Hà Lan hiện tại và quá khứ khai thác nô lệ đẫm máu
- Cath Pound
- BBC Culture
Những bức chân dung toàn thân lộng lẫy của danh họa Rembrandt vẽ Oopjen Coppit và chồng bà là Marten Soolmans là hai trong số những tài sản quý giá nhất tại Rijksmuseum ở Amsterdam - bảo tàng lịch sử và nghệ thuật quốc gia đầy uy tín của Hà Lan.
link: https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cul-57697364
Ăn vận trang phục lộng lẫy, tinh tế và được vẽ theo cách chỉ người giàu nhất mới có thể chi nổi, đôi vợ chồng này là hiện thân của kỷ nguyên thịnh vượng kinh tế và thăng hoa nghệ thuật, vốn thường được nhắc đến là 'Thời Hoàng kim Hà Lan'.
Nhưng đi sâu hơn sẽ thấy bức chân dung này kể một câu chuyện phức tạp và đáng buồn, bởi vì ông Soolmans làm giàu từ việc tinh chế đường sử dụng nhân công là lao động nô lệ làm việc tại các đồn điền ở Brazil.
Tìm cách biện minh
Trong hơn 250 năm, Hà Lan có các thuộc địa rộng lớn ở các vùng đất mà ngày nay là Indonesia, Nam Phi, Curaçao, New Guinea - và hơn thế nữa - nơi đàn ông, đàn bà và trẻ em nô lệ bị đối xử gần như không phải là con người.
Chế độ nô lệ thường được cho rẳng chỉ là việc làm của một nhóm thiểu số người Hà Lan ở nước ngoài. Tuy nhiên, một triển lãm đột phá mới tại Bảo tàng Rijksmuseum hé lộ chế độ nô lệ từng lan tỏa ở mọi cấp độ xã hội, cả ở các thuộc địa lẫn chính quốc, và để lại một di sản vẫn còn ảnh hưởng trên khắp đất nước cho đến ngày nay.
"Không chỉ có giới tinh hoa mà còn có các nghệ nhân kiếm sống bằng cách làm nhà thầu phụ hoặc nhà cung cấp, như thợ rèn hay thợ mộc làm việc ở cầu cảng chuyển hàng hay thư ký soạn hợp đồng. Nếu nhìn vào toàn bộ dây chuyền, thì nó đan cài trong xã hội Hà Lan nhiều hơn là chúng ta từng nói. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nói với du khách đến đất nước chúng tôi rằng đó không chỉ là lịch sử diễn ra ở các thuộc địa xa xôi, nó thực sự là lịch sử đất nước chúng tôi và liên quan đến tất cả chúng tôi," người phụ trách mảng lịch sử ở Rijksmuseum, Eveline Sint Nicolaas, nói với BBC Culture.
Người Hà Lan theo đạo Tin Lành ban đầu miễn cưỡng tham gia vào việc buôn bán nô lệ, và một mục sư gọi đó là 'sai lầm của Giáo hội' do người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha gây ra.
Tuy nhiên, thái độ bắt đầu thay đổi khi người Hà Lan mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
"Rõ ràng là nếu muốn cạnh tranh và vượt lên trên người Bồ Đào Nha thì người Hà Lan phải tham gia buôn bán nô lệ, và điều đó đã thay đổi thông điệp mà nhà thờ truyền bá," Sint Nicolaas nói.
"Họ tìm kiếm những câu chuyện trong Kinh Thánh để hợp pháp hóa chế độ nô lệ, và lập luận rằng Kinh Cựu Ước nói rằng chế độ nô lệ là chấp nhận được, vì trong Kinh Thánh có kể về chuyện Noah nguyền rủa con cháu của Ham là sẽ phải làm nô lệ," bà giải thích.
Họ nói vậy mặc dù Kinh Thánh không hề nói trắng ra rằng Ham là người da đen. "Đó là lập luận phức tạp đến mức tôi luôn thấy khó mà hiểu được nó có thể xảy ra... nhưng chỉ có vài giáo sĩ đặt nghi vấn, và sau đó là biến 'người kia' thành không phải con người," Sint Nicolaas nói.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải chỉ ra rằng phân biệt chủng tộc không phải là điều luôn tồn tại," Valika Smeulders, người đứng đầu bộ phận lịch sử của Bảo tàng Rijksmuseum, nói.
"Phân biệt đối xử thì đâu cũng có, nhưng hợp pháp hóa nó thành hệ thống mà ở đó một nhóm người nào đó bị coi đương nhiên sinh ra là để phục dịch những người còn lại trên thế giới, thì đó là điều được chủ nghĩa thực dân dựng nên. Khi chủ nghĩa thực dân cáo chung, nó càng được củng cố thông qua các ý tưởng phân biệt chủng tộc 'khoa học'. Phân biệt chủng tộc sinh ra từ chủ nghĩa thực dân, chứ không phải ngược lại."
Để đi đến chấp nhận lịch sử thì cần phải đối mặt với một số sự thật không dễ chịu cho một quốc gia từ lâu coi mình là khoan dung. Bản thân bảo tàng Rijksmuseum cũng nhận ra họ đã chậm chạp trong việc kể lại những câu chuyện này.
"Chúng tôi nghĩ không có đối tượng để kể câu chuyện này và đó là cản trở lớn để tay vào việc," Sint Nicolaas giải thích.
Lịch sử cá nhân
Cuộc triển lãm mất nhiều năm để lên kế hoạch và phải tuyển thêm nhân viên mới có chuyên môn cũng như trải nghiệm cá nhân phù hợp.
Trong số này có Smeulders, vốn sinh ra ở Curaçao và di cư từ Hà Lan đến Suriname vào năm 1976, khi nơi này vừa giành được độc lập.
"Tổ tiên của tôi là người châu Âu, châu Phi và châu Á. Họ là người chủ nô, là nô lệ và lao động di cư. Lịch sử thuộc địa rối rắm này đã được nhìn nhận ở vùng Caribbe với tốc độ nhanh hơn so với châu u, nhưng chúng tôi hiện đang làm theo hướng đó," bà nói.
Để làm vậy, bảo tàng quyết định tập trung vào câu chuyện của các cá nhân sống trong chế độ nô lệ - những người được lợi từ chế độ đó, những người phải chịu khổ trong chế độ đó, và cuối cùng là những người đứng lên phản kháng chế độ nô lệ.
Tập trung vào lịch sử xã hội thay vì lịch sử kinh tế của chế độ nô lệ là điều đặc biệt quan trọng khi kể câu chuyện về những người bị bắt làm nô lệ, "những người có tên tuổi và câu chuyện thay vì 'nô lệ' vô danh được ghi là 'hàng vận chuyển' trong tài liệu lưu trữ," Sint Nicolaas nói.
Khai chứng trực tiếp từ các nô lệ là rất hiếm vì việc biết đọc, biết viết là điều bị cấm ở hầu hết thuộc địa, vì vậy đội ngũ bảo tàng đã phải tái thẩm định một cách thấu đáo các hiện vật trong bộ sưu tập của họ, cẩn thận diễn giải các tài liệu viết đương đại và sử dụng lịch sử truyền miệng để kể câu chuyện của họ.
Thủ đắc các hiện vật mới, trong đó có một chiếc 'tronco', dụng cụ cùm chân để ngăn nô lệ trốn thoát, và một chiếc 'kappa', ấm đun bằng gang sử dụng trong các đồn điền đường, đã giúp làm cho trải nghiệm của những nô lệ cụ thể hơn.
Kappa có liên hệ với câu chuyện của Wally, người đàn ông nô lệ buộc làm việc ở một đồn điền mía đường ở Suriname.
Căng thẳng leo thang khi một ông chủ mới ở đồn điền tước đi ngày thứ Bảy được nghỉ quý giá - vốn để nhân công giao lưu và trồng trọt cho riêng họ - và khăng khăng đòi nô lệ phải có giấy thông hành mới được ra khỏi đồn điền.
Cuối cùng, toàn bộ nhân công bỏ trốn hàng loạt đến khu rừng xung quanh.
Khi bị bắt, 19 đồng phạm được ân xá, nhưng những người cầm đầu, trong đó có Wally, đã bị kết án tra tấn kinh hoàng và cho chết từ từ.
Nỗi kinh hoàng của câu chuyện chắc chắn trở nên lay động tâm can hơn do tính chất cá nhân của nó, và do biết rằng Wally và các đồng chí của ông đã bị đối xử man rợ dựa trên lập luận tôn giáo giả dối được tạo ra một cách tinh vi vì lợi ích kinh tế.
Không thể không biết
Khi Marten Soolmans mua đường thô từ người trung gian, liệu ông có biết về sự tàn bạo của hệ thống làm ra nó hay không?
Mức độ người dân Cộng hòa Hà Lan nhận thức về các vụ việc tàn bạo ở nước ngoài là điều Smeulders nói cần phải được nghiên cứu thêm.
"Để bắt đầu, mọi người sẽ biết mọi thứ qua gia đình. Những người thuộc giai tầng cao đã đến các thuộc địa có thể tận mắt nhìn thấy chế độ nô lệ, và thủy thủ đoàn các con tàu có thể chứng kiến chế độ nô lệ ngay trước mắt, vì vậy mọi người không thể không biết chuyện gì đang xảy ra," bà nói.
Ngay cả khi vợ chồng ông ta không biết về thực tế tàn bạo của chế độ nô lệ, họ ắt hẳn biết được những người chạy trốn, vì họ chắc hẳn đã thấy những người này trên đường đến xưởng vẽ của Rembrandt nằm ở khu vực có dân số da đen cao nhất ở Amsterdam hồi thế kỷ 17.
Việc tồn tại một cộng đồng da đen có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Về mặt chính thức thì chế độ nô lệ là điều bất hợp pháp và không tồn tại ở Cộng hòa Hà Lan, nhưng điều đó không ngăn cản mọi người mua nô lệ ở thuộc địa rồi đưa về nhà.
Người hầu da ngăm cho thấy chủ nhân thuộc hội tuyển có ảnh hưởng toàn cầu. Một người như vậy có khả năng là Paulus Maurus, mà câu chuyện của ông mở ra thông qua chiếc vòng cổ bằng đồng vốn có thể được truy trở lại ngôi nhà mà ông từng làm việc.
Ban đầu được xếp loại là vòng cổ chó khi nó được đưa vào bộ sưu tập, hồi năm 1881, cách hiểu như thế này đã không được kiểm tra thấu đáo mặc dù vòng cổ tương tự đã được nhìn thấy đeo quanh cổ những đầy tớ gốc châu Phi trong các bức họa, và bảo tàng giờ đây tự hỏi liệu Paulus có từng đeo nó hay không.
Người da đen tự do trong xã hội Hà Lan thời trước
Cuộc sống sẽ như thế nào đối với một người da đen tự do trong xã hội Hà Lan? "Nó phức tạp hơn nhiều so với chúng ta nghĩ," Smeulders nói. "Một mặt họ được chấp nhận, họ có gia đình, con cái... đồng thời họ thuộc nhóm thiểu số và nghe thấy xung quanh đâu cũng là những mô tả thành kiến, họ hẳn là cảm thấy rất khó chịu."
Bản thân Paulus đã kết hôn và có con, và con cháu của ông có thể đang sống ở Amsterdam ngày nay mặc dù họ có thể không biết điều đó.
Sau vài thế hệ, hầu như không thể nhìn ra những người có gene châu Phi," Smeulders nói.
Đàn ông da đen thường lấy phụ nữ da trắng, một điều nữa có thể gây ngạc nhiên cho chúng ta, nhưng vào thời điểm đó không có hạn chế nào đối với hôn nhân khác chủng tộc, và chúng ta chỉ có thể cho rằng định kiến ít phổ biến ở các tầng lớp bình dân.
Smeulders tự hỏi kết quả sẽ là gì nếu lấy mẫu ADN từ số lượng lớn người dân Hà Lan. "Điều tôi tò mò nhất là nó sẽ tác động đến xã hội như thế nào một khi mọi người nhận ra họ có liên hệ cá nhân đến cả hai mặt của câu chuyện," bà nói.
Nhìn từ con tàu
Thái độ xã hội cũng có thể thay đổi nếu các phạm vi khác nhau của lịch sử Hà Lan cũng được nghiên cứu chi tiết hơn.
Các tư liệu lịch sử về sự cáo chung của chế độ nô lệ thường giúp cho những người đòi bãi nô ở châu u có vai trò nổi bật, nhưng những người đấu tranh chống lại chế độ ít được chú ý hơn nhiều.
Điều này đặc biệt gần với lịch sử Hà Lan, do nước này miễn cưỡng đi theo các nước láng giềng châu Âu trong việc bãi bỏ nô lệ. Trong khi Anh bãi bỏ vào năm 1833 và Pháp vào năm 1848 (lần đầu tiên bị cấm là năm 1794 nhưng Napoleon đã thu hồi sắc lệnh vào năm 1802), Hà Lan đã không làm theo cho đến năm 1863.
Triển lãm nêu bật câu chuyện về Tula, một chiến binh tự do ở Curaçao, lấy cảm hứng từ những ý tưởng Cách mạng Pháp.
Khi Cộng hòa Hà Lan nằm dưới sự cai trị của người Pháp vào năm 1795 và trở thành Cộng hòa Batavia, ông lý luận rằng sự cai trị của Pháp cũng được áp dụng đối với các thuộc địa của Hà Lan và những người là nô lệ trước đây được tự do về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, câu chuyện của ông hầu như không được biết đến ở Hà Lan vì giai đoạn Batavia ít được nghiên cứu trong lịch sử Hà Lan.
"Đối với chúng tôi, thời kỳ Batavia là thời kỳ cai trị của người Pháp... nó không bao giờ trở thành một phần bản sắc trong trí tưởng tượng của chúng tôi, và vai trò của người gốc Phi-Caribbe trong thời đại cách mạng đó chưa bao giờ trở thành một phần trong lời kể của chúng tôi, nên những người như Tula bị biến mất hoàn toàn," Smeulders nói.
Suy nghĩ hẹp hòi có tính lịch sử này là điều mà nhà sử học thuộc địa Alex van Stipriaan gọi là 'cái nhìn từ con tàu', lịch sử thống trị giới học thuật cho đến những năm 1980.
"Đó là lịch sử đứng trên một con tàu, nhìn xuống, theo đúng nghĩa đen, các nước thuộc địa và người dân thuộc địa, mà không có bất cứ lời nào từ những người dân thuộc địa," ông nói.
Mặc dù thế giới học thuật đã vượt xa quan điểm đó, nó vẫn bao trùm trong nhận thức công chúng vì một số ít nhà sử học giữ quan điểm này được truyền thông ưa chuộng.
"Chúng được trích dẫn mọi lúc," Van Stipriaan nhún vai nói. Ông coi đây là một phần của chủ nghĩa dân tộc dân túy vốn hiện rõ trên khắp châu Âu. "Ý nghĩ rằng 'bọn họ' đang tìm cách lấy đi lịch sử 'của chúng ta', lấy đi lòng khoan dung 'của chúng ta'," ông nói.
Các bảo tàng cũng có tác động quá mức đến những gì van Stipriian gọi là 'di sản tinh thần của chúng ta'.
Tất cả những bộ sưu tập này đều đại diện cho một cái nhìn lịch sử đầy thiên kiến, xem châu Âu là trung tâm, một lịch sử về người da trắng 'thượng đẳng và người da đen 'hạ đẳng'."
Để hiểu được ảnh hưởng mưa dầm thấm lâu của những luận điệu này, bạn chỉ cần nhìn vào cuộc diễu hành ngày Thánh Nicholas hàng năm, nơi đàn ông và phụ nữ da trắng xuất hiện trong bộ mặt da đen được hóa trang thành Zwarte Piet (Peter Đen).
Theo ông Van Stipriann, trong nhiều thập kỷ, người Hà Lan đã tự thuyết phục rằng "chúng ta không thể nào là những người phân biệt chủng tộc vì chúng ta rất bao dung... đó chỉ là trò đùa, đó là truyền thống của chúng ta," ông nói.
Nhưng thái độ đó đang bắt đầu thay đổi.
Một cuộc tranh luận toàn quốc về Zwarte Piet bắt đầu vào năm 2011 sau khi hai nghệ sĩ/ nhà hoạt động trẻ Hà Lan gốc Phi, Quinsy Gario và Jerry Afriye, mặc áo phông có dòng chữ "Zwarte Piet là phân biệt chủng tộc" trong cuộc diễu hành ở Dordrecht, và năm ngoái, một cuộc khảo sát cho thấy 50% ủng hộ việc thay đổi nhân vật này thành hoàn toàn khác.
"Thay đổi quan điểm một nửa dân số trong 10 năm... ở hoàn cảnh Hà Lan là rất nhanh," Van Stipriaan nói.
Để thái độ xã hội thực sự thay đổi, Van Stipriaan tin rằng lịch sử nô lệ và thực dân phải là một phần của lịch sử quốc gia.
Ông hiện là thành viên của nhóm làm việc cho dự án Bảo tàng Nô lệ quốc gia Hà Lan Xuyên Đại Tây Dương, mà ông tin sẽ là 'cột mốc ở Hà Lan', mặc dù khó có khả năng nó sẽ mở cửa trước năm 2030.
Ông muốn nhấn mạnh rằng "có rất nhiều thay đổi, mọi thứ đang thay đổi, có thể là không phải rất nhanh, nhưng đang có sự thay đổi."
Ông coi việc bổ nhiệm bà Smeulders, người mà ông đã hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ, vào vị trí người đứng đầu bộ phận lịch sử tại bảo tàng Rijismuseum là một phần của thay đổi đó.
"Chấp nhận những gì đã xảy ra, và mở đối thoại về nó là cách duy nhất để tiến về phía trước. Không phải phủ nhận quá khứ, nhưng chúng tôi nắm hiện tại: để mọi thứ tốt hơn phụ thuộc vào chúng tôi, bằng cách công nhận đó là lịch sử quốc gia và do đó là điều dính dáng tất cả chúng ta," bà Smeulders nói.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.