Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

3443. Chuyện đổi tiền (Phần 3): Cuộc đánh úp ăn cướp năm 1985

 Chuyện đổi tiền (Phần 3): Cuộc đánh úp ăn cướp năm 1985

Nguyễn Thông

11-7-2021

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Ngày 14.9, ông anh trai tôi đang là trưởng phòng ngoài Sở Tư pháp Đà Nẵng đưa đoàn cán bộ vào Sài Gòn công tác. Anh là trưởng đoàn nên có nhiệm vụ giữ tiền ăn, tiền sinh hoạt cho cả đoàn. Tôi kể chuyện có tin đồn đổi tiền, anh Uy tôi bảo nếu đổi thì đổi chứ có sao.

LINK: https://baotiengdan.com/2021/07/11/chuyen-doi-tien-phan-3-cuoc-danh-up-an-cuop-nam-1985/


Đến chiều cùng ngày, lại thêm ông em họ bên vợ tôi từ An Giang lên Sài Gòn, ôm một đống tiền để mua đinh, mua sắt thép, nhà nó có sạp hàng kim khí ở chợ Mỹ Luông, thị trấn huyện Chợ Mới. Người thứ ba nghe tôi bật mí chuyện đổi tiền là nó. Nó, cậu Tư Trung lo lắng bảo chỉ mong sao sáng mai em mua hàng, trả hết tiền hàng xong, về đến quê thì hãy đổi. Cả nhà tôi, cả ký túc xá 43-45 Nguyễn Chí Thanh quận 5 nơi tôi ở, sống trong tâm tạng hồi hộp, phấp phỏng lo sợ, cứ như chuẩn bị đón cơn bão lớn.

Cũng như lần trước, nhà nước đánh úp dân, quyết cướp tiền mồ hôi nước mắt của dân. Không có cách nói nào chính xác hơn. Họ đổi tiền cốt nhắm điều ấy chứ không có mục đích nào khác. Tất cả mọi lý do họ đưa ra đều là lừa dối. Đổi tiền chỉ có dân chết bởi phần lớn dân chúng luôn sẵn lòng tin vào nhà nước.

Đám xì thẩu người Hoa lần này bình chân như vại. Sáng sớm 15.9, loa phát lệnh, giống như thiết quân luật, ai ở đâu ở yên đó để nghe nhà chức trách thông báo. Việc đổi tiền sẽ chính thức tiến hành từ 6 giờ sáng 15.9. Loa nói rằng nhà nước đang tiến hành cải cách kinh tế để đưa nền kinh tế đất nước tiến lên vững chắc theo con đường xã hội chủ nghĩa, cụ thể sẽ làm cuộc cách mạng về giá – lương – tiền. Đổi tiền để đảm bảo giá trị của đồng tiền ngân hàng nhà nước, giá cả sinh hoạt, giá trị đồng lương. Lần này đảng và nhà nước sẽ kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, đẩy lùi những khó khăn, thiếu thốn. Đồng bào hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước. Hãy thực hiện đổi tiền trong trật tự, theo đúng quy định, v.v..

Theo đúng quy định, nghĩa là kỳ này 1 đồng tiền mới ăn 10 đồng tiền cũ, mỗi cá nhân chỉ được đổi 100 đồng mới (tôi nhớ đồng tiền này màu nâu). Hộ có 3 người như gia đình tôi được đổi tối đa 250 đồng, hộ đông người như nhà chú Thăng được đổi tối đa 500 đồng. Để có được 250 đồng mới, tức là nhà tôi phải có 2.500 đồng, gớm, có mà ăn cướp ngân hàng cũng chả kiếm đâu ra số tiền lớn như thế. Chỉ có điều, lần này chị em cái Thu dưới phố cũng không thấy lên nhờ vả, mà có nhờ tôi cũng chẳng dám nhận bởi còn bọc tiền quỹ mà ông anh đang giữ, lỡ có bề nào anh ấy nhờ thì mình phải giúp. Và nhất là tiền mua đinh mua sắt của cậu Tư Trung, phải giúp nó, chứ không thì gay. Khốn nạn nhất trong lần đổi này là thứ quy định tỷ lệ 1 ăn 10, ngang nhiên trắng trợn công khai cướp không 9 đồng bạc của dân.

Ngoài điểm đổi tiền, cũng vẫn chỗ cũ, trụ sở UBND phường 9, quận 5 trên đường Nguyễn Tri Phương, tiếng loa ra rả thông báo cuộc đổi tiền bắt đầu từ 6 giờ sáng, kê khai đến 12 giờ trưa, lượng tiền được đổi… Như đã nói, ghê nhất là 1 ăn 10, và chỉ được đổi tối đa lấy 100 đồng tiền mới, có bao nhiêu cũng mặc lòng. 100 đồng ấy cho nhận ngay. Số còn lại, sẽ căn theo bản kê khai, nếu xét thấy hợp lý thì về sau sẽ trả tiếp, còn không thì tịch thu. Phải nói, đó là cuộc ăn cướp có bài bản, được nhà nước và pháp luật bảo trợ.

Đang có 10 đồng, tự dưng chỉ còn 1 đồng, mất tiêu 9 đồng, dù nhà nước khuyến cáo rằng 1 đồng mới có giá trị bằng 10 đồng cũ nhưng thị trường đâu có chấp nhận sự duy ý chí ấy. Thực tế cho thấy chỉ khoảng vài tháng sau (tôi nói vài tháng là hơi nhiều), đồng tiền mất giá xuống nhanh như tên bắn, lại gần trở về mốc lạm phát cũ. Vài tháng đầu sau đổi tiền còn bị hiện tượng hiếm tiền lẻ, đi ăn bát phở bình dân, đi cúp cái tóc, đưa tờ 50 đồng màu xanh hoặc tờ 100 màu nâu ra, người ta lắc đầu quầy quậy bởi không có tiền thối (trả lại), có khi phải nhịn đói mà về.

Hồi đó người ta ưu tiên cho 2 đối tượng “tiền lẻ, thẻ thương binh”. Tuy nhiên, chỉ vài tháng, đồng tiền mệnh giá 100 đồng còn giá trị phân nửa, và cứ xuống đến tận đáy trong một nền kinh tế èo uột thảm hại, do khan hiếm hàng hóa, vốn là thứ để bảo đảm giá trị đồng tiền.

Ông anh tôi đeo cái túi đựng tiền của cơ quan ra điểm đổi tiền, xếp hàng giữa muôn trùng người chen lấn, mồ hôi đầm đìa. Cậu Tư Trung em vợ tôi cũng vậy. Tôi đứng ngoài nhìn vào mà chịu, chả làm sao giúp được. Hai vị ấy đến gần 12 giờ mới kê khai xong, nhà chức việc hẹn ngày mai ra giải quyết tiếp. Về đến nhà, ông nào ông nấy khướt như cò bợ, chán nản mệt mỏi chả muốn ăn uống gì. Ông Uy còn phát hiện chiếc túi xà cột đựng tiền (túi bằng da đem từ Liên Xô) về bị rạch một đường rõ dài, sắc lẻm. May mà nó có nhiều lớp, tiền để phía trong nên không mất đồng nào.

Đổi tiền, về nguyên lý, là để cứu nền kinh tế khi đồng tiền bị mất giá, lạm phát quá cao (ngoài trường hợp thay đổi chế độ thì dĩ nhiên đồng tiền phải đổi) nhưng thực chất chỉ đánh vào người dân, người làm ăn chân chính. Nó là cuộc cướp bóc trắng trợn, nhưng cũng đầy thủ đoạn, không cần biết gì đến thiệt hại của dân chúng.

Nhiều người, nhất là người về hưu, người già, dành dụm hoặc được con cháu cho ít tiền, đem gửi tiết kiệm lấy tiền lãi sống qua ngày, đến khi đổi tiền bị mất gần hết, 10 đồng chỉ còn 1, rồi tiền mất giá thì coi như mất hết. Sau cuộc đổi tiền 1985, hàng triệu người bị rơi vào bi kịch tán gia bại sản ấy. Người ta hay kể với nhau chuyện ai đó bán con bò, đem tiền gửi tiết kiệm, tiền mất giá, sau đổi tiền chỉ còn mua được vài ký thịt. Cười ra nước mắt.

Tôi có đọc đâu đó, nhà văn Ma Văn Kháng kể ông được in cuốn tiểu thuyết (cuốn gì tôi quên tên bởi đã lâu), nhà xuất bản trả tiền nhuận bút đủ mua căn nhà tầng rộng rãi. Người bán đã đồng ý nhưng hơi bị vướng chuyện anh em trong nhà tranh chấp nên phải đợi họ dàn xếp. Chưa xong, đùng phát đổi tiền. Văn sĩ Ma Kháng ấm ức đi đổi, vài tháng sau tiền ấy chỉ đủ mua vài mét vuông. Nhà không được mà tiền cũng mất. Đau hơn hoạn. Trường hợp bị cướp như bác Kháng nhiều lắm, ai oán lắm.

Sau này, người ta cứ đổ qua đổ lại thất bại của chính sách giá – lương – tiền, của cuộc đổi tiền năm 1985 “đêm trường dạ tối tăm trời đất” cho ông Tố Hữu, nhà thơ làm kinh tế. Đành là ông Tố Hữu cũng có trách nhiệm bởi ông ấy làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó thủ tướng thứ nhất) chuyên trách về kinh tế, nhưng trút hết rác rưởi vào ông nhà thơ là hành vi tầm thường, tiểu nhân của đám cầm đầu. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng) khi đó là ông Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư là ông Lê Duẩn, rồi còn đám ông Đỗ Mười, Phạm Hùng, Trường Chinh, bao nhiêu ông thét ra lửa, cuối cùng chạy tội, né tránh cả.

Đến đại hội 6 vào tháng 12.1986, ông Tố Hữu bị đá văng ra, và người ta xoa tay coi như đã làm hả hê lòng dân chúng khi trị tội một kẻ đã đẩy nền kinh tế của đất nước, cuộc sống của mấy chục triệu người đến bờ vực thẳm. Cũng chỉ là trò Tào Tháo mượn đầu quan coi lương Vương Hậu để yên lòng quân sĩ thời Tam Quốc mà thôi.

Những kẻ tham quyền cố vị, dốt nát, chỉ cốt bảo toàn đường lối chính trị, khi chúng làm kinh tế, ắt chúng sẽ phá nát nền kinh tế. Một xã hội cứ đổi tiền xoành xoạch, đủ biết tài cán làm kinh tế của những kẻ cai trị đến mức nào. Đồng tiền thấm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt con người, in dấu số phận con người, trong tay những kẻ ấy, cũng chả khác chi tờ giấy lộn. Cho nên, cứ nhớ đến chuyện đổi tiền lại rùng mình khiếp đảm.

Đổi tiền ở xứ này là hành vi tội ác, cướp bóc, nằm trong một loạt hành vi ghê gớm tàn bạo mà họ đã gây ta trên đất này, tất cả đều trút xuống đầu dân chúng và những người tốt. Đó là các vụ: cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo công thương nghiệp, quốc hữu hóa, hợp tác xã, Z30, tịch thu nhà cửa của nhà giàu, đổi tiền… Gây ra biết bao khốn đốn cho đất nước, dân tộc, nhân dân, nhưng cho tới giờ họ vẫn chưa chính thức có một lời xin lỗi.