Ông
Trump đổi giọng với TQ có ảnh hưởng tới chính sách Biển Đông?
17/02/2017. VOA.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố với Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Hoa’
trong cuộc điện đàm hôm 9/2, theo thông cáo từ Tòa Bạch Ốc một ngày sau đó. Đây
là diễn tiến mới nhất trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt
mối quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc từ lúc ông Trump đắc cử cho đến sau khi ông
nhậm chức.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình.
Khi còn là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng
Hòa, ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc “chơi ép” Hoa Kỳ gây thâm hụt thương mại
và chưa đủ nỗ lực trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Sau khi trúng cử Tổng thống, ông
Trump tiếp tục đả kích Trung Quốc khi cho rằng Hoa Kỳ chẳng hưởng lợi gì trong
quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời phê phán nước này hạ giá tiền tệ, đánh thuế cao
sản phẩm nhập khẩu của Hoa Kỳ, cũng như xây dựng các pháo đài ở Biển Đông. Ngoài
chất vấn về chính sách của Mỹ đối với ‘Một nước Trung Hoa’, ông Trump còn điện đàm
với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, gây khó chịu cho Bắc Kinh trong khi Ngoại
Trưởng Rex Tillerson của chính quyền Trump hôm 12/1 tuyên bố chớ để Trung Quốc được
phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, sự thừa nhận ‘Một nước Trung Hoa’
trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 9/2 hoàn toàn trái ngược với
thái độ quyết liệt trước đó của ông Trump, khiến chính sách sắp tới của Hoa Kỳ
tại Châu Á nói chung và tại Biển Đông nói riêng trở nên ‘khó đoán’.
Liệu Tổng thống Donald Trump thay đổi thái độ,
xoa dịu với Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ trên Biển Đông?
Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư luật thuộc Đại học
Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, và vấn
đề Biển Đông, cho rằng cuộc gặp giữa ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo
Abe và Thủ tướng Canada lần lượt trong hai ngày 10 và 13 tháng này cho thấy có
sự thay đổi chiến lược trong cách tiếp cận tình hình chính trị thế giới của ông
Trump. Tuy nhiên, ông Trump thay đổi thái độ về ‘Một nước Trung Hoa’, theo luật
sư Khanh, không nhất thiết là chỉ dấu chính quyền Trump sẽ có sự thay đổi trong
vấn đề Biển Đông.
Vẫn theo chuyên gia này, việc chính phủ Hoa Kỳ
tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ là nhằm tránh sự đụng độ với Trung Quốc,
tuân thủ đường lối ngoại giao với Bắc Kinh mà Hoa Kỳ vẫn theo đuổi trong 40 năm
qua. Luật sư Khanh viện dẫn bằng chứng là chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khẳng định
"Họ sẽ tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi tự do hàng hải
cũng như hàng không ở trong khu vực và họ không chấp nhận sự hiện diện của
Trung Quốc trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp từ 3 năm qua."
Vẫn còn quá sớm để biết
chính sách thực sự của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc, với Biển Đông;
và thế giới vẫn đang dõi mắt theo từng diễn tiến từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo Giáo
sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á
thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), tạm thời sẽ không có chính sách nào được quyết
trong thời điểm hiện tại khi mà “nội các của Trump đang rối loạn” với các
scandal như vụ từ chức của tân cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay vụ ứng
viên được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Lao động Andrew Puzder rút lui hôm
15/2, chỉ một ngày trước phiên điều trần trước Thượng Viện để được chuẩn thuận.