Chống dịch như chống giặc. Chống giặc thì có Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu,... dùng chiến thuật biển người... thì chống dịch CŨNG VẬY THÔI. BBT
Phòng chống dịch Covid-19: Điều chỉnh gì trước tình hình mới?
Trần Tuấn
Toàn dân cùng chính phủ và cả các doanh nghiệp đang dồn sức chống dịch.
Tình hình lúc này, cả trong nước và quốc tế, đã rất khác với hồi đầu năm! Càng khác với năm 2020! Trong khi tất cả các nước nguy khốn vì dịch năm qua như Anh, Mỹ, Đức… đang từng bước quay đầu ra khỏi dịch một cách bền vững khi có thêm vaccine trong tay, thì các nước “thành công chống dịch trong năm 2020”, trong đó có Việt nam, lại rơi dần vào quỹ đạo một năm về trước ở các nước Âu, Mỹ!
LINK: https://baotiengdan.com/2021/07/09/phong-chong-dich-covid-19-dieu-chinh-gi-truoc-tinh-hinh-moi/
Hẳn phải có điểm chưa ổn trong thực thi chiến lược phòng chống vừa qua ở nước ta, cả ở tầm chính sách và thực tế triển khai! Lúc này cần phải khách quan xem lại và thực hiện điều chỉnh cho phù hợp trước tình hình mới!
HIỂU TÌNH HÌNH MỚI THẾ NÀO?
Tác nhân gây bệnh, vi rút SARS-CoV2 giờ đây đã khác so với hồi khởi dịch! Chủng nguyên thủy Vũ Hán qua “chinh chiến” đã biến hình lần lượt thành các chủng mới Alpha, Beta, Gamma, Delta, rồi Delta Plus và còn nữa chưa lường được ở phía trước. Chủng Delta đang hoành hành ở ta, hơn hẳn các chủng trước đó về tính lây nhiễm, khả năng gây bệnh cả ở giới trẻ, và hình thái lâm sàng cũng có biểu hiện nặng hơn. Tóm lại, “kẻ thù” khôn hơn, liều lĩnh hơn, nguy hiểm hơn, và tàn bạo hơn!
Đối lại, chúng ta, ngoài lực lượng truyền thống “cây nhà, lá vườn” 5K, đã có thêm trong tay viện binh vaccine, lực lượng “chính quy” trong phòng chống dịch bệnh lây nhiễm.
Tuy các vaccine hiệu lực chưa thật hoàn hảo, chưa đủ toàn diện để chặn đứng hoàn toàn sự lây nhiễm vi rút với các biến thể khác nhau, nhưng chắc chắn triển khai sẽ làm giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ được người đã tiêm (đủ liều, đủ thời gian) tránh được diễn biến nặng trên lâm sàng, tức giúp không chỉ giảm số mới mắc, giảm nguy cơ phát tán dịch, mà còn giảm được cả gánh nặng bệnh và tử vong, là điều lo ngại nhất cho các nước đang phát triển: Nguy cơ khủng hoảng hệ thống bệnh viện như đã thấy năm ngoái ở Mỹ, Pháp…, và đang đã lặp lại nặng nề hơn ở Ấn Độ, Indonesia nửa đầu năm nay!
Kiến thức về vi rút SARS-CoV2 và kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 cũng đã rộng và sâu hơn! Về quốc tế, trang web của WHO cập nhật hàng ngày thông tin chống dịch trên toàn thế giới, chứa đầy đủ các khuyến cáo khoa học phòng chống dịch rút kinh nghiệm từ các nước khác nhau. Không chỉ giúp xác định chiến lược, mà chi tiết tới cả cách làm kế hoạch phòng chống dịch! Không chỉ hướng dẫn cập nhật chống sự lây nhiễm vi rút SARS-CoV2, mà còn nhắc nhở cả phòng chống mọi tác động bất lợi khác của COVID-19 lên muôn mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục.
Trong nước, chúng ta đã có quỹ vaccine, cơ chế đảm bảo huy động sự đóng góp của người dân đủ lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Hơn thế, lại có thêm hỗ trợ vaccine miễn phí từ WHO và từ chính phủ các nước phát triển, đảm bảo đáp ứng đạt tối thiểu 20% nhu cầu vaccine của cả nước! Ngót 4 triệu liều vaccine đã được tiêm, và kế hoạch 125 triệu liều vaccine từ nay tới cuối năm đã trong tầm tay.
Với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ y sinh học, thị trường vaccine đang ngày càng trở nên sẵn hơn, dễ tiếp cận hơn! Mục tiêu có 150 triệu liều vaccine cho Việt Nam để tạo được mức 70% đối tượng được tiêm đủ liều vaccine vào đầu năm 2022 không thể nói là không khả thi, trừ khi có điểm bất ổn từ khâu quản lý hệ thống trong nước, hoặc diễn biến “không thể ngờ” xẩy ra với nước láng giềng Trung Quốc và các nước đã dùng vaccine Trung Quốc phòng chống dịch (chú thích 1).
Như vậy, tình hình chung phải nói là thuận lợi hơn rất nhiều so với hồi đầu năm! Càng thuận lợi hơn so với thời gian này một năm trước đó. Phối hợp vaccine với 5K, các nước Âu, Mỹ khốn đốn vì dịch bệnh năm ngoái đã và đang ra khỏi dịch một cách bền vững!
Nhưng diễn biến dịch ở ta trong những ngày này lại đang đi ngược với tư duy logic thông thường!
Dịch bệnh không những không giảm đi, chẳng “giữ nguyên trạng thái”, mà suốt nửa năm nay, ngày càng tăng nặng lên cả về quy mô phát tán và diễn biến lâm sàng. Các tỉnh phía bắc chưa kịp ngơi, Hà Nội vẫn đang trong nguy cơ “căng như dây đàn”, thì nhất loạt các tỉnh phía nam liên tục thể hiện dịch bệnh đang lan tỏa mạnh trong cộng đồng!
Tổng số ca nhiễm của cả nước đã vượt con số 20 ngàn! Số chết đã lên tới con số hàng trăm. Tp Hồ Chí Minh ngày hôm qua đạt “kỷ lục” số mới nhiễm trong 24h: 915 ca dương tính (https://ncov.moh.gov.vn)! Điều mà cách đây chưa đầy tuần được cho là “tin đồn thất thiệt với dụng ý xấu”, thì nay đã là hiện thực phũ phàng cho tp HCM: Áp dung phong tỏa diện rộng, trừ trường hợp đặc biệt, thực thi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”!
Rõ ràng, tình hình là nghiêm trọng, rất khác trước!
Vẫn lực lượng chỉ đạo phòng chống dịch với tinh thần cao như năm ngoái, vẫn chiến lược 5K, lại thêm vaccine, thêm tiền từ dân, thêm kinh nghiệm trợ giúp quốc tế, mà sao diễn biến dịch không giảm đi mà lại trở nên nặng nề hơn?
Chắc chắn có những vấn đề không ổn trong thực thi phòng chống dịch trước tình hình mới. Truyền thông những ngày qua đã mô tả đáng kể những vấn đề tồn tại đó. Bài viết này không nhắc lại! Thay vào đó, tổng hợp quy chiếu để đưa ngay những điều chỉnh cụ thể trên cơ sở lập luận: Thừa nhận có vấn đề, phải thay đổi trong thực hành chiến lược 5K và tiêm chủng vaccine! Cao hơn nữa, phải đổi mới cách nhìn toàn diện phòng chống dịch trên cơ sở minh bạch và giải trình trách nhiệm xã hội của mỗi bên.
CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ: GIẢM HUY ĐỘNG HỆ THỐNG BỆNH VIỆN RA THỰC ĐỊA, TRẢ LẠI CHO DÂN VAI TRÒ NGƯỜI LÍNH TIỀN PHƯƠNG
Truyền thông thực hành chống dịch thời gian vừa qua quá nhấn vào các hoạt động tập thể, đẩy mạnh vai trò can thiệp nhà nước, đang dần trở nên duy ý chí, thiếu dẫn đường bởi khoa học trước tình hình thực tế đã biến đổi mạnh, dẫn đến làm nhẹ đi vai trò phòng chống dịch tối quan trọng của cá nhân, giảm sự tham gia chủ động của người dân, của cơ sở.
Thực thi chống dịch chạy theo “truy vết” khiến cả hệ thống y tế gồng lên, đặc biệt hệ thống bệnh viện, mệt mỏi quay cuồng chạy theo “chặn đường đi muôn phương của con vi rút”, làm trầm trọng thêm gánh nặng vốn có của y tế và làm lu mờ đi đích lẽ ra y tế phải tập trung làm tốt lúc này là (1) ưu tiên củng cố năng lực hồi sức cấp cứu đối phó với những trường hợp dịch bệnh nặng trên toàn hệ thống và (2) phát triển tư vấn điều trị tại nhà rộng khắp các dạng bệnh, đặc biệt các trường hợp nhiễm trùng nghi dịch COVID-19.
Các hình thức đưa đi “cách ly tập trung” nhất loạt mọi trường hợp xét nghiệm kết quả dương tính hoặc có tiếp xúc với trường hợp có xét nghiệm dương tính, phong tỏa cả các điểm cung cấp dịch vụ thiết yếu, kể cả bệnh viện, kéo dài thời gian cách ly tập trung tới 3 tuần, thậm chí 4, 5 tuần chỉ bởi có tiếp xúc với F0, F1 … là điển hình cho tình trạng trên. Nếu nói các biện pháp đó đã phát huy hiệu quả, thì thực ra chỉ đúng khi dịch bệnh là loại “ngoại xâm” và trên diện nhỏ, hẹp, thời gian ngắn mà thôi! Chắc chắn, không còn phù hợp khi dịch đã đi vào giai đoạn “ phát sinh, tồn tại, lan truyền rộng ra trong cộng đồng”.
Hậu quả nhãn tiền, đẩy nhà nước vào thế “ chịu trách nhiệm làm thay dân”, đẩy cả dân và hệ thống y tế vào thế “bị động, đối phó”, làm chệch mục tiêu cao nhất của hệ thống quản lý phòng chống dịch: Dự phòng triệt để thực hiện chủ động, tự nguyện bởi từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng trên cơ sở hiểu biết khoa học y học dự phòng và y tế công cộng soi sáng! Dẫn đến càng thực hiện, càng chạy theo dịch, dịch càng loang, càng tốn kém, thiếu hiệu quả và không bền vững!
Gốc gác chậm thay đổi trong mấy tháng qua, là từ lối làm việc quá “tự tin”, triển khai một chiều, có ở một bộ phận quản lý và làm chính sách trong hệ thống, đi đôi với việc thiếu nghiên cứu đánh giá độc lập. Nếu có giám sát đánh giá độc lập, chắc chắn sẽ chỉ ra rất sớm, những hình thức trên là không còn phù hợp, bất lợi, vi phạm nguyên lý phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm!
Các khuyến cáo thực thi “cách li tại nhà, tại cộng đồng”, xây dựng hệ thống giám sát điểm (sentinel sistes) tại cộng đồng, tận dụng tối đa công nghệ thông tin và phát huy tối đa phương châm “xã hội hóa phòng chống dịch” một cách thực tế và toàn diện… sẽ được thực thi chí ít phải nửa năm rồi, chứ không chỉ dừng ở khâu “xã hội hóa-dân đóng góp tài chính”, để rồi Bộ Y tế cùng các bệnh viện, hệ thống y tế dự phòng, tất cả cùng căng mình ra “chịu trận” khi “đường đi” của SARS-CoV2 đã là “thênh thang theo gió ngàn bay”!
CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ: KHUYẾN CÁO CỦA WHO + GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ ĐỘC LẬP + CHỐNG THƯƠNG MẠI HÓA CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH
Sự thực hành kéo dài các hình thức cách ly tập trung vào bệnh viện cả những đối tượng không có triệu chứng lâm sàng cần can thiệp y tế, để truyền thông “say sưa” với các hình thức “truy vết” ly kỳ, đẩy cả hệ thống phòng chống dịch vận hành cuốn theo phương châm hàng đầu “truy vết, cách ly tập trung, khử trùng hóa chất” khi dịch bệnh đã ở giai đoạn “lan truyền trong cộng đồng” trở thành “dịch nội sinh”, tạo nhu cầu xét nghiệm hàng loạt không thực tế, qua “giấy thông hành xét nghiệm âm tính COVID-19”, cùng thực thi phun hóa chất “khử trùng bay theo gió” tràn lan ngoài cộng đồng … Tất cả ngoài căn nguyên sâu xa nêu ở phần trên, còn có thêm một yếu tố bất lợi nữa, đó là, đã để hoạt động phòng chống dịch ngả dần sang “thương mại hóa”, bởi sự can thiệp của “nhóm thủ lợi dịch vụ y tế”, mọi khu vực từ xét nghiệm, vaccine, phong tỏa cách ly, và truyền thông phòng chống dịch.
HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ GÌ TRONG THỜI GIAN TỚI?
Hành động cần thiết ngay lúc này, là thực hiện trở lại nguyên tắc khoa học khách quan dẫn đường hành động! Không gì tốt hơn, là tạo cơ chế thông tin đảm bảo 100% thông hiểu “địch, ta” trong trận chiến chống COVID-19:
– (1) Thông tin khoa học dẫn đường, tận dụng tối đa từ trang web truyền thông phòng chống dịch COVID-19 của WHO! Bộ phận làm chính sách và thực thi chính sách của chính quyền từ trung ương tới địa phương, và cả lãnh đạo hệ thống truyền thông của đất nước, phải được đọc, nghiên cứu, hiểu rõ thông tin trên trang web này, được cập nhật hàng ngày dựa trên bằng chứng khoa học và thực tế toàn cầu mới nhất. Những phát biểu chỉ đạo phải được phản biện với những bằng chứng đánh giá so sánh với khuyến cáo của WHO (https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public).
– (2) Thông tin phản ánh “thực tế mạnh yếu” của hệ thống phòng chống dịch đang triển khai, phải đến từ hệ thống giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả thiết kế đảm bảo nguyên tắc khoa học khách quan. Đặc biệt, không được để thiếu thành phần “giám sát đánh giá độc lập” được thực hiện bởi các tổ chức khoa học vì dân, ngoài nhà nước! Đây là điểm yếu nhất của hệ thống phòng chống dịch bệnh nói chung của Việt Nam trong nhiều năm rồi và cụ thể vẫn tiếp diễn với phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Vậy, cần thiết lập ngay hệ thống giám sát điểm “sentinel sites” để thu thập thông tin giám sát, đánh giá diễn biến dịch bệnh.
Một trong số điểm này, phải được vận hành bởi các tổ chức độc lập, khoa học, vì dân! Nghiên cứu dịch tễ học tại các sentinel sites phối hợp xét nghiệm (cả kháng nguyên, kháng thể) đi kèm với điều tra yếu tố nguy cơ, cùng loại hình nghiên cứu “vận hành hệ thống” (operation study) phải được thiết kế và đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt, nhằm cung cấp cho được bằng chứng khoa học khách quan đánh giá mức độ lây truyền cùng hiệu quả phòng chống dịch trên thực tế, để rồi có cơ sở cho hoạch định chính sách không chỉ phòng chống dịch, mà còn khắc phục hậu quả không đáng có của dịch bệnh lên đời sống kinh tế xã hội toàn diện, vốn đang ngày càng trầm trọng theo thời gian diễn biến kéo dài của dịch!
– (3) Tiếp tục đẩy mạnh xu hướng chống thương mại hóa y tế, cả ở lĩnh vực điều trị (hoạt động của các bệnh viện) và dự phòng (tiêm chủng, xét nghiệm, truyền thông). Phải chặn đứng lối thông tin “truyền thông thương mại” đẩy dân “lo lắng, sợ hãi” quá mức với dịch bệnh để các thế lực kinh doanh duy trì và thúc đẩy tình trạng “lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế” như đã thấy trong thời gian qua, phải chấm dứt xu hướng thúc đẩy “dân bỏ tiền túi ra” trong chăm sóc y tế dự phòng. Chấm dứt tình trạng chỉ định xét nghiệm tràn lan, lấy xét nghiệm làm “tiêu chí định danh” cho hoạt động xã hội của công dân, vốn rất ít giá trị phòng chống dịch, mà thực chất, chỉ phục vụ lợi ích của bên thương mại sản phẩm y-sinh học.
Muốn thế, phải loại bỏ “tình trạng hai mang”, nằm trong tư vấn, chỉ đạo ra chính sách phòng chống dịch bệnh, nhưng lại “có chân” trong các tập đoàn, công ty thương mại sinh phẩm, dịch vụ y tế! Phải đẩy hệ thống y tế dự phòng theo hướng hỗ trợ người dân thực thi tốt nhất chiến lược 5K, bao gồm cả tự làm và đọc test sàng lọc, tự lấy mẫu sinh phẩm gửi xét nghiệm, tự chăm sóc tại nhà và cả chủ động liên hệ với y tế qua điện thoại để kịp thời nhận tư vấn tự chữa bệnh cao nhất có thể.
Cuối cùng, truyền thông phải làm và phải làm được, đẩy cả xã hội và chính phủ chung đích phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian tới thật cụ thể khoa học vì dân: Toàn hệ thống tuân thủ đúng theo hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của WHO, thực hiện tiêm chủng miễn phí, xét nghiệm miễn phí COVID-19 cho dân; chính quyền đóng vai trò hỗ trợ người dân đạt mức hiểu biết tốt nhất để chủ động cao nhất thực thi 5K! Trường hợp có bệnh, hình thức tự chăm sóc tại nhà phải là phổ biến, chỉ đến bệnh viện khi đã xong tư vấn y tế qua phone, bệnh thực sự cần trợ giúp can thiệp y tế. Trên hết, đảm bảo tổ chức tiêm vaccine đầy đủ, trật tự, theo kế hoạch tự chủ động đăng ký qua mạng, và đạt kết quả 70% các đối tượng đích tiêm chủng đủ số mũi, đúng thời gian, vào đầu năm 2022.
Có như thế, mới mong dịch được khống chế hiệu quả! Để cả dân, cả chính phủ, thực sự an bình đi qua đại dịch!
Được như thế, mới đáng tự hào!