VNTB- Vietnam
Caucus mạnh lên và tác dụng của Luật Magnitsky
Thiền Lâm
(VNTB) - Tin tức
mới nhất về tác dụng của Luật Magnitsky là các tổ chức vận động cho luật này đã đồng ý về một phương án hành động chung, với mốc
điểm chính là ngày 10 tháng 12, 2017, tức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Mục tiêu là
vào ngày ấy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chế tài một số giới chức chính quyền thuộc
các quốc gia trọng điểm được đề nghị, trong đó có Việt Nam.
Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal, chủ tịch Uỷ ban Quốc hội
về Việt Nam.
Ảnh VOA
Một cuộc phỏng vấn của đài VOA
mới đây cho biết Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal vừa
trở thành đồng chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam),
theo thông cáo báo chí từ văn phòng của ông ngày 10/2. Hai vị đồng chủ tịch
khác là Dân biểu Chris Smith và nữ Dân biểu Zoe Lofgren.
Như vậy,
vai trò của Vietnam Caucus, còn gọi là “Nhóm làm việc về Việt Nam” của Hạ viện
Hoa Kỳ, đang trở nên mạnh mẽ hơn. Dân biểu Alan Lowenthal khẳng
định rằng “Hoa Kỳ phải tiếp tục yêu cầu
Việt Nam tham gia các hoạt động bảo vệ quyền của các công dân của họ. Nếu họ muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với
Hoa Kỳ, tôi nghĩ chúng ta phải đề nghị họ bảo vệ quyền tôn giáo của công dân,
quyền của các blogger được bày tỏ bất đồng, các nhà hoạt động lao động được đòi
có công đoàn độc lập, các nhà môi trường được đòi bồi thường thật sự cho thảm họa
Formosa, Hòa thượng Thích Quảng Độ đang bị quản thúc được thực hành tôn giáo”.
Cần nhắc lại, Vietnam Caucus bao gồm những nghị sĩ có
tên tuổi và quen thuộc như Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank
Wolf, Alan Lowenthal, Ed Royce…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng
trong Quốc hội Mỹ.
Trong nhiều năm qua, đã nhiều
lần Nhóm Vietnam Caucus không giấu diếm mối quan tâm và hành động cụ thể đối với
việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội
dân sự, thả tù nhân lương tâm. Nhưng đáng ngại hơn cả đối với giới lãnh đạo Việt
Nam có lẽ là những dự luật liên quan đến nhân quyền mà các nhà lập pháp của
Vietnam Caucus đã soạn thảo và vẫn tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua: Dự
luật nhân quyền Việt Nam, Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, và gần đây nhất
là một văn bản yêu cầu đưa Việt Nam trở lại Danh sách các quốc gia cần quan tâm
đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC List).
Nếu vai trò của Vietnam Caucus
gia tăng đáng kể trong trào lưu “chiếm Quốc hội” của Đảng Cộng hòa Mỹ, hẳn
nhiên những dự luật trên có khả năng được thông qua. Đặc biệt, nếu Dự luật chế
tài nhân quyền Việt Nam được thông qua, sẽ tương tự tình trạng chế tài nhân quyền
đối với Nga và Syria khi hàng loạt nhân vật cao cấp và kể cả trung cấp của giới
lãnh đạo Việt Nam bị đưa tên vào “sổ đen nhân quyền” của Mỹ và Liên minh châu Âu,
để từ đó những người này sẽ không được nhập cảnh vào Mỹ, cùng lúc tài khoản,
tài sản của họ, kể cả của người thân của họ, sẽ bị Mỹ và Liên minh châu Âu
phong tỏa tại bất kỳ ngân hàng hoặc địa điểm quốc tế nào mà nước Mỹ có thể với
tay tới.
Dân biểu Alan Lowenthal cũng khẳng định rằng Luật
Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu sẽ có tác động đối với giới quan chức Việt Nam. Một
trong những bước đi của Vietnam Caucus là Quốc hội Mỹ sẽ nói chuyện với chính
quyền Mỹ về việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, và sau đó sẽ bắt đầu xem xét các
công cụ để nhắm mục tiêu vào những ai vi phạm nhân quyền.
Tin tức mới nhất về tác dụng của Luật Magnitsky
là các tổ chức vận động cho luật này đã đồng ý về một phương án hành động
chung, với mốc điểm chính là ngày 10 tháng 12, 2017, tức Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
Mục tiêu là vào ngày ấy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ chế tài một số giới chức chính
quyền thuộc các quốc gia trọng điểm được đề nghị, trong đó có Việt Nam.