Hỏi: Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Luật Quốc Tế Nhân Quyền khác nhau ở những điểm nào?
Đáp: Tuyên Ngôn là một văn kiện nói lên lý tưởng đề cao Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Đó không phải là một Hiệp Ước hay Công Ước, và vì thế, nó không có hiệu lực pháp lý.
Trong khi đó, Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm ba văn kiện: Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa.
Theo BBT Blog KNS hiểu: Tuyên ngôn chưa có hiệu lực pháp lý. Còn công ước thì có hiệu lực pháp lý.
Trích đoạn trên đây cho thấy đoạn trên và dưới không hợp nhau. Trên nói tuyên ngôn không có hiệu lực pháp lý. Xuống dưới ghép chung tuyên ngôn có hiệu lực như công ước...
Những Điều Nên Biết Về Nhân Quyền
12. 02. 2017. Bauxit VN. Nguyễn Thanh Trang
Lời Tác Giả: Ngày nay do trào lưu dân chủ hóa toàn cầu, lý
tưởng Nhân Quyền càng ngày càng được đề cao khắp nơi trên thế giới. Nhưng tại
một số quốc gia chưa có Dân Chủ thật sự như Việt Nam, rất ít người am tường tầm
quan trọng của Nhân Quyền. Trong khi đó, Chính Phủ thường ngăn cấm và không
muốn dân chúng tìm hiểu Nhân Quyền. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã biên soạn
tài liệu ngắn gọn nầy nhằm góp phần giúp Cộng Đồng người Việt khắp nơi, nhất là
đồng bào tại quê nhà hiểu rõ hơn những Nhân Quyền phổ quát và Luật Quốc Tế Nhân
Quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tài liệu nầy tác giả không giữ
bản quyền, trái lại chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh mọi cá nhân và tổ chức xã
hội dân sự tham gia chiến dịch phổ biến tài liệu nầy đến đồng bào khắp nơi bằng
mọi phương tiện truyền thông như báo chí, truyền thanh, emails và Facebooks,
v.v.
*
Hỏi: Trước
khi tìm hiểu về Nhân Quyền, xin định nghĩa vắn tắt Nhân Quyền là gì?
Đáp: Nhân
Quyền hay quyền làm người là những quyền phổ quát mà mọi người từ lúc mới sinh
ra đã được Tạo Hóa ban cho, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn
giáo, chính kiến hay giới tính nam, nữ. Đó là những quyền Tự Do căn bản, như tự
do sinh sống và mưu cầu hạnh phúc, tự do đi lại và cư trú, tự do sở hữu tài
sản, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do
hội họp, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính trị và tự do ứng cử, bầu cử.
Những quyền đó không do nhà nước hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào ban cho.
Vì thế, bất cứ nơi nào Nhân Quyền
bị chà đạp, dân chúng phải tự mình đứng lên tranh đấu để đòi lại những Nhân
Quyền căn bản của mình.
Hỏi: Nhân
Quyền và Dân Quyền khác nhau ở chỗ nào?
Đáp: Nhân Quyền là những quyền làm người căn bản
và phổ quát đã được các quốc gia hội viên của LHQ công nhận và đề cao. Trong
khi đó, Dân Quyền là những quyền công dân của một nước, được quy định bởi hiến
pháp và luật lệ của quốc gia. Vì thế dân quyền của các nước không nhất thiết
phải giống nhau.
Hỏi: Xin đơn
cử một ví dụ cho thấy sự khác biệt giữa Nhân Quyền và Dân Quyền.
Đáp: Với tư cách công dân, mọi
người đã trưởng thành đều có quyền tham gia bầu cử và ứng cử. Nhưng tùy theo
luật lệ của mỗi quốc gia, muốn tham gia bầu cử, người dân phải hội đủ một số
điều kiện, ví dụ phải từ 18 hay 21 tuổi trở lên, đã cư trú tại địa chỉ hiện tại
ít nhất là 3 hay 6 tháng, v.v. Đó là Dân Quyền.
Trái lại, bất cứ ai dù trẻ hay
già, nam hay nữ, sinh sống tại bất cứ nước nào, dù là công dân hay chỉ là
thường trú nhân cũng đều được hưởng những Nhân Quyền căn bản như tự do tư
tưởng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do tham gia hay
thành lập nghiệp đoàn, v.v. Không ai có quyền tước đoạt Nhân Quyền của dân
chúng.
Hỏi: Nói như
thế, Nhân Quyền phải được tôn trọng một cách bình đẳng hay sao?
Đáp: Đúng
vậy. Ngay cả những người tội phạm cũng có những Nhân Quyền của họ, vì thế họ
phải được tòa án xét xử vô tư, công bằng và không bị đối xử vô nhân đạo như tra
tấn và hành hạ dã man.
Hỏi: Có một
số người cho rằng Nhân Quyền tại các quốc gia không nhất thiết phải giống nhau
vì mỗi nước có văn hóa và hoàn cảnh khác nhau. Lập luận đó có đúng không?
Đáp: Đó chỉ
là lập luận của một số chính khách và nhà nước độc tài chỉ ngụy biện để bào
chữa cho những hành động vi phạm nhân quyền của họ. Thật vậy, tính phổ quát của
Nhân Quyền đã được minh xác trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và đã được
tái khẳng định trong bản Tuyên Bố do LHQ đưa ra tại Hội Nghị Quốc Tế về Nhân
Quyền tại Vienna, Áo quốc năm 1993.
Theo đó, bản chất phổ quát của
các quyền con người và quyền tự do là không thể bàn cải. Tất cả các quyền con
người đều phổ quát, không thể tách rời, chúng phụ thuộc và liên quan với nhau.
Hỏi: LHQ đã
ra đời từ năm nào và với mục đích gì?
Đáp: Vào đầu năm 1945, trước
khi đệ nhị thế chiến kết thúc, 50 quốc gia đã tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế tại
San Francisco, Hoa Kỳ để ký kết Hiến Chương thành lập LHQ nhằm mục đích duy trì
hòa bình và tránh đại họa của một cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba mà bom
nguyên tử có thể tiêu diệt loài người trên địa cầu nầy.
Hỏi: Tuyên
Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được ra đời từ khi nào?
Đáp: Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân
Quyền được Đại Hội Đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1948 tại Paris, thủ đô nước
Pháp, với 48 phiếu thuận, 6 phiếu trắng và không có phiếu chống.
Sự ra đời của Tuyên Ngôn Quốc Tế
Nhân Quyền đánh dấu một bước tiến vô cùng lớn lao và quan trọng của cộng đồng
nhân loại văn minh.
Hỏi: Những
ai là tác giả đã biên soạn bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền?
Đáp: Đó là
một công trình tập thể của Ủy Hội Nhân Quyền gồm đại diện của 53 quốc gia hội
viên của LHQ, gồm các chính khách, luật gia, giáo sư và những nhà tranh đấu Dân
Chủ từ nhiều quốc gia Âu Châu, Phi Châu, Á Châu, Úc Châu và Mỹ Châu.
Hỏi: Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Luật Quốc
Tế Nhân Quyền khác nhau ở những điểm nào?
Đáp: Tuyên Ngôn là một văn kiện nói lên lý tưởng
đề cao Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Đó không phải là một Hiệp Ước hay Công
Ước, và vì thế, nó không có hiệu lực pháp lý.
Trong khi đó, Luật Quốc
Tế Nhân Quyền bao gồm ba văn kiện: Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Công Ước
Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế về Quyền Kinh Tế, Xã
Hội và Văn Hóa.
|
Mọi quốc gia thành viên của LHQ
đều chấp nhận bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và xem đó là lý tưởng chung
của mọi quốc gia, nhưng nước nào muốn gia nhập các Công Ước Quốc Tế về Nhân
Quyền, phải được Quốc Hội của nước đó phê chuẩn mới có hiệu lực.
Ngoài ra, Luật Quốc Tế Nhân
Quyền có giá trị cưỡng hành và cao hơn giá trị của Hiến Pháp và Luật Pháp
quốc gia.
Hỏi: Hai
Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền đã được thành lập từ năm nào?
Đáp: Hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền đã được
thông qua từ năm 1966, nhưng đến 10 năm sau hai Công Ước nầy mới được đa số
các quốc gia hội viên LHQ phê chuẩn. Vì thế, đến năm 1976 mới được LHQ chính
thức công bố.
|
Hỏi: Quyền
Dân Sự và Chính Trị bao gồm những quyền gì?
Đáp: Theo
Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ các
quyền sau đây của người dân:
- Quyền sống, quyền tự do và an
toàn thân thể;
- Không bị làm tôi đòi hay nô lệ;
- Không bị trừng phạt vô nhân
đạo, hay bị lăng nhục;
- Không bị bắt bớ hay giam cầm
tùy tiện;
- Quyền được xét xử trước một tòa
án vô tư, công hằng và có luật sư biện hộ;
- Không bị xâm phạm tùy tiện danh
dự cá nhân, đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở hay thư tín;
- Quyền tự do cư trú và đi lại
trong quốc gia của mình;
- Quyền được xuất ngoại và hồi
hương;
- Quyền tị nạn tại các quốc gia
khác;
- Quyền sở hữu tài sản;
- Quyền tự do tư tưởng, tự do
lương tâm và tự do tôn giáo;
- Quyền tự do ngôn luận, tự do
tìm kiếm, tiếp nhận tin tức bất kỳ nơi nào và phổ biến tin tức bằng mọi phương
tiện truyền thông, không giới hạn lãnh thổ;
- Quyền tự do hội họp có tính
cách hòa bình;
- Quyền tham dự vào việc điều
hành chính quyền trực tiếp bằng cách ra ứng cử, hay gián tiếp bằng cách bầu lên
người đại diện cho mình trong những cuộc bầu cử bằng phiếu kín, dân chủ và công
bằng.
Hỏi: Quyền
Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa bao gồm những quyền gì?
Đáp: Theo
Công Ước Quốc Tế về Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, nhà nước có nghĩa vụ
thường xuyên cố gắng cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là những quyền
sau đây:
- Quyền có việc làm và lựa chọn
việc làm;
- Quyền được hưởng mức lương xứng
đáng và công bằng; có điều kiện làm việc an toàn, được huấn luyện và có cơ hội
thăng tiến;
- Quyền thành lập nghiệp đoàn và
tham gia nghiệp đoàn;
- Quyền được hưởng an sinh xã hội
và bảo hiểm sức khỏe;
- Quyền được hưởng giáo dục. Đặc
biệt giáo dục bậc tiểu học phải có tính cách cưỡng bách và miễn phí. Giáo dục
bậc trung học phải được phổ thông và tiến dần
đến hoàn toàn miễn phí;
- Được bảo vệ những quyền lợi
tinh thần và tài chánh do những phát minh khoa học hay sản phẩm văn hóa và mỹ
thuật của mình mang lại.
Hỏi : Việt Nam đã gia nhập LHQ
từ năm nào? Và đến khi nào Quốc Hội VN phê chuẩn hai Công Ước Quốc Tế về Nhân
Quyền?
Đáp : Việt Nam gia nhập LHQ
năm 1977 và phê chuẩn hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền năm 1982.
Hỏi: Những
Nhân Quyền đã được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và hai Công Ước Quốc
Tế Nhân Quyền là những quyền gì?
Đáp: Theo
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống, Cố Vấn của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, để cho dễ
nhớ, Nhân Quyền có thể được xếp thành ba bậc như sau:
(1) Nhân Quyền bậc 1, mệnh danh
là Tự Do Thân Thể, gồm những quyền liên quan đến thân thể con người, như quyền
sống, quyền không bị hành hạ, tra tấn, quyền không bị nô dịch, quyền an toàn
thân thể, không bị bắt giữ và giam cầm trái phép.
Khi bị truy tố, phải được xét xử
công bằng bởi một tòa án độc lập và vô tư.
(2) Nhân Quyền bậc 2, mệnh danh
là Quyền An Cư và Lạc Nghiệp.
(a) Quyền An Cư gồm có: tự do cư
trú và đi lại; tự do xuất ngoại và hồi hương; quyền riêng tư cho bản thân, gia
đình, nhà ở, thư tín; quyền tị nạn; quyền sở hữu, v.v.
(b) Quyền Lạc Nghiệp gồm có:
quyền có việc làm với tiền lương xứng đáng và công bằng; quyền được bảo hiểm và
an sinh xã hội; có đời sống khả quan cho bản thân và gia đình và quyền được
hưởng những phúc lợi về y tế, giáo dục và văn hóa.
(3) Nhân Quyền bậc 3, mệnh danh
là Tự Do Tinh Thần và Tự Do Chính Trị. Đó là tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng,
tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do hoạt động
nghiệp đoàn.
Hỏi : Có người cho rằng đòi
hỏi Nhân Quyền và tranh đấu Dân Chủ đều có mục tiêu tối hậu là đem lại Tự Do,
Dân Chủ và Nhân Quyền cho mọi người. Như thế đòi hỏi Nhân Quyền và tranh đấu
Dân Chủ khác nhau ở chỗ nào?
Đáp : Như chúng ta đã thấy,
các điểu khoản 18, 19, 20 và 21 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như
các điều khoản 18, 19, 20 và 21 trong Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính
Trị đều ghi rõ các quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự
do hội họp, tự do lập hội, tự do sinh hoạt nghiệp đoàn và đảng phái chính trị,
và tự do ứng cử, bầu cử. Như thế, trong Nhân Quyền đương nhiên có Dân Chủ.
Tại các nước độc tài, Nhân Quyền
của người dân thường bị chà đạp, không có tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do
hội họp và tự do lập hội, v.v. Vì thế, tại các quốc gia đó, dân chúng phải đứng
lên tranh đấu đòi hỏi nhà nước thực thi Dân Chủ, vì phải có Dân Chủ mới có Nhân
Quyền.
Hỏi: LHQ đã
ban hành Luật Quốc Tế Nhân Quyền từ năm 1976, nhưng cho đến nay, tại một số
quốc gia, Nhân Quyền vẫn còn bị chà đạp nặng nề, nguyên nhân vì sao?
Đáp: Năm
1998, nhân dịp Kỷ Niệm 50 năm ngày công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, LHQ
đã duyệt xét tình hình Nhân Quyền trên thế giới, LHQ đã thấy rằng trong nửa thế
kỷ qua tình trạng Nhân Quyền hầu hết khắp nơi đã được cải tiến đáng kể, nhưng
tại một số quốc gia Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ, Nhân Quyền vẫn chưa được tôn
trọng và dân chúng chưa biết rõ tầm quan trọng của Nhân Quyền vì hai lý do
chính yếu sau đây:
- Thứ nhất, đa số dân chúng vẫn
còn xa lạ với Nhân Quyền, và chưa được học hỏi về Nhân Quyền và Luật Quốc Tế
Nhân Quyền của LHQ;
- Thứ hai, nhà cầm quyền tại các
nước độc tài đã không giúp đỡ mà lại còn ngăn cấm mọi nỗ lực quảng bá và giáo
dục dân chúng am hiểu về Nhân Quyền.
Chính vì thế, ngày 8-3-1999 Đại
Hội Đồng LHQ đã thông qua Nghị Quyết 53/144,tức Tuyên Ngôn về Những Quyền và
Trách Nhiệm của các Cá Nhân, Hội Đoàn và Cơ Quan trong xã hội phải cổ võ và bảo
vệ Nhân Quyền theo đúng Luật Quốc Tế Nhân Quyền.
Hỏi: Theo
Nghị Quyết 53/144 của LHQ, mọi cá nhân và tổ chức ngoài Chính Phủ (NGO) có
những Quyền và Nghĩa Vụ gì?
Đáp: Theo
Nghị Quyết đó, sau đây là 5 Quyền và Nghĩa Vụ chính yếu của các Cá Nhân và Tổ
Chức Xã Hội Dân Sự:
- Quyền đề xướng và đòi hỏi Nhà
Nước thực thi Nhân Quyền ;
- Quyền hội họp, thành lập và
tham dự các tổ chức ngoài chính phủ (NGO);
- Quyền được tham chính trực tiếp
hay gián tiếp và quyền nầy bao gồm cả quyền đề nghị, phê phán và chỉ trích các
việc làm của Chính Phủ;
- Cá nhân và tổ chức ngoài chính
phủ có Nghĩa Vụ tham gia các hoạt động giáo dục, huấn luyện và nghiên cứu về
Nhân Quyền để nâng cao dân trí đồng bào;
- Cá nhân và tổ chức ngoài chính
phủ có Nghĩa Vụ và Trách Nhiệm góp phần phát
huy các tổ chức xã hội dân sự và
các định chế dân chủ để xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ và tốt đẹp hơn.
Hỏi: Theo
Nghị Quyết 53/144 của LHQ, Chính Phủ có những Trách Nhiệm gì?
Đáp: Theo
Nghị Quyết đó, Chính Phủ có 5 Trách Nhiệm chính yếu sau đây:
- Quảng bá và bảo vệ Nhân Quyền
và những Quyền Tự Do căn bản của dân chúng bằng cách tạo các điều kiện thiết
yếu về giáo dục, xã hội, kinh tế, luật pháp và chính trị theo đúng Luật Quốc Tế
Nhân Quyền;
- Ban hành các văn kiện lập pháp
và lập quy để bảo đảm Nhân Quyền và những Quyền Tự Do căn bản của người dân;
- San định Hiến Pháp và luật lệ
quốc gia thế nào cho phù hợp với Hiến Chương của LHQ và Luật Quốc Tế Nhân
Quyền;
- Hỗ trợ và khởi xướng các nỗ lực
bảo vệ Nhân Quyền như việc thành lập các Ủy Ban Nhân Quyền và Ủy Ban Điều Tra
các viên chức vi phạm Nhân Quyền, v.v.
- Tổ chức và yễm trợ các chương
trình giảng dạy Nhân Quyền và những Quyền Tự Do căn bản tại học đường. Đặc biệt
Luật Quốc Tế Nhân Quyền phải được giảng dạy trong các khóa huấn luyện luật sư,
biện lý và lực lượng công an, cảnh sát để giúp họ thi hành nghiệp vụ một cách
tốt đẹp và không vi phạm Nhân Quyền của người dân.
-
Nguyễn Thanh Trang
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
(Tết Đinh Dậu, 2017)
Ghi Chú: Quý vị
có thể đọc toàn bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền nguyên văn tiếng Anh hay bản tiếng
Việt do Luật Sư Nguyễn Hữu Thống phiên dịch và diễn giải, xin vui lòng vào
Website của Mạng Lưới Nhân Quyền, tại địa chỉ: www.vietnamhumanrights.net
Tác giả gửi BVN