Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

3452. TÀI LIỆU HỌC TẬP: GIÁO LÝ CĂN BẢN (Môn Đạo Sử: Bài 1)

 BÀI 1: ĐỨC CHÍ TÔN DẠY CÁCH VIẾT SỬ.


Đức Chí Tôn dạy viết sử qua cổ pháp và thi văn.

1/- Cổ pháp.

Đức Chí Tôn dụng tinh hoa của tam giáo để lập ra Đại-Đại Tam-Kỳ Phổ-Độ. Tinh hoa của Tam giáo: Xuân Thu, Bình Bát Vu và Phất Chủ (đứng đối diện và tính từ trái qua phải). Quyển Xuân Thu (Biểu tượng Nho Giáo). Bình Bát Vu (Biểu tượng Thích Giáo), Cây Phất Chủ (Biểu tượng Lão Giáo). Tân Luật của đạo thể hiện sự quy nguyên tam giáo.


Xuân Thu là bộ Biên Niên Sử do Đức Khổng Phu Tử soạn.

Biên niên là ghi chép sự việc đúng thứ tự thời gian nó diễn ra. Sự thật thế nào thì phải ghi đúng thế ấy, không đặng tự ý bỏ bớt hay thêm vào. Sự việc và thời gian có thứ tự trước sau rõ ràng.

Biên niên là tiêu chuẩn đầu tiên chớ không phải là duy nhất.

Kinh Xuân Thu (còn gọi Lân Kinh) là bộ Biên Niên Sử về nước Lỗ năm 722 TCN tới năm 481 TCN. Kinh Xuân Thu ghi lại 12 đời vua nước Lỗ kể từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công. Nhưng tác phẩm không gói gọn trong phạm vi nước Lỗ mà ghi chép cả thời đại (nhà Châu và nhiều nước khác kể cả thiên văn và khoa học...) Đây là văn bản lịch sử Trung Quốc sớm nhất còn lại và được ghi chép theo các quy tắc sử biên niên. Nội dung cực kỳ súc tích.

Trong Bộ Xuân Thu ngoài tính biên niên Đức Khổng Tử còn phê bình các nhân vật hay triều đại trong đó. Phê bình thì có khuôn thước, tiêu chuẩn, lập trường và quan điểm rõ ràng. Ngài đã đứng trên quan điểm nhân đạo và nhân văn mà phê bình các nhân vật hay các triều đại.

Trang Tử nhận định rằng: Xuân Thu dĩ đạo danh phận (Sách Xuân Thu là để nói cái đạo danh và phận).

Người đời sau nhận định về giá trị phê bình trong Kinh Xuân Thu: Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt. (Một chữ khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa.) Những vị vua hung bạo, tàn ác với dân chúng Ngài không nhìn đó là vua nên viết: Ta nghe nói giết đứa Kiệt, Trụ chớ không nghe nói giết vua Kiệt, vua Trụ.

Ngài để hết tâm huyết xây dựng con người công nghĩa và xã hội có kỷ cương minh chánh vào tác phẩm nên tự thán rằng: Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ! (Người biết ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu).

2/- Thi văn:

Phong Thần đừng tưởng chuyện mờ hồ,
Giữa biển ai từng gặp lão Tô.
Mượn thế đặng toan phương giác thế,
Cũng như nương viết của chàng Hồ.

Câu 1: Một sự việc luôn luôn có hai mặt rõ ràng và mơ hồ. Phải biết chắt lọc để đi đến sự thật. (1)

Câu 2: Tô là Tô Đông Pha (1037-1101). Thông minh nhưng vẫn bị hố vì thiếu sự trải nghiệm nên sửa thơ Vương An Thạch (1021-1086). Trong cuộc sống có lý và sự. Phải cân nhắc để tiến đến sự thật. (2).

Câu 3: Văn tự vốn là phương tiện để truyền tải kiến thức và kinh nghiệm với tha nhân. Tự thân văn tự có 2 mặt tốt và xấu. Phải dùng nó để phụng sự theo luật tấn hóa. Văn dĩ tải đạo.

Câu 4: Hồ là Đổng Hồ, ông quan Thái Sử nước Tấn thời Đông Châu. Ông viết về án Đào Viên: "Triệu Thuẫn thí kì quân Di Cao". “Mùa Thu, tháng bảy, năm Ất Sửu Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao ở Ðào Viên”.

Triệu Thuẫn giật mình kinh sợ nói: Quan Thái Sử lầm rồi! Ta đã chạy ra Hà Ðông cách kinh thành hơn trăm dặm, Ta có biết đâu đến việc giết vua, mà quan Thái Sử chép vậy thật là oan cho Ta lắm!

Ðổng Hồ nói: Ngài làm quan Tướng Quốc, trốn đi chưa khỏi địa giới nước nhà mà đã có việc giết vua, khi ngài về lại không trị tội quân giặc, như thế mà bảo không phải ngài chủ mưu, còn ai tin được?

Ông nhất định viết đúng sự thật. (3)

3/- Kết luận.

Qua cổ pháp và thi văn Đức Chí Tôn dạy viết sử là phải đúng sự thật, phải chắc lọt cho ra được sự thật và phải có thứ tự. Viết sử là lập ngôn. Lập ngôn để giúp cho xã hội hiểu đúng việc lành, việc dữ để xây dựng xã hội theo luật tấn hóa và phụng sự.

(1)/- Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2978-ty-bien-nien-tt3-2013.html

(2)/- Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2979-ty-bien-nien-2013-tt4.html

(3)/- Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2980-ty-bien-nien-2013-tt-5.html

(4)/- Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2981-ty-bien-nien-2013-tt-6.html