VNTB – Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Lắng Nghe? Hiểu và Thương? (*)
Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Thiền sư an nhiên thị tịch tại thất Lắng Nghe. Một trong những điều Ngài thường dậy lúc còn sống “Lắng Nghe”, “Hiểu và Thương.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại tổ đình Từ Hiếu ngày 22/1/2022 nơi Ngài xuất gia và được truyền đăng, thọ 95 tuổi, khép lại cuộc đời nổi tiếng, cả tiếng tốt lẫn tiếng xấu, trong dư luận người Việt trong và ngoài nước.
Thiền sư an nhiên thị tịch tại thất Lắng Nghe. Một trong những điều Ngài thường dậy lúc còn sống “Lắng Nghe”, “Hiểu và Thương.” …
Năm 1942, Ngài Thiền sư xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Tháng 9 năm 1945, ngài thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân. Năm 1947, ngài theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế.
Những năm này cả quốc gia Việt Nam đang còn dưới sự đô hộ của người Pháp, không nghe nói đường từ xuất gia đến theo học Phật Học Đường Báo Quốc của Ngài bị chính quyền thực dân hay bảo hộ cản trở.
Năm 1949, ngài rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật Học Đường Nam Việt. Tháng 10.1951, ngài thọ Giới Lớn tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn với Hòa thượng Đường Đầu Thích Đôn Hậu. Năm 1954 ngài được Tổng Hội Phật Giáo giao trách nhiệm cải cách giáo dục, làm Giám học Phật Học Đường Nam Việt. Đây cũng là những năm bắt đầu của nước Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một người công giáo lãnh đạo, sau bị các thế lực chống đối kết tội là đàn áp Phật Giáo. Ngoài Bắc, đảng Cộng sản với Chủ Tịch Hồ Chí Minh sau nhiều năm chống Pháp, giành được miền Bắc VN, lãnh đạo từ vĩ tuyến 17 trở ra. Hiệp định Paris cho phép nhân dân hai miền có thể di cư trong 300 ngày kể từ ngày ký kết. Gần 1 triệu người dân miền Bắc bỏ cửa nhà, cơ nghiệp, ruộng nương làm một cuộc bỏ phiếu bằng chân vĩ đại trong lịch sử loài người. Cuộc di cư trốn chạy cộng sản của người dân từ Bắc vào Nam động chạm đến tận đáy lòng thông cảm và thương xót của toàn thế giới. Lúc thực dân Pháp và Việt Minh chia đôi VN Thiền sư Nhất Hạnh 28 tuổi, phải chăng bận rộn với nhiệm vụ cải cách giáo dục trong vai trò giám học Phật Học Đường Nam Việt, Ngài không có thì giờ lắng nghe nên không thể hiểu và thương gần triệu đồng bào, trong đó có rất nhiều nhà tu hành, cả Công Giáo, Phật Giáo phải bỏ nhà thờ, chùa chiền cùng tín đồ di cư trốn tránh chế độ vô thần. Ngài không lên tiếng, cũng không thấy Ngài có một động tác giúp đỡ đồng bào hay ít ra giới Phật tử và tu sĩ Phật Giáo trong cuộc trốn chạy gìn giữ niềm tin này.
Năm 1955, ngài làm chủ bút nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam. Và sau, năm 1964 ngài làm chủ bút tuần san Hải Triều Âm, cơ quan ngôn luận của Viện Hóa Đạo. Chắc chắn Ngài biết tình hình xuất bản sách ở VNCH lúc đó như thế nào. Từ khi TT Ngô Đình Diệm nắm chính quyền, số sách tư nhân xuất bản tổng cộng hàng năm tăng dần, Từ gần 600 đầu sách/ năm 1954 lên đến gần 1500 đầu sách năm 1962 (1), ngoài ra không kể hàng trăm tờ nhật báo, tuần báo, nguyệt san tư nhân, báo chí và sách vở nhập cảng ồ ạt thỏa mãn đến mức dư thừa nhu cầu học hành, nghiên cứu giải trí cho 20 triệu dân, từ giới bình dân đến người trí thức. Càng về sau của nền Cộng Hòa Miền Nam càng nhiều nhà xuất bản ra đời, càng có nhiều sách báo đủ mọi khuynh hướng phù hợp với sự lớn mạnh tự nhiên của một xã hội tự do dân chủ. Trong khi đó, ngay từ khị còn trong thời kỳ kháng chiến, cộng sản Việt Minh đã cấm chỉ việc tư nhân in ấn, xuất bản. Từ khi tiếp quản miền Bắc, cộng sản đã đóng cửa tất cả nhà in, nhà xuất bản tư nhân. Các chủ nhà in, xuất bản người chạy thoát vào Nam, người còn ở lại đều phải dị tù đầy, cải tạo. Không biết Ngài có Lắng Nghe được tiếng than thở của trí thức ngoài Bắc nói riêng và cả nhân dân ngoài Bắc rên xiết dưới chế độ bóp nghẹt tự do ngôn luận để Hiểu và Thương cả miền Bắc không? Cũng không biết Ngài có Lắng Nghe, Hiểu và Thương hàng trăm ngàn nông dân, các nhà tư bản ngoài Bắc bị bỏ tù hay đấu tố đến chết không? Không thấy Ngài nói gì!
Các tác phẩm của Ngài mà nhiều người sau này, trong đó có cả những người chưa hề đọc, ca ngợi lên tận cùng 9 tầng mây ra đời từ nhà Lá Bối của Thầy Từ Mẫn, chuyên xuất bản các đầu sách về Phật Giáo; không hiểu nếu trong thời gian đó Ngài sống ngoài Bắc, liệu có một bài viết, một tác phẩm nào của ngài được xuất bản? Liệu Ngài có thể là chủ bút của 2 tờ báo quan trọng của Phật Giáo VN không? Ngài có được du học một trong các trường ivy của Mỹ và sở học của Ngài có được ‘phát huy’? Cho đến năm 2005 sách của Ngài vẫn bị cấm có mặt trong nước Việt Nam cộng sản vô thần. Cũng nên nói thêm, bọn học sinh, sinh viên, thanh niên miền Nam thời đó có vẻ mặn mà với các tác phẩm có tính triết học của Trần Thái Đỉnh, Phạm Công Thiện và Jiddu Krishnamurti hơn sách của Ngài.
Năm 1957, trong khi Ngài được chính quyền tỉnh Bảo Lộc giúp đỡ thành lập Phương Bối Am, thì ngoài Bắc tượng Phật bị chính quyền vô thần cộng sản vứt bỏ, chùa biến thành hợp tác xã, nơi nuôi gia súc. Nhiều tu sĩ Phật giáo lên án cộng sản trong thời gian này, Cả miền Nam biết và đau lòng trước sự đàn áp tự do tôn giáo của miền Bắc, nhưng Ngài hình như không nghe nên không nói gì.
Ngài cũng không thể quên Chính quyền VNCH dưới TT Diệm đã cho phép và giúp đỡ xây dựng chùa Xá Lợi tại một địa điểm sang trọng, u nhã nhất thời đó dùng làm nơi thờ tự và trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt. Ngài Thiền sư cũng không thể quên khu đất rộng nhất thủ đô Sài Gòn được chính quyền VNCH bán với giá 1 đồng bạc để xây Việt Nam Quốc Tự; ngay lúc nó chưa thành hình đã là căn cứ điểm xuất phát các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn thanh niên sinh viên Sài Gòn chống chính phủ Ngô Đình Diệm. Không hiểu Ngài có nhìn thấy sau năm 1975, toàn bộ khu đất Việt Nam Quốc Tự tọa lạc tại đường Trần Quốc Toản Quận 10, bị chính quyền tịch thu gần hết, bốn mươi lăm ngàn mét vuông lúc đầu được chính phủ VNCH bán như tặng không cho giáo hội Phật Giáo VN, bị chính quyền cách mạng tịch thu, chỉ còn lại phần Tháp Việt Nam Quốc Tự đang xây dở dang, phần này dù được dành lại cho giáo hội Phật Giáo vẫn bị bỏ hoang, không cho xây cất, sửa sang. Phần bị tịch thu thì xây khu vui chơi giải trí ca nhac, nhảy múa. Ngài Thiền sư có Lắng Nghe được tiếng thở dài đau đớn của dân SaiGon mỗi lần đi ngang khu biểu trưng sự đàn áp tôn giáo rõ rệt của chính quyền cộng sản ngay khi họ ‘giải phóng’ miền Nam mà Hiểu và Thương người dân miền Nam, thương giáo hội Phật Giáo VN không? Nhiều tu sĩ Phật Giáo bầy tỏ sư bất mãn về việc này, cũng không thấy Ngài nói gì.
Đang lúc chính phủ tìm cách mang lại tư do dân chủ và nhân dân, trong đó có Ngài và gia đình Ngài đang tận hưởng sự an ninh hòa bình thật sư sau một thế kỷ bị Pháp đô hộ thì xảy ra chiến tranh gây ra bởi miền Bắc muốn giải phóng miền Nam.
Năm 1966, Ngài rời Việt Nam kêu gọi hòa bình, bắt đầu 39 năm sống và truyền đạo ở nước ngoài. Năm 1968 – 1973, ngài vận động hòa bình cho Hội nghị Hòa bình Paris (1968-1973). Chiến dịch vận động hòa bình chung chung của Ngài thật ra lúc đó không làm suy yếu tinh thần chiến đấu của Dân, Quân, Cán, Chính Việt Nam Công Hòa cũng chẳng được chính quyền miền Bắc hoan nghênh. Miền Nam bất mãn với việc Ngài kêu gọi họ phải chịu lép vế với kẻ cướp, Miền Bắc nhìn Ngài như kẻ hoạt động phá rối cuộc giải phóng của họ. Cả hai miền nhìn Ngài với sư nghi ngại đến nỗi Ngài phải than thở “Tôi như con ong mật không tổ”, nhưng Ngài được một số nhân vật vận động cho sự hòa bình thế giới ghé mắt tới. Và từ đó Ngài được biết đến như một người mang tình thương tìm kiếm hòa bình. Cách thức kêu gọi hòa bình của Ngài không rõ rệt như những người từng kêu gọi hòa binh khác nên không được kính trọng và cảm tình với cả Bắc và Nam VN. Không làm cho lãnh đạo cả hai miền kính nể mà chỉ đem đến họ sự nghi ngờ. Cho đến ngay bây giờ chính quyền VN cộng sản cũng nghi ngờ ‘thiện chí’ của ngài. Họ lợi dụng Ngài trong một số việc, nhưng sẵn sàng ngáng chân Ngài. Vụ tu viện Bát Nhã còn sờ sờ ra ra đó. Ngài về VN làm hết sức để ‘hòa giải’ với chính quyền, nhưng họ vẫn hất chân Ngài ra khỏi nước dễ dàng. Báo Công An Nhân Dân không phủ nhận điều này, và xem Ngài như người không rõ ràng, nói dối, thậm chí họ bôi nhọ Ngài một cách thô bỉ như đoạn trích sau: “Có lẽ ai đã xem hình ảnh Sư ông Thích Nhất Hạnh xuất hiện tại các “trai đàn chẩn tế” trên báo chí, truyền hình, hoặc xem trực tiếp, cũng đều thấy chướng. Chỉ là một “thiền sư”, đứng đầu một môn phái, mà ông đi dưới lọng vàng, cạnh ông là sư nữ Thích Nữ Chân Không – y như vua và hoàng hậu! Thiên hạ đồn rằng ông với bà Chân Không có “quan hệ” rất gần gũi, chẳng biết thật hay không, nhưng năm 2006, khi một phái đoàn của GHPGVN sang Pháp, thăm Làng Mai, đã phải gửi Sư ông Thích Nhất Hạnh một bức thư, trong đó đề nghị: “Xin sư ông về ở với tăng, sư nữ Chân Không về ở với ni để tránh dư luận”.(1)
Sự không rõ ràng của Ngài làm một số người trước tin tưởng Ngài xa dần Ngài. Trả lời bà Oprah Winfrey trên talk show của bà, Ngài nói một điều ai nghe cũng rớt nước mắt: “I said this was not suicide, because in a difficult situation like Vietnam, to make your voice heard is difficult. So sometimes we have to burn ourselves alive in order for our voice to be heard so that is an act of compassion that you do that, the act of love and not of despair,” he said in an interview with U.S. talk show host Oprah Winfrey. “Jesus Christ died in the same spirit.” (2,3) “Tôi nói đây không phải là tự sát, bởi vì trong hoàn cảnh khó khăn như Việt Nam, để tiếng nói của bạn được lắng nghe là rất khó. Vì vậy, đôi khi chúng ta phải tự thiêu sống mình để tiếng nói của chúng ta được lắng nghe, đó là hành động từ bi mà bạn làm điều đó, hành động của tình yêu thương chứ không phải của sự tuyệt vọng “, “Chúa Giê-xu Christ đã chết trong tinh thần như vậy.” Ngài ví Ngài và đệ tử của Ngài như Chúa Giê-Su, dám chết vì công lý, hòa bình cho nhân loại, nhưng không ai trong trong nhóm của Ngài dám tự thiêu cho hòa bình của dân tộc như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu chỉ vì cho rằng Phật Giáo bị áp bức.
Sự không còn tin tưởng của nhiều người, nhất là người Miền Nam và các cựu chiến sĩ Hoa Kỳ từng tác chiến ở VN biến thành sự coi thường Ngài khi họ nghe Ngài nói chuyện tại New York, ngay sau ngày dân Mỹ bị bọn khủng bố Hồi giáo đánh sập tòa tháp đôi, giết chết một lúc hơn 3000 người. Ngài nói: “One time I learned that the city of Ben Tre, a city of three hundred thousand people, was bombarded by American aviation just because some guerillas came to the city and tried to shoot down American aircrafts. The guerillas did not succeed, and after that they went away. And the city was destroyed. And the military man who was responsible forthat declared later that he had to destroy the city of Ben Tre to save it. I was very angry.(4) “Có lần tôi được tin thành phố Bến Tre, thành phố ba trăm ngàn dân, bị không quân Mỹ bắn phá chỉ vì một số du kích đến thành phố và cố bắn rơi máy bay Mỹ. Những người du kích đã không thành công, và san đó họ đã bỏ đi. Và thành phố đã bị phá hủy. Và người [sĩ quan] có trách nhiệm [trong chiến dịch này] tuyên bố sau đó phải phá thành phố Bến Tre để cứu lấy nó. Tôi đã rất tức giận.
Có vài người bênh vực Ngài bảo rằng Ngài nói vậy vì “Ngài được tin, I learned”. Nếu đây là chuyện có thật mà Ngài đem ra nói trong trường hợp đau buồn của thế giới nói chung và nhân dân Mỹ nói riêng có lẽ Ngài đã làm cho sự đau buồn giảm đi. Nhưng chuyện này hoàn toàn không có. Ngay cả trong các tài liệu nói về “tội ác Mỹ Ngụy” các nhà viết sử bịa đặt của cộng sản Việt Nam cũng không dám tưởng tượng viết ra chuyện kinh dị như vậy. Việt cộng từng ngu xuẩn dựng những câu chuyện không ai tin nổi như chuyện anh hùng Lê Văn Tám tự đổ xăng vào mình, châm lửa cháy phừng phừng, từ xa chạy qua đồn lính gác, lao vào kho đạn, làm nổ tung tất cả, hay như một chú nhỏ du kích dùng súng trường bắn xuyên táo, một viên đạn giết chết hết một tiểu đội thám báo Mỹ, thu gọn tất cả vũ khí của địch rồi chiến thắng rút lui, họ cũng không dám bịa ra câu chuyện giống như Ngài bảo rằng đã nghe. Câu chuyện bi thảm về tỉnh Bến Tre ai đó bịa đặt sáng tác có lẽ chỉ một mình Ngài, con người được vài người cho là, và tự nhận là giác ngộ tin, để kể ra trước thiên hạ.
Nếu Ngài chịu khó Lắng Nghe, với một chút Hiểu có lẽ Ngài sẽ thấy chuyện Ngài Nghe được hoàn toàn vô lý. Đem câu chuyện này nói ra trong trường hợp đặc biệt, ngay sau cuộc thảm họa của gây ra bởi bọn cực đoan khủng bố Ngài đã làm chúng cảm thấy có một đồng minh đã bênh vực hành động giết người của chúng. Chúng đã trả thù được cho 3 trăm ngàn người dân vô tội VN của Ngài bị đế quốc Mỹ giết. Cùng với bọn Hồi giáo cực đoan tay còn dính máu 3000 người vô tội, người cộng sản VN, có lẽ vô cùng đắc ý vì tội ác của Mỹ đã được Ngài công khai cho thế giới biết. Tuy vậy đến nay trong quân sử Viêt Cộng cũng không dám viết về trận không quân Mỹ thả bom tàn nhẫn giết chết 300 ngàn dân Bến Tre này vì nó bịa đặt quá sức trơ trẽn và đần độn, nhưng biết đâu sau này VN có lẽ sẽ viết thêm tội ác Mỹ Ngụy căn cứ lời Ngài thiền sư, uy tín, lỗi lạc, đạo đức nhất hoàn cầu. Lúc đó họ có thể sẽ mang ơn Ngài đã giúp bôi thêm loang lổ máu trên cuốn ngụy sử của họ. Tiếc thay cho tới nay, gần một tuần sau khi Ngài viên tịch, chính phủ Mỹ, Pháp và vài chính khách quốc tế đã gửi lời chia buồn đến pháp quyến và sơn môn của Ngài thì chính phủ VN vẫn lờ đi như không biết người mà có lúc họ bốc lên tới mây xanh để lợi dụng.
Trong một bài thuyết pháp, Ngài Nói “Hãy bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng chính đôi chân của mình”. Ngài đã đi, hôn trái đất bằng chính đôi chân của mình, nhiều người tin rằng Ngài đã ôm, hôn đồng bào và nỗi đau thương của dân tộc VN cũng bằng đôi chân của Ngài.
______________
Tham Khảo
(1)https://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.do;jsessionid=3FBC8FD753C926C2391446850FDE6D2C?action=viewArtwork&artworkId=18467
(2)https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Su-that-ve-Tu-vien-Bat-Nha-(Bao-Loc)-i152099/
(3,4) https://thediplomat.com/2022/01/thich-nhat-hanh-influential-zen-buddhist-monk-dies-at-95/#:~:text=So%20sometimes%20we%20have%20to,died%20in%20the%20same%20spirit.%E2%80%9D https://www.oprah.com/spirit/oprah-talks-to-thich-nhat-hanh/all
(5) http://www.buddhismtoday.com/english/ethic_psy/embracing_anger.htm
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả