Trang

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

3760. GIỮ ẤM CƠ THỂ RẤT QUAN TRỌNG.

 Một cách làm ấm rất nhanh là thở dưỡng sinh (thở bụng), khi bạn thở đúng cách chỉ cần vài ba hơi thở là bạn se thấy cơ thể ấm lên thấy rõ. BBT Blog.

Nhiễm lạnh vào mùa đông có thể làm giảm tuổi thọ và hư hại làn da - Làm thế nào để giữ ấm đúng cách?

 Bình luậnHoàng Tuấn • 10:48, 18/01/22 2 lượt xem

 Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi cơ thể bị nhiễm lạnh thì nhiệt độ của máu giảm xuống, khiến quá trình tuần hoàn máu sẽ có những thay đổi, thậm chí có thể gây ra huyết ứ. Nếu để tình trạng kéo dài có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho cơ thể.

Nhiệt độ cơ thể con người sẽ giảm vào mùa đông, nhìn từ bề ngoài, điều đó có nghĩa là sức sống có phần suy giảm, bệnh tật dễ xảy ra theo thời gian. 

Trên thực tế, giới y học phát hiện ra rằng nhiệt độ cơ thể có liên quan đến tuổi thọ, ngoại hình và cân nặng của con người…

Ryo Kawashima, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị chống lạnh của Nhật Bản cho biết: Bí quyết để kéo dài tuổi thọ, sắc đẹp và giảm cân là tăng nhiệt độ cơ thể thêm khoảng 1 độ.

Ngoài ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá, con người hiện đại đi ô tô, ít vận động trong thời gian dài cộng với áp lực cuộc sống… khiến thân nhiệt thấp hơn trước.

Lấy người Nhật làm ví dụ, so với 50 năm trước, thân nhiệt của người Nhật đã giảm trung bình 0.7 độ.

Tuy nhiên, “tất cả bệnh tật đều sinh ra từ lạnh”, thân nhiệt giảm, chuyển hóa cơ bản cũng giảm theo, có thể dẫn đến béo phì, miễn dịch kém, dễ dẫn đến ung thư và các bệnh khác.

Tại sao thân nhiệt thấp có hại cho cơ thể?

Trước đó, bác sĩ sức khỏe tự nhiên người Nhật Ishihara cũng đã chỉ ra trong cuốn sách “Làm ấm cơ thể và chữa bệnh” rằng, mỗi khi nhiệt độ cơ thể giảm 1°C thì khả năng miễn dịch giảm hơn 30%; đồng thời, quá trình trao đổi chất cũng giảm, gây ra nhiều loại bệnh khác nhau.

Ryo Kawashima, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị chống lạnh, đã giải thích tác dụng này dưới góc độ lưu thông máu.

Ông cho rằng khi cơ thể bị nhiễm lạnh thì nhiệt độ của máu giảm xuống, khi nhiệt độ của máu giảm xuống thì quá trình tuần hoàn máu sẽ có những thay đổi tinh vi, thậm chí nó sẽ bị ứ đọng ở đâu đó tạo thành huyết ứ.

Hai chức năng chính của máu là vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, đào thải các chất lão hóa ra ngoài, nếu diễn ra trong thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Những tác dụng phụ này ít nhất bao gồm:

1. Thiếu năng lượng

Nếu nhiệt độ cơ thể giảm xuống và quá trình tuần hoàn máu không được thông suốt, các chất cần thiết cho cơ thể không được vận chuyển tại chỗ, không thể thải ra ngoài tối đa, lâu ngày sẽ khiến con người thiếu sức sống.

Ví dụ, nếu oxy không thể được vận chuyển đúng cách qua máu, cơ thể sẽ kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất năng lượng cần thiết.

Mặt khác, các tế bào miễn dịch và các kháng thể do chúng tạo ra để tiêu diệt virus cảm lạnh và ung thư, vốn chủ yếu lây truyền qua đường máu; khi máu lưu thông kém, con người cũng phải vật lộn để chống chọi với sự đe dọa của các loại bệnh.

2. Màu da kém sắc

Một hậu quả khác của việc lưu thông máu kém là các chất “thải” đáng ra được đào thải ra khỏi cơ thể sẽ tích tụ lại.

Khi chất thải tích tụ, các mạch máu có thể ngày càng hẹp hơn, điều này khiến máu khó vận chuyển chất dinh dưỡng và làm sạch chất thải hiệu quả; dẫn đến các đốm da, quầng thâm, và việc chữa lành có thể khó khăn hơn ở những người bị mụn trứng cá.

3. U sầu - Trầm cảm

Những người có cơ thể lạnh thường cảm thấy không vui hoặc thậm chí trầm cảm, điều này có liên quan đến việc tiết ra serotonin trong não.

Serotonin, được gọi là "hormone hạnh phúc", giúp thư giãn tâm trạng, ổn định giấc ngủ và ngăn chặn căng thẳng, nhưng 95% serotonin được sản xuất trong ruột. 

Serotonin được sản xuất trong ruột không thể đến não trực tiếp mà cần máu vận chuyển một axit amin gọi là tryptophan đến não, giúp não có thể tự sản xuất serotonin.

Khi máu lưu thông kém và tryptophan không thể được vận chuyển tốt, sự tiết serotonin trong não sẽ giảm, và con người trở nên trầm cảm.

4. Giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến tuổi thọ

Máu còn có nhiệm vụ mang theo nhiệt lượng ấm nóng lan tỏa khắp cơ thể. Khi khí huyết lưu thông ở bất kỳ vị trí nào không tốt sẽ có cảm giác lạnh.

Do đó, khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống và tuần hoàn máu kém, khả năng giữ nhiệt của cơ thể sẽ bị suy yếu, rơi vào vòng luẩn quẩn của việc cơ thể bị nhiễm lạnh.

Hơn nữa, thân nhiệt càng thấp sẽ càng lạnh, hoạt tính của các chất xúc tác hóa học trong cơ thể cũng giảm theo. Đồng thời các chức năng sản xuất chất dinh dưỡng cho cơ thể, ức chế các chất xấu, loại bỏ chất thải ra ngoài, sửa chữa các tế bào bị tổn thương cũng trở nên yếu hơn.

Theo thời gian chúng có thể dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch, tăng xác suất ung thư và ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người.

Làm thế nào để tăng nhiệt độ cơ thể lên 1 độ? Bốn cách thú vị mà bạn có thể chưa nghĩ tới

Nhiệt độ cơ thể thấp khiến con người ít năng lượng hơn, trầm cảm và mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn bị nhiễm lạnh.

Ngược lại, khi nhiệt độ tăng lên, con người trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Vậy, làm thế nào để tái khởi động và cải thiện lưu thông máu?

Kawashima nói: "10% calo trong toàn bộ cơ thể được tạo ra bởi chế độ ăn uống. 20% đến 30% là từ tập thể dục, và 70% còn lại được tạo ra bởi sự trao đổi chất cơ bản khi không tập thể dục".

Để thân nhiệt tăng thêm 1 độ, bạn có thể bắt đầu bằng tập thể dục, ăn kiêng và tăng cường trao đổi chất cơ bản. Dưới đây là 4 cách làm ấm cơ thể rất thú vị.

1. Nhảy

Để tăng nhiệt độ cơ thể, trước tiên bạn phải nâng cao quá trình trao đổi chất cơ bản. Kawashima nói: “Cơ bắp tạo ra nhiều nhiệt nhất, vì vậy nên tập thể dục để chống lại cái lạnh”.

Một bài tập đơn giản để nâng cao nhiệt độ cơ thể của bạn là bật nhảy tại chỗ.

Động tác này không chỉ thúc đẩy các cơ ở phần dưới cơ thể vận động mà còn làm tăng tuần hoàn máu ở bắp chân, hoạt động giống như một cái máy bơm, và làm tăng nhiệt độ cơ thể. Nên thực hiện 10 lần / ngày trước khi ăn sáng.

Đồng thời, Kawashima nhắc nhở dân văn phòng tránh ngồi lâu, lười vận động do ngồi lâu sẽ làm giảm quá trình trao đổi chất, năng lượng tiêu hao giữa đứng và ngồi chênh lệch 20%.

2. Uống nước canh đặc

Người ta thường tin rằng ăn lẩu vào mùa đông có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể trong thời gian ngắn, đặc biệt là uống một vài ngụm nước lẩu bốc khói.

Tuy nhiên, Kawashima cho biết, nấu canh đặc với tinh bột khoai tây có khả năng sưởi ấm cao hơn so với chỉ uống nước súp. Sau khi đặc, nhiệt có thể truyền trực tiếp vào dạ dày và làm ấm cơ thể trong thời gian dài.

3. Mặc áo khoác ngoài

Mặc áo khoác ngoài trong thời tiết lạnh có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, nhưng bạn nên mặc đúng cách.

Lông vũ trong áo dưới sự hâm nóng của nhiệt độ cơ thể sẽ nở ra và tạo thành một lớp nhiệt sưởi ấm.

Nếu bạn mặc thêm quần áo dày bên trong áo khoác ngoài, thì lớp áo quần bên trong sẽ tạo thành tấm cách nhiệt, từ đó khiến bạn không cảm thấy đủ ấm. Do đó, quần áo bên trong áo khoác càng mỏng thì càng ấm.

4. Làm ấm dạ dày của bạn

Cách giữ ấm cơ thể vào mùa đông hiệu quả là làm ấm các bộ phận có hoạt động tuần hoàn máu.

Kawashima cho biết, những bộ phận như vậy trước hết là cơ quan bụng - dạ dày; thứ hai là nơi đi qua của động mạch, chẳng hạn như cổ là nơi động mạch hoạt động; thứ ba là đùi và những nơi có nhiều cơ khác.

Ông nói thêm, bản thân ông rất thích dùng khăn ấm để chườm bụng. Dạ dày là trung tâm trao đổi chất và miễn dịch, lạnh bụng sẽ kéo theo nhiều bệnh tật, giữ ấm cho dạ dày là quy tắc bất biến để giữ gìn sức khỏe.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times


Xin mời xem cách thở dưỡng sinh.

https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/07/2879-nuoi-duong-xac-duong-khi.html#more