Trang

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

5063. Khổng Tử nói: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”.

 Tháng 4-2024 BBT có trao đổi với GS Vương Kỳ Sơn đài Việt Nam Tự Do về câu:  “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” là của Hồ Hợi tạo ra để giết anh là Phù Tô theo Sử Ký Tư Mã Thiên. Nay có bài báo viết đúng như thế.

Đạo vua tôi mà Nho giáo đề xướng có phải là ‘ngu trung’ không?

 Bình luậnTrung Dung • 06:30, 11/07/24

 Giúp NTDVN sửa lỗi

Toàn bộ cấu trúc xã hội xưa được xây dựng dựa trên Tam cương Ngũ thường, trong đó mối Tam cương thường bị người hiện đại coi là 3 mối ràng buộc phong kiến nhằm nô dịch, trói buộc con người. Trong đó mối quan hệ ‘vua - tôi’ là bị lên án nặng nề nhất, vì thế Nho giáo bị lên án là đề xướng ‘ngu trung’. Bài viết xem xét mối quan hệ này xem thực hư như thế nào.



Đạo vua tôi mà Nho giáo đề xướng có phải là ‘ngu trung’ không? (Tranh Cừu Anh triều Minh - miền công cộng)

Ngũ thường là 5 tiêu chuẩn đạo đức làm người: Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, đến nay vẫn được mọi người coi trọng, ca ngợi, và nuối tiếc xã hội hiện đại đã đánh mất tiêu chuẩn đạo đức tốt đẹp này, khiến xã hội ngày nay cái xấu cái ác tràn lan. Người với người tranh đấu giành giật lợi ích, quyền lực, tiền tài, dối trên lừa dưới, vì lợi ích cá nhân mà bất chấp mọi thủ đoạn, tội phạm và tội ác tràn lan khắp mọi ngõ ngách cuộc sống, gia đình cũng không còn là bến cảng bình yên nữa.

Tam cương là 3 mối quan hệ vua - tôi, vợ - chồng, cha - con, trong đó “Quân vi thần cương, phu vi thê cương, phụ vi tử cương”, nghĩa là “Vua là rường mối của bề tôi, chồng là rường mối của vợ, cha là rường mối của con”.

Nỗi oan của Nho giáo

Người hiện đại cho rằng Tam cương này đề cao quyền của vua, của chồng, của cha, là đề cao xã hội nam quyền, nô dịch người dân, phụ nữ, và trẻ em. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ bàn về mối quan hệ thứ nhất vua - tôi, mối quan hệ lớn nhất, rộng nhất trong xã hội, và cũng bị lên án và đả kích mạnh mẽ nhất. Người ta thường viện dẫn câu này như một bằng chứng về sự tuyên truyền 'ngu trung' của Nho giáo:

“Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”.

Tạm dịch: Vua sai khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung. Cha sai khiến con chết mà con không chết là bất hiếu.

Không chỉ người hiện đại thường viện dẫn câu này, mà thời xưa cũng như vậy. Có giai thoại rằng, tiến sĩ Đinh Nhật Thận cùng các đại thần theo ngự thuyền vua Tự Đức du ngoạn trên sông Hương. Khi bàn về Nho giáo, Đinh Nhật Thận cũng nhắc đến câu nói trên. Vua Tự Đức mới nói đùa rằng: “Vậy trẫm truyền cho khanh hãy nhảy xuống sông này chết đi”.

Các quan đại thần đều lo lắng thay cho Đinh Nhật Thận, vì nếu nhảy xuống sông thì chết, mà không nhảy thì là kháng mệnh vua, thì cũng là tội chết. Thế nhưng Đinh Nhật Thận vẫn ung dung lạy cáo biệt vua và nhảy xuống sông. Mọi người lặng lẽ nhìn theo đưa tiễn vị quan đồng liêu của mình, thì bỗng thấy ông ngoi lên và bám vào thuyền vua.

Vua Tự Đức hỏi: “Sao khanh không ở dưới đó luôn mà con ngoi lên?”

Đinh Nhật Thận trả lời rằng: “Thần không định lên, nhưng ở dưới đó gặp ông Khuất Nguyên, ông mắng thần rằng: ‘Ta gặp hôn quân nên mới trầm mình, ngươi gặp minh quân sao lại tìm cái chết?’. Thần thấy ông ấy mắng đúng quá nên phải ngoi lên tâu với bệ hạ”.

Vua Tự Đức khen ông có tài ứng xử, ban cho quần áo và rượu.

Chúng ta không bàn về tính chính xác của giai thoại, nhưng nó cho thấy, câu nói Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” này, và quan niệm như thế này khá phổ biến.

Tuy nhiên đây là nỗi oan của Nho giáo, vì câu nói này không phải của nhân vật Nho giáo nào, mà là của Thái tử Phù Tô nói sau khi nhận được di chiếu giả do Lý Tư ngụy tạo là Tần Thủy Hoàng ban cho Phù Tô cái chết. Đại tướng quân Mông Điềm nghi ngờ, và đã khuyên không vội tin theo, hãy về tìm hiểu rõ thực hư đã. Nhưng Phù Tô đã nói câu “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, sau đó tự tử.

Quan hệ vua - tôi trong Nho giáo như thế nào

Câu nói “Vua sai khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung”, đã bị áp đặt và đổ oan cho Nho giáo, vậy Nho giáo quan niệm mối quan hệ vua - tôi như thế nào?

Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung”.

Tạm dịch: Vua dùng lễ nghĩa sai khiến bề tôi, bề tôi dùng lòng trung thành thờ vua.

Khổng Tử còn nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”.

Tạm dịch: Vua phải đúng đạo làm vua, bề tôi phải đúng đạo làm bề tôi, cha phải đúng đạo làm cha, con phải đúng đạo làm con.

Trong sách Mạnh Tử, Mạnh Tử nói: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa”.

Tạm dịch: Cha con thân ái, vua tôi nhân nghĩa.

Mạnh Tử cũng nói: “Quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thi quân như phúc tâm. Quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân. Quân chi thần thị như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù”.

Tạm dịch: Vua đối đãi với bề tôi như tay chân, thì bề tôi đối đãi với vua như bụng như tâm. Vua đối đãi với bề tôi như chó như ngựa, thì bề tôi đối đãi với vua như người dân bình thường. Vua đối đãi với bề tôi như đất như cỏ, thì bề tôi đối đãi với vua như giặc như kẻ thù.

Sách Mạnh Tử cũng có một đoạn như sau:

Tề Tuyên vương hỏi Mạnh tử: “Bề tôi mà giết vua, có nên chăng?”.

Mạnh tử đáp rằng: “Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chớ tôi chưa hề nghe giết vua”.

Mạnh Tử còn nói rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.

Tạm dịch: Dân là quý nhất, sau đó là đến xã tắc, sau đó mới đến vua (vua là khinh).

Một nhân vật tiêu biểu nữa của Nho giáo là Tuân Tử cũng nói: “Tru bạo quốc chi quân nhược tru độc phu”, tạm dịch: “Giết một ông vua bạo ngược thì cũng như giết một kẻ thất phu”.

Như vậy có thể thấy Nho giáo không đề xướng ngu trung, mà đề xướng mọi người ứng xử thuận theo Đạo Trời, theo Thiên mệnh, “từ thiên tử đến thứ dân, tất cả đều lấy tu thân làm gốc” (Đại Học). Bề tôi trung thành với vua, nhưng vua phải ra vua, phải đúng với đạo làm vua. Vua trái với đạo làm vua, trái với Đạo, trái với Thiên mệnh, thì sẽ bị mọi người từ bỏ.

Một nhân vật tiêu biểu của Nho gia nữa là Vương Dương Minh triều Minh cũng nói “Lương tri tức là lẽ Trời”. Ông vua nào thuận theo lương tri, thuận theo lẽ Trời, nghe theo Thiên mệnh, thì được làm vua, còn ông vua nào trái lại thì sẽ bị thay thế.

Chu Văn Vương. (Miền công cộng)

Sách Thượng Thư cũng có ghi chép rằng, Chu Công nói rằng: "Thượng Thiên đem cái họa diệt vong giáng xuống nhà Ân Thương. Hiện nay người Ân đã bị mất Thiên mệnh rồi, còn nhà Chu chúng ta nhận được phúc mệnh. Nhưng tôi cũng không dám nói cơ nghiệp nhà Chu sẽ có thể kéo dài vĩnh viễn. Tôi cũng không dám phán đoán vương nghiệp nhà Chu có thể tránh được kết quả chẳng lành. Nếu cháu con thừa kế của nhà Chu không kính Trời lo liệu cho dân, không thể kế thừa phát huy truyền thống vẻ vang của tiên vương, thì chúng sẽ mãi mãi mất đi Thiên mệnh".

Chu Văn Vương tức Cơ Xương, khi còn là chư hầu của nhà Ân Thương, đã nổi tiếng là người lấy nhân đức trị quốc, thiện đãi bách tính, yêu dân như con, thần dân đều kính Trời và tuân thủ quốc pháp. Khi đó giữa các nước chư hầu có xích mích tranh chấp, họ không tìm đến thiên tử nhà Ân Thương, mà tìm đến Cơ Xương nhờ ngài phân xử.

Một lần, 2 nước chư hầu là Ngu và Nhuế tranh chấp lãnh thổ, mãi không giải quyết được nên 2 vua tìm đến nước Chu. Vào đến nước Chu vua nước Ngu và Nhuế thấy người nước Chu khiêm nhường và nhường nhịn lẫn nhau, người lớn hay trẻ nhỏ đều cư xử lễ tiết. Hai vua xấu hổ lắm, không dám vào gặp mặt vua nước Chu, và nhường nhau phần đất tranh chấp đó. Sau này không ai chịu nhận, nên mảnh đất đó được gọi là "nhàn điền". Bách tính và chư hầu đều học theo đạo đức, nhân nghĩa của Cơ Xương, và ủng hộ ông làm thiên tử.

Con cháu thừa kế của nhà Chu cũng đã nghe theo lời dạy của tiền nhân, dùng nhân nghĩa trị quốc, tuân theo Thiên mệnh, nên triều Chu cũng kéo dài được 800 năm.

Thế nên, những ông vua nhân đức, dùng nhân nghĩa đối đãi với quần thần, và bách tính, thì sẽ được bách tính yêu quý, ủng hộ, và triều đại sẽ trường tồn. Còn những ông vua tàn bạo, những người cầm quyền hành ác với dân, trái với lương tri, trái với lẽ Trời, thì cái họa diệt vong chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Trung Dung

Tham khảo: wikipedia, nghiên cứu lịch sử, ntdvn…