Posted by adminbasam on 25/02/2017
“Trong
những ngày điên đảo này của nước Mỹ, dường như không có ai không là nạn nhân. Kể cả kẻ gây nên những điên đảo quay
cuồng này: Donald Trump.
Ông ta đang là nạn nhân của ảo tưởng cho mình là vĩ đại nhất của chính mình“.
____
T. Vấn. 25-2-2017
Adam Purinton – Sát thủ và là/hay là nạn nhân?
Tại một quán Bar ở thành phố Olathe của tiểu
bang Kansas, một người Mỹ trắng 51 tuổi đã vô cớ
rút súng bắn chết một thanh niên da màu, làm bị thương một
người da màu và một người Mỹ trắng khác. Trước khi bắn, ông ta nói vào mặt
những nạn nhân của mình: “Hãy cút xéo khỏi đất nước của tao!”.
Thanh niên bị bắn chết là một kỹ sư phần mềm 32
tuổi người Ấn Độ. Thanh niên da màu khác bị thương cũng là người Ấn Độ, 32
tuổi. Cả hai đều là kỹ sư làm việc cho công ty Garmin, một công ty Hi-Tech nổi
tiếng khắp thế giới có trụ sở chính đặt tại thành phố Lenexa, Kansas, kế cận
với thành phố Olathe, nơi vừa xảy ra vụ việc gây chấn động nói trên. Người thứ
ba là một thanh niên người Mỹ 24 tuổi, bị thương là do mang trong mình dòng máu
Lục Vân Tiên “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng
tha”. Anh là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc nên cố tìm
cách ngăn cản hành động điên cuồng của tay sát thủ.
Sự việc xảy ra tại một quán Bar & Grill,
một hình thức quán ăn có kèm rượu bia với giá cả phải chăng rất phổ biến ở nước
Mỹ. Người ta đến đây để ăn cơm trưa hoặc chiều, uống vài chai bia, cùng nhau
xem các trận đấu thể thao trên truyền hình đặt chung quanh quán. Lúc sự việc
xảy ra, cả quán đang say sưa theo dõi một trận đấu bóng rổ của đội bóng trường
KU (University of Kansas), trường đại học nổi tiếng nhất của tiểu bang Kansas
với hơn 25 ngàn sinh viên tọa lạc ở thành phố Lawrence (kế cận Olathe) cùng với
2 trường đại học khác.
Sát thủ sau đó bỏ chạy. Khoảng 5 tiếng đồng hồ
sau, anh ta bị cảnh sát bắt tại một quán ăn khác, cách hiện trường 80 dặm nằm
phía bên lãnh thổ của tiểu bang Missouri. Với vẻ hốt hoảng, anh ta thú nhận với
người tiếp khách của quán rằng, anh ta cần một nơi để trốn vì “vừa
mới bắn chết hai gã Trung Đông (Middle Eastern)”. Người này bèn gọi
điện thoại báo cho cảnh sát.
Câu chuyện không đơn giản chỉ là một hành vi
bạo động xẩy ra nơi công cộng và người dân được quyền mang súng (công khai hoặc
giấu trong mình). Ở đây, là hành vi tội phạm có nguồn gốc từ sự ghét bỏ những
người không cùng chủng tộc, màu da, tôn giáo, chính kiến với mình (Hate Crime).
Nước da đen và vóc dáng của hai thanh niên
người Ấn Độ, khiến sát thủ lầm tưởng rằng họ là người Trung Đông, nơi sản sinh
những tay khủng bố mà chính phủ hiện hành của nước Mỹ đang ra sức ngăn chặn. Từ
đó, ác cảm nẩy sinh. Và khoảng cách từ ác cảm khi nhìn thấy hai kẻ “khủng bố
Trung đông” đến hành động rút súng bóp cò chỉ bằng một sợi tóc, vì súng đạn lúc
nào cũng có sẵn trong người, cùng với câu nói đầy vẻ hả dạ: “hãy cút xéo khỏi đất nước của tao!”.
Bi kịch là ở chỗ đó. Bi kịch còn là, ngày nay
những hành vi bản năng như vừa xẩy ra lại được xiển dương, được khơi dậy, được
cổ võ khắp nơi trên nước Mỹ.
Những con số đáng báo động cho thấy kể từ khi
chính quyền mới của Donald Trump lên nắm quyền, những hành vi được liệt vào
loại “Hate Crime” gia tăng đáng kể.
Điều ấy tạo nên sự lo lắng không chỉ trong cộng
đồng những người di dân có nước da, có hình dạng khó phân biệt với những người
Trung Đông, mà còn cả trong các cộng đồng di dân khác. Và tất nhiên, trầm trọng
nhất phải kể đến cộng đồng những người di dân theo đạo Hồi.
Sẽ không là điều ngạc nhiên, nếu cảm thức “hate
crime” không bị trấn áp quyết liệt, đến lúc nào đó “những
tên châu Á lái những chiếc xe đắt tiền, ở những căn nhà sang trọng” cũng sẽ bị ném vào mặt câu nói “hãy cút xéo . . .” ở trên vì cái tội đến đây “chiếm đoạt công ăn việc làm có lương
cao” của người “bản
xứ”, bất kể để có được những thứ ấy họ đã phải phấn đấu, nỗ lực học hành, lao
động đến cỡ nào.
Đó là cơn ác mộng tưởng như không bao giờ trở
thành hiện thực, nhưng ngày nay cho thấy là “khả thể”.
Vì thế, tay sát thủ người Mỹ trắng 51 tuổi vừa
gây nên tội ác giết người, không đơn giản chỉ là thủ phạm gây án, mà trước hết,
anh ta là nạn nhân của những khẩu hiệu mị dân vô trách nhiệm của kẻ cầm đầu
chính quyền Mỹ hiện nay cùng với thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận.
Cả nước Ấn Độ đang sôi sục vì cái chết “lãng
nhách” của anh chàng kỹ sư phầm mềm đem tài năng đi phục vụ cho một nước Mỹ “vô
ơn”. Họ đang kêu gào mọi người phải tỏ thái độ trước “tội
tuyên truyền điều ác” của Donald Trump. Con số những kỹ sư phần mềm
và bác sĩ người Ấn độ làm việc, sinh sống ở Mỹ không phải là nhỏ. Họ góp phần
rất đáng kể trong lãnh vực phát triển những thành quả Hi-tech cho các công ty
Hi-tech hàng đầu đặt bản doanh tại Mỹ và trong lãnh vực phục vụ y tế cho người
dân Mỹ.
Hậu quả nhãn tiền là những bộ óc lỗi lạc khắp
nơi trên thế giới, thường cũng là những mục tiêu săn đón của các công ty
Hi-tech Mỹ, sẽ ngần ngại khi nhận lời đến làm việc ở Mỹ vì lo sợ không khí
“hate crime”, không bảo đảm sự an toàn cho bản thân họ. Và sẽ đến lúc, để thu
hút nhân tài khắp nơi như họ vẫn làm lâu nay, các công ty nói trên sẽ buộc phải
dời bản doanh ra khỏi nước Mỹ, đến một nơi nào đó như Đức, Anh, hay một quốc
gia Âu Châu nào đó, như các công ty Google, Apples hiện đang nghiêm túc xem xét
giải pháp này. Khi đó, giá thành của một sản phẩm Hi-tech (như I-phone chẳng
hạn) mà người trong nước (Mỹ) phải trả, hẳn sẽ không phải chăng như hiện nay họ
đang hưởng. Và một nền y khoa tân tiến nhất thế giới của Mỹ khó tránh khỏi
những khủng hoảng, một khi không còn sự góp sức tích cực của những bác sĩ
chuyên môn trong mọi lãnh vực vốn là di dân có nguồn gốc ngoài nước Mỹ (nhất là
Ấn Độ).
Mặt khác, các trường đại học ở Mỹ cũng sẽ bị
“văng miểng”. Từ lâu nay, các trường đại học ở Mỹ thường là điểm lựa chọn số
một của tất cả các sinh viên ở khắp nơi trên thế giới mà gia đình họ có khả
năng cho con cái đi du học. Mức học phí họ phải trả cho nhà trường thường cao
gấp ba lần mức dành cho sinh viên bản xứ. Đó là chưa kể những chi phí dành cho
mọi sinh hoạt như nhà cửa, ăn uống, phương tiện di chuyển v.v… Vì thế, sự có
mặt của các sinh viên quốc tế trong các nhà trường ở Mỹ, mang một ảnh hưởng rất
lớn đến ngân sách nhà trường. Nhờ vào khoản đóng góp của các sinh viên quốc tế,
nhà trường có thể cấp học bổng cho những sinh viên Mỹ xuất sắc, có thể gia tăng
những phúc lợi cho sinh viên sống nội trú, và quan trọng hơn nữa, họ sẽ có thể
hạ mức học phí mà sinh viên trong nước phải trả.
Khi nước Mỹ bị mang tiếng là nơi không còn an
toàn cho các sinh viên ngoại quốc đến học, hay những thủ tục nhập cư khó khăn
hiện đang áp dụng, khiến số sinh viên trước đây muốn đến Mỹ sẽ chuyển hướng qua
những nước châu Âu mà những trường đại học ở đây vốn cũng danh giá không kém Mỹ.
Khi ấy, để sinh tồn, các trường đại học ở Mỹ sẽ
bị buộc phải gia tăng học phí dành cho sinh viên trong nước để bù đắp ngân
sách; sẽ có thể không còn những học bổng dành cho sinh viên bản xứ xuất sắc. Và
tỉ lệ người tốt nghiệp đại học ở Mỹ sẽ suy giảm, kéo theo nhiều hệ quả khác khó
lường.
Khi ấy, liệu nước Mỹ có còn ‘vĩ đại” nữa không?
Còn bây giờ, chàng trai tuổi trẻ người Ấn Độ
cũng đã thực sự “cút xéo khỏi”
đất nước này sau khi đã đem tài sức cống hiến cho một nước Mỹ hùng mạnh.
Liệu chàng có biết rằng, sau sự việc xảy ra, kẻ
sát thủ cũng đã trở thành nạn nhân như chàng. Nạn nhân của những lời khoác
loác, dối trá, mị dân “vĩ đại”
trong nỗ lực làm cho “nước Mỹ
trở nên vĩ đại một lần nữa“.
Trong những ngày điên đảo này của nước Mỹ, dường
như không có ai không là nạn nhân. Kể cả kẻ gây nên những điên đảo quay
cuồng này: Donald Trump. Ông ta đang là nạn nhân của ảo tưởng cho
mình là vĩ đại nhất của chính mình.