
“Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào? Cách dạy, Thầy buộc phải tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy, dầu cho Thầy phàm tục cũng phải vậy; nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu hiểu đặng.”
Qua đây thấy tấm lòng yêu thương của Thầy rất sâu. Nhất là mấy đứa dở cần phải nâng đỡ dắt dìu thì dạy mới có kết quả. Đọc Thánh ngôn nhiều lần, nhiều năm mà càng đọc càng thấy thấm, thấy cảm rất khác lạ. Tuổi Đạo càng cao, đường hành đạo trải qua nhiều thử thách, đọc Thánh ngôn thấy càng hiểu sâu hơn. Có khi trong Đạo cũng có ý phân rẽ, phê phán nhau thì Thầy nhắc:
“Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con đừng phạm đến kẻo tội nghiệp. Chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó.”
Lời nhắc nhở này có giá trị bất hủ theo thời gian. Sau 92 năm đọc lại càng thấy thấm thía hơn! Ngày xưa quý anh chị lớn đọc Thánh ngôn hiểu, cảm, tin và xả thân hành đạo. Bây giờ đàn em kế tiếp đọc Thánh ngôn Thầy lại thấy đây quả là quyển Thiên thơ của Đạo.
Thầy rất quan tâm đến sự hòa thuận trong Đạo. Nên giải rõ:
“Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.
Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Đạo Thầy.
Đạo Thầy tức là các con các con tức là Thầy. Phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe, các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy.”
Qua đây Thầy chỉ rõ lý Đạo. Ý muốn của Thầy là phải chung lo cho danh Đạo Thầy. Thầy làm chủ mối Đạo không ai được xưng là giáo chủ của Đạo Thầy. Điều này có ý nghĩa rất sâu, rất xác thực vì Thầy không giao chánh giáo cho tay phàm nữa. Để củng cố tình yêu thương trong Đạo, Thầy dạy:
“Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Đạo tức một Cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.”
Bài Thánh thi chỉ ra lẽ đạo đức rất giản dị nhưng làm được như ý thơ thì cơ Đạo sẽ hưng phát. Căn bản của lý Đạo là sự hòa thuận yêu thương như con một Cha. Không lý gì mà nghịch lẫn nhau. Phải quan hệ với nhau trên nền tảng nhân nghĩa. Người lớn dạy người nhỏ biết sống yêu thương như con một Cha mới làm đẹp lòng Thầy, mới xứng đáng là môn đệ của Thầy.
Nói đến giáo dục, dạy Đạo thì Thầy nói rất ngắn gọn mà hàm ý rất sâu xa, rất biện chứng: Ngày 25 Février 1926, Thầy dạy:
“Dạy trẻ con toan trước dạy mình,
Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.
Đạo đời tua biết đời rằng trọng,
Một điểm quang minh một điểm linh.”
Nghĩa là: Sắp nhỏ của con dạy, sau cũng nên người ở đời ấy là đời, nếu biết trọng đời thì gắng dạy nó nên hiền.
Một điểm quang minh là một hồn người, là vật tối linh của Thầy trân trọng. Nếu con muốn làm lành thì gắng dạy những hồn ấy đặng hiền.
Qua đây cho thấy quan điểm giáo dục của Thầy rất khoa học. Đặt công giáo dục bằng với công sinh thành. Đặc biệt quan niệm đạo đời gắn bó rất mật thiết. Phải lo giáo dục người đời biết Đạo. Vì vậy Đạo phải vì đời. Thầy vì đời tội lỗi mới mở Đạo để giáo hóa nhơn sanh. Biết đời Hạ nguơn đạo đức xuống cấp nên mới mở Đạo. Không phải ai cũng thấy như vậy! Đọc bài Thánh thi Thầy dạy sẽ rõ hơn:
“Thường lo tu luyện bấy lâu nay,
Chuộng Đạo từ đây đã gặp Thầy.
Một chức giáo dân tua lãnh lịnh,
Làm cho đời tệ hóa ra hay!”
Sứ mạng người tu theo Đạo Thầy là phải thương đời, phải vì đời mà hành đạo. “Làm cho đời tệ hóa ra hay” ý này rất thiết thực. Không tách Đạo khỏi đời, không đặt Đạo trên đời mà phải thấy Đạo đời là một, lương giáo một nhà làm sao cho Đạo đời tương đắc!
Càng đọc Thánh ngôn dạy Đạo càng thấy ra nhiều mặt ở đời. Khi đề cập phần thương ghét ở đời, Thầy dạy:
“Thầy nói cho các con hiểu rằng: muốn xứng đáng làm môn đệ Thầy thì khổ hạnh lắm, hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn đệ Thầy thì Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước, còn ngã thì cửa địa ngục lại mời.
Thương thương, ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!”
Nhờ đọc lời dạy này mà mỗi khi gặp khó, gặp khổ lấy lời dạy này để tự an ủi, củng cố đức tin và thấy được lòng Thầy đối với đệ tử. Đây là lời dạy hết sức thiết thực cụ thể cần ứng dụng trong đời tu. Có như vậy mới mong đi cùng bước Đạo. Nhớ lại lúc cơ Đạo gặp hồi quanh co, đời hành đạo gặp trắc trở thì luôn nhớ lời Thầy dạy:
“Đinh ninh Thầy dặn trẻ đôi lời,
Mình biết Đạo mình giữ đó thôi.
Mặc kẻ thường tình ngu biếm nhẻ,
Phải coi nên chỗ để nên lời.”
Trên nửa thế kỷ xuất gia hành đạo luôn tâm niệm bài Thánh thi này nhờ vậy mà thoát được nạn tai, giữ vững đức tin, ứng xử phù hợp với ngoại cảnh giúp cho nghiệp Đạo được nâng dần. Nghiệm thấy lời dạy của Thầy mầu nhiệm quá, linh diệu quá!
Khi liên hệ tới Phật Đạo, Đức Cao Đài dạy:
“Chư chúng sanh nghe,
Từ trước Ta giáng sanh lập Phật giáo gần sáu ngàn năm thì Phật Đạo chánh truyền gần thay đổi. Ta hằng nghe chúng sanh nói Phật giả vô ngôn. Nay nhứt định lấy huyền diệu mà giáo đạo chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn.
Dường nầy, từ đây chư chúng sanh chẳng tu bị đọa A Tỳ thì hết lời nói rằng Phật Tông vô giáo mà chối tội nữa!
Ta nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp Tam Kỳ Phổ Độ này mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi” (Trích TNHT trang 26)
Bản thân người viết bài này nhà gốc Đạo Phật nghe lời Thầy dạy cảm và hiểu thấu nguồn chơn Đạo nên năm 19 tuổi đúng ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1964) phát nguyện trường chay cho đến hôm nay. Ngày ngày niệm Phật, Pháp, Tăng lo tu thân sửa tâm tánh theo Phật mà đời được tấn hóa dìu dắt lại đàn em trong tinh thần hỷ xả như Phật dạy! Quan hệ giữa Phật giáo và Cao Đài giáo rất mật thiết. Đọc mấy bài Đức Thích Ca dạy Đạo thông qua cơ bút được Hội Thánh trích in trong Thánh ngôn hiệp tuyển Q1 trang 28-29 lòng cảm niệm tin tưởng khôn cùng! Ngày nào cũng dâng lễ niệm và lạy Phật, trọn tin vào Pháp Phật.
Khi dạy về TRƯỜNG CÔNG ĐỨC Thầy dạy rõ cho môn đệ tên: K …
5 Juillet 1926
Cao Đài
K … nghe Thầy dạy con,
Người dưới thế nầy, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo phải có công quả.
Thầy đến độ rỗi các con là lập thành một trường công đức cho các con nên Đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Thầy nói cho các con nghe K … con ôi! Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc Đạo bao giờ.
K … ! Con ôi! Cửa Bạch Ngọc Kinh ít kẻ, chớ chốn A Tỳ vốn nhiều người. Con liệu mà hành đạo. Thầy thương con chừng nào, ngày sau con còn ăn năn tiến chừng nấy.
Thầy đã hiểu lòng con ăn năn sám hối, nên Thầy đã tha tội trước cho con rồi.
Phận sự con rất lớn, tại Ngọc Đàn, con sẽ thọ lịnh.
Qua lời dạy nầy đã nêu lên một vấn đề rất lớn lao trong việc tu hành. Việc đắc Đạo là do mỗi môn đệ muốn cùng chẳng muốn và trường công đức do Thầy lập ra kỳ đại ân xá co ý nghĩa cao diệu biết chừng nào! Mặt khác, trường công đức có cả nam lẫn nữ. Thầy dạy lập nữ phái thể hiện bình đẳng giới rất mới, rất sớm. Thầy dạy: “Đường thị! Thầy giao phe nữ phái cho con lập thành, chẳng phải vì đờn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.
Phần các con truyền Đạo kỳ Phổ Độ nầy cũng lắm nặng nề; bao nhiêu Nam tức bấy nhiêu Nữ, Nam biết thành Tiên Phật chớ Nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều thì Nữ lấn quyền hơn Nam rất nhiều.
Vậy con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân theo. Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con, con chớ ngại.
H … Thầy giao nữ phái cho con rộng quyền dạy dỗ, làm chủ, cho Thầy thâu đến mà giao cho con, trách nhiệm con, Thầy sẽ chia bớt với.”
Tấm lòng Thầy đối với nữ phái trong Tam Kỳ Phổ Độ nầy rất ưu ái, rất thương quý. So với các tôn giáo xưa nay rất hiếm thấy. Vì thế nữ phái rất hân hạnh có duyên gặp kỳ ân xá nầy! Ngoài ra Đức Phật Mẫu, Cửu Vị Tiên Nương và Phật Quan Âm đã tận tâm, tận lực độ dẫn với biết bao lời chỉ dạy dắt dìu thông qua cơ bút.
Cái lớn nhất đời người là việc SANH-TỬ. Thầy hỏi các con từ đâu đến đây, rồi từ đây chết rồi con đi đâu? Câu hỏi lớn này Đức Thích Ca cũng đặt ra thời Nhị kỳ phổ độ. Thử hỏi trên thế gian này ai ngộ được điểm này? Thầy dạy Jeudi 22 Juillet 1926 (13/6/Bính Dần)
SỰ HẰNG SỐNG
“Sự chết, thường thế gian gọi chết là hết. Là dốt, không biết Đạo, nên tưởng lầm.
Khắp trong nhơn loại trên mặt địa cầu nầy phần đông vì thờ tà quái mà tà quái vốn chứa sự chết thì tức nhiên chúng nó ở trong vòng sự chết phải tiêu diệt; thì bao giờ biết đặng sự hằng sống là gì … cười … Nếu Thầy không đến kịp thì các con vẫn bị trong vòng sự chết.
Tà mị cũng như hột lúa bị hẫm mà thúi, thì thế nào mọc đặng mà sanh hoa trổ trái.
Còn bậc chơn tu tỉ như một hột giống tốt hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái, mà biến biến sanh sanh càng tăng số.
Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa chơn thần; chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Đạo. Bởi vậy một chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần và toàn cả nhơn loại trong Càn Khôn Thế Giới; nên chi CÁC CON LÀ THẦY, THẦY LÀ CÁC CON.
Như kể bên Phật giáo hay tả Nhiên Đăng là Chưởng giáo; Nhiên Đăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Đế.
Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân, Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.
Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.
Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ giáo, thì Lão Tử cũng sinh ra đời nhà Châu.
Người gọi Jésu là Thánh Đạo Chưởng giáo, thì Jésu lại sanh ra nhằm đời nhà Hớn.
Thầy hỏi vậy chứ ai sanh ra các Đấng ấy? Khí hư vô sanh có một mình Thầy. Còn mấy Đấng Thầy kể đó, ai sanh?
Ấy là Đạo các con nên biết.
Nếu không Thầy, thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giới nầy; mà nếu không có hư vô chi khí thì không có Thầy.”
Đọc bài dạy này chơn lý đã hiện ra, chỉ có cảm sẽ hiểu chắc không phải giải thêm điều gì nữa về sự hằng sống và cái chết ở đời này!
Đọc Thánh ngôn mỗi trang là mỗi sự thật hiện ra. Thầy dùng quốc âm dạy Đạo nên rất dễ hiểu. Để kết thúc bài viết mừng Xuân Đinh Dậu nầy xin trích bài thơ Thầy dạy năm 1926:
“Mối Đạo từ đây ráng vẹn gìn,
Tu là khổ hạnh khá đinh ninh.
Lòng thành một tấm Trời soi thấu,
Gương sáng nghìn thu nguyệt chiếu minh.
Gai gốc lần đường công trước gắng,
Thảnh thơi có lúc buổi sau dành.
Vòng trần chín nổi từ đây dứt,
Công quả tua bền độ chúng sanh.”