Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

3772. Đất nước tôi, đất nước của những xung đột bất tận

 Cho đến giờ BÁO TIẾNG DÂN và TRANG BASAM không đăng một bài nào về vụ Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. BBT nhận xét.

VNTB – Đất nước tôi, đất nước của những xung đột bất tận

VNTB – Đất nước tôi, đất nước của những xung đột bất tận
 

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Đối với người Việt, thiền sư Thích Nhất Hạnh lại cũng là một trong những tác nhân  gây chia rẽ khá trầm trọng.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Ngài là người nổi tiếng trên thế giới. Theo một số trang mạng thì ngài thường được xếp thứ 2 hay thứ 3 trong số những người hướng dẫn tâm linh còn đang sống; đứng thứ nhất, tất nhiên là Đức Dalai Lama.

Một trong những cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Peace Is Every Step: The Path of Mindfulness in Everyday Life” (An lạc từng bước chân) được ghi nhận là đứng số 12 trong 100 tác phẩm tâm linh quan trọng nhất trong thế kỷ XX.

Nhưng đối với người Việt, thiền sư Thích Nhất Hạnh lại cũng là một trong những tác nhân  gây chia rẽ khá trầm trọng.

Buồn cho đất nước tôi!

Kẻ thỏa hiệp?

Sinh thời, thiền sư Thích Nhất Hạnh từng đối diện với cáo buộc như kẻ phản đồ, qua lập luận rằng điều nổi bật hơn về thiền sư là đã được trưởng thành trong căn nhà của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Thiền sư cùng tu, cùng ăn, cùng ở với những đồng đạo của mình. Thế nhưng, trong mấy chục năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất của ngài bị bức tử, đồng đạo của ngài bị tù đày, quản chế,… Và ngài thì vẫn im lặng.

Cay nghiệt hơn khi không ít lên án rằng, “Là một trưởng tử của Như Lai, ngài đã làm gì để lấy lại hương vị tinh nguyên của Giáo lý nhà Phật khi bị đảng Cộng sản đang bỏ chung vào một soong để chiên xào xáo trộn với chủ nghĩa Mác-Lê như khẩu hiệu ‘Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội’. Ngài nghĩ gì và đã làm gì?”…

Đầu năm 2005, trong sự chào đón nồng nhiệt, thiền sư Thích Nhất Hạnh về nước sau gần 40 năm xa quê hương với tăng đoàn khoảng 200 người của mình. Ngài xuất hiện trong những buổi nói chuyện mà khán giả là đảng viên ở thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Hà Nội.

Cũng vào lúc đó, hòa thượng Thích Quảng Độ sống một mình trong một căn phòng bị quản thúc tại Thiền viện Thanh Minh ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong lần về nước sau 40 năm của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh đến thăm hòa thượng Thích Trí Quang nhưng không thăm được hòa thượng Thích Quảng Độ.

Tên phản động?

Dưới mắt nhà cầm quyền Việt Nam thì đã có lúc thiền sư Thích Nhất Hạnh được coi là một ‘tên phản động lưu vong’.

Một tài liệu của Bộ Công an, viết (trích): “Ngày 20/2/2007, Sư ông Thích Nhất Hạnh cùng đoàn gồm 150 người với gần 30 quốc tịch khác nhau về Việt Nam lần thứ hai.

Lần này, ý đồ mượn tôn giáo để làm chính trị của ông bắt đầu thể hiện rõ nét qua việc ông tổ chức “trai đàn chẩn tế” ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Lợi dụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Sư ông Thích Nhất Hạnh cho phát tán tài liệu, đề cao, khuếch trương Pháp môn tu tập Làng Mai, phủ nhận những đóng góp rất nhiệt tình và tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tổ chức “trai đàn chẩn tế”, cứ y như không có ông, thì “trai đàn” chẳng bao giờ được hình thành.

Có lẽ ai đã xem hình ảnh Sư ông Thích Nhất Hạnh xuất hiện tại các “trai đàn chẩn tế” trên báo chí, truyền hình, hoặc xem trực tiếp, cũng đều thấy chướng. Chỉ là một “thiền sư”, đứng đầu một môn phái, mà ông đi dưới lọng vàng, cạnh ông là sư nữ Thích Nữ Chân Không – y như vua và hoàng hậu! Thiên hạ đồn rằng ông với bà Chân Không có “quan hệ” rất gần gũi, chẳng biết thật hay không, nhưng năm 2006, khi một phái đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang Pháp, thăm Làng Mai, đã phải gửi Sư ông Thích Nhất Hạnh một bức thư, trong đó đề nghị: “Xin sư ông về ở với tăng, sư nữ Chân Không về ở với ni để tránh dư luận”.

Và mặc dù ông tuyên bố không can thiệp, không phát biểu những vấn đề liên quan đến chính trị, nhưng khi được lãnh đạo Nhà nước Việt Nam tiếp kiến, Sư ông Thích Nhất Hạnh liền đưa ra đề nghị 10 điểm, trong đó có những điểm như: “Đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam, giải thể Ban Tôn giáo chính phủ…”.

Nhìn nét mặt tự mãn của ông, hầu hết  tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam – xưa kia vẫn kính nể ông qua những cuốn sách ông đã viết, như “Đường xưa mây trắng”, “Nói với tuổi hai mươi”, “Bông hồng cài áo”, “Nẻo về của Ý”, hoặc những bài thuyết giảng của ông ở Trường đại học Vạn Hạnh bao nhiêu thì bây giờ, tăng, ni lại càng cảm thấy thất vọng về ông bấy nhiêu, nhất là khi ông tuyên bố: “Pháp môn Làng Mai tự bổ nhiệm truyền giới, tấn phong, bầu trụ trì, viện chủ, phó viện chủ mới mà không cần phải thông qua Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (dừng trích).

Thời điểm của tài liệu cáo buộc nêu trên, thì Tổng bí thư Đảng là ông Nông Đức Mạnh.

Đạo Phật là uyển chuyển

Hai mươi hai năm về trước, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trong lời đề nghị của thiền sư Thích Nhất Hạnh về cách thức ăn mừng Một Ngàn Năm Thăng Long gồm 12 điểm, nhà tu hành nổi tiếng khuyến cáo chính phủ Việt Nam nên:

“Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số phạm nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự che chở, giám sát và bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo”. Các đề nghị này được vị thiền sư tổng hợp trong một văn bản mà theo ngài, không có tính cách tôn giáo, mà chỉ nhằm xây dựng”một nền đạo đức toàn cầu có công năng lành mạnh hóa và từ bi hóa xã hội và cứu hộ được hành tinh”.

Tuy nhiên, ngài nhắc lại ảnh hưởng của đạo Phật trong xã hội Việt Nam thời Lý, “đời thuần từ nhất trong lịch sử” (lời sử gia Hoàng Xuân Hãn), và khẳng định phải ghi nhớ điều này khi ăn mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Lý Thái Tổ, vị vua đầu của thời Lý, đã đặt đô tại Thăng Long năm 1010. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, do vậy, cho rằng “Cách thức ăn mừng 1000 năm Thăng Long hay nhất là nỗ lực của chính quyền và của toàn dân làm được và tiếp tục được những việc mà tiền nhân đã làm trong những năm đầu của kinh thành Thăng Long”.

Trong số các khuyến nghị có việc lập trường đại học mang tên Thiền sư Vạn Hạnh, thiết lập giờ đạo đức học ở mọi cấp bậc giáo dục, miễn thuế và tha thuế cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí hạn chế sử dụng đồ nhựa, đồ nylon và tăng cường ăn chay. Ngài cũng yêu cầu Nhà nước cho triệu tập đại hội Phật giáo trong và ngoài nước để thành lập lại giáo hội Phật Giáo dân lập “hoàn toàn đứng ngoài chính trị”.

Thời điểm đó, Tổng bí thư Đảng vẫn là ông Nông Đức Mạnh.

Sự kiện Bát Nhã

Năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được phía chính phủ Việt Nam cho phép xây dựng một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng. Vào năm 2006, Hoa Kỳ quyết định bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Đến năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO.

Năm 2007, nhân chuyến thăm Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lập trai đàn cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế. Cũng trong năm 2007, nhân chuyến thăm thứ hai về Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nên chấm dứt sự kiểm soát của chính phủ đối với tôn giáo. Lời khuyên này của ngài bị chính phủ coi là vi phạm luật pháp Việt Nam.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước để được hoạt động. Những quy định chặt chẽ của luật này đã bị các giới chức tôn giáo trong và ngoài nước chỉ trích là vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Không lâu sau đó, vào tháng 8 năm 2008, công an tỉnh Lâm Đồng ra công văn trục xuất khoảng 400 tu sinh Làng Mai khỏi tu viện Bát Nhã. Từ khoảng giữa năm 2009 đến cuối năm 2009, các tu sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã liên tục bị những nhóm người lạ mặt đến tấn công. Chính quyền thì nói rằng vụ việc xảy ra là do những bất đồng giữa các nhà sư trong tu viện Bát Nhã với các tu sinh Làng Mai cư trú ở đây. Những tu sinh này sau đó phải đến cư ngụ tại chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nhưng họ vẫn bị truy đuổi khỏi chùa này.

Đến cuối năm 2009, khoảng gần 200 tu sĩ Làng Mai cư ngụ tại chùa Phước Huệ bị yêu cầu phải rời khỏi chùa này chậm nhất là vào ngày 31 tháng 12. Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào lúc đó đã phải nộp đơn lên Tổng thống Pháp Sarkozy xin cho 400 tu sĩ Làng Mai ở Bát Nhã được tỵ nạn ở Pháp.

Trong một bức thư gửi các tu sinh Làng Mai ở Việt Nam vào tháng 12 năm 2009, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết rằng:

Theo pháp luật hiện thời, chúng ta có quyền sống và tu tập bất cứ ở nơi nào trên quê hương mình, nhưng không biết vì sao chúng ta lại không được hưởng cái quyền ấy khi mà chúng ta không vi phạm bất cứ một pháp luật nào, khi mà chúng ta chỉ muốn tu tập và hướng dẫn tu tập trong khuôn khổ của pháp luật và của truyền thống Phật giáo”.

Ngài cũng cáo buộc các viên chức chính quyền đã đối xử thô bạo với các tu sinh, thuê côn đồ tấn công tu viện. Ngài viết:

Tiền đâu để họ thuê côn đồ? Đó có phải là tiền thuế mà dân nạp cho họ để họ có lương bỗng để sống và để làm những việc thất đức như vậy? Tại sao lại giả danh Phật tử để đánh phá Phật tử, giả danh nhân dân để dối gạt và đàn áp nhân dân?”…

Nhà hoạt động xã hội dân sự

Năm 1956, thiền sư Thích Nhất Hạnh làm Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thập niên 1960, ngài lập nên trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (SYSS), một tổ chức từ thiện giúp dựng lại các làng bị lửa đạn chiến tranh, xây trường học, trạm xá, và hỗ trợ những gia đình vô gia cư sau chiến tranh ở Việt Nam.

Ngài cũng là một trong những người thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường tư thục danh tiếng, tập trung nhiều nhà nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trong một buổi gặp mặt vào tháng 4-1965, đoàn sinh viên trường Vạn Hạnh đưa ra “lời kêu gọi vì hoà bình”, với nội dung chính là thúc giục hai miền Nam – Bắc tìm “giải pháp chấm dứt chiến tranh và đem lại cho người dân Việt Nam cuộc sống hòa bình với lòng tôn trọng lẫn nhau”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, ngài tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Tuy nhiên, mục đích chính của những chuyến đi ra nước ngoài của ngài vẫn là vận động cho hòa bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.

Bất kể những ý kiến trái chiều xung quanh cuộc đời tu hành, ảnh hưởng chính trị, ngài là một chứng nhân của lịch sử đầy thăng trầm và bi ai của Việt Nam trải dài gần một thế kỷ.

Hãy để lịch sử phán xét

Xưa có ba nhà sư: Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang và Thích Quảng Độ. Cả bà đều tinh thông Phật pháp. Nhất Hạnh nói hay và viết giỏi. Trí Quang có tài lãnh đạo và được quần chúng tin tưởng. Quảng Độ học vấn cao và giỏi ngoại ngữ.

Xưa có ba nhà sư.

Khi chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, họ tranh đấu cùng những nhà sư khác. Nhất Hạnh kêu gọi tự do tôn giáo và hòa bình cho Việt Nam ở hải ngoại. Trí Quang dẫn đầu hàng vạn các nhà sư, Phật tử biểu tình ở Sài Gòn. Quảng Độ, nhỏ tuổi nhất trong ba người, sát cánh cùng Phật tử trên đường phố.

Xưa có ba nhà sư.

Khi những người cộng sản đến, họ rẽ ra ba hướng khác nhau. Nhất Hạnh nổi tiếng thế giới với tăng đoàn Làng Mai. Trí Quang chịu cảnh tù đày và không bao giờ nói về chính trị nữa. Quảng Độ tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền, trở thành nhà sư bị giam lỏng lâu nhất ở Việt Nam.

Giờ thì tất cả đều về cõi an nhiên. Lịch sử sẽ còn nhắc kể về ba nhà sư này bằng nhiều lát cắt, góc nhìn đa diện mà người đời sau lắm khi dễ nhầm lẫn giữa thực – hư từng giai đoạn thăng trầm của chính trị nước nhà.