Trang

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

2879. NUÔI DƯỠNG THỂ XÁC: DƯỠNG KHÍ.


DƯỠNG KHÍ.
LỜI THƯA TRƯỚC.
Tôi trình bày căn bản về dưỡng khí theo phương pháp thực hành trước giải thích sau. Thực hành thì khá đơn giản còn hiệu quả hay ý nghĩa từ việc thực hành đem lại thì vô cùng tận, bàn hoài còn hoài. Nó như bậc thang vô tận, nên để lại sau.
Dưỡng khí là một công phu nên chủ yếu là có thực hành hay không còn như đọc qua cho biết để bàn luận tràng giang đại hải thì chẳng cần ích chi.


Có một sự thật cần biết và trải nghiệm là mỗi người đều có minh sư của mình. Minh sư đó nhà Phật gọi là Phật tánh, Cao Đài gọi đó là điểm linh quang của Thượng Đế ban cho trong mỗi người. Minh sư đó xuất phát từ Thượng Đế nên hằng cận kề với Trời Phật để học hỏi. Được minh sư đến dạy là hạnh phúc rất lớn.
Ý nghĩa thiết thực của dưỡng khí là dọn dẹp thể xác cho tinh anh và tinh thần hướng thượng để minh sư đến. Khi minh sư đến với bạn thì tự bạn thân chứng nó ra làm sao, mỗi người mỗi khác, không ai giống ai cho nên bàn đến như là mò trăng đáy nước.
Ăn chay hay không ăn chay cũng đều tập được và đều có thành tựu tương xứng.
Có một lưu ý nhỏ là nếu tinh thần vọng động, ham lợi theo kiểu lười biếng thực hành mà muốn có kết quả tốt là ảo tưởng, khi đó manh sư sẽ đến và hậu quả sẽ không tốt.
Kinh vào học: … Cầu khẩn Đấng chơn linh nhập thể…
Chúc các vị thực hành bền bĩ để đón minh sư của chính mình:
Đạo hữu Dương Xuân Lương.








A/ Nuôi dưỡng thể xác.
Thể xác con người được nuôi dưỡng bởi các yếu tố chính: không khí, thức uống, thức ăn và ánh sáng mặt trời.
Không có ánh sáng trong vài tháng vẫn sống. Không có thức ăn trong một tuần vẫn sống. Không có thức uống trong năm ba ngày khó sống. Không có không khí trong 5 phút chết là cái chắc.
Như vậy trong 4 yếu tố trên thì không khí là quan trọng nhất.
Không khí được tạo hoá ban cho mà không có một chính quyền nào, không có một công ty, xí nghiệp nào chiếm làm của riêng được cho nên đến nay chúng ta còn được hưởng dụng tự do (miễn phí). Do vậy chúng ta bàn đến yếu tố quan trọng nhất: THỞ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHOẺ MẠNH?
1.1/ Các sách viết về khí công.
Rèn luyện hơi thở được gọi là khí công (công phu luyện khí).
Dòng sách viết về khí công hằng hà sa số, có thêm một đầu sách nữa cũng chẳng cần ích chi. Do vậy tôi chỉ viết lại những điều tôi đã trải nghiệm để các bạn quan tâm có thể thực hành trong an toàn. Điều đó có nghĩa là thở sai cũng đem đến những hậu quả không mong muốn: Tẩu hỏa nhập ma. Tẩu hỏa nhập ma nghĩa là khí ấm mất mà khí lạnh tràn vào, không kiểm soát được. Cái gì lợi bao nhiêu thì khi phản tác dụng cũng sẽ hại bấy nhiêu theo qui luật âm dương.
1.2/ Các cách vận hành hơi thở.
Có nhiều cách vận hành như: thở 2 thì, 3 thì, 4 thì và thở đặc nhiệm.
Thở an toàn nhất là thở hai thì.
Do vậy tôi chỉ nói về cách thở hai thì để chận đứng và sau đó đẩy lui bịnh tật, dĩ nhiên nó cũng sẽ đề kháng được các bệnh khác rất tự nhiên.
Hai thì là ra và vô (còn gọi là thở bảo hoà).
Chú ý rằng trong bước căn bản không có ém khí hay dẫn khí đi đâu hết. Đó là bước sau của mỗi người do minh sư của mình hướng dẫn, đừng có theo cách của các sách viết về khí công mà thất vọng.
1.3/ Tư thế.
Mới tập thì nên nằm trên một mặt phẳng cứng, đầu không kê gối, có thể dùng một khăn mỏng để kê đầu cho khỏi bị ê ẩm ở ót. Hai tay hai chân để xuôi theo thân người rất tự nhiên. Hai tay có thể để ấn tý nghĩa là ngón tay cái chạm vào gốc ngón tay áp út và nắm lại, gọi là ấn tý lưỡng nghi (nếu không bắt ấn tý cũng không sao). (Người Đạo Cao Đài bắt ấn tý hai tay trên dưới để trước ngực gọi là ấn tý thái cực)
Vị trí tập phải thông thoáng, nhiệt độ bình thường, khi mới tập chú y đến không gian yên tịnh, tránh những tiếng động đột ngột làm mất tập trung.
Còn khi đã quen thì ĐI, ĐỨNG, NẰM, NGỒI gì cũng thở bung. Bạn nấu ăn, làm vườn, lái xe…. Hay bất cứ việc gì hễ tập trung là hơi thở bằng bụng sẽ đến. Thở như thế là vô quái ngại hay vô kỵ.
Sau đó nâng cao lên như ngồi bán kiết hay kiết già, từ từ đừng có vội.
1.4/ Thở ra làm chuẩn.
Khi mới tập thì lấy hơi THỞ RA làm chuẩn, chỉ tập trung vào hơi thở ra, không cần quan tâm đến hơi thở vô.
Thở ra càng dài, càng sâu, càng êm càng tốt. Bạn có thể dùng đường miệng để tống hơi thở ra cho nhiều càng hay. Nhưng khi hít vào bạn chỉ được dùng đường mũi (tuyệt đối không dùng đường miệng khi hít vào). Mới tập bạn thấy hốc mũi bị khô, do không được sưởi ấm đầy đủ từ hơi thở ra nhưng một chốc sẽ quen. Khoa học không tán thành cách thở ra đường miệng, bởi không nghĩ đến việc phải rèn luyện cho cơ thể thích nghi. Tôi rất ngưỡng mộ khoa học, nhưng rất cảnh giác vì các nhà khoa học khám phá ra cái mới thì chính các vị cũng đổi (có khi là 1800) cho phù hợp, bản thân tôi đã thực hành và nhận ra điều đó.
Có khi bạn hít vào suốt mấy phút đồng hồ, rất sảng khoái… vậy thì không khí nó đi đâu? 
Theo bác sĩ Hồ Hùng Ngự nhận định thì khi đó người tập đã thở ra qua da (là cách thở khi chúng ta còn trong bào thai, còn gọi là thở tiên thiên: khi chưa thấy bầu trời. Còn khi đã sinh ra rồi thì thở bằng phổi. Do đã thấy được bầu trời nên gọi là thở hậu thiên) 
Tôi nhắc lại rằng các hơi thở đặc nhiệm như thế do minh sư của mình chỉ dẫn chứ đừng có gượng cầu. Cứ dọn nhà cho sạch thì minh sư sẽ đến.
Khoa học đâu thể lấy chén cơm với ít rau, muối để tạo ra máu. Trong khi cơ thể của chúng ta làm được điều đó rất tự nhiên. Do vậy tin vào khoa học là cần thiết, nhưng còn phải biết sự huyền diệu trong bộ máy con người.
Tại sao chỉ tập trung đến hơi thở ra?
Bởi khí có trong người chúng ta là đã qua sử dụng, nghĩa là trược khí (khoa học cho biết có nhiều thán khí....). Nên càng tống nó ra khỏi cơ thể càng nhiều càng tốt. Khi tống trược khí ra thì thanh khí (là không khí bên ngoài) theo hơi thở vô tràn vào cơ thể một cách tự nhiên, cho nên không cần quan tâm đến hơi thở vô là vậy. Nó như giặt cái khăn dơ bạn phải vắt thật ráo trước khi cho nước mới vào thì tự nhiên nó hút nước mới, còn như không vắt có cho vào thau nước mới cũng chẳng khá hơn là mấy.
Bạn nên đếm hơi thở ra và phối hợp với thời gian để biết trung bình một phút bao nhiêu hơi thở. Đếm mãi rồi ngủ cũng chẳng sao.
1.5/ Thở bụng.
Bạn phải dùng bụng để thở.
Nghĩa là khi thở ra thì dùng hệ cơ hoành vùng bụng ép đáy phổi để thán khí trong đáy phổi được tống ra ngoài. Dùng bụng để tống thán khí ra thì thanh khí tự nhiên vào thế chổ, nhiều lần như vậy, mỗi hơi thở đều như vậy thì máu trong cơ thể sẽ tốt lên. Máu tốt đó nuôi dưỡng các tế bào và tạo xương, tủy... từ chút từ chút một sẽ thấy thay đổi trong chính con người của bạn về tinh thần lẫn thể xác. 
Bụng phình lên khi thở vô.
Nhưng có khi bạn hít vào mà bụng vẫn hóp lại thì cũng không sao. 
Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn sẽ đồng hành với bạn theo từng hơi thở.
1.6/ Cảm nhận khi thở.
Khi thở bạn sẽ thấy người ấm lên, nhịp tim vang dội, một luồng khí nóng lên đỉnh đầu rất tự nhiên. Đó gọi là hỏa hầu.
Nước miếng trong miệng tươm ra rất dễ chịu, còn bạn thở mà nghe trong họng khô khốc là do bạn không tập trung. Đến một lúc nào đó bạn sẽ hưởng được thứ nước ngọt rất lạ lùng tiết ra từ trong miệng là bạn tự biết lấy và mừng cho chính mình. Theo bác sĩ Hồ Hùng Ngự nhận định đó là nước cam lộ mà người xưa nói lóng.
Nếu trong một lần tập trong người bạn thải khí ra bằng đường trung tiện hay ói khí ra (thổ khí) là tốt, đừng nghĩ là bạn bị đau bao tử nhé. Thỉnh thoảng những oan hồn của thú vật làm cho bạn nhói chổ bao tử cũng đừng hết hồn mà cứ tập trung thở một chốc sẽ hết và bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn. Bản thân tôi có khi đau nhiều giờ như thế yếu bóng vía thì chắc đã đi bác sĩ... nhưng tôi cứ thở và thở thì nó hết.
Khi đi vào giấc ngủ sẽ ngủ rất sâu.
Đó là kết quả nhận biết được qua từng buổi tập.
(Còn tiếp)