Việt Nam bị chỉ trích tại Hội Nghị Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo
Thanh Trúc, RFA
2019-07-18
Hội Nghị Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức, đã diễn ra trong ba ngày 16, 17 và 18 tháng Bảy tại thủ đô Washington.
Dịp này ông Võ Văn Ái , chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Tại Paris, Pháp, được mời đến tham dự và đã dành cho Đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn sau đây:
Ông Võ Văn Ái: Từ hai tháng trước chúng tôi đã nhận được thư mời của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và một điều khá đặc biệt lần này trong thư mời của Bộ Ngoại Giao mời tới 3 người là chủ tịch, phó chủ tịch và tổng thứ ký của Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam.
Thanh Trúc: Ông cảm thấy thế nào khi dự một hội nghị qui mô như vậy?
Ông Võ Văn Ái: Chúng tôi từng sang hoạt động tại Hoa Kỳ từ lâu, điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ cũng lắm lần, nhưng có thể nói tổ chức tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lần này qui mô hơn hết. Bởi lần này không chỉ là nói đến những ví dụ hay những trường hợp đàn áp tôn giáo tại các quốc gia trên thế giới mà lần này rất quan trọng và đặc biệt là Hoa Kỳ muốn đưa vấn đề tranh đấu cho tự do tôn giáo thành một chiến lược toàn cầu chứ không phải chỉ binh vực cho một tôn giáo này hay một tôn giáo kia hay vấn đề những người bị đàn áp không mà thôi. Có thể nói rằng trong giai đoạn sắp tới mình sẽ thấy chiến lược này hết sức quan trọng với thế giới hay không, bởi vì tự do tôn giáo là mẹ đẻ của tất cả các quyền, nó đặt quyền tự do lương tâm, quyền tự do đi lại. Tất cả những quyền đó đều nằm trong quyền tự do tôn giáo.
Có một điều chúng ta phải nhớ, đặc biệt đối với người Việt Nam, là trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và những văn kiện liên hệ đều đặt vấn đề bảo vệ tự do tôn giáo, không phải chỉ bảo vệ tôn giáo mà bảo vệ người theo tôn giáo, tức những người muốn theo một lý tưởng, có thể hữu thần có thể vô thần và có thể phi thần, dù họ tin vào một đức tin nào thì mình phải bảo vệ họ được trọn vẹn tin theo đức tin đó, cấm chỉ tất cả những đàn áp. Hoa Kỳ có thể nói là đi đầu nếu chúng ta nhớ rằng năm 1998 Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đã ra Sắc Luật Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo, từ đó có Ủy Hội Bảo Vệ Tôn Giáo để quan sát tình hình trên thế giới và báo cáo để chính phủ Hoa Kỳ có thái độ hữu nghị hay là không hữu nghị nếu nước nào vi phạm tự do tôn giáo.
Thanh Trúc: Thưa ông đã có rất nhiều diển giả, học giả từ các nơi trên thế giới, trong đó có các đại diện tôn giáo, các trưởng lão, giáo sĩ, linh mục, tu sĩ Phật Giáo vân vân… lên tiếng trong các buổi hội thảo. Về phần Việt Nam thì có mục sư A Ga đến từ Tây Nguyên Việt Nam cũng được lên tiếng, ông nhận xét điều này như thế nào?
Ông Võ Văn Ái: Rất quan trọng, đặc biệt cho chúng ta là người Việt Nam. Ngay trước khi sang đây tôi cũng đã tham dự cuộc kiểm điểm về nhân quyền Việt Nam mà có phái đoàn từ Hà Nội tới. Chúng tôi cũng đã nêu lên vấn đề đàn áp những giáo hội Tin Lành tại gia của những dân tộc ít người, hay là người Công giáo H’mong vân vân. Nhưng tại Việt Nam thì hầu như không ai nói cả.
Bây giờ nếu có được một vị đại diện cho người Thượng, người H’mong mà nhất là giáo hội Tin Lành tại gia thì đó là điều cần thiết để Hoa Kỳ biết được tình trạng thực sự, cụ thể vềTin Lành, Công Giáo, Hòa Hảo, Cao Đài bị đàn áp như thế nào thì sự giúp đỡ, ủng hộ, hậu thuẩn mới hữu hiệu.
Thanh Trúc: Cũng trong một hội thảo nhóm mà ông có tham dự thì ông nghĩ sao khi nghe điều hợp viên Chris Engels, người chuyên trách công lý và trách nhiệm trong vấn đề tự do tôn giáo, nhắc đến Pakistan và Việt Nam liên quan đến CPC các nước cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo? Theo ông với những vi phạm cụ thể như vậy liệu có nên đưa Việt Nma trở lại CPC theo như yêu cầu của các tổ chức quốc tế về nhân quyền và tôn giáo?
Ông Võ Văn Ái: Đó làcông lý, tôi còn nhớ lần điều trần đầu tiên tại Thượng Viện Hoa Kỳ năm 2002 thì tôi là người đầu tiên đề nghị Hoa Kỳ đặt Việt Nam vào danh sách CPC. Năm 2004 Việt Nam bị đặt vào danh sách CPC. Hai năm sau thì tổng thống Bush đã rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Nhưng từ đó đến nay Ủy Hội Hoa Kỳ Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Thế giới mỗi năm đều lập lại vấn đề đặt Việt Nam vào lại CPC. Đây là công lý đúng và chính chứ không phải vấn đề theo, không theo, vui hay buồn.
Thanh Trúc: Thưa ông cũng biết bao lâu nay các tổ chức quốc tế như USCIRF, Human Rights Watch, Amnesty International thường chỉ trích Việt Nam đàn áp tôn giáo và xâm phạm nhân quyền trầm trọng. Mặt khác Việt Nam, khi ra trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hoặc các buổi Kiểm Điểm Nhân Quyền Định Kỳ thì vẫn phủ nhận mọi cáo buộc đó. Theo ông thái độ bất hợp tác như vậy ảnh hưởng thế nào đến tiến trình hội nhập vào thế giới mà Việt Nam đang hướng tới?
Ông Võ Văn Ái: Tôi nghĩ bất cứ ai đều hiểu người cộng sản không có đức tin,không tin vào tâm linh, thành ra họ chống tôn giáo, họ đàn áp tôn giáo. Việt Nam là nước đa tôn giáo và quần chúng lớn rộng nhất ở Việt Nam là quần chúng tôn giáo.
Chiều hôm qua buổi họp với sự có mặt của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Namcy Pelosi, và ông cựu dân biểu Frank Wolf, cha đẻ Sắc Luật Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo trên thế giới, thì ông đại sứ Brownback hỏi là tại sao bây giờ có những nước cứ tiếp tục đàn áp và không nghe những lời khuyến cáo thì ông cựu dân biểu Frank Wolf nói rằng bởi vì thập niên 90s tôi đưa ra Sắc Luật và được quốc hội chấp thuận vì những năm đó tất cả các tôn giáo bị đàn áp đều đứng lên tranh đấu. Ngày nay, cả hai người là bà Nancy Pelosi và ông Frank Wolf đều phê bình rằng những cường quốc Tây Phương trong khi giao thiệp về kinh tế thương mại đã quên vấn đề nhân quyền, quên vấn đề đàn áp tôn giáo. Đó là vấn đề nguy hại cho quyền tự do tôn giáo tại Trung Quốc, tại khắp nơi trên thế giới và đối với chúng ta tại Việt Nam.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Võ Văn Ái về buổi phỏng vấn này.