Trang

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

3788. 3101. GS Ngô Bảo Châu nên ngưng hợp tác với Trung Quốc


 25/01/2022

3101. GS Ngô Bảo Châu nên ngưng hợp tác với Trung Quốc

Phải chăng trong suốt nhiều năm qua, ông vẫn cứ ngả nghiêng trên chiếc kiềng ba chân – Nhân dân, Chính quyền và Toán học?

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)



https://basam.vet/2022/01/25/3101-gs-ngo-bao-chau-nen-ngung-hop-tac-voi-trung-quoc/


Giáo sư Wu Baozhu được Chủ tịch Zhou Yu trao thư bổ nhiệm


Sáng qua, một số báo VN có bài viết với thông tin nóng hổi về việc GS Ngô Bảo Châu “làm việc cho viện toán của Trung Quốc”.

Thiết tưởng với khoa học thì thường … “không biên giới”, có nghĩa ở đâu cũng là đóng góp cho văn minh nhân loại.

Thế nhưng, vấn đề đáng quan tâm là với GS Ngô Bảo Châu, một nhân vật không chỉ là một nhà toán học không thôi, mà ông còn là một người khá thẳng thắn, mạnh mẽ bộc lộ chính kiến, từ vấn đề Trung Quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, cho tới vụ án “hai bao cao su” với TS Cù Huy Hà Vũ v.v..  Ông sắc sảo trong nhãn quan chính trị, chứ không “khờ khạo” theo quan niệm xã hội về trí thức nói chung.

Với Trung Quốc và việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, ông còn trực tiếp gửi thư tới Quốc hội VN, coi đó là chính sách “thực dân mới” của Trung Quốc, “phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh.” (GS. Ngô Bảo Châu: ‘Tôi hơi bất ngờ’ – BBC, 13/12/2009). Ngoài ra, trên trang mạng tự do còn có phát ngôn khác của ông thể hiện ý thức cảnh giác quyết liệt đối với Trung Quốc.

Kế đến, việc lý giải của ông cho vai trò của mình ở Trung Quốc cũng là chi tiết đáng quan tâm thứ hai. Ông cho là việc có thông tin ông đổi tên là Wu Baozhu là “hài hước”, là “tin vịt”, với giải thích rằng có lẽ tại … Google dịch lại tên ông sai, từ “chữ vuông” của Trung Quốc.

“Đáng quan tâm” là ở chỗ ông lý giải nghe rất không ổn. Bởi vì trên trang tiếng Anh của Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, một bài viết từ hơn hai năm trước đã nhiều lần nhắc tới rành rành cái tên họ Trung Quốc, Wu Baozhu, hoàn toàn không có tên họ VN của ông, khác hẳn với trang web của Viện toán thuộc học viện này. Ông không biết điều đó, hay biết nhưng coi là … chuyện nhỏ? Họ đưa cái tên “Wu Baozhu” quái quỉ đó, thì làm sao giúp cho sinh viên tìm ra ông trên mạng, với giải Fields danh giá, nhỉ? Đó là cái thứ “văn minh” của một tổ chức trí thức hàng đầu Trung Quốc mà ông hợp tác đó sao? Liệu từ đây, sẽ có ngày các vị lãnh đạo của VN cũng sẽ được họ nêu danh chỉ bằng cái tên Trung Quốc do họ tự đặt, kiểu như với ông?

Wu Baozhu, người đoạt huy chương Fields, được bổ nhiệm làm giáo sư trường đại học của chúng tôi (Tựa bài viết trên trang mạng Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân.

Rõ ràng việc tự ý (?) đặt cho ông một cái tên Trung Quốc, mà lờ tịt tên thật VN của ông (dù là tên không có dấu, trong tiếng Anh) là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với ông, với người Việt. Ông không bị cảm giác đó thì thật đáng tiếc. Chưa nói tới, đằng sau hiện tượng này, rất có thể vẫn là bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc – họ hay có những hành động mờ ám xúc phạm tới con người và chủ quyền Việt Nam.

Với người Trung Quốc, người nước ngoài đọc bài viết đó, có thể hiểu rằng ông đã nhập tịch Trung Quốc. Trong con mắt họ, biết đâu sẽ có dấu hỏi, rằng với một bề dày tiếng tăm quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp và vị thế về khoa học cùng đãi ngộ của chế độ tại VN, nay ông “xoay trục” theo kiểu đó, nó chứng tỏ điều gì?

Ông đâu có thể theo đuổi lý giải cho họ theo cách dễ dãi như ông vừa làm với báo chí VN. Thêm nữa và quan trọng hơn, là có vẻ như cái tinh thần cảnh giác, sắc sảo đã đề cập ở trên của ông đã phai nhạt, để không nghĩ được rằng người Trung Quốc cộng sản rất có thể lợi dụng ông với mục đích xấu, như họ từng làm với VN, bằng đủ mánh khóe mà ông khó có thể nhận ra.

Việc họ tự ý đổi tên họ của ông, hoặc ông nhẹ dạ chấp nhận “tạm” đổi tên thành người nước “lạ”, và thêm nữa, họ còn không “thèm” giới thiệu danh hiệu đáng kính của ông tại VN, mà chỉ nhắc tới ở Mỹ, Pháp thôi, là rõ rồi đấy. Trong khi lẽ ra hiện nay, ông phải cảnh giác gấp nhiều lần so với hơn mười năm trước, khi ông viết bức thư gửi Quốc hội về dự án bô-xít, thì ngược lại, ông lại có cách giải thích rất “vô tư” qua báo chí về vụ tên Trung Quốc của mình, mặc nhiên toa rập với trò “lập lờ đánh lận con đen” của họ.

Chẳng nói đâu xa, nhiều chính quyền, tổ chức khoa học Mỹ, Pháp, Anh, … từ lâu đã giúp Trung Quốc nghiên cứu sinh học, trong đó có Viện Virus học Vũ Hán, để rồi tới hôm nay vẫn còn tranh cãi về hậu quả của nó cho cả nhân loại.

Để hiểu thêm về sự hợp tác với Trung Quốc nói trên, cũng cần nhớ lại sự đãi ngộ của chính quyền VN đối với ông. Năm 2005, ông được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đặc cách công nhận chức danh giáo sư. Năm 2010, Chính phủ VN đã tặng ông một căn hộ sang trọng tại tòa nhà Vincom B, Hà Nội. Năm 2011, Chính phủ quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán và bổ nhiệm ông làm giám đốc khoa học của Viện.

Liệu những đãi ngộ đó, cùng với việc trở thành một dạng “trí thức – quan chức” có làm cho ông cảm thấy “bình thường” hơn khi hợp tác với Trung Quốc “cộng sản anh em” hay không? Thậm chí ông cũng có thể nghĩ như nhiều người, rằng bao nông dân, thương lái, tài xế vẫn bán nông sản sang đó, thì ông cũng “bán” … chất xám đâu có khác gì? Chợt nghĩ câu nói được cho là của Lenin, rồi Mao lặp lại: “Trí thức là cục phân”, ít nó cũng có tác dụng tích cực, cảnh tỉnh cho cái chất “ngây thơ chính trị” trong họ.

Bây nhiêu đó, như thể đều thuộc về một “bổ đề” mới của ông trong cách tính toán phức tạp: làm sao vừa cống hiến tốt nhất cho toán học, vừa bổ trợ cho nó bằng cách giữ quan hệ “tốt” với (các) chính thể cộng sản, nhưng lại vẫn xứng đáng trong con mắt của người dân về một trí thức dấn thân thực sự, chứ không phải là loại … “trí ngủ” … trong vòng tay của Đảng.

Phép tính lần này cho bài toán đó, theo tôi, ông đã sai!

Khuyên rằng ông nên bỏ.