Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

2215. Người tị nạn Việt ở Thái trước sắc lệnh di dân mới của Mỹ


Anh Vũ, thông tín viên RFA
2017-02-03
Sắc lệnh của tân tổng thống Donald Trump khẳng định trong 120 ngày sắp tới, chương trình nhận người tị nạn của nước Mỹ sẽ tạm thời dừng lại. Sau đó chính phủ Mỹ sẽ đưa những điều khoản mới về những thủ tục cho người tị nạn có thể đến Mỹ.
Ảnh hưởng đến người tị nạn Việt
Ngày 27/01/2017, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong 04 tháng và cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo.


 Một người Việt tị nạn đến Mỹ từ Hong Kong hôm 19/6/1997. Ảnh minh họa.
Một người Việt tị nạn đến Mỹ từ Hong Kong hôm 19/6/1997. Ảnh minh họa.
http://www.rfa.org/rfa_resources/graphics/icon-zoom.png AFP photo
Quyết định này ngay lập tức ảnh hưởng đến những người VN đang tị nạn với lý do chính trị, tôn giáo… tại Thái Lan. Giữa lúc đã có những gia đình người tị nạn tại đây đã hoàn thành thủ tục, sau khi được phía Mỹ tiếp nhận nay đã bị dừng lại do sắc lệnh nói trên.
Ông Dương Xuân Lương, một người tị nạn hiện sống tại Băng Cốc, Thái Lan cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông trong vấn đề này. Ông nói:
Tôi là Dương Xuân Lương, một người theo đạo Cao Đài tôi qua đây tỵ nạn tôn giáo. Theo tôi quyết định của Tổng thống Donal Trump vì nước Mỹ đã làm cho những người cần thiết được giúp đỡ đã bị đau khổ hơn. Tôi nghĩ rằng, điều đó trái với truyền thống của nước Mỹ và trái với các công ước của Liên Hợp Quốc đưa ra, mà Mỹ là nước đã cam kết và khuyến khích cái điều đó.
Tôi nghĩ rằng, điều đó trái với truyền thống của nước Mỹ và trái với các công ước của Liên Hợp Quốc đưa ra, mà Mỹ là nước đã cam kết và khuyến khích.
- Ông Dương Xuân Lương
Trong một tâm trạng buồn bã, bà Hồ Thị Bích Khương cho rằng, đây là một tin bất ngờ và đáng buồn đối với mọi người tỵ nạn đang sống tại Thái Lan. Theo bà, điều này đã khiến cho mọi người đang sống trong cuộc sống khó khăn nay càng thêm thất vọng. Bà bày tỏ:
Những người tị nạn ở Thái Lan hết sức thất vọng, bởi vì cuộc sống của họ lúc này hết sức khốn cùng. Những người đã phải bỏ nước ra đi vì cuộc sống của họ không được đảm bảo, họ ra đi vì cũng mong muốn nhờ vào chính sách tỵ nạn của Liên Hợp Quốc, nhưng tiếc rằng phía Mỹ đã có các quyết định như vậy.
Tuy vậy theo anh Đặng Ân, một người tỵ nạn từ VN đến Thái Lan đã hơn 5 năm nay và đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đang chờ ngày xuất cảnh sang Mỹ, thì thông cảm với quyết định của tân tổng thống Donald Trump. Theo anh quyết định đó mang tính chiến lược của nước Mỹ. Anh cho biết:
Tôi cũng là một người tỵ nạn CSVN ở tại Thái Lan này, quyết định của ông Trump có thể ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của mình. Nhưng tôi nghĩ không thể trách ông Donald Trump được, mình cũng phải chấp nhận thôi. Vì mình không thể trách ông ấy được.
Đã khó lại càng khó
Ông Dương Xuân Lương cũng cho biết thêm suy nghĩ của ông về sắc lệnh của tân tổng thống Donald Trump, theo ông đó là một quyết định thiếu công bằng và phá hủy truyền thống nhân đạo của nước Mỹ. Ông nói:
Cuộc sống của người VN tị nạn tại Thái Lan đã khó khăn, nay sẽ càng khó khăn hơn trước đây rất nhiều. Ngày nay Donadl Trump đã buộc những người tị nạn phải chứng minh rằng, khi họ đến Mỹ phải mang lợi ích cho nước Mỹ thì điều đó quả là quá khó khăn đối với người tị nạn. Đó chưa kể đến việc để chứng minh được thì nó cũng hết sức nhiêu khê.
Dù rằng có quan điểm tán đồng với quyết định của ông Donal Trump, song anh Đặng Ân cũng lo ngại đến tương lai vốn đã quá mịt mù của những người tỵ nạn VN đang ở Thái Lan hiện nay. Anh cho biết:
Nếu sau 120 ngày mà sắc lệnh ấy vẫn giữ nguyên hiện trạng như bây giờ, thì tương lai của người tỵ nạn vẫn cứ bất định như hiện nay. Từ trước đến nay họ vẫn sống bất hợp pháp, khó khăn trong việc làm, khó khăn trong cuộc sống, kể cả vấn đề an ninh nữa. Tóm lại họ không có một bến bờ nào trước mắt cả.
Cuộc sống của người VN tị nạn tại Thái Lan đã khó khăn, nay sẽ càng khó khăn hơn trước đây rất nhiều.
- Ông Dương Xuân Lương 
Ông Dương Xuân Lương cho biết, dù đã được chấp nhận quy chế tỵ nạn và đang chờ thủ tục xuất cảnh, nhưng nếu phía Mỹ từ chối cho ông nhập cư thì ông cũng sẽ ở lại Thái Lan và không trở về VN một khi còn ách cộng sản. Ông cho biết:
Nếu nước Mỹ không chịu nhận lãnh tôi thì tôi sẽ ở lại và có thể chết ở Thái Lan. Còn những anh chị khác mà tôi hỏi thì họ cũng nói rằng, nếu không được chấp nhận quy chế tỵ nạn thì thà họ chết ở Thái Lan chứ họ dứt khoát không trở về VN.

Những người tỵ nạn ở Thái Lan trong những ngày này mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi, đều có chung một thái độ lo lắng về tương lai bất định của bản thân mình cũng như gia đình. Và mọi người đều hy vọng một sự may mắn, đến từ sự thay đổi chính sách của chính phủ Mỹ, phù hợp với truyền thống nhân đạo của nước Mỹ đối với những người tỵ nạn, vốn đã có trong một thời gian dài.