11.550. Tòa ra phán quyết ngưng thi hành sắc lệnh cấm di dân của
TT Trump
Posted by adminbasam on 04/02/2017
Người Việt. 3-2-2017.
SEATTLE/BOSTON (NV) – Một chánh án liên bang
ở Seattle hôm Thứ Sáu ra phán quyết tạm ngưng thi hành sắc lệnh của Tổng Thống
Donald Trump, cấm di dân bảy nước Hồi Giáo nhập cảnh vào nước Mỹ. Và lệnh này của tòa có hiệu lực khắp Hoa Kỳ.
Theo Reuters, phán quyết này là một thách thức
lớn đối với chính phủ Trump.
Cho đến 7 giờ tối Thứ Sáu, Cơ Quan Bảo Vệ Biên
Giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo cho các hãng hàng không là họ có thể đưa di dân đã
được cấp visa vào Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Tòa Bạch Ốc đưa ra một
tuyên bố nói rằng, sẽ yêu cầu Bộ Tư Pháp nộp đơn khẩn cấp, yêu cầu tòa vẫn để
sắc lệnh được thi hành.
Ông Sean Spicer, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc,
nói rằng: “Sắc lệnh của tổng thống có ý bảo vệ người dân, và ông có quyền hiến
định và trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân Hoa Kỳ.”
Đơn kiện bắt đầu từ tiểu bang Washington và sau
đó tiểu bang Minnesota cũng theo chân.
Chánh Án James Robart ở Seattle, một người được
Tổng Thống George W. Bush đề cử, phán quyết rằng các tiểu bang có căn bản pháp
lý để kiện.
Điều này có thể giúp các luật sư đảng Dân Chủ
có thể căn cứ theo đó để kiện ông Trump trong những vấn đề khác.
Quyết định đưa ra vào một ngày mà luật sư của
bốn tiểu bang ra tòa, thách thức sắc lệnh của ông Trump.
Chính phủ Trump biện minh hành động của mình
dựa trên căn bản an ninh quốc gia, nhưng phía chống đối gán cho đó là vi hiến,
nhắm vào những người căn cứ trên tín ngưỡng.
Hôm Thứ Sáu, một chánh án liên bang ở Boston từ
chối kéo dài thêm lệnh tạm thời cho phép di dân từ một số nước vào Mỹ mặc dù
sắc lệnh của tổng thống không cho phép.
Cũng hôm Thứ Sáu ở Virginia, một chánh án liên
bang ra lệnh cho Tòa Bạch Ốc cung cấp danh sách tất cả những người bị chận
không được vào Mỹ, theo lệnh cấm của tổng thống.
Bộ Ngoại Giao trong cùng ngày nói rằng có gần
60,000 visa trước đây đã được cấp cho công dân các nước Iran, Iraq, Libya,
Somalia, Sudan, Syria, và Yemen, nhưng bị vô hiệu hóa sau khi lệnh cấm được đưa
ra.
Chánh Án Leonie Brinkema ở Alexandria,
Virginia, ra lệnh cho chính quyền liên bang phải trao cho tiểu bang danh sách
trước ngày Thứ Năm, “tất cả những người từng bị từ chối nhập cảnh hay visa của
họ bị hủy bỏ.”
Tiểu bang Hawaii hôm Thứ Sáu cũng theo chân,
thách thức lại lệnh cấm, khi nộp đơn kiện, tố cáo rằng lệnh đó là vi hiến và
yêu cầu tòa án chận lại lệnh này trên khắp Hoa Kỳ.
Sắc lệnh của tân tổng thống được ký vào ngày 27
Tháng Giêng gây nên tình trạng rối loạn trên khắp các phi trường ở nước Mỹ, làm
cho đám đông hằng trăm người tụ tập ở khu vực máy bay đến để phản đối, đồng
thời nộp đơn kiện chống lại sắc lệnh này ở khắp nơi.
Theo sắc lệnh của Tổng Thống Trump, dân tị nạn
thuộc bảy quốc gia có đa số dân Hồi Giáo tạm thời không được vào Mỹ trong 90
ngày. Ngoài ra, dân tị nạn Syria bị cấm nhập cảnh vô thời hạn. Thêm vào đó,
chương trình nhận người tị nạn của Mỹ bị tạm ngưng 120 ngày.
Hôm Thứ Sáu, Bộ Nội An (DHS) ra một lệnh bổ túc
để làm sáng tỏ hơn, trong đó nói rằng không có kế hoạch mở rộng thêm ngoài bảy
nước đã nêu trong sắc lệnh.
DHS cũng lập lại rằng việc cấm không áp dụng
đối với thường trú nhân hay người đã được cấp thẻ xanh, cùng một số người khác,
như những người đã từng giúp đỡ quân đội Hoa Kỳ. (TP, Đ.D.)
_____
San
Jose: Nghị viên gốc Việt tuyên thệ, phản đối sắc lệnh di dân của TT Trump
3-2-2017
Nghị Viên Lân Diệp
(phải) cầm khiên “Captain America” trong lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 24 Tháng
Giêng. (Hình: Nghị Viên Lân Diệp cung cấp)
LTS: Hôm 24 Tháng Giêng, Luật Sư Lân Diệp, 33
tuổi, tuyên thệ nhậm chức nghị viên Khu Vực 4, San Jose, hôm 24 Tháng
Giêng với cái khiên “Captain America” (nhân vật trong truyện tranh hoạt họa The
First Avenger), để phản đối sắc lệnh di dân của Tổng Thống Donald Trump. Ông
được báo Mỹ phỏng vấn, và làm xôn xao các mạng xã hội. Sau đây là phần phỏng
vấn do phóng viên nhật báo Người Việt thực hiện.
Người Việt: Xin nghị viên cho biết
lý do mang chiếc khiên “Captain America” trong buổi lễ tuyên thệ?
Nghị Viên Lân Diệp: Tôi muốn phản đối sắc lệnh của Tổng
Thống Donald Trump cấm công dân thuộc bảy quốc gia Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ
trong 90 ngày, nên tôi dùng hình ảnh chiếc khiên trong loạt sách và phim hoạt
họa của Mỹ, vì nhiều lý do.
Người Việt: Ông có thể nói rõ hơn?
Nghị Viên Lân Diệp: Lúc đầu, tôi chỉ muốn làm một cái gì
vui, và khoe tôi có cái khiên với màu sắc của lá cờ Mỹ. Tôi muốn thể hiện tinh
thần yêu nước. Sau đó là để người dân Mỹ chú ý, nhưng về sau tôi nghĩ là chính
người Mỹ cũng nên xét lại nước Mỹ tượng trưng cho điều gì, nếu không phải là
một quốc gia của những người nhập cư đi tìm tự do.
Tôi muốn người Mỹ nhìn thấy hình ảnh một người
Việt tôn trọng những cái đẹp của nước Mỹ, nói lên sư bất bình cho người khác
cùng cảnh ngộ. Tôi muốn cư dân trong khu vực của tôi được đối xử công
bằng, bình đẳng trước pháp luật và được tự do. Tôi muốn trả lại những gì đất
nước này đã cho tôi quá nhiều.
Tôi không đồng ý với sắc lệnh của tổng thống,
vì chính cá nhân tôi dù được sinh ra tại Mỹ, nhưng tôi luôn tự nhận tôi là người
tị nạn. Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà cha mẹ tôi là người tị nạn, và
tôi sống trong cộng đồng người Việt tị nạn.
Người Việt: Xin cho biết sơ về điều
kiện sống của gia đình ông khi mới đến Hoa Kỳ?
Nghị Viên Lân Diệp: Tôi hồi tưởng đến thập niên 1980 khi ba
mẹ tôi mới sang Mỹ, tôi được trợ cấp cho đi học. Gia đình tôi được cấp phiếu
thực phẩm (Food Stamps). Ba mẹ tôi vừa đi học vừa đi làm. Tôi tốt nghiệp luật
sư và nay là nghị viên. Nhưng với sắc lệnh mới của tổng thống, đi ngược lại
tinh thần bao dung, sự tự do mà tôi và gia đình tôi được hưởng. Sắc lệnh ấy
cũng đi ngược lại những lý tưởng của nước Mỹ. Tôi nghĩ người Việt chúng ta nên
có trách nhiệm với các cộng đồng khác. Chúng ta nên thay họ, gióng lên tiếng
nói khi cần thiết, và muốn đem lại những chiến thắng cho cộng đồng Việt Nam,
chúng ta phải liên hiệp với các cộng đồng khác.
Người Việt: Chiếc khiên còn mang ý
nghĩa nào khác?
Nghị Viên Lân Diệp: Biểu tượng chiếc khiên tôi mang còn nói
lên sự bảo vệ quyền lợi nước Mỹ của toàn dân khi cần thiết. Người dân Mỹ phải
đoàn kết khi quốc gia có biến. Nước Mỹ qua chiếc khiên còn là biểu tượng của hy
vọng đối với thế giới của những người bị đàn áp. Những người tị nạn đến được
đây đều hiểu rằng đây là vùng đất của cơ hội. Nước Mỹ hùng mạnh nhất khi lòng bác
ái được thể hiện và rộng mở, nhất là khi có mối lo khủng bố đe dọa. Nhân vật
“Captain America” là biểu tượng cho sự bác ái, sự can đảm và một xã hội tự do
sáng ngời, không hẳn chỉ để phục vụ một vị tổng thống.
Người Việt: Phản ứng của cư dân và
dư luận ra sao với hành động của ông?
Nghị Viên Lân Diệp: Có người khen, và cũng có người không
hài lòng. Người khen thì cho rằng tôi có lòng yêu nước Mỹ; người chê thì hỏi
tại sao tôi không đặt tay trên cuốn Kinh Thánh.
Người Việt: Ông nghĩ gì về vai trò của chính
quyền địa phương dưới thời Tổng Thống Trump?
Nghị Viên Lân Diệp: Dù chỉ mới được vài ngày, rõ ràng là
chính quyền địa phương và tiểu bang sẽ có vai trò lớn hơn khi phải bảo vệ và
phục vụ cư dân. San Jose cũng ở trong cùng hoàn cảnh ấy.
Người Việt: Ông có thể chia sẻ điều
gì ông quan tâm nhất cho San Jose?
Nghị Viên Lân Diệp: San Jose là thành phố lớn thứ mười ở Mỹ.
Đó là thủ đô của thung lũng điện tử Silicon Valley, và trong nhiệm kỳ của tôi,
tôi hy vọng sẽ thực sự làm cho San Jose xứng đáng với biệt danh đó. Đầu tư và
đổi mới có thể là thành hình về phía xa hơn hướng Bắc của Palo Alto. Tôi muốn
thu hút nhiều hơn với sự đổi mới thích hợp với San Jose.
Người Việt: Xin nêu một dự án cụ
thể.
Nghị Viên Lân Diệp: Dự án chuyển
vận nhanh (BART) lần đầu tiên áp dụng trong khu vực của tôi. Tôi muốn mọi
việc sẽ xảy ra suôn sẻ. Kế đến, chúng tôi muốn chấn chỉnh lực lượng cảnh sát để
thu hút việc tuyển mộ các cảnh sát giỏi; tình trạng gia cư, và đối phó với kinh
tế trì trệ.
Người Việt: Nghị viên có chia sẻ gì
thêm?
Nghị Viên Lân Diệp: Tôi là người được tuyên thệ tổng cộng ba
lần kể từ sau ngày đắc cử. Lần đầu tôi tuyên thệ là vào cuối Tháng Mười Hai năm
ngoái. Lần thứ hai tôi được tuyên thệ để ra mắt các cộng đồng ngày 14 Tháng
Giêng với sự hiện diện của các dân cử địa phương các cấp. Và lần thứ ba là hôm
24 Tháng Giêng. Tôi tranh cử lần đầu năm 2015, tôi thua cựu Nghị Viên Mạnh
Nguyễn 13 phiếu. Lần này tôi lại thắng, và chỉ hơn ông ấy 12 phiếu.