Trang

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

762....Việt Nam đã quyết định chấp nhận vô điều kiện định chế Công đoàn độc lập...

Việt Nam giấu nhẹm thông tin về công đoàn độc lập khi công bố TPP
Việt Nam Thời Báo.
Vào cuối tuần trước, báo chí nhà nước Việt Nam ồn ào thông tin về “Công bố toàn văn Hiệp định TPP”. Rất nhiều nội dung của bản văn cực kỳ quan trọng về kinh tế này đã được Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì đàm phán TPP – công bố. Tuy nhiên, không có bất cứ thông tin nào về công đoàn độc lập trên các phương tiện thông tin đại chúng.





Những tin tức về nội hàm của công đoàn độc lập như một thành phần không thể thiếu trong TPP lại vẫn chỉ được đăng tải bởi các hãng báo đài quốc tế và mạng xã hội.

Cố tình không công bố thông tin về Công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký tá.

Cần nhắc lại, những thông tin đầu tiên về công đoàn độc lập cho Việt Nam lại được công bố từ chính Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama, khi ông đến nói chuyện tại nhà máy Nike ở bang Oregan vào đầu tháng 5/2015. Khi đó, ông Obama đã thông báo một chuyện có vẻ quá khó tin: lần đầu tiên Việt Nam sẽ phải để cho công nhân tự do thành lập các nghiệp đoàn của họ. 

Thế nhưng thời điểm tháng 5 ấy lại là điểm ngoặt quyết định. Một thông tin ngoài lề cho biết chính vào thời điểm này, giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam đã quyết định chấp nhận vô điều kiện định chế Công đoàn độc lập để Việt Nam có thể được vào TPP. Và cả chuyến đi Mỹ tháng 7/2015 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… 

Đến tháng 9/2015 thì mọi chuyện bắt đầu lộ diện, không phải ở Mỹ mà chính ở Việt Nam. Đầu tiên là trang báo điện tử Vietnamnet phỏng vấn một quan chức có trách nhiệm của Quốc hội là ông Nguyễn Đức Kiên, để lần đầu tiên thông tin về việc Việt Nam chấp nhận Công đoàn độc lập được gián tiếp nêu ra.

Sau đó là thông tin về sự chấp nhận này do chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – người được cho là gần gũi với chính phủ - nêu ra trên đài RFI.

Mới đây, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã cứng rắn chưa từng có: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định TPP”.

Chưa biết thái độ và hành động của Mỹ sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là “thành tâm” của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình…

Cho tới nay, Việt Nam vẫn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp ở nhóm minh bạch thấp nhất trên thế giới.


Lê Dung / SBTN