LUẬT CẦN CHO
người dân biết mình được làm gì, không được làm gì
Việt Nam Thời Báo.
Tiếp tục chương trình
làm việc của Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo.
Thảo luận Luật tín ngưỡng, tôn giáo,
các đại biểu Hòa Thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Bạch Ngân
(Bà Rịa-Vũng Tàu), Phùng Khắc Đăng (Sơn La) nhất trí về sự cần thiết xây dựng
và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục
thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa
tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc
gia nhập.
Việc ban hành Luật sẽ khắc phục những
hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó,
một số đại biểu đề nghị cân nhắc sự cần thiết ban hành Luật tín ngưỡng, tôn
giáo tại thời điểm này và cho rằng dự thảo Luật cần được chuẩn bị kỹ hơn để giải
quyết đầy đủ những vấn đề căn bản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi
người.
Về lĩnh vực tín ngưỡng, các đại biểu Đỗ
Ngọc Niễn (Bình Thuận), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng
Tàu) cho rằng, tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bao quát
cả lĩnh vực tín ngưỡng song chưa giải thích rõ thuật ngữ “tín ngưỡng” được sử dụng
trong phạm vi dự thảo Luật này.
Nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo
Luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang
diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay.
Dự thảo Luật mới đề cập đến các cơ sở
tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở này mà chưa làm rõ các hình thức
tín ngưỡng khác nhau. Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng hiện nay đang hình thành
các thiết chế tương tự như tôn giáo, có tổ chức, quy tắc, lễ nghi… song dự thảo
Luật còn thiếu các quy định điều chỉnh những nội dung này.
Lễ hội tín ngưỡng các cấp được tổ chức
trên phạm vi cả nước với quy mô, hình thức và nội dung hoạt động đa đạng; quá
trình tổ chức lễ hội cũng phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận
đòi hỏi phải có những quy định pháp lý chuyên biệt để điều chỉnh.
Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn
thảo cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo
đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của
một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ
tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động
tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn.
Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm
trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định
nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được
làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm
còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ quy định những
hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với
cá nhân; hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc
áp dụng tuỳ tiện và khó xác định chế tài xử lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo
rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân đề nghị
Ban soạn thảo bổ sung thêm việc cấm lợi dụng quyền tự do tôn giáo để hoạt động
mê tín dị đoan, xâm hại thuần phong mỹ tục. Đồng quan điểm, đại biểu Trương
Minh Chiến (Bạc Liêu) đề nghị cần thiết lập thêm các hành vi bị nghiêm cấm để
không lợi dụng tự do tín ngưỡng vào hoạt động mê tín dị đoan, chuộc lợi.
Các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể vào
từng nội dung của dự thảo Luật như: Công nhận tổ chức tôn giáo và pháp nhân tôn
giáo; hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo; quản lý nhà nước về tín ngưỡng,
tôn giáo…/.
Theo Vietnamplus