Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

3441. Chuyện mới chuyện cũ (Phần 1)

 Chuyện mới chuyện cũ (Phần 1)

Nguyễn Thông

8-7-2021

Hôm qua ồn ào thông tin mật mà tòe loe, kín mà hở, rằng Sài Gòn sẽ bị lockdown (tạm dịch là phong tỏa). Lập tức có ngay những ông bà quan cai trị (chắc bị đẩy làm người phát ngôn nhất thời) đứng ra tuyên bố đó là tin đồn nhảm trên mạng xã hội. Với thể chế này, những thứ trên mạng xã hội, và cả chính mạng xã hội nữa, đều rất chi bố lếu bố láo. Lại nhớ từng có khá nhiều facebooker bị phạt, ít thì 2-3 triệu, nhiều thì 5-7 triệu đồng, về cái tội cầm đèn chạy trước ô tô.

LINK: https://baotiengdan.com/2021/07/08/chuyen-moi-chuyen-cu/


Hôm nay 7.7 (song thất nhật), tin “đồn nhảm” đã thành sự thật. Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền Saigapore chính thức công bố từ sau 0 giờ ngày 9.7, tức nửa đêm mai, sẽ thực hiện chỉ thị 16 trên toàn thành phố, trong 15 ngày, rồi tùy tình hình sẽ tính tiếp. Gọi chỉ thị 16 cho văn vẻ thế thôi, chứ thực ra là phong tỏa, cách biệt, ngăn cách, theo kiểu dân mạng là lockdown.

Tôi sống từ bé tới giờ ở thế chế này nên biết cái cách họ nói một đằng làm một nẻo, nhưng cứ ngoan cố giấu diếm. Họ chỉ cốt giấu được tới đâu hay tới đấy, nhưng họ không nghĩ rằng cách ấy cực kỳ tai hại, bởi thiên hạ sẽ không tin vào bất cứ thứ gì họ nói nữa, hoặc họ nói gì thì cứ phải hiểu ngược lại.

Nhân vụ này, tôi kể lại chuyện họ mấy lần đổi tiền, cũng cung cách đó, rất chi là… bản chất ngoan cố.

***

Chuyện đổi tiền

Tháng 4.1978. Tôi vào Sài Gòn đã tròn năm. Một năm ròng với biết bao đổi thay khi chính thức bước vào đời. Hồi còn sinh viên, mọi thứ thật đơn giản, trong trẻo, ngay cả sự vất vả, đói khổ, thiếu thốn cũng được nhìn nhận rất nhẹ nhõm. Giờ thì thay đổi tận gốc. Chả khác gì cuộc vật lộn với đời, lăn vào bãi bể nương dâu. Lúc này sống được đã khó, chống chọi lại đủ thứ tai ách bủa vây lại càng khó hơn.

Đến khi tôi gõ những chữ này, thời gian đã trôi qua hơn 40 năm rồi, nên trí nhớ về ngày tháng cứ chập chờn, nhớ nhớ quên quên. Người ta bảo “cái gì không biết thì tra gu gồ”, nhưng tôi nhớ được đến đâu kể đến đấy, kệ cụ gu gồ. Láng máng là sát cuối tháng 4.1978, một buổi tối, chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn Trường dự bị đại học Tiền Giang (91 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM) gọi đám anh em giáo viên trẻ miền Bắc chúng tôi lại, bảo rằng sáng mai có mặt để làm theo sự phân công của nhà trường.

Cũng đoán được phần nào chuyện gì rồi bởi tin đồn đổi tiền đã rộ lên từ mấy hôm. Phường tôi ở là trọng điểm người Hoa tại Sài Gòn, họ đang chộn rộn, hoang mang lắm. Suốt mấy tối liền, tivi ra rả lên tiếng kêu gọi người dân cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác, tin đổi tiền là đồn nhảm, do bọn phản động chống phá cách mạng, do bọn bành trướng Bắc Kinh xúi giục, bà con đừng có tin…

Hết lãnh đạo phường, đến quận, đến thành phố lên tivi trấn an dân chúng, vẫn điệp khúc hãy tin chính quyền, đừng mắc mưu kẻ địch. Đám công chức, giáo viên chúng tôi thực ra chả quan tâm lắm bởi làm gì có tiền mà đổi. Lương tháng 64 đồng, không có thêm bất cứ phụ cấp hoặc thu nhập gì, còn gọi lương 3 cọc 3 đồng, vào đúng thời điểm đói rách, ăn độn, thiếu thực phẩm, đói vàng cả mắt nên có đồng nào chén sạch đồng ấy, lấy đâu tiền dành dụm mà đổi. Tuy vậy, cả đêm khó ngủ, chờ đến sáng hôm sau.

Đồng tiền mệnh giá 10 đồng này (mệnh giá cao nhất trước năm 1978) còn được dân gian âu yếm đặt tên là “cụ mượt”. Ảnh tư liệu

Mới tờ mờ sáng 3.5, khác hẳn mọi hôm, loa phường đã oang oang, thông báo lệnh đổi tiền. Nội dung cho biết đổi ở đâu, mỗi người được đổi bao nhiêu, mỗi hộ bao nhiêu… Số cán bộ, giáo viên trường tôi được đổi tại trụ sở ủy ban phường 9 trên đường Nguyễn Tri Phương, đối diện Trường cấp 3 Trần Khai Nguyên. Chú Thăng dặn dò, nhớ nhé, mỗi người được đổi 100 đồng, một hộ gia đình được đổi 200, nếu nhà đông người được tối đa 500 đồng. Ai hoặc gia đình nào có nhiều tiền hơn số quy định phải làm bản khai cụ thể, tiền đó ở đâu ra, rồi số tiền ấy sẽ được gửi vào ngân hàng nhà nước, sau này xác minh là tiền chính đáng thì rút ra dần, còn không rõ ràng sẽ bị tịch thu.

Đó là ở thành phố, chứ vùng nông thôn, như Tiền Giang chẳng hạn, mấy thầy cô cùng trường tôi cắm trụ dưới cơ sở 2 than trời, bởi cá nhân chỉ được đổi 50 đồng, hộ gia đình 100 đồng, hộ đông người tối đa 300 đồng. Nhà tôi quê ngoài Phòng cũng vậy, bu tôi chịu khó buôn bán, tiết kiệm dành dụm, ăn chả dám ăn, tiêu chả dám tiêu, đổi có 300 đồng nên bị mất ối tiền, nhưng bu tôi giấu không cho cả nhà biết, sợ bị… mắng.

Tôi vét voi mãi chỉ còn chưa đầy 2 chục, chẳng vội vàng gì. Lão Vy (Nguyễn Văn Vy đồng nghiệp, đồng hương, đồng môn của tôi) cùng chẳng khá hơn, hình như có 21 hay 22 đồng. Độc thân cần quái gì dành dụm. Tay học sinh bộ đội đi học chơi thân với chúng tôi, Đào Gia Thiệp người Thủy Nguyên, có những hơn 4 chục. Cả đám cười như nghé. Đang dập dờn định kéo nhau ra ủy ban phường, thì chị em cái Thu người Hoa bán tạp hóa-cà phê ở dưới phố hớt hơ hớt hải chạy lên kiếm. Tôi hay trò chuyện với Thu nên nó cũng mến tôi, nó bảo anh ơi, nếu các anh chưa đủ suất thì đổi giúp em với.

Ba đứa chúng tôi nhận lời, cái Thu đếm tiền đưa 200 đồng, cứ cảm ơn rối rít, rồi chạy vụt về, có lẽ đi tìm tiếp người khác nhờ đổi. Nhà nó buôn bán nên có tiền. Ngoài ủy ban phường không khác cái chợ vỡ. Mặc cho công an phường và dân phòng vòng trong vòng ngoài, dân chúng cứ rên rỉ, la hét, than thở, chửi bới, năn nỉ, thôi thì đủ kiểu. Một ông sồn sồn nhìn là biết ngay người Hoa, lớn tiếng, giọng lơ lớ, tỉu hà ma chúng bay, chúng bay là quân lừa đảo, quân ăn cướp, cướp không mồ hôi nước mắt của chúng ông. Mấy cậu thanh niên cờ đỏ đến nói gì đó, ông nhổ phì một phát, bỏ đi không thèm nói thêm một lời.

Thực ra chỉ có bọn người nhà nước chúng tôi và dân lương thiện ngây thơ tin vào tuyên truyền của nhà nước thôi, chứ đám có tiền họ đã ngóng đón trước rồi. Tôi nghe kể hôm qua có gia đình người Hoa ở chợ An Đông còn mua cả cần xé vé số để nếu hôm sau xổ số mà trúng sẽ có tiền hợp pháp. Chú Thăng bảo rằng đổi tiền thế này về hình thức chỉ nhằm đánh vào bọn tư sản thôi, chứ công nhân viên chức ba cọc ba đồng đâu có ảnh hưởng gì.

Rồi ông nói nhỏ, cũng là một dạng ăn cướp, ăn cướp hợp pháp. Đau nhất là cướp chính của dân. Còn tôi thì hiểu rằng từ sau vụ này khó mà tin được người nhà nước, tin vào mấy ông lãnh đạo, tin vào đài báo, tivi nữa. Mới hôm trước khăng khăng rằng không đổi tiền, hôm sau tráo trở nuốt lời làm ngược lại.

Xã hội sau vụ đổi tiền chả khác gì trải qua cơn bão, đầy bi kịch. Mấy hôm sau, nghe người ta kể lại có những người bị mất của, sạt nghiệp do đổi tiền đã thắt cổ hoặc nhảy cầu tự tử. Cộng đồng người Hoa bị đánh đòn kinh tế nốc ao này càng thêm chán ngán, họ rục rịch chuẩn bị kéo nhau về Hồng Kông hoặc Trung Quốc. Số người vượt biên ngày càng tăng nhanh. Trường tôi cũng có mấy thầy cô ra đi, trong đó có thầy Đái Phụng Thời, dạy toán, Phó bí thư Đoàn trường, bạn tôi. Số tiền mà chị em Thu nhờ đổi, chúng tôi lĩnh xong đưa trả lại không thiếu đồng nào. Một thời gian sau chị em Thu cũng vượt biên. Cả đứa học trò tôi là Trịnh Hảo Tố Như, người Hoa, nhà số 41 Nguyễn Chí Thanh, ngay sát ký túc xá 43 Nguyễn Chí Thanh tôi ở, cũng cùng gia đình lặng lẽ đi trong đêm, sáng hôm sau khi tôi xuống phố mới biết.

Cuộc đổi tiền năm 1978 đã gây ra bao nhiêu bi kịch, tang thương. Kẻ cai trị mới đã lộ rõ bản chất ăn cướp, mà đối tượng không ai khác chính là nhân dân. Kinh tế chẳng những không khá hơn mà ngày càng lụn bại. Và càng bi kịch hơn nữa, sau đổi tiền có vài tháng, đồng tiền lại mất giá nhanh vùn vụt, gần như chẳng còn bao nhiêu giá trị. Thày Vy đùa bảo không khác gì tờ giấy lộn, còn tệ hơn cả khi chưa đổi.

(Còn tiếp)