Trang

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

760....chờ ngày tan rã mà thôi...

5761. Tính “chính danh” của đảng CSVN không chứng minh được

Posted by adminbasam on 09/11/2015
9-11-2015
GS Vũ Cao Phan vừa lên BBC (8-11) nói thêm về « tính chính danh của đảng cộng sản ». Không biết BBC phỏng vấn theo lối « đưa banh », tức là tôi đưa anh làm bàn, rốt cục cả hai ta cùng thắng, hay phỏng vấn chuyên nghiệp để tìm ra sự thật ?

Vấn đề « chính danh của đảng cộng sản » hôm trước đã phỏng vấn, hôm nay phỏng vấn lại. Nội dung kỳ sau cũng giống như kỳ trước, vũ như cẩn. Vấn đề là kỳ sau tù mù hơn kỳ trước một bậc.
Nói về « tính chính danh của đảng cộng sản » là người ta muốn nói về lý do chính đáng nào, như thành công về kinh tế, chính trị, xã hội… mà đảng CSVN đã thực hiện được (trong lúc lãnh đạo), để những người CS hôm nay có thể vịn vào đó biện hộ cho tư cách (và việc tiếp tục) lãnh đạo đất nước của mình.
Hai lần phỏng vấn, BBC không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào liên quan.
Cả hai lần trả lời phỏng vấn, GS Vũ Cao Phan đều nhắc tới cuộc « Cách mạng tháng tám ».
Xin thưa là nó là cuộc « khởi nghĩa » hay là cuộc « cách mạng » thì người ta cũng bất cần.
Theo chiều « tư tưởng » của BBC và GS Vũ Cao Phan, ta thử chấp nhận rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện.
Nói về « chính danh » là, những người cộng sản hôm nay có thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo hay không ?.
Dĩ nhiên là không.
Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là « Cộng hòa xã hội chủ nghĩa »… Việt Nam là một nước « có chủ quyền ».
Người ta hiểu thế nào là « cộng hòa » và thế nào là « có chủ quyền » ?
« Cộng hòa », theo các định nghĩa thông thường, là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa.
« Có chủ quyền » được hiểu là sự hiện hữu (trong lãnh thổ VN) một quyền lực chủ tể. Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire). Theo Hiến pháp, Quốc hội là nơi đại diện nhân dân, là nơi nắm quyền lực chủ tể.
Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ».
Nếu dựa vào tiêu chuẩn « công lao », thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ». Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.
Chế độ chính trị ở VN là chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa ». Khái niệm « cộng hòa » trong danh xưng này đã gạt bỏ mọi hình thức kế thừa về quyền lực.
Cũng giả sử (cho GS Vũ Cao Phan và BBC hài lòng) chấp nhận việc « chính đáng » đến từ việc « kế thừa công lao ». Thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh… phải làm lãnh đạo mới đúng. Xương máu của họ, gia đình họ (tức công lao) đã đổ ra đóng góp cho « cách mạng » biết kể bao nhiêu cho hết ?.
Trong khi Hiến pháp qui định VN là một nước « có chủ quyền ». Như đã nói trên, chủ quyền là quyền lực chủ tể mà quyền này thuộc về nhân dân. Theo nguyên tắc này, mọi việc phân bổ quyền lực hay thực thi quyền lực đều phải được « nhân dân » duyệt xét hay thông qua. Khi nhiệm kỳ quyền lực hết hạn thì (cái ghế) quyền lực đó phải giao lại cho nhân dân.
Tức là, cách thức phân bổ quyền lực cũng như cách thức thể hiện quyền lực hiện nay đều vi hiến.
Tính « chính danh » của đảng CSVN không chứng minh được. 
Trong khi việc phân bổ và cách thức thực thi quyền lực của các đảng viên dều vi hiến.
Tôi không hiểu BBC phỏng vấn cái gì và GS Vũ Cao Phan còn có thể biện hộ cái gì ?
Bài viết của tôi ở đây có nói về việc này: Hiện tượng thái tử đỏ : Đâu là tính chính danh của quyền lực ?

vendredi 23 octobre 2015

Hiện tượng thái tử đỏ : Đâu là tính chính danh của quyền lực ?

Quyền lực trong xã hội con người, từ cổ đại đến nay, đều đặt nền tảng trên sự « chính danh - légitime ». Không có chính danh thì nói không ai nghe.

Quyền lực (power – pouvoir) ở đây được hiểu như là « quyền lực » của « quyền lực chính trị », tức là « thẩm quyền » áp đặt những nguyên tắc luật lệ mà mọi người trong xã hội (thuộc một vùng lãnh thổ nhứt định) phải tuân thủ.

Sự « chính danh » trong chính trị có thể có thể được hiểu như là điều « hợp pháp » hay « hợp hiến ». « Légitime » nguyên thủy bắt nguồn từ Latin « legitimus », có nghĩa là « xác định bằng luật », « phù hợp với luật lệ ».

Nếu so sánh với xã hội loài thú, ta thấy một đàn chim, một bầy sư tử… luôn có một con đầu đàn. Tính « chính danh » của con thú này là sức mạnh, sự khôn ngoan và kinh nghiệm. Sức mạnh không phải là « mạnh được yếu thua » hay khả năng tiêu diệt, mà là sự cần thiết để bảo vệ an ninh cho cả bầy trước sự tấn công của các con thú khác. Khôn ngoan và kinh nghiệm cũng vậy, là sự cần thiết để dẫn dắt cả đàn đến vùng nắng ấm, có nhiều mồi ngon, cả bầy được sống trường tồn và sung túc.

Tính « chính danh » của « quyền lực » ở VN được xác định ra sao ?

Hiến pháp VN qui định rằng thể chế nước Việt Nam là « Cộng hòa xã hội chủ nghĩa » theo nguyên tắc « dân chủ tập trung », đồng thời Việt Nam là một nước « có chủ quyền ».

Người ta hiểu thế nào là « cộng hòa » và thế nào là « có chủ quyền » ?

« Cộng hòa », theo các định nghĩa thông thường, là một thể chế chính trị mà quyền lực của người lãnh đạo, ở bất kỳ cấp bậc nào, không đến từ sự kế thừa. Chế độ cộng hòa đối nghịch với các chế độ phong kiến đế quyền.

Trong chế độ phong kiến, quyền lực thụ đắc của người lãnh đạo là do sự kế thừa. Tính chính danh thể hiện qua việc kế thừa.

« Có chủ quyền » được hiểu là sự hiện hữu (trong lãnh thổ VN) một quyền lực chủ tể. Trong một chế độ phong kiến, chủ quyền thuộc về vị chủ tể (vua, lãnh chúa…). Trong một chế độ cộng hòa, chủ quyền thuộc về dân tộc (nation) hay thuộc về nhân dân (populaire).

Hiến pháp VN khẳng định quyền lực chủ tể (chủ quyền) thuộc về nhân dân.

Nhìn lại những sự kiện vừa xảy ra, con ông X, con ông này, con ông kia… quyền lực quốc gia được ban phát một cách tùy tiện trong hàng ngũ con ông cháu cha. Dĩ nhiên quyền hành của các ông hoàng đỏ này bị thách thức. Một chế độ nhìn nhận là « dân chủ », « cộng hòa », « có chủ quyền » thì dứt khoát không thể có việc kế thừa quyền lực.

Nguyên tắc của mọi chế độ dân chủ (dân chủ tự do hay dân chủ tập trung) là việc phân bổ quyền hành trong bộ máy nhà nước phải đến từ « quyền chủ tể », tức đến từ nhân dân, thể hiện qua các cuộc bầu cử. Tính chính danh của « quyền lực » được bảo đảm bằng sự trung thực của kết quả các cuộc bầu cử.

Quyền lực của các thái tử đỏ này vì vậy không có chính danh.

Nhân dân nào đã bầu cho các ông thái tử đỏ này vào các chức vụ này ?

Vừa rồi, nhân dịp nhận chức, một thái tử đỏ lên tiếng cho rằng quyền lực của cậu ta là do « đảng » ban bố.

Tức là tính chính danh về quyền lực của cậu ta được đảng bảo kê.

Vấn đề là đảng có « quyền » làm việc này hay không ?

Câu trả lời nên dành cho các đảng viên của đảng CSVN. Bởi vì họ là người trong chăn, họ có « bầu » cho các thái tử này hay không ?

Nhưng trên phương diện pháp lý, việc này có nhiều điều vướng mắc. Những vướng mắc này không những đặt lại tính « chính danh » quyền lực của các thái tử đỏ mà còn đặt lại tính chính danh (quyền lãnh đạo đất nước và xã hội) của đảng CSVN.

Hệ thống chính trị VN hiện nay « cơ bản » đặt trên nền tảng « dân chủ ». Theo nguyên tắc dân chủ (kể cả dân chủ tập trung), cũng không có một chức vụ hay cơ chế (quyền lực) nào thuộc bộ máy nhà nước mà không thông qua (sự bầu cử) của người dân, hoặc sự bổ nhiệm của một cơ quan quyền lực chính đáng.

Sự bổ nhiệm các thái tử đỏ do đó là không hợp hiến.

Trước đây, những người cộng sản bảo vệ tính chính danh của đảng CSVN với lý do đảng « đã lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập ».

Điều này không đúng trong thời điểm hiện tại (và dĩ nhiên, tương lai).

Tạm cho rằng đảng CSVN đã « lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập » là một sự thật lịch sử, không có điều gì cần tranh biện. Thì những người cộng sản hôm nay cũng không thể vịn vào lý do này để tiếp tục giành quyền lãnh đạo.

Những thế hệ « khai quốc công thần » chống Pháp, chống Mỹ, tức những người có tư cách, có chính danh để lãnh đạo, đã lần lượt khuất núi. Những người « có công », tức những người có tham gia vào cuộc chiến, đã không còn bao nhiêu người. Ngay cả thế hệ lãnh đạo hiện thời cũng không có mấy người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến « chống Mỹ ».

Nếu dựa vào « công lao », thì trong đảng hiện nay không ai có công lao (giành lại độc lập) để đặt nền tảng làm sự « chính danh ». Không ai có tư cách để lãnh đạo đất nước hết cả.
Thái tử út, con ông X, mới lên tiếng kể lể công lao của ông nội, ông ngoại.

Ông X chỉ là một « du kích quèn », xuất thân là một y tá. Công lao của ông này vào công cuộc « giải phóng miền Nam », nếu so với các bà mẹ anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các thương phế binh khác... quả thật là khiêm nhường.

Mà tính chính danh không có « kế thừa ». Nếu nhìn nhận sự kế thừa thì lý ra con cháu của những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ, những thương phế binh... phải làm lãnh đạo mới đúng.

Con cháu của con chim đầu đàn, của con sư tử đầu bầy, chỉ đơn thuần là một thành tố trong bầy, chớ không có kế thừa để lên nắm đầu đàn. Muốn trở thành con thú đầu đàn, con chim đầu bầy, những con thú này phải khẳng định sức mạnh, hay chứng minh trí khôn và kinh nghiệm. Đó là sự « chính danh » trong thế giới loài thú.

Việc bổ nhiệm các thái tử đỏ, những người xem ra tài năng chỉ ở mức (tối đa là) trung bình, đã khiến chế độ « cộng hòa xã hội chủ nghĩa » trở thành chế độ « quân chủ xã hội chủ nghĩa ».

Có người biện hộ cho tính chính danh của đảng CSVN với lý lẽ đảng này được dân bầu lên :
« Đầu năm 1946, Đảng Cộng sản đã tổ chức bầu cử Quốc hội và ra Hiến pháp. Hệ thống chính trị Việt Nam có bầu cử và những người của Đảng ra ứng cử vào các chức vụ. » (Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội Đồng lý luận của đảng, nói trên BBC về tính chính danh của đảng).

Điều này không đúng sự thật. Thứ nhứt, thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội (1946) đảng CS đã giải tán. Thứ hai, số dân biểu đắc cử vào quốc hội gồm một số lớn nhân sự không thuộc đảng CSVN.

Nhưng cũng giả sử rằng thời điểm đó đảng CS không giải tán và số người trong quốc hội 100% là đảng viên đảng CSVN. Thì tính chính danh của đảng cầm quyền chỉ có hiệu lực trong nhiệm kỳ bầu cử đó mà thôi. Không lẽ nhiệm kỳ đó kéo dài (đến nay đã gần) 70 năm ?

Lý lẽ khác cũng thường thấy người cộng sản nhắc để biện hộ cho tính « chính danh » của họ là đại diện « giai cấp vô sản ».

Bất kỳ đảng cộng sản nào cũng cho rằng họ có « chính danh » để lãnh đạo đất nước, vì họ đại diện cho số đông (nhân dân vô sản) trong xã hội. Nhà nước họ lập nên là « nhà nước vô sản », sử dụng sự « chuyên chính vô sản », tức sự « độc tài » cho tầng lớp vô sản, nhằm triệt tiêu giai cấp bóc lột đem lại sự « công bằng » trong xã hội.

Trong xã hội cộng sản (hay XHCN), quyền lực quốc gia tập trung vào đảng CS. Quyền lực này chỉ chính đáng khi đảng này còn phục vụ cho giai cấp mà họ đại diện, tức giai cấp vô sản, công nhân, nông dân… nói chung là tầng lớp lao động nghèo.

Khi đảng này phục vụ cho một giai cấp khác, như tầng lớp tư bản nước ngoài, tầng lớp tư bản đỏ… thì nó đã phản bội lại giai cấp mà họ đại diện. Tính chính đáng để lãnh đạo của nó bị mất đi.

Ngày hôm nay, dựa vào « giai cấp vô sản » để biện hộ cho tính chính danh trở thành một sự ngụy biện trắng trợn. Đảng CSVN bay giờ không hề đại diện cho quyền lợi của « giai cấp vô sản », tức giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động nghèo… trong xã hội. Bản thân của họ đã trở thành những trọc phú bóc lột. Bản thân họ là những quan tham. Nhân sự của hệ thống quyền lực quốc gia đã trở thành những con sâu mọt đục phá tài sản quốc gia, nhũng nhiễu dân lành.

Ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước đây có than thở về tình trạng tham nhũng hết thuốc chữa của cán bộ Cộng sản rằng : không phải một con sâu làm rầu nồi canh mà cả nồi canh đã nhung nhúc sâu bọ.

Tính chính danh nào trong (nồi canh) cộng sản nhung nhúc sâu bọ này ?

Mặt khác, VN vừa gia nhập TPP, tức là VN tự nhìn nhận mình là « nền kinh tế thị trường ».
Xã hội chủ nghĩa hiện hữu là do việc phản bác nền kinh tế thị trường (tư bản). Lý thuyết cộng sản đặt nền tảng trên sự phản biện tư sản bóc lột giai cấp lao động. Khi nền kinh tế XHCN được thay thế bằng nền kinh tế thị trường thì đảng cộng ản phải cáo chung.

Đảng CSVN không thể lãnh đạo một nền kinh tế thị trường. Nếu gượng ép, họ không chỉ mất tính chính danh mà còn trở thành một tập đoàn lừa bịp.

Đảng CSVN cũng không có chính danh như đảng CS TQ.

Đảng CSTQ dầu sao cũng có thể biện minh cho sự chính đáng lãnh đạo của mình, vì đã thành công (trong chừng mực) việc phát triển quốc gia và (bành trướng lãnh thổ).

Đảng CSVN sau nhiều thập niên lãnh đạo đã tàn phá đất nước, đã dẫn dắt đất nước ngày càng tụt hậu, nay đã lùi sau cả Lào, Kampuchia. Con người VN không có giá trị một đồng xu.

Tức là, nếu so sánh với bản năng của các con thú đầu đàn, đảng CSVN thua xa lắc. Họ chỉ còn sức mạnh của bạo lực.

Đảng CSVN bây giờ là đại diện cho tầng lớp tư bản hoang dã, tầng lớp đầu cơ trục lợi cũng như đại diện cho quyền lợi của tầng lớp tư bản nước ngoài. Đảng viên cộng sản trở thành những tên cai thầu coi ngó người dân VN như là những công nhân lao động cho tập đoàn nước ngoài.

Chính danh ở đây là chính danh làm cai thầu, chính danh đưa dân tộc vào vòng làm thuê vác mướn.

Thái tử đỏ lên tiếng nói rằng chức vụ là do « đảng giao phó ».

Khi đảng không còn chính danh, đã đánh mất tư cách lãnh đạo, thì chức vụ của các thái tử đỏ vì vậy cũng không có chính danh.

Tầng lớp thái tử đỏ mới lên có thể làm được điều gì tốt đẹp cho đất nước và dân tộc VN ? Tính chính danh không có. Họ nói không ai nghe. Đất nước vào trong tay họ là chờ ngày tan rã mà thôi.



Dĩ nhiên, khi quyền lực của lớp lãnh đạo không có chính danh, hiện tượng « bất tuân dân sự » sẽ xuất hiện. Lúc đó người dân sẽ đứng dậy lấy lại quyền lực của mình.