Trang

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

3573. THƯ THỈNH CẦU: XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐẠO.

 

NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.
(Cửu Thập Lục Niên).
TÒA THÁNH TÂY NINH.

THƯ THỈNH CẦU.

“Đồng đạo căn cứ vào Thánh Lịnh 257 xây dựng chương trình hành đạo, vận dụng pháp lý từ Quyết định 124 để thực hiện quyền hành đạo tại các cơ sở được giao tại Điều 2.”

Kính quý Chức Sắc, Chức Việc và quý Đồng Đạo.

Tòa Thánh Tây Ninh là thể pháp đầu nguồn, là địa điểm trung ương của Hội Thánh Cao Đài, là nguồn gốc khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là ngọn cờ của Đạo, là trái tim của người Đạo Cao Đài.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải trang 94 dạy: Xúm xít nhau mạnh yếu tùy phương, bảo thủ cây cờ Đạo của Thầy là Tòa Thánh, lại gắng tạo thành sừng sựng tại miền Cực Đông nơi Nam Việt nầy một cái Cao Đài, đặng làm ngọn đèn soi sáng đến cảnh Cộng Hòa của toàn thế giới.


Hiện nay chi phái Cao Đài 1997 đang chiếm Tòa Thánh Tây Ninh của người Đạo Cao Đài; đó là việc phi pháp và vi phạm luật công bằng. Nhiệm vụ của người đạo là lấy lại Tòa Thánh Tây Ninh. Chúng tôi xin trình bày cơ sở pháp lý và thỉnh cầu quý đồng đạo hiệp đồng xây dựng chương trình hành đạo để tạo thế và lực tiến về Tòa Thánh Tây Ninh công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo theo Thánh Lịnh 257.

A/- CƠ SỞ PHÁP LÝ.

Trong phần nầy chúng tôi trình bày cơ sở pháp lý từ nhà nước hiện nay, công ước quốc tế và pháp luật tôn giáo.

I/- Pháp luật Việt Nam. Tại Điều 2, Quyết định 124 ngày 4-6-1980, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh; đã giao quyền hành đạo trên Tòa Thánh, Đông Lang, Tây Lang, Báo Ân Từ, … trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh và Thánh Thất, Điện Thờ cho Đạo Cao Đài. Quyền hành đạo đó được hỗ trợ bởi Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 tại Điều 2 và 16; Điều 5 và 6. Phù hợp với Điều 24 Hiến pháp 2013.

II/- Điều 18 Công Ước Quốc tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Nhà nước hiện nay đã ký kết công ước nên có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và trừng phạt những kẻ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền hành đạo của người Đạo Cao Đài trên các cơ sở tại Điều 2 của Quyết định 124 và trừng phạt kẻ vi phạm.

III/- Pháp luật tôn giáo. Hội Thánh Cao Đài không lập ra 05 (năm) tổ chức: Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài (1983); Hội Đồng Chưởng Quản do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh lập ra tại Quyết định 88 (1989); Chi phái Cao Đài ngày 9-5-1997 (Hiến Chương 1997); Chi phái Cao Đài 1997 xin hiến đổi Hiến Chương 2002; Chi phái Cao Đài 1997 lại đổi Hiến Chương 2007. Cơ quan Hiệp Thiên Đài ra Thông báo ngày 26. 11. 2015 và Kiến nghị ngày 15. 09. 2017 xác định tổ chức của ông Nguyễn Thành Tám lãnh đạo là là một chi phái mới phát sinh từ gốc Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh từ năm 1997.

Cơ sở pháp lý của quốc gia, quốc tế và tôn giáo đã đủ để chứng minh người Đạo Cao Đài 1926 có đầy đủ quyền hành đạo tại các cơ sở tôn giáo trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh theo Điều 2, Quyết định 124. Từ cơ sở pháp lý trên thỉnh cầu quý vị cùng hiệp đồng nhau xây dựng một chương trình hành đạo, tạo thế và lực để bảo vệ quyền hành đạo, lấy lại Tòa Thánh Tây Ninh. (Xin xem chú giải một)

B/- THỈNH CẦU.

Ngày 19-6-Mậu-Thìn (5 Aout 1928) Đức Chí Tôn dạy: … mỗi chỗ đều mong độc-lập riêng. Người trong đạo phần nhiều mong hiệp thế riêng cho mình mà kình-chống trở mặt với mỗi con.

Đạo thế chẳng kíp thì chầy sẽ thành ra một mối hàng mà mỗi người trong Đạo, sau khi giành-giựt, cấu-xé nhau, thì sẽ phân-chia tan-tành manh-mún để trò cười về sau đó. (TNHT Q 2 trang 60, bản in 1963).

Căn cứ vào Lời Minh Thệ và lời dạy về bịnh của đạo là: Mỗi chỗ đều mong độc lập, phần nhiều trong Đạo hiệp thế riêng mà kình chống nhau nên chúng tôi thỉnh cầu người theo Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926 hiệp đồng để soạn ra CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐẠO chung. Sau đó thỉnh cầu quý vị chọn người trình bày kịch bản trong Hội Luận về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á. Chủ Đề: Đạo Cao Đài – Thách Đố và Triển Vọng” do BPSOS tổ chức vào tháng 11 năm 2021.

TS Nguyễn Đình Thắng (BPSOS) có trao đổi với đồng đạo, qua đó chúng tôi nhận thấy có thượng sách và hạ sách. Thượng sách là các nhóm Cao Đài cùng ngồi lại hội luận với nhau và đưa ra MỘT GIẢI PHÁP. Hạ sách là các nhóm Cao Đài đến hội luận đưa ra giải pháp riêng.

Chúng tôi xét thấy thượng sách phù hợp với lời Thầy dạy tránh được thảm cảnh đáng xấu hổ: … sau khi giành-giựt, cấu-xé nhau, thì sẽ phân-chia tan-tành manh-mún để trò cười về sau đó nên đề nghị cả nhà tham gia hội luận vào tháng 11 theo thượng sách. Khối Nhơn Sanh và Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ thỉnh cầu quý vị nhận trách nhiệm trình bày kịch bản chung.

Người Đạo Cao Đài 1926 đang vận dụng Thánh Lịnh 257 để hành đạo. Việc công cử nhân sự cầm giềng mối đạo nơi các địa phương đã được thực hiện. Bàn Trị Sự và Tín Đồ đều mong muốn về Tòa Thánh Tây Ninh để công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo.

Đạo Cao Đài từ thượng tầng cho đến hạ tầng đều thể hiện tính tổ chức, tổ chức và tổ chức theo triết lý QUỐC ĐẠO. Vậy Bàn Trị Sự và Tín Đồ cùng ngồi lại để thảo luận chương trình hành đạo; công cử nhân sự trình bày trước quốc tế vào tháng 11 chính là bước thực tập hành đạo theo Thánh Lịnh 257. Bàn Trị Sự và Tín Đồ thành lập BAN CÔNG QUẢ 257, công cử nhân sự vào Ban Công Quả 257 để thay mặt cho người đạo trước quốc tế, trước nhà cầm quyền Việt Nam và với chi phái 1997 là hết sức cần thiết và quan trọng. Nó mở ra một xa lộ thẳng tắp, một đường hàng không thẳng tiến về Tòa Thánh Tây Ninh. Lập được Ban Công Quả 257, công cử nhân sự vào đó thay mặt cho người đạo lo việc đối ngoại là bước quyết định để lấy lại Tòa Thánh Tây Ninh.

Vận dụng Thánh Lịnh 257 tranh đấu cho đạo quyền chính là tranh đấu để Bàn Trị Sự và Tín Đồ về Tòa Thánh Tây Ninh công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo. Vậy tại sao lại không thực hiện một việc ngay trong tầm tay, thực bước chuyển thế là Bàn Trị Sự và Tín Đồ hiệp nhau công cử Ban Công Quả 257? Có phải là do căn bệnh muốn độc lập riêng nên kình chống nhau như Đức Chí Tôn đã dạy chăng?

Khi hội họp đọc câu kinh: Mạng danh Hội Thánh đã đành, Nâng tay nhục thể xây hình Chí Tôn thì đã có mạng lịnh Hội Thánh trong đó, cớ sao phải chờ ai? Lập Ban Công Quả 257 là quyền chủ động của người đạo, không ai cản trở hay đe dọa chi hết mà không thực hiện được có phải là đang làm ngược với Thánh Lịnh 257 hay không?

Hội Thánh Cao Đài do Đức Chí Tôn (Thiên Thượng) lập ra để xây dựng thể pháp tôn giáo. Xây dựng thể pháp gốc xong thì thực hiện công thức sau cùng của Di Lặc Chơn Kinh là GIẢI THỂ PHẬT để bảo tồn thể pháp (vãng). Môn đệ Chí Tôn vận dụng thể pháp của đạo như pháp luật, giáo lý, triết lý… để giải thích và trình bày cách thức công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo theo Thánh Lịnh 257 là thực hiện GIẢI THỂ PHẬT theo nghĩa lai. Khi đạo có đủ Hội Thánh Thiên Thượng và Hội Thánh Thiên Hạ lập ra thì có đủ âm dương và ngọn cờ cứu thế mới tung bay. Người Đạo Cao Đài hiểu được yếu lý ấy thì tu chính và nâng cấp bản thân trong xử kỷ và tiếp vật, từ đơn năng tiến đến đa năng từ hữu dụng đến diệu dụng ấy là tự GIẢI THỂ PHẬT cho chính mình trên bước đường thực thi Tam Lập (Pháp Điều Tam Kỳ Phổ Độ).

Chúng tôi đề xuất bản thảo.

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐẠO:

Lập Ban Công Quả 257 phụ trách Quốc Tế Vận; dùng Điều 2 Q Đ 124 làm mũi nhọn tiến về Tòa Thánh Tây Ninh công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo theo Thánh Lịnh 257”.

I/- Thành quả đạt được.

1/- Pháp luật đạo là binh khí diệt tà quyền.

2/- Phối hợp trong ngoài để trình bày vi phạm ra quốc tế.

2.1/- Vi phạm quyền hành đạo.

2.2/- Vi phạm danh hiệu (đã hủy giấy phép độc quyền danh hiệu đạo của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ tạm cấp cho chi phái 1997)

2.3/ Lấy lại Tòa Thánh Tây Ninh (Điều 2, QĐ 124 làm mũi nhọn).

II/- Phát huy thành quả: Xây dựng chương trình hành đạo.

Thực hiện 257 cùng ngồi lại xây dựng kịch bản chung. Lấy phương châm hành đạo ra ứng dụng.

 1/- Nội bộ tôn giáo. Xác định ý nghĩa Thánh Lịnh 257 để làm đúng việc, đúng cách. Chủ động thể hiện quyền hành đạo qua Hành Chánh và Phước Thiện. Ra bản tin hang tháng. Lập ra BAN CÔNG QUẢ 257 là bước cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện Thánh Lịnh 257. Lấy văn bản Hội Thánh làm gốc. Vận động thành lập Trấn đạo Hoa Kỳ.

2/- Đối với chi phái 1997. (Phân tích các thành phần Chức Sắc, Chức Việc, các Ban bộ chuyên môn và Tín đồ để có đối sách thích hợp)

3/- Đối với nhà nước Việt Nam. Tiến hành các bước pháp lý khiếu nại, tố cáo, khởi kiện… (Yêu cầu giải quyết cái gốc là QĐ 124 Đ 2)

4/- Đối với Quốc tế vận. Trong nước liên lạc với Lãnh Sự Quán các cường quốc về tự do tôn giáo. Hải ngoại thỉnh cầu quốc tế tác động để nhà nước VN thực hiện QĐ 124. Báo cáo vi phạm Q Đ 124 ra quốc tế. Tìm luật sư.

5/- Trình bày vào tháng 11. Cùng viết ra một kịch bản sau đó phân công trình bày. Chúng tôi thiết tha thỉnh cầu đồng đạo tham gia để hoàn thành vào cuối tháng 10-2021. KNS và HTE ĐĐTKPĐ tình nguyện nhường phần trình bày cho quý vị.

Việt Nam ngày 12 tháng 9 năm Tân Sửu.

(DL: 17-10-2021)

TBCH KNS

(Đã ký)

CTS Trần Quốc Tiến.

Email: ngoctung963@gmai.com

TBCH HTE ĐĐTKPĐ

(Đã ký)

CTS Võ Văn Quang.

Email: laptruong4850@gmail.com

 

 

THỈNH CẦU 17-10-2021.

CHÚ GIẢI 1: CƠ SỞ PHÁP LÝ.

Trong phần nầy chúng tôi trình bày cơ sở pháp lý từ nhà nước hiện nay, công ước quốc tế và pháp luật tôn giáo.

Phù hợp với Công Ước về Quyền Dân Sự và Chính Trị tại điều 18 mà nhà nước Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ thi hành.

I/- Pháp luật Việt Nam.

Quyết định 124 ngày 4-6-1980 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh; để chứng minh quyền hành đạo trên nhà, đất và công trình của người Đạo Cao Đài tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Phần giao quyền hành đạo đó được hỗ trợ bởi Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo hiện hành tại Điều 2 và 16; Điều 5 và 6. Phù hợp với Điều 24 Hiến pháp hiện hành (2013).

1/- Quyết định 124.

Ngày 4-6-1980 j đã ký Quyết định 124 tịch thu nhiều tài sản tôn giáo. Nhưng tại điều 2 đã giao QUYỀN HÀNH ĐẠO cho người Đạo Cao Đài rất rõ ràng. Nguyên văn Điều 2, Quyết định 124 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh ngày 4-6-1980 như sau:

Điều 2: Những cơ sở tổ chức hành đạo Cao Đài Tây Ninh được tiếp tục hành đạo theo chánh sách tôn giáo của Nhà nước CHXHCN Việt Nam quy định gồm:

Trong nội ô:

-/ Đền Thánh, Hậu điện, Đông lang, Tây lang.

-/ Đền Thờ Phật Mẫu, Hậu điện B.Â.T và nhà lễ viện Báo Ân Từ.

-/ Giáo Tông Đường.

-/ Hộ Pháp Đường.

-/ Trai đường hành chánh.

Một số bộ phận cần thiết về nhạc, lễ để phục vụ cho việc tu hành. Về nhân sự ở cơ sở này, Hội Đồng Chưởng Quản sẽ đề nghị chánh quyền cụ thể, nhưng cũng không được đăng kí hộ khẩu trong nội ô.

Ở cơ sở:

-/ Thánh Thất.

-/ Đền Thờ Phật Mẫu.

Mỗi Thánh Thất, Đền Thờ Phật Mẫu chỉ để lại từ 01 đến 03 người ngoài tuổi nghĩa vụ quân sự và lao động để chăm lo việc nhang đèn lễ cúng thuần túy tôn giáo cho tín đồ, những người này phải được địa phương nhất trí, đông đảo tín đồ tín nhiệm mới có đủ tư cách pháp nhân hành đạo.

Mỗi công dân có đạo và không có đạo đều là công dân Việt Nam, có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau, phải làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.

UBND Tỉnh thừa nhận việc tổ chức Hội Đồng Chưởng Quản như hiện nay theo phương hướng tích cực về đường lối tu hành thật sự như Thông Tri, Đạo Lệnh của Hội Đồng Chưởng Quản đề ra. (Hết trích)

Quyết định 124 đã xác định:

1.1/- Quyền hành đạo của nhân sự Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (6 chữ) nói tắt là Đạo Cao Đài trên đất, nhà ở, công trình theo quyết định 124, điều 2. Nhà nước chưa ra một quyết định nào thu hồi quyết định 124 nên còn đầy đủ giá trị. Hội Thánh cũng không có một công văn nào cho phép hay nhượng quyền hành đạo trên đất, nhà ở, công trình tại điều 2 cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào. Như vậy chi phái 1997 đang chiếm quyền hành đạo tại các cơ ngơi của người Đạo Cao Đài thành lập năm 1926 tại điều 2, Quyết định 124.

1.2/- Nhìn nhận Hội Đồng Chưởng Quản được hành đạo theo Đạo lịnh 01/1979 ngày 01-3-1979.

Nguyên văn Quyết định 124 tại điều 2:

UBND Tỉnh thừa nhận việc tổ chức Hội Đồng Chưởng Quản như hiện nay theo phương hướng tích cực về đường lối tu hành thật sự như Thông Tri, Đạo Lệnh của Hội Đồng Chưởng Quản đề ra. (Hết trích)

Hội Đồng Chưởng Quản đề cập trong Quyết Định 124 là Hội Đồng Chưởng Quản của Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (tên 13 chữ) lập vào năm 1979. Đạo Lịnh 01 ngày 01-3-1979 tại điều 2 viết: Hội Thánh ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ Ðộ lập một Cơ quan hành Ðạo duy nhứt tại Tòa Thánh là: HỘI ĐỒNG CHƯỞNG QUẢN của HỘI THÁNH ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ. Hội Đồng Chưởng Quản DUY NHẤT nầy do Ngài Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa Chưởng Quản và Ngọc Đầu Sư Ngọc Nhượn Thanh Phó Chưởng Quản hành đạo TẠI Tòa Thánh Tây Ninh bị xóa sổ năm 1983.

Cũng trong năm 1983 Ông Thái Hiểu Thanh lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài. Hội Thánh Cao Đài không lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài cho nên HĐQL không có giá trị pháp lý trong đạo, không có tư cách thừa kế HĐCQ lập năm 1979. Khoản đứt gãy pháp lý của Hội Thánh Cao Đài với Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài là một sự thật hiển nhiên.

2/- Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 điều 2, điều 16, điều 5&6.

2.1/- Qui định tại Điều 2. Giải thích từ ngữ.

15. Địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật. (Hết trích).

 2.2/- Qui định tại điều 16, mục a.

Điều 16. Điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

a) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo,

Nhận xét: Căn cứ vào Quyết định 124 tại Điều 2 thì người Đạo Cao Đài đã được giao quyền hành đạo tại các địa điểm cụ thể trong Nội Ô Tòa Thánh nên là địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo. Chi phái 1997 không có quyền đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các nơi là đất, nhà ở, công trình tại Điều 2 của Quyết định 124.

2.3/- Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1/. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 

2/. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 

Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người

1/. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2/. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

3/. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

4/. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. 

Nhận xét: Quyết định 124, Điều 2 đã công nhận: những cơ sở tổ chức hành đạo Cao Đài Tây Ninh được tiếp tục hành đạoNghĩa là nhìn nhận các cơ sở tôn giáo và quyền hành đạo trên các cơ sở tại Điều 2.

3/- Hiến pháp 2013. Điều 24:

1/. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2/. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.  

3/. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Nhận xét: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (danh hiệu 6 chữ) thành lập năm 1926 là một tổ chức tôn giáo, có hiến chương năm 1965. Chi phái Cao Đài 1997 cũng là một tổ chức tôn giáo với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh (có 3 hiến chương khác nhau) cũng là một tổ chức tôn giáo. Quyết định 124, Điều 2 đã nhìn nhận các cơ sở tôn giáo của danh hiệu 6 chữ và công nhận quyền hành đạo trên các cơ sở đó mà hiện nay tỏ chức tôn giáo có danh hiệu 10 chữ chiếm đoạt các cơ sở tôn giáo của danh hiệu 6 chữ là không bình đẳng trước pháp luật.

II/- Công Ước Quốc tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Điều 18:

(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này phải bao gồm quyền tự do có hoặc thay đổi tôn giáo hay thế giới quan theo ý mình,

Và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan thông qua việc giảng dạy, thực hành, thờ phụng và cử hành các nghi lễ cho riêng cá nhân mình hay cùng với tập thể, ở chốn công cộng hay chỗ riêng tư.

(2) Không ai có thể bị bắt buộc phải giới hạn quyền tự do có hoặc đi theo một tôn giáo hoặc một thế giới quan tự chọn.

(3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan chỉ có thể bị giới hạn theo luật vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.

(4) Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm cho cha mẹ, hoặc người có quyền bảo dưỡng quyền được tự do giáo dục con cái mình về mặt tôn giáo và đạo lý theo cách thích hợp với niềm tin của mình.

Nhận xét: Nhà nước hiện nay đã ký kết công ước nên có nghĩa vụ: tôn trọng và thực thi; bảo vệ quyền tự do tôn giáo và trừng phạt những kẻ vi phạm. Cụ thể trong trường họp nầy là chi phái Cao Đài 1997 đã chiếm đoạt cơ sở tôn giáo của Đạo Cao Đài lập năm 1926 nên nhà nước Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền hành đạo của người Đạo Cao Đài trên các cơ sở tại Điều 2 của Quyết định 124 và trừng phạt chi phái 1997.

III/- Pháp luật tôn giáo.

1/- Hội Thánh Cao Đài không lập ra 05 (năm) tổ chức sau đây.

1.1/- Hội Thánh Cao Đài không lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài (1983), và Hội Đồng Quản Lý là nhóm người phản nghịch với Đức Chí Tôn.

Đạo Lịnh 01 (1979) xác định Hội Thánh Cao Đài lập một Cơ quan hành Ðạo duy nhứt tại Tòa Thánh là Hội Đồng Chưởng Quản. Như vậy Hội Thánh Cao Đài không lập ra Hội Đồng Quản Lý. Cho nên HĐQL không có tính thừa kế Hội Đồng Chưởng Quản theo Đạo Lịnh 01 (1979). Ông Thái Hiểu Thanh tự lập ra Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài. Nghĩa là ông lập ra một tổ chức để quản lý Hội Thánh, tổ chức của ông Hiểu lập ra là bề trên của Hội Thánh Cao Đài. Đức Chí Tôn ban cho Ngài Hồ Tấn Khoa phẩm Bảo Đạo. Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài cải lịnh Đức Chí Tôn nên không nhìn nhận phẩm Thời Quân của Ngài Hồ Bảo Đạo. Đó là bằng chứng rằng Hội Đồng Quản Lý là một nhóm người phản nghịch với Đức Chí Tôn. Các diễn tiến sau năm 1983 đến khi chi phái 1997 ra đời đều không có mạng lịnh Hội Thánh Cao Đài.

1.2/- Hội Đồng Chưởng Quản CỦA Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh lập ra (1989).

Đến năm 1989 Hội Trưởng Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài ra Đạo văn xin với nhà nước cho phép “Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh” được đổi tên thành “HỘI ĐỒNG CHƯỞNG QUẢN của HỘI THÁNH ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ TÒA THÁNH TÂY NINH” (17 chữ). Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh chấp thuận và lập ra Hội Đồng Chưởng Quản tại Quyết Định 88 ngày 14. 09. 1989 và cấp con dấu. (3) Hội Đồng Quản Lý Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh đã không có giá trị pháp lý trong đạo thì có xin với nhà nước đổi tên gì đi nữa cũng vẫn không có giá trị pháp lý trong đạo. Hội Đồng Chưởng Quản lập năm 1989 không có tư cách pháp lý trong đạo, nên không là thừa kế Hội Đồng Chưởng Quản lập năm 1979.

1.3/- Chi phái Cao Đài ra đời ngày 9-5-1997 (Hiến Chương 1997).

Hội Đồng Chưởng Quản CỦA Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh lập năm 1989 là tiền thân của chi phái Cao Đài ra đời ngày 9-5-1997 theo Quyết định số 10 của Ban Tôn Giáo Chính Phủ.

Cho nên chi phái Cao Đài 1997 cũng không có tư cách thừa kế Hội Đồng Chưởng Quản lập năm 1979, lại càng không có tư cách thừa kế Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Danh hiệu tại Điều 1: Danh hiệu ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ CAO ĐÀI TÂY NINH; gọi tắt là ĐẠO CAO ĐÀI TÂY NINH. Danh hiệu có 10 chữ, gọi tắt có 5 chữ. Đây là tổ chức tôn giáo khác với Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926.

1.4/- Chi phái Cao Đài 1997 xin hiến đổi hiến chương 2002.

Chi phái Cao Đài 1997 đổi Hiến chương năm 1997 thành hiến chương mới vào năm 2002. Ban Tôn Giáo Chính phủ công nhận tại Quyết định số 26/2003/QĐ/TGCP. Danh hiệu y như hiến chương 2007. Hội Đồng Chưởng Quản CỦA Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh lập ra vẫn tồn tại theo điều 16.

1.5/- Chi phái Cao Đài 1997 lại đổi hiến chương 2002 thành hiến chương 2007. Ban Tôn Giáo chính phủ không có Quyết định công nhận như hiến chương 1997 và hiến chương 2002. Chi phái Cao Đài 1997 khai tử Hội Đồng Chưởng Quản CỦA Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh lập ra.

Ông Nguyễn Thế Doanh Trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ ra công văn số 1068/TGCP. CĐ ngày 8/8/2008 v/v: Công nhận Hiến chương Cao đài Tây Ninh.

Căn cứ công văn số 4530/VPCP-NC, NGÀY 16/8/2002 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Ban Tôn Giáo Chính phủ được cho phép các phái Cao đài tổ chức Đại hội nhiệm kỳ và công nhận nhân sự của các Giáo hội Cao đài… (Dòng 6 trang 5, Hiến chương 2007).

Hiến chương 2007 không có Quyết định công nhận mà chỉ cho phép tổ chức Đại hội nhiệm kỳ.

Danh hiệu chi phái Cao Đài 1997 từ 10 chữ có thêm hai chữ và hai cái dấu ngoặc: Danh hiệu ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ (CAO ĐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH); gọi tắt là ĐẠO CAO ĐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH.

Hội Đồng Chưởng Quản CỦA Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh lập ra đã được khai tử tại điều 16.

Dĩ nhiên năm tổ chức trên đây đều không có tư cách thừa kế Hội Đồng Chưởng Quản lập năm 1979, cho nên chi phái Cao Đài 1997 không có quyền thụ hưởng quyền hành đạo tại điều 2 của Quyết định 124 ngày 04-6-1980.

2/- Cơ Quan Hiệp Thiên Đài.

Ngày 14-10-2015, 25 vị chức sắc Hiệp-Thiên-Đài thuộc Đạo Cao Đài 1926 đã tập trung về Văn phòng Hiệp Thiên Đài tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh để công cử: Hiền huynh Cải trạng Nguyễn Minh Nhựt (tự Trân) đảm nhiệm Qu. Chưởng Quản Hiệp-Thiên-Đài. Truyền trạng Trần Anh Dũng Quản văn phòng Hiệp-Thiên-Đài. Truyền trạng Nguyễn Cẩm Luân đặc trách Tam cung (Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung, Vạn Pháp Cung), kiêm phụ trách Quản văn phòng HTĐ. Truyền trạng Phạm Văn Trảng đặc trách Phước Thiện. Về con dấu thì sử dụng con dấu Pháp-Chánh Hiệp-Thiên-Đài. Đó là hoạt động tôn giáo đầu tiên của cơ quan Hiệp Thiên Đài kể từ năm 1979.

2.1/- Cơ quan Hiệp Thiên Đài ra thông báo ngày 26. 11. 2015.

Trang 02 viết: Hành vi của Đạo huynh Đầu Sư Phàm phong Thượng Tám Thanh là nghịch Thiên, phạm pháp, không phải là Chức Sắc Thiên Phong của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo thế danh Nguyễn Thành Tám không gọi Đầu Sư Thượng Tám Thanh.

Trang 03 viết: Căn cứ vào các yếu tố trên chức sắc HTĐ kết luận: Hội Thánh Cao Đài Phái Tây Ninh là Bàng Môn Tả Đạo. Theo Bát Đạo Nghị Định của Dức LÝ GIÁO TÔNG: “Những Chi Phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo”

Ông Nguyễn Thành Tám chiếm dụng cơ ngơi thờ tự của Đạo từ Trung ương đến địa phương để lèo lái con thuyền Đại Đạo đi lệch hướng, đưa nhơn sanh và Tín Đồ Cao Đài vào con đường Bàng Môn Tả Đạo, phản bội lời Hồng Thệ với Đức CHÍ TÔN và biến nền Chánh giáo trở thành Phàm giáo.

2.2/- Kiến nghị ngày 15. 09. 2017.

Tại trang 10 viết: CHÚNG TÔI XÁC ĐỊNH: HĐCQ là một chi phái mới phát sinh từ gốc Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh từ năm 1997.

Cơ quan HTĐ cầm quyền tư pháp của đạo đã xác định ông Nguyễn Thành Tám là một chi phái từ năm 1997.

3/- Từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế.

Tháng 5-2021 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố Báo Cáo về Tự do Tôn giáo tại Việt Nam năm 2020. Trong báo cáo này, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu sự khác biệt giữa Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 với Chi Phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn.

Ngày 25-7-2019 Bộ Thương Mại Hoa Kỳ hủy bỏ giấy phép tạm độc quyền danh hiệu: DAI DAO TAM KY PHO DO TOA THANH TAY đã cấp cho ông Trần Quang Cảnh (03-02-2015).

Lập pháp, Hành pháp Hoa Kỳ, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tự do Tôn giáo, nhiều tổ chức quốc tế… đã nhận được Hồ Sơ Chi phái 1997: Tác nhân phi chính phủ với thành tích dài lâu vi phạm nhân quyền đối với Đạo Cao Đài do tổ chức BPSOS biên soạn.

Kết luận về cơ sở pháp lý. Căn cứ vào pháp luật Việt Nam: Quyết định 124, Điều 2; Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016; Hiến pháp 2013, Điều 24. Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chánh Trị, Điều 16. Pháp luật Đạo Cao Đài đã đủ để chứng minh các cơ sở tôn giáo trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh tại Điều 2 của Quyết định 124 thuộc về quyền hành đạo của người Đạo Cao Đài 1926. Chi phái 1997 đang chiếm dụng là bất hợp pháp và vi phạm luật công bằng.

Bàn Trị Sự và Tín Đồ Cao Đài cần vận dụng Thánh Lịnh 257 xây dựng chương trình hành đạo, công cử Ban Công Quản 257 để làm việc với các tổ chức quốc tế tạo thế và lực tiến về Tòa Thánh Tây Ninh công cử nhân sự cầm quyền thiêng liêng của đạo.