BBT Blog trích đoạn trong PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐẠO của Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt để cùng học hỏi. Nay kính.
II/- NGƯỜI TRONG ĐẠO ĐỐI ĐÃI NHAU THẾ NÀO?
Ở đời, người ta cần phải giao tiếp (1) với nhau; đối với chư Đạo-Hữu,
sự giao tiếp ta lại có cái tình liên-lạc chí thành, cái nghĩa tương thân chí
thiết. Giao tiếp mà chi? Là để dìu-dắt nhau, nâng đỡ nhau trong đường Đạo và
đường Đời, anh lớn chỉ biểu cho em nhỏ, người rõ đạo bày vẽ cho kẻ chưa thông;
người nầy lầm lỗi kẻ kia chỉ giùm; dưới vui tuân lệnh trên dạy; trên không hổ cho
dưới bày; lấy lẽ hòa nhau, trên khiêm dưới kỉnh; vui-vẻ chung nhau, buồn thảm
sớt nhau, giao lưng đâu cật mà bồi đấp mối Đạo Trời cho rõ là con một cha,
chung thờ một chủ nghĩa.
Đấng Chí-Tôn có giáng cơ dạy như vầy:
" Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
" Cùng nhau một Đạo, tức cùng Cha.
" Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
" Dạy lẫn cho nhau đặng chữ hòa.
Trong đường giao thiệp, ta cần phải lấy hết tấm lòng bác-ái (2), đem
hết tất dạ chí thành (3), mà đối-đãi nhau, thì đạo-tâm ta mới biểu lộ ra cái
gương chân chánh.
Đồng Đạo mà chẳng biết thương nhau, chẳng vãng lai thù tạc nhau, cứ nhà
ai nấy ở, ai khôn dại mặc ai, ai hoạn nạn thây ai, bo bo cứ giữ câu "Độc
thiện kỳ thân" (4) thì trái hẳn với chủ-nghĩa Đại-Đồng (5) của Đạo
Trời lắm đó.
1.
Tín-Đồ
Đứng vào hàng Tín-Đồ, cần phải kính tuân chư chức-sắc Thiên-Phong, vì
chư Thiên-Phong là người đã thọ lãnh nơi Thượng-Đế một cái thiên-chức đặc-biệt
để thông truyền chánh giáo; người vẫn có cái quyền sai khiến chư Tín-Đồ về việc
phải trong Đạo. Dầu bậc Thiên-Phong mà tài sơ tuổi nhỏ hơn mình đi nữa, hàng
Tín-Đồ cũng chẳng nên hổ mình tùng sự, hoặc là vượt bực khinh khi ganh-gổ, vượt
bực khinh khi ganh-gổ tức là buộc vào mình cái tội vi lịnh cùng Thượng-Đế vậy.
Vả lại, chức-sắc Thiên-Phong chỉ có cái giới hạn trong khi hành sự mà
thôi, ngoài ra toàn là người đồng đạo với nhau, tức là Đạo-hữu với nhau vậy.
2.
Chức-sắc
Đối với hàng Tín-Đồ, chư chức-sắc Thiên-Phong cần phải có cái hạnh
khiêm-cung từ nhượng; phải dùng lời dịu ngọt mà dạy-dỗ kẻ dưới quyền mình; phải
lấy nét ôn hòa mình điều độ nhau; phải chỗ khiến thì khiến; không phải việc sai
chớ nên sai, đừng làm điều chi quá phận sự mà ra lẽ chuyên quyền. Chẳng nên tự
cao, tự phụ; mình may nhờ tiền căn cựu-phẩm hoặc là công cả quả dày nên mới
được chức Thiên-Phong, biết đâu trong hàng Tín-Đồ lại không có lắm người tài
cao đức trọng hơn mình?
Chư Chức-sắc và chư Tín-Đồ mà đối đãi nhau cho có thái-độ ôn-hòa
thảo-thuận thì trên không chinh, dưới không mích, ấy là một lễ hiến cho Đấng
Chí-Tôn rất long trọng đó vậy.
(1) Giao-tiếp là
lân-la lai vãng cùng nhau.
(2) Lòng bác-ái là lòng đại từ-bi thương xót sanh linh hơn thân mình.
(3) Chí-thành là mỗi việc đều lấy lòng thành-thật mà đối đãi nhau trong đường
Đạo và đường đời.
(4) Độc thiện kỳ thân là lo cho một mình mình lành mà thôi.
(5) Đại-đồng là cả thảy nhân-loại đồng một thể với nhau (Grande Unité humaine).