Trang

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

5052. TÌM HIỂU BÀI ĐƯỜNG THI. Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ, ...

 TÌM HIỂU BÀI ĐƯỜNG THI.


Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ,
Ngọc Hư định sửa mối Thiên-thi.
Cửu-Trùng không kế an thiên hạ,
Phải để Hiêp-Thiên đứng trị vì.
Thành pháp dìu đời qua bể khổ,
Nên công giúp thế lánh cơn nguy.
Quyền hành từ đấy về tay nắm,
Phải sửa cho nên đáng thế thì.

TNHT Q2 trang 223, bản in 1972.

Bài Đường Thi không ghi ngày tháng, do vậy đã gieo vào lòng Tôi và bằng hữu nhiều câu hỏi, đến nay tự tin là hiểu đúng những điều cản bản nên xin chia sẻ, mong rằng các vị quan tâm góp ý những điều chưa phù hợp để cùng nhau chỉnh đốn.

Gọi là chia sẻ vì Tôi nghe phụ thân và các chú bác bàn luận bài thi nầy từ khi còn niên thiếu, rồi lớn lên nền đạo bị khảo đảo kinh hồn, học đạo hơn 30 năm nay đến giờ mới tự tin để thưa chuyện. Bài thi nầy nếu để mồ côi rồi cố tìm hiểu ý nghĩa thì càng thêm rối trí, vì không hiểu sử dụng 02 câu: Cửu-Trùng không kế an thiên hạ, Phải để Hiêp-Thiên đứng trị vì như thế nào trong hiện tại và tương lai. Bởi vì Cửu Trùng Đài cầm quyền hành pháp mới có quyền hành chánh, nhân sự Cửu Trùng Đài hùng hậu, có thánh danh sao lại không kế an thiên hạ? Hiệp Thiên Đài cầm quyền tư pháp, nhân sự lại ít làm sao đứng trị vì

Không để bài thi trên mồ côi, vậy phải đưa cái gì vào để hiểu và hiểu đúng?

2.1.1/- Xin thưa phải để bài thi trên với bài trong TNHT Q2 ngày 12-2-1933: Đức Bà Bát Nương dạy về trở pháp: Em an dạ, từ đây đã quan kiến sự kết-cuộc của Chí-Tôn đã định trước. Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Đài cầm số-mạng nhơn-sanh, lập thành chánh-giáo, thì Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài

Thiển ý bài Đường thi dạy trước và Hội Thánh Cao Đài căn cứ vào đó giao cho Hiệp Thiên Đài cầm số mạng nhơn sanh lập thành chánh giáo rồi mới có bài dạy chuyển pháp, tất cả đều nằm trong Thiên Thơ:

Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ,
Ngọc Hư định sửa mối Thiên-thi.
Cửu-Trùng không kế an thiên hạ,
Phải để Hiêp-Thiên đứng trị vì.
Thành pháp dìu đời qua bể khổ,
Nên công giúp thế lánh cơn nguy.
Quyền hành từ đấy về tay nắm,
Phải sửa cho nên đáng thế thì.

 Là Ngọc Hư Cung định cho Hiệp Thiên Đài cầm số mạng nhơn sanh lập thành chánh giáo như Bà Bát Nương dạy: Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Đài cầm số-mạng nhơn-sanh, lập thành chánh-giáo, thì Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài

Đức Bà Bát Nương dạy: Em nhớ lại có nghĩa là chuyện đã qua mới nhớ lại. Bài Đường Thi trên đây phải trước ngày 12-2-1933.

2.1.2/- Châu tri số 21, ngày 16-12-1934 (trích nội dung cần).

Chiếu theo tờ vi bằng kỳ nhóm Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài tại Toà Thánh ngày 26-10- Giáp Tuất (dl:02-12-1934) thì quyền hành Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài đều giao cho Đức Hộ Pháp cầm, ấy là tuân theo thể pháp định cho Hộ Pháp phải kiêm quyền hành Giáo Tông khi Giáo Tông qui vị, cũng như Giáo Tông phải kiêm quyền hành Hộ Pháp khi Hộ Pháp qui vị.

Sự xây trở trong nền Chánh Trị của Đạo chẳng qua là vì Thiên Thơ tiền định, đến lúc Chí Tôn chuyển thế thì tức nhiên phải có chuyển pháp, điều ấy nếu ráng kiếm hiểu thì cũng không chi lạ.

Nhận xét: Hội Thánh hiểu bài Đường thi nên thực hiện.

2.1.3/- TNHT Q2, Đức Lý Giáo Tông dạy ngày 18 tháng 10 năm Ất-Hợi (13 Novembre 1935).

 Hộ-Pháp, hèn lâu Lão không đến chuyện vãng cùng nhau đặng, một là vì không cơ-bút, hai là vì Thiên-thơ biến-chuyển, Lão có đến cũng chẳng ích gì. Nay vì lễ Ðạo-Triều, nên đến chúc-mừng chư Hiền-hữu. Lão để lời cám ơn Hộ-Pháp đã chịu lắm phen nhọc-nhằn khổ-não làm cho Ðạo ngày nay đặng ra thiệt tướng. Lão chỉnh thẹn có một điều là Lão chưa giúp hay vào đó. Lão đa tạ, đa tạ.

(Hộ-Pháp bạch....................................)

 - Cười, Lão chẳng nói rõ, Hiền-hữu cũng thấy hiển-nhiên rằng từ thử, thảng Lão có muốn nên cho Ðạo đi nữa thì cũng không thi thố chi đặng với một Hội-Thánh hữu -hư, vô-thiệt, như vậy có phải? May thay! Thiên-thơ do một mặt chẳng chi dời đổi trở ngăn, nên may ra nữa, từ đây Lão có phương cầm quyền trị thế.

(Hộ-Pháp bạch: Thiên-thơ đã đổi, đệ-tử xin giao quyền hành của Quyền-Giáo-Tông lại cho Ngài đặng Ngài đủ oai cầm Thiên-thơ vững chặt).

- Cuời, Lão e cho, một là Lão đã cho, không lẽ lấy lại, hai là hành-pháp thì dễ, hành-hình thì khó, không có nửa quyền trị thế của Lão nơi tay thì Hộ-Pháp có thế nào điều hành Hội-Thánh cho đặng. Ấy vậy cứ để y.

2.1.4/- Nội Luật Thượng Hội. Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ban hành ngày 27-02-1932.

Điều 14: Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Ðại Ðiện mật nghị rồi phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.

Luật định Giáo Tông và Hộ Pháp vào đại điện mật nghị 15 phút nhưng khi Hộ Pháp triều thiên thì Giáo Tông vào có một mình và khi trở ra cũng chỉ có một mình Giáo Tông tuyên bố đồng ý hay không đồng ý về luật lệ cũng như chánh trị đạo của Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. Về hữu vi rõ ràng là chỉ có một mình Giáo Tông vào đại điện trong 15 phút rồi trở ra, còn về tâm linh trong 15 phút nơi đại điện Giáo Tông thông công với Hộ Pháp như thế nào (kể cả trước đó) là câu chuyện tâm linh đặc biệt của Ngài nên thuộc về vô vi.

Thứ nữa là thành phần trong Thượng Hội có: Giáo Tông là Hội trưởng, Hộ Pháp là Phó Hội trưởng, 03 vị Chưởng Pháp, 04 vị Đầu Sư và Thượng Phẩm Thượng Sanh. Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh đều về thiêng liêng vị nên Hội trưởng và các nghị viên còn lại trong Thượng Hội là bên Cửu Trùng Đài.

Xét về thành phần thực tế của Thượng Hội và quyền hạn của Giáo Tông rõ ràng là cả về luật lệ và chánh trị đạo đều do Cửu Trùng Đài nắm giữ. Thiết tưởng ý nghĩa câu: Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài đến đây đã tương đối sáng tỏ.

2.1.5/- Kết luận. Đức Bà Bát Nương dạy: Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Đài cầm số-mạng nhơn-sanh, lập thành chánh-giáo, thì Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài. Cả Ngọc-Hư Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều ngạc-nhiên sự lạ. Đại-Từ-Phụ phổ-giáo rằng: Hay, hay không lẽ để phận hèn, ngày sau sẽ rõ thánh-ý Người quyết liệu.

Có nghĩa là sứ mạng của Hiệp Thiên Đài đã xong, nên giao lại cho Cửu Trùng Đài. Bài thi là chứng cứ lịch sử giai đoạn Đức Hộ Pháp Cầm Quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng đã xong rồi sắp tới là thời kỳ của Cửu Trùng Đài, tất cả đều từ Thiên Thơ mà ra. Lời dạy Đức Lý Giáo Tông: May thay! Thiên-thơ do một mặt chẳng chi dời đổi trở ngăn, nên may ra nữa, từ đây Lão có phương cầm quyền trị thế  hoàn toàn ứng hợp với các trích đoạn trên.  Từ 12-2-1933 Cả Ngọc-Hư Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều ngạc-nhiên sự lạ đến tháng 7-2024 hậu tấn mới hiểu được chút ít: Bài Đường Thi trên đây phải trước ngày 12-2-1933 và sau nầy là trở pháp giao cho Cửu Trùng Đài, thiệt là đáng mừng, thiệt là đáng kinh sợ, xin cúi lạy mừng.


Đạo hữu Dương Xuân Lương.