Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

3786. Thầy Nhất Hạnh viên tịch nhưng không được chết!

 BBT hiểu rằng một dân tộc biết khen chê; biết chia rẽ và biết đoàn kết đúng lúc, đúng mức là điều kiện để dân tộc đó tồn tại. Việt Thường thoát ách nô lệ giặc Tàu, tồn tại song song với Tàu phương Bắc, thoát ách nô lệ của thực dân Pháp là do biết khen chê ; biết chia rẽ và biết đoàn kết đúng mức, đúng lúc. Việt Thường biết khen chê, biết chia rẽ khi cần và biết đoàn kết khi cần là gương sáng của tổ tiên để lại.

VNTB – Thầy Nhất Hạnh viên tịch nhưng không được chết!

VNTB – Thầy Nhất Hạnh viên tịch nhưng không được chết!

Nguyễn Thị Sen

 

(VNTB) – Kiếp nạn lớn nhất của Thầy Nhất Hạnh có lẽ là đã đầu thai làm người Việt Nam. Thầy viên tịch nhưng không được chết. 

 

Những ngày qua, tranh cãi miên man không dứt về Thầy Thích Nhất Hạnh nổ ra trên cõi mạng. Người bênh, người chửi rồi họ quay ra chửi lẫn nhau chỉ vì bất đồng quan điểm. Sự vụ lăp lại y như thời gian người Việt cấu xé nhau vì ông Trump.

Tôi tự hỏi, không biết người Tây Tạng họ có cấu xé nhau như người Việt mình hay không vì Đức Dalai Lama chủ trương ôn hoà, không đòi tự trị. Những người Tây Tạng sống lưu vong mà tôi biết rất mực tôn kính Ngài Dalai Lama. Tôi từng hỏi họ có ghét người Trung Quốc không vì đó chính là nguồn cơn khiến họ bị mất tổ quốc, mất quê hương. Câu trả lời tưởng như đơn giản, nhưng lại có nhiều điều để học hỏi.

Đức Dalai Lama nói với chúng tôi rằng không nên oán ghét người Trung Quốc. Họ không có tội tình gì. Kẻ gây ra tai họa và đau khổ cho chúng tôi là chính phủ Trung Quốc.”

Chỉ bằng lời dạy đơn giản, nhưng Đức Dalai Lama đã khiến cho người Tạng không nuôi hận thù với thường dân Trung Quốc thì có lẽ khó có chuyện người Tạng thù ghét lẫn nhau chỉ vì không đồng quan điểm. Một khi đã có được lối suy nghĩ như thế thì có lẽ khó mà có thể oán trách lãnh tụ tinh thần của họ được.

Chuyện phải trái, tốt xấu về Thầy Nhất Hạnh và những việc ông đã làm hay chưa làm đã có quá nhiều người nhắc đến. Nhưng dường như ít ai để ý đến mối liên hệ giữa Thầy Nhất Hạnh và Tây Tạng cùng Đức Dalai Lama.

Hai tháng trước ngày lễ Vesak thế giới được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5 năm 2008, Thầy Thích Nhất Hạnh có tổ chức khoá tu tập ở Rome, Ý, dành cho 600 tu sĩ Tây Tạng. Đài Truyền hình Ý đã có buổi phỏng vấn Thầy Nhất Hạnh về tình trạng Tibet. Những tuyên bố khi đó về Tây Tạng và Dalai Lama chính là nguyên nhân khiến nhà cầm quyền Việt Nam quay lưng lại với Thầy Nhất Hạnh và quyết tâm xoá sổ Thiền Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Trong buổi phỏng vấn của tại Rome, Thầy Nhất Hạnh đã kêu gọi Nghị Viện Châu Âu cử một phái đoàn đến Tây Tạng để chúng kiến những kiếp nạn của người Tạng ở đó sau khi nơi này bị Trung Quốc chiếm giữ. Thầy Nhất Hạnh cũng kêu gọi Hoa Kỳ và Châu Âu nên can thiệp để Đức Dalai Lama có thể quay trở về Tây Tạng để thuyết giảng và lập ra trung tâm tu tập.

Lý giải về việc này, Thầy Nhất Hạnh cho rằng Việt Nam đã chấp nhận Thích Nhất Hạnh được thì Trung Quốc cũng có thể làm như thế với lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Phương Tây đã gây được sức ép cho Việt Nam để cho phép Thầy Nhất Hạnh về Việt Nam, thì một lần nữa Phương Tây cũng có thể làm vậy với Trung Quốc. Ngoài ra Thầy Nhất Hạnh còn kêu gọi chính phủ Việt Nam mời Đức Dalai Lama tham dự lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5/2008.

Trong một cuộc họp báo tại Naples sau đó khoảng 2 tuần, Thầy Nhất Hạnh lại một lần nữa lặp lại những luận điểm trên và còn thêm rằng sẽ sẵn sàng đi cùng với Đức Dalai Lama đến Tây Tạng nếu được phép.

Những ý kiến này cho thấy rằng Thầy Nhất Hạnh dường như đã quá tin tưởng vào lòng thành của nhà cầm quyền Việt Nam đồng thời đánh giá thấp ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Không ít lãnh đạo Phương Tây đã gây hiềm khích với Trung Quốc khi đón tiếp Đức Dalai Lama, và cũng không hiếm lãnh đạo Phương Tây đã né gặp Đức Ngài để tránh làm phật lòng Trung Quốc. Việc Thầy Nhất Hạnh công khai ủng hộ lãnh tụ tinh thần Tây Tạng khác gì chọc vào tổ ong vò vẽ.

Nhà cầm quyền Việt Nam đã để yên cho Thầy Nhất Hạnh tham gia Vesak để làm đẹp mặt cho Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Đảng cầm quyền cũng như để minh chứng rằng Việt Nam đã có các bước tiến về tự do tôn giáo. Và chỉ sau đó có vài ba tháng thì họ bắt đầu ra tay đàn áp với mục đích xoá sổ Bát Nhã và loại bỏ pháp môn Làng Mai ra khỏi Việt Nam.

Năm 2007, Thầy Nhất Hạnh đã đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nên dẹp bỏ công an tôn giáo và giải tán ban Tôn giáo Chính phủ cùng cơ quan giám đinh những sinh hoạt tôn giáo. Năm 2008, Làng Mai đề xuất với chính phủ hãy từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, bỏ “Cộng sản” ra khỏi tên đảng cầm quyền và bỏ luôn cụm từ Xã Hội Chủ Nghĩa.

Với những đề nghị động trời đó, Thầy Nhất Hạnh đã tự biến mình thành thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam. Thêm vào những đề lời kêu gọi dành cho Thiên Triều đã khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam thẳng tay hơn để trừ hậu hoạn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả Trung Quốc.

Năm 2005, Thượng tọa Thích Viên Định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã có thư cảnh báo Thầy Nhất Hạnh: “Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng, nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy”. Đúng 3 năm sau thì Bát Nhã gặp kiếp nạn.

Thầy Nhất Hạnh đã dùng lòng thành của một vị thầy tu để đo lòng thành Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc đầy mưu mô xảo quyệt. Thầy Nhất Hạnh viên tịch, người đời lại dùng những xét nét đời thường để phán xét một thầy tu.

Những phán xét đó lại đẩy người Việt ra làm nhiều nhóm đối chọi, đi vào một cái vòng xoáy chia rẽ chỉ đem lại cái lợi cho những ai rắp tâm chia để trị, cho ngoại bang rung đùi ngồi xem người Việt đấu đá lẫn nhau mà muôn đời không hoà giải được.

Kiếp nạn lớn nhất của Thầy Nhất Hạnh có lẽ là đã đầu thai làm người Việt Nam. Thầy viên tịch rồi nhưng vẫn không được chết. 

 

_________________

Tham khảo:

[1] https://thuvienhoasen.org/a13108/07-phan-tich-va-binh-luan

[2] https://plumvillage.org/nl/about/thich-nhat-hanh/letters/thich-nhat-hanh-on-tibet-27-march-2008/