Trang

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

3737. VI BẰNG 12/97 TÌM HIỂU TIÊN TRI CỦA ĐỨC THANH SƠN ĐẠO SĨ.


     
HTE: ĐĐTKPĐ
VB: 12/97

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Cửu Thập Thập Niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH.

 

VI BẰNG
“Tóm lược cuộc họp 12/97”

Hội Thánh Em ĐĐTKPĐ mở phiên họp ngày 28-11-Tân Sửu (DL: 31-12-2021), thảo luận về Bài Tiên Tri của Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ.

Họp qua gotomeeting.


I/- Thành phần dự họp.

 Chủ tọa: CTS Lương Thị Nở (Phó Ban Chấp Hành)

Người điều hành: PTS Nguyễn Hồng Phượng

Thư ký: Nguyễn Hồng Phượng

Thành viên dự họp:

CTS Nguyễn Hữu Khanh (Trưởng ban kiểm soát luật)

CTS Trần Quốc Tiến (Phó ban kiểm soát luật)

 CTS Nguyễn Thành Phương, CTS Võ Văn Lực, CTS Lê Văn Một, CTS Nguyễn Thị Thu Cúc, PTS Nguyễn Ngọc Bích, PTS Lương Văn Dương, PTS Nguyễn Thị Kim Thùy, Thông Sự Nguyễn Thị Thu Hà

Đạo Hữu nam nữ: Dương Xuân Lương (John Tung) Nguyễn Thị Chợ (Út Cam), Võ Lệ Dung (Mary Dung), Trương Văn Mai.

Đọc Kinh Nhập Hội  (Kim Thùy).

II/-  Tiến hành họp:


1/- Về hình thức. Đây là bài Đường thi. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có rất nhiều bài Đường thi do vậy nên nhắc lại cách tìm hiểu một bài Đường thi. Đường thi là thể thơ hoàn chỉnh vào đời nhà Đường (Trung Hoa). Đường thi có hai loại thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu) và thất ngôn tứ tuyệt (bảy chữ 4 câu).

Một bài thất ngôn bát cú luôn luôn có 4 phần: đề, thực (hay trạng), luận và kết. Bố cục bài Đường thi như là một bức tranh bằng chữ khi tả cảnh, tả tình, vịnh sử hay trình bày một vấn đề…

Câu 1&2: gọi là đề. Câu một là phá đề (hay mở bài) phát họa bối cảnh hay khung cảnh. Câu hai là thừa đề, nối ý câu phá đề để xác định sự việc hay tình huống.

Câu 3&4: gọi là thực hay trạng. Đây là phần giải thích hay làm rõ đầu bài. Nghĩa là chọn điểm nhấn cho cảnh vật hay điểm uốn của hoàn cảnh, sự tình ra giải bày hay công đức của nhân vật… (tự thân toát ra). Thực là thực chất, thực sự, trạng thái thật sự, thực trạng.

Câu 5&6: gọi là luận. Là bàn bạc việc của đầu bài như thế nào; cảnh dó xinh đẹp thế nào, nếu là tình tự thì cung bậc cảm xúc, nhân vật lịch sử thì đáng khen hay đáng chê trách hoặc so sánh với cảnh khác, người khác, việc khác theo đạo lý, luân lý, lịch sử. Luận là bàn luận với một chủ thể khác một hoàn cảnh khác, một khúc quanh khác. Nếu là một nhân vật cũng có thể là bàn luận về chính nhân vật đó trong khúc quanh nhân vật đo thăng hoa hay sa ngã.

Câu 7&8: gọi là kết. Tóm lại ý nghĩa cả bài, thể hiện sự cảm nhận về tác dụng và ý nghĩa của nó với cá nhân hay xã hội trong hiện tại lẫn tương lai…

2/- Tìm hiểu nội dung

2.1/- Phân tích cụ thể câu 1&2:

Chừng nào Chi Pháp đã ra đi,
Là lúc ĐạoTrời gặp vận suy.

Chừng nào chi Pháp đã ra đi, xét về mặt nhân sự là Chức sắc Chi pháp Hiệp Thiên Đài không còn tại thế (bỏ xác phàm). Đó là Hộ Pháp (1890-1959), Tiếp Pháp (1893-1965), Khai Pháp (1888-1954), Hiến Pháp (1890-1976), Bảo Pháp (1892-1961) không còn mang xác phàm trở về thiêng liêng vị. Thời Quân Hiến Pháp bỏ xác phàm năm 1976 là toàn bộ nhân sự chi pháp đã ra đi. Theo Pháp Chánh Truyền Đức Hộ Pháp là Chưởng Quản Chi Pháp kiêm Chưởng quản Hiệp Thiên Đài bảo hộ về luật đạo và đời, dưới có 4 vị Thời Quân giúp hay mà toàn thể đã ra đi thì pháp luật không còn tay bảo hộ. Đức Chí Tôn dạy rằng muốn phá đạo không chi hay hơn là phá tiêu pháp luật đạo. Mà nhân sự lo về pháp luật đạo đã về thiêng liêng vị thì pháp luật bị suy yếu.

Thế nào là vận suy? Đến nay người đạo đã có đủ điều kiện để hiểu rằng đạo suy do 2 nguyên nhân xã hội và nội bộ tôn giáo.

Về xã hội đó là nhà cầm quyền có chính sách kiểm soát tôn giáo thể hiện quyền lực của nhà nước đứng trên quyền của Thượng Đế nên không phù hợp với pháp luật và triết lý tôn giáo. Do vậy mới có Bản án ngày 20-7-1978, có Quyết Nghị ngày 13-12-1978, có Quyết định 124 ngày 4-6-1980.

Về nội bộ tôn giáo Chức sắc thiên phong sa ngã theo quyền đời, phối hợp với nhà nước tạo sự đứt gẫy pháp lý năm 1983 (lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài đến năm 1989 những vị nầy xin lập Hội Đồng Hội Trưởng nhưng mạo danh Hội Đồng Chưởng Quản). Đến năm 1997 thì các vị nầy tách hẳn ra thành lập chi phái 1997 với danh hiệu 10 chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh. (Khác với danh hiệu 6 chữ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.)

Cũng cần hiểu đúng rằng đạo suy không phải là đạo loạn. Theo Pháp Chánh Truyền khi Quyền Chí Tôn tại thế và Quyền Vạn Linh phản khăc nhau mới gọi là loạn đạo. Khi ấy Giáo Tông, Hộ Pháp cũng mất quyền và giao cho Đầu Sư chỉnh đốn. Nhiều vị phát ngôn rằng đây là thời đạo loạn là rất sai với Pháp Chánh Truyền.

2.2/- Câu 3&4:

- Chức sắc chuộng quyền hơn chuộng Đạo,
Nhơn sanh lo cốt chẳng lo bì

Đức Chí Tôn dạy Đạo là gì? Đạo tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà qui hồi cựu vị. Đạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi.

Theo Pháp Chánh Truyền Đạo có thể pháp và bí pháp? Thể pháp là kinh sách, pháp luật, bộ máy tổ chức tôn giáo, công trình kiến trúc…

Chức sắc chuộng quyền hơn chuộng đạo là không theo kinh sách, luật lệ… của Hội Thánh ban hành mà kêu gọi nghe theo ý riêng, theo nhận định riêng của chức sắc. (Thí dụ như Chức sắc kêu gọi, vận động nhơn sanh đừng nhìn nhận Đạo Lịnh 01/1979 là của Hội Thánh mà nên nghư lời Chức sắc)

Trong Đạo Cao Đài có chức, quyền và lịnh. Chức là các phẩm bậc trong Pháp Chánh Truyền với quyền hành qui định cho mỗi phẩm. Đó là nguyên tắc. Khi Chức sắc ấy được bổ nhiệm đi hành đạo nơi địa phương nào thì có quyền trong địa phương ấy (ra khỏi địa phương ấy mà hành chánh là phạm Pháp Chánh Truyền). Khi Chức sắc hành quyền trong địa phương được giao ra lịnh chi phải có con dấu đóng lên công văn, đó là lịnh để đàn em thi hành.

Khi một số chức sắc không có mạng lịnh Hội Thánh Cao Đài lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài để làm cấp trên của Hội Thánh và ra lịnh cho nhơn sanh đó là những người chuộng quyền hơn chuộng đạo. Đến năm 1997 một số vị lại đi xa hơn, ham quyền hơn đến nước lập ra chi phái 1997. Đó là lập thành bàng môn tả đạo. Chi phái 1997 là do những người phản đạo, phản Thầy, làm công cụ diệt Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn.

2.2.1/- Còn những vị không theo chi phái 1997 thì sao?

Một số vị thấy thế cuộc đã biến thiên quá mức nên im lặng lo tu tại gia để giữ phẩm hạnh của Chức sắc thiên phong. Một số vị tiếp tục đi các địa phương để hướng dẫn cho nhơn sanh biết thời thế, biết là chi phái đang chiếm dụng danh hiệu đạo và chiếm đoạt Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài.

Lại có một số vị rất cửa quyền, viện cớ là thời loạn để chống đối lại những công văn, mệnh lệnh của Hội Thánh rồi kêu gọi nhơn sanh tin họ và làm theo họ.

Điển hình là những chức sắc vận động nhơn sanh chống Đạo Lịnh 01 (1979) của Hội Thánh. Họ đã để cái gương rất xấu là vận động nhơn sanh chống lại Hội Thánh mà nghe theo họ. Một số nữa đi hàng hai để giục loạn qua ngôn luận: Về pháp lý Đạo Lịnh 01 là của Hội Thánh còn nội dung không phải của Hội Thánh. Họ luôn luôn tạo sự chia rẽ để nhơn sanh mất phương hướng mà nghe lời họ, tung hô họ. Mỗi lần họ tạo chia rẽ là lại có một số người chạy theo, cho đến khi số người nầy bỏ đi họ tạo ra sự chia rẽ khác để tạo số đàn em khác làm vây cánh. Đó là những chức sắc không theo chi phái 1997 nhưng thể hiện đầy đủ yếu tố chuộng quyền hơn chuộng đạo. Họ làm quan tòa kết án Hội Thánh.

2.2.2/- Châu tri 15 của Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt ban hành năm 1931 nhắc lại Chương Trình Hiến Pháp (1928) về cách dùng đại tự Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Ðiều thứ 22: -Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh sách, Bố cáo, vân vân... hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không) nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt.

Ðiều thứ 24: -Kể từ ngày ban hành "Chương Trình Hiến Pháp" duy có một mình Hội Thánh "Cửu Trùng Ðài" được quyền in Kinh sách, Tượng để hiệu "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ".

Khối Nhơn Sanh áp dụng theo lịnh Hội Thánh không dùng đại tự Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ trên văn bản thì thì họ kết án rằng lập ra chi phái Nam Mô. Họ không ra công văn nhưng nói miệng để tạo mâu thuẫn và gây chia rẽ trong nội bộ KNS. Thuộc hạ của chi phái 1997 tận dụng điểm nầy của các chức sắc không theo chi phái 1997, gọi KNS là chi phái Nam Mô.

2.2.3/- Mâu thuẫn với Pháp Chánh Truyền để chống đàn em.

Pháp Chánh Truyền dạy … Còn một mặt Tín đồ Hội Thánh cũng giữ quyền Hội Thánh… trên công văn hay khi thảo luận với đàn em các vị vẫn nhắc đi nhắc lại; đàn em rất cảm phục và cảm ơn.

 Nhưng đến khi chuộng quyền thì ra Đạo Tâm Thư 20, làm ngược với Pháp Chánh Truyền để đã phá Khối Nhơn Sanh: Một vài Chức sắc Hiệp Thiên và Cửu Trùng chủ trương mở Đại Hội Môn Đệ Đức Chí Tôn để phục quyền Hội Thánh. Vận động Khối Nhơn Sanh nghe lời làm điều trái ngược với Pháp Chánh Truyền để tỏ lòng trung hiếu với Đạo với Đức Chí Tôn, thật là khéo.


2.2.4/- Vẫn tiếp tục đứng ngoài sự an nguy của đạo.

Năm 2015 Chức sắc Hiệp Thiên Đài ra Thông Báo ông Nguyễn Thành Tám là một chi phái. Chi phái 1997 sai Trần Quang Cảnh đăng ký độc quyền danh hiệu ĐẠI ĐẠO TAM KY PHO DO TOA THANH TAY NINH với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ và đã được cấp giấy phép tạm. Tà quyền đang cung cấp thêm chứng từ để có giấy phép chính thức. Năm 2018 nhờ sự giúp hay của TS Nguyễn Đình Thắng và tổ chức BPSOS, Khối Nhơn Sanh hiệp với đồng đạo Thánh Thất Mountain View khiếu nại lên Bộ Thương Mại Hoa Kỳ yêu cầu hủy bỏ giấy phép độc quyền danh hiệu đã cấp cho Trần Quang Cảnh. Tháng 7-2019 việc hủy giấy phép độc quyền thành công. Đánh bại chi phái 1997 là thành quả phi thường. Quý chức sắc hoàn toàn im lặng, không có một công văn nào thăm hỏi.

Ngài Hồ Bảo Đạo dạy trong Tâm Thư (14-4-1979)

Riêng về việc thi hành nhiệm vụ của Chức Sắc Hiệp Thiên Đài thì lẽ dĩ nhiên trong việc thay cũ đổi mới của cơ chuyển thế từ thời kỳ lập công, qua thời kỳ lập đức, chức năng và phương châm hành đạo của tất cả mọi người dầu cho Chức Sắc hay Chức Việc hoặc Tín Hữu cũng đều đổi mới như trong lời kêu gọi chung số 6/HĐCQ ngày 07-3 Kỷ Mùi. (3-4-1979) của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chớ không phải riêng cho Cửu Trùng Đài và Phước Thiện đâu.

Vậy thì chư Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mấy em phải nên sớm tỉnh giác tự mình giải hết chứng bịnh trầm trọng chung hiện nay của tất cả Chức Sắc là bịnh “QUAN LIÊU”. Một phần không ít Chức Sắc Hiệp Thiên Đài lãnh phận sự Pháp Chánh thường coi mình như ông “Quan Tòa” ở ngoài đời và chỉ có biết “trị” bằng cách ngưng quyền giáng cấp hay trục xuất, chẳng khác nào một cái máy chém chỉ biết sát phạt mà thôi chớ không nhớ rằng vai tuồng chánh của Hiệp Thiên Đài là lập vị và bảo trọng ngôi vị cho người khác, chớ không phải là chờ có dịp để cất vị của họ.

Thường khi lại nghĩ sai ý nghĩa lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng như câu “chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài không biết” hoặc câu “không có điều bất công nào mà Hiệp Thiên Đài không biết” rồi từ chữ không biết lại hiểu ra là không trị vì nghĩ rằng hễ biết là phải trị liền.

Trái lại với chức năng của Hiệp Thiên Đài là lập vị và bảo trọng ngôi vị cho Chức Sắc hay Chức Việc là khi mình biết thì trước hết phải tìm cách sửa đương, nhắc nhở, khuyên dạy cách nào cho người sai lầm trở lại đường ngay nẻo chánh, chừng nào quá lắm không sửa đương đặng mới đem ra trị cho trọn câu “tiên giáo hậu trị”.

2.3/- Câu 3&4.

Mão cao dễ rớt nên thành nhát,
 Cổ ngắn không kêu phải hóa lì.

2.3.1/- Chi phái 1997 ra đời. Chức sắc phụ trách pháp luật đạo là Hiệp Thiên Đài im lặng. Mãi đến tháng 10-2015 mới ra Thông Báo xác định rằng đó là chi phái đang chiếm Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài. Trong bao nhiêu năm ấy chức sắc Hiệp Thiên Đài vẫn áo mão đầy đủ vào cúng với chi phái 1997, ấy là hành vi gián tiếp nhìn nhận tính chính danh của chi phái 1997. Chức sắc Hiệp Thiên Đài đã bỏ mặc cho nhơn sanh nhận định về chi phái 1997 trong ngần ấy năm, gián tiếp hậu thuẫn tính chính danh cho chi phái 1977 là gây khó cho công cuộc tranh đấu cho đạo quyền, trong đó có Khối Nhơn Sanh.

2.3.2/- Theo truyền thống các Chức sắc Hiệp Thiên Đài coi nhau như một gia đình. Hiền huynh Thừa Sử Lê Quang Tấn không tùng phục chi phái 1997 cho đến khi tạ thế ngày 15 -8-2013. Theo di chúc tang lễ được tổ chức tại tư gia và do đồng đạo Cao Đài 1926 đảm trách. Nhà của hiền huynh cách Tòa Thánh Tây Ninh khoản 800m. Khi đưa đi an táng thì chức sắc không ai dám đến cầm phướng đi đưa cho đúng với nghi lễ cho Chức sắc Hiệp Thiên Đài. Đến lúc an táng mới thấy một vài Chức sắc Hiệp Thiên Đài đến đứng ngoài mộ. Các vị sợ cái chi?

2.3.3/- Năm 2008 Khối Nhơn Sanh tổ chức Lễ Cầu Nguyện tại Gốc Bồ Đề trước Đền Thánh và bị đàn áp. Sau đó Chức sắc được tài trợ một chuyến đi Hà-Nội để trình bày về đạo sự. Trên xe còn dư chỗ ngồi. Khối Nhơn Sanh xin cho một chỗ ngồi để cùng đi. Chức sắc thà để xe trống chỗ chứ không cho Khối Nhơn Sanh tháp tùng. Có phải quý chức sắc được tiếng tranh đấu cho đạo quyền nên được tài trợ cho chuyến đi hay chăng? Tại sao việc tài trợ cho Chức sắc đi Hà Nội diễn ra ngay sau khi có Lễ Cầu Nguyện và bị đàn áp? Nhưng các vị e sợ cho Khối Nhơn Sanh tháp tùng thì bị quở trách chăng? Rốt lại thì sau đó Khối Nhơn Sanh cũng được đồng đạo quyên góp để đi Hà Nội trình bày việc bị đàn áp.

2.3.4/- Chức sắc vẫn than phiền, uất ức về Bản án ngày 20-7-1978 và muốn xóa bỏ. Ngày mùng 10-4-2014 Khối Nhơn Sanh mời quý chức sắc tham gia Lễ kỷ niệm 55 năm Ngài Đức Hộ Pháp triều thiên tại Thánh Thất An Ninh Tây, đồng đạo hằng trăm người, nhưng quý chức sắc được tiếng là tranh đấu cho đạo quyền, chống bản án chẳng hề đến tham dự.

 2.3.5/- Tháng 5-2015 Khối Nhơn Sanh vận động tổ chức Đại Hội Nhơn Sanh các chức sắc có tiếng là tranh đấu cho đạo quyền chẳng hề ký tên ủng hộ, lại còn chỉ trích. Đến ngày 27-5-2015 KNS tiến hành quý chức sắc không tham gia còn hiệp với chi phái để rước bửu ảnh và cúng lễ. Việc làm của quý chức sắc Hiệp Thiên Đài đã gián tiếp nhìn nhận tính chính danh của chi phái 1997. Đến tháng 10-2015 thì các Chức sắc ra công văn xác định ông Nguyễn Thành Tám lập chi phái năm 1997. Tại sao 5 tháng trước thì thờ ơ và hiệp với chi phái 1997 rước bửu ảnh và 5 tháng sau có Thông Báo ông Nguyễn Thành Tám là chi phái lập năm 1997? Vậy cái hậu quả như thế nào xin để cho đạo sử làm rõ.

2.4/- Câu 7&8:  

- Khảo thí lọc lừa trường hắc bạch,
Chung lo hiệp sức thoát cơn nguy.

Khi Hội Thánh bị giải thể là người Đạo Cao Đài bước vào phòng thi. Cuộc khảo thí rất quyết liệt. Theo pháp luật đạo, tại Đạo Nghị Định thứ 8 thì chi phái 1997 là bàng môn tả đạo.

Nhân sự không theo chi phái 1997 cũng phải làm bài thi của mình trong thời Hội Thánh bị cốt. Người đạo vận dụng Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp để công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo (cầm quyền hành chánh tôn giáo). Cho nên tất cả phải minh bạch trước nhơn sanh. Chung lo với ai?

2.4.1/- Về mặt thiêng liêng, Đạo Cao Đài là Thiên Nhân Hiệp Nhất. Nên thiễn nghĩ về mặt thiêng liêng khi lập chí phụng sự để lo việc đạo là có các Đấng Thiêng Liêng hộ trì nên người đạo phải siêng năng hành đạo để thiêng liêng mượn thể xác mình làm phương tiện chuyển thế.

2.4.2/- Về mặt hữu hình là chung lo với những người đồng mục đích và đồng cách làm. Còn đồng mục đích mà khác cách làm thì tùy phương ứng biến chớ chẳng thể chung lo hết được.

2.4.3/- Cùng mục đích khác cách làm Đồng đạo Thánh Thất Mountain View đồng mục đích, nhưng khác cách làm với Khối Nhơn Sanh và Hội Thánh Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nên hợp tác nhau một tời gian rồi quý vị ra Thông Báo không hợp tác là một ví dụ điển hình.

2.4.4/- Thoát cơn nguy là chính bản thân mình được thoát trước; bản thân mình hiệp với thiêng liêng, hiệp với người đạo có cùng mục đích cùng cách làm thì không sa ngã vào bàng môn tả đạo mà uổng phí một kiếp sanh may duyên ngộ đạo. Sau nữa nếu nhìn thấy nền đạo khôi phục được hành chánh tôn giáo (nền đạo thoát cơn nguy) ấy là một kiếp sanh rất hữu hạnh.

III/- Linh tinh: về việc KNS và HTE ĐĐTKPĐ Lập Bộ Đạo.

Trước đây Khối Nhơn Sanh có lo việc thành lập bộ đạo. Sau nầy giao cho Hội-Thánh Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tiếp tục. Cả hai thời kỳ đều phân công cho hiền huynh Chánh Trị Sự Trần Ngọc Sương phụ trách. Nay hiền huynh Chánh Trị Sự Trần Ngọc Sương hợp tác với Hiền tỷ Lễ Sanh Lê Hương Muội (Thánh Thất, Điện Thờ Phật Mẫu Mountain View) là quyền tự do công quả của hiền huynh.

Nhưng ngày 19-9-2021 các vị hữu trách tại Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu Thánh Thất Mountai View đã có Thông Báo: không hợp tác với Khối Nhơn Sanh và Hội-Thánh Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Do vậy Khối Nhơn Sanh và Hội-Thánh Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nên có công văn để nhờ hiền huynh Chánh Trị Sự Trần Ngọc Sương bàn giao lại Bộ Đạo đã lập. Đó là thể hiện trách nhiệm với các nơi đã tin tưởng và hợp tác để cho số liệu lập ra bộ đạo và bảo toàn danh dự cho mọi cá nhân hay tổ chức liên quan. Dĩ nhiên đồng đạo các nơi có quyền dùng số liệu để phụng sự cho đạo.

IV/ Đọc Kinh Xuất Hội: Kim Thùy

Kết thúc lúc lúc 22 giờ

Đồng đạo có mặt trong phiên họp đồng ý thông qua vi bằng.