Trang

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

5050. Ý NGHĨA CÂU KINH. Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp.

 Từ FB Luong Xuan Duong.

Ý NGHĨA CÂU KINH.

Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp.

MỘT.

Niên khóa 1971-1972 Hội Thánh Cao Đài có mở kỳ thi Tín Chỉ Một ban A và B, trình độ học vấn tương đương lớp 11 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH, cộng thêm môn Giáo lý.

Chánh chủ khảo là thầy Nguyễn Hữu Lương, địa điểm thi là Trường Đạo Đức Học Đường, thời gian thi trước kỳ thi Tú Tài Một của BQGGD khoản 1 tháng.


https://www.facebook.com/share/p/auGVgBFpY3eBdJFJ/

Tôi và nhiều bằng hữu nộp đơn thi nên cũng phải học thêm môn Giáo Lý.

Phụ thân một người bạn thấy mấy đứa học và hỏi nhau về Giáo Lý đạo ông rất vui nhân tiện ông giải thích câu kinh trên.

Đạo do tâm thành và tín của mình hiệp lại mà có …. Câu chữ Nho đọc là Đạo do tâm hiệp, Tâm giả hương truyền ….

Sau đọc nhiều sách khác cũng giải thích tương tự như vậy.

Mấy hôm trước trong một diễn đàn Giáo Lý anh bạn đạo cũng đọc vậy.

Tôi mới chia sẻ là Tôi đã từng hiểu vậy cả 50 năm, nhưng vẫn lấn cấn trong lòng, hình như có cái gì đó còn chưa rõ ràng lắm cho đến gần đây Tôi mới hiểu khác.

Khác thế nào?

Đạo do nơi lòng thành thật của mình tin là có tạo hóa nên tiếp được cái thiêng liêng của Thầy ban cho, cả hai HIỆP ĐỒNG nhau mà có, nghĩa là con người và Trời hiệp lại với nhau mà có. Nhờ hiệp đồng mới biết từ A đến Z của mình.

Sự hiệp đồng này không giới hạn tùy theo lòng của chính mình (điều kiện ắt có) mà Trời ban cho (điều kiện đủ).

Nghĩa là do Người và Trời hiệp đồng nhau mới có đạo. Hiểu vậy thì xét về nguyên tắc: Người có khả năng hiệp với Trời ngay trong khi còn sống. Điều kiện ắt có và đủ để hiệp như thế nào là vấn đề riêng của mỗi người.

Đạo Cao Đài làm mới cho triết lý mỗi người là một tiểu vũ trụ, một tiểu linh quang của Trời ban cho trở thành hiện thực.

Tôi tin là trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển … là cả kho chí bửu cho đề tài Thiên Nhân hiệp nhất kết nối với câu kinh trên.

Kiểm chứng 1: Thầy dùng cơ bút lập Đạo Cao Đài là Thiên Nhân hiệp nhứt.

Kiểm chứng 2: Đạo trong mỗi người là do lòng mình (tâm linh) kết nối với tạo hóa (Thầy) mà có.

Hiểu vậy là do kết nối lời Thầy dạy Đạo do đâu mà có? (xem ảnh) với câu kinh trên. Hơn 50 năm mới hết lấn cấn trong lòng, mừng quá …

 

HAI

Kết nối không giới hạn.

Hiểu câu kinh trên nhờ kết nối được với lời Thầy dạy Đạo do đâu mà có.

Hiểu vậy rồi Tôi mới kết nối, đối chiếu với kiến trúc của Đền Thánh.

Bước vào Đền Thánh phải vào Hiệp Thiên Đài trước. Hiệp Thiên Đài nghĩa là nơi con người hiệp đồng với Trời, có hiệp đồng với Trời mới vào học các lớp từ 1-9 (chín bài Kinh Cửu), học hết chín lớp rồi mới vào Cung Đạo.

Vào Cung Đạo rồi có học nữa không?

Theo Tôi hiểu là học lớp 10, 11 và 12 là Tiểu Tường, Đại Tường và Di Lặc Chơn Kinh.

Đạo Cao Đài nắm tay nhơn loại vào trường học của Trời (Đức Hộ Pháp dạy) là như vậy chăng?

Bài học ở đây là kết nối, kết nối và kết nối, đừng để một thắc mắc nào của mình MỒ CÔI mà tìm hiểu nó. Thắc mắc, lấn cấn cái gì đó thì kết nối với cái gì tương tự thì khả năng soi sáng tăng lên. Đó là hiệp đồng sự kiện, hiệp đồng với Thầy…

Thầy dạy HIỆP ĐỒNG mình đọc hoài nhưng là từ chương thôi, cho đến khi trải nghiệm được hiệp đồng thì mới biết Đạo Pháp Vô Biên nhưng tùy theo khả năng kết nối, hiệp đồng mà Đạo Pháp Hiện Hữu.

Câu kinh đã soi sáng cả khung trời còn mù mờ thì nguồn cảm hứng của nó là vô tận, câu kinh như chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa im ẩn trong đạo học về CHỮ ĐẠO nên Tôi đoán rằng sẽ có nhiều luận án Tiến sĩ thứ thiệt từ câu kinh: Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp.

Nguồn đào lạc lối ấy duyên may,
Gặp Đạo nương theo bước dặm dài.
Nắng hạ héo khô vườn bá tánh,
Rũ nhau tìm núp bóng Cao Đài.

(TNHT Q2)

Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

BÀI TỪ THÁNH NGÔN HIỆP TUYỂN.

Đạo do đâu mà có? Đạo cũng do nơi phàm phát ra, và tiếp lấy cái thiêng liêng của Thầy mà hiệp đồng, mới sanh sanh, hóa hóa, thấu đáo Càn-Khôn. Người mà biết đạo là kẻ hữu phần, còn người chưa thấu đáo nền đạo ấy là kẻ vô duyên.

(Thầy dạy ngày 18-1-1927, Đàn tại Đình Mỹ Lộc. TNHT Q1, trang 68, bản in 1972)