Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

4363. PHÁP CHÁNH HIỆP THIÊN & HÌNH LUẬT TAM GIÁO

PHÁP CHÁNH HIỆP THIÊN LÀ GÌ?
VÀ HÌNH LUẬT TAM GIÁO LÀ GÌ?

Tại Ðền Thánh, thời Tý 01/7/ Mậu Tý (dl. 05-08-1948).
Đức Hộ Pháp (LTĐ Q2).

 

Từ thử đến giờ chúng ta thường quen gọi là Tòa Hiệp Thiên Ðài hay là Tòa Tam Giáo, nên đã 23 năm Ðạo, mà chúng ta vẫn chưa biết chỗ dốt của mình. 


Ðức Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn buổi nọ giáng bút hỏi Bần Ðạo một câu bằng Pháp văn: "EXPLIQUEZ ÉTYMOLOGIQUEMENT LE MOT TÒA?" (Vậy chớ theo ngữ nguyên tiếng Tòa nghĩa là gì?). Bần Ðạo trả lời: "Thưa Ngài, kêu Tòa là nơi để định án, xử tội kẻ phạm luật pháp". Ngài cười và nói: "Trật, gọi Tòa là khi nào Tòa nhà, hay Tòa lâu đài gì đó, chớ tiếng Tòa không có định nghĩa về phương diện Pháp Chánh cả". Bần Ðạo thừa dịp nhờ Ngài dạy nữa. Ngài nói: "Cái tiếng của Chí Tôn đã đem đến đặt để nó khéo léo hay ho biết bao nhiêu, nghĩa lý rất thâm diệu mà tại sao lại không dùng. Ðức Chí Tôn đến lập Pháp Chánh Truyền, giao cho Hiệp Thiên Ðài gìn giữ. Trong đó có diệu pháp của Chí Tôn đến lập vị cho con cái của Người tại thế gian nầy, Ngài mượn xác thịt của con cái Ngài tổng hợp lại cho nó có trật tự, có đẳng cấp, tức nhiên là lập Thánh Thể của Ngài, các phẩm trật có liên quan với các phần tử tức nhiên Hội Thánh tổng hợp là Thánh Thể của Ngài. Ngài lập Pháp Chánh Truyền cốt ban quyền hành cho Thánh Thể của Ngài, mà hễ đạt quyền được, tức nhiên về với Ngài được. Ấy vậy, Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên là phương định vị, lập quyền đặng hiệp một con cái của Chí Tôn cùng Chí Tôn vậy".

Tới hình luật Tam Giáo: Từ thử Tam Giáo có Nho, Thích, Ðạo, luật Tam Giáo có hữu hình, có luật hình, vì cứ nói án nên nói là phạm luật Thiên Ðiều mà thôi. Luật hình ấy gồm cả tôn chỉ của Tam Giáo đem đặt tại thế nầy cho thiên hạ thật hành, nhưng lần lần càng xa khuôn luật.

Ấy vậy, có hai phần:

1.                 Pháp Chánh Hiệp Thiên.

2.                 Hình Luật Tam Giáo.

Tuy hai phần khác thể, nhưng cũng đều giao cho Hiệp Thiên Ðài chưởng quản hết. Nếu muốn gọi cho trúng thì gọi Pháp Chánh Hiệp Thiên Ðài là đủ nghĩa.

Bần Ðạo giảng nghĩa: Pháp Chánh Hiệp Thiên Ðài là gì? Cốt yếu của Ðức Chí Tôn đến thế ban quyền hành cho Thánh Thể của Ngài, Ngài buộc quyền Thiêng Liêng kia hễ con cái của Ngài đắc phẩm hữu vi ở dưới thế nầy được toàn vẹn, thì cũng phải nhìn nhận phẩm ấy ở cõi hư linh kia. Bần Ðạo tưởng nếu không phải tay của Chí Tôn thì không ai có quyền buộc các Ðấng cầm quyền chánh trị của Càn Khôn Thế Giới là chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, phải nghe theo như vậy bao giờ.

Ta cứ suy nghĩ: Một ông cha thương con nói: Tao đến với con Tao, Tao định cho nó làm Tể Tướng tại thế gian nầy, thì cả triều chánh phải nhìn nó là Tể Tướng, chớ không phép cải, chỉ vâng mạng lịnh Tể Tướng của nó mà thôi. Thiết tưởng nếu không phải nhà vua thì không ai biểu như vậy mà dân phục lịnh. Nếu không phải Chí Tôn đến lập giáo thì không ai đến đây mà có quyền buộc Cửu Thiên Khai Hóa nhìn nhận Thánh Thể của Ngài được. Tại sao Ngài giao cho Hiệp Thiên Ðài? Nếu cả Pháp Chánh đó không người cầm để thực hiện thì cả giá trị lẫn thể thống đều mất hết. Từ ngôi Giáo Tông đến ngôi Ðầu Sư, giữa có ngôi Chưởng Pháp, nếu không phải Pháp Chánh do Hiệp Thiên Ðài nắm giữ thì họ tông lúng, tông hoài, tông mãi mãi làm cho loạn Ðạo theo tấn thảm kịch, ta đã thấy diễn đi diễn lại nhiều lần, mà thử hỏi tại sao họ tông không được? Là tại Hiệp Thiên Ðài cầm Luật chắc chắn không cho loạn hàng thất thứ đặng. Họ tông mặc họ, Hiệp Thiên Ðài cứ nắm giữ chặt chẽ, mà định phẩm cho con cái của Ðức Chí Tôn mà thôi. Nếu chẳng vậy, nghĩa là nếu Hiệp Thiên Ðài để họ tự do hành động, thì phải đắc tội với Chí Tôn, vì Chí Tôn đã giao cho gìn giữ cái kho tàng đã định Thánh Thể của Ngài định vị cho con cái của Ngài y như đã giao cho gìn giữ, cái kho tàng đã định chia cho đứa lớn bao nhiêu, đứa út bao nhiêu, rồi Hiệp Thiên Ðài để cho người mạnh giựt giành tài sản của mấy người khác, hỏi vậy người lãnh lịnh đảm nhiệm chia của ấy, sẽ bị hình phạt như thế nào? Nếu không có người cầm giữ kho đó đặng phân phát công bình cho con cái của Ngài thì sợ e thiên hạ giựt giành hết mà con cái của Ngài không hưởng đặng, gia tài để dành cho họ mà chớ. Ấy vậy, hàng phẩm mà Pháp Chánh đã định, cốt yếu hiệp con cái Chí Tôn lại làm một cùng Ngài, mà muốn cho đặng hiệp cùng Ngài, thì Ngài để cho Hiệp Thiên Ðài chưởng quản giữ gìn nghiêm luật Pháp Chánh đó. Một người về Ðạo là Thượng Phẩm cầm quyền Luật Ðạo định phẩm vị; một người về Thế tức là Thượng Sanh đem con cái của Ðức Chí Tôn vào cửa Ðạo, dìu dắt con cái Ngài không ai đặng phép ngăn đường đón ngõ. Ðại nghiệp của Chí Tôn để lại mặt thế nầy cho toàn cả nhơn loại, không ai có quyền giành hưởng một mình. Ðịnh luật như vậy mới là công bình và chánh đáng. Bần Ðạo lập lại: Pháp Chánh cốt yếu lập quyền cho con cái Ðức Chí Tôn, có hàng phẩm, quyền hành, thứ tự, đẳng cấp, giao cho Hiệp Thiên Ðài sắp đặt không cho loạn hàng thứ thất, nếu loạn hàng thất thứ thì Ðạo tiêu diệt.

Bây giờ nói qua hình luật Tam Giáo: Ðạo Cao Ðài không phải lấy nguơn chất của Tam Giáo làm căn bản, mà chỉ lọc lượt chơn truyền của các Tôn Giáo trên địa cầu nầy mà tổng hợp lại. Tại sao lại kêu hình luật Tam Giáo mà thôi? Bởi ngày nay Tam Giáo qui nhứt. Các Tôn Giáo trên thế gian nầy thì nhiều mà không ngoài khuôn viên của ba Ðạo lớn, có thay đổi chăng là vì châm chế bớt ngoại dung, chớ bên trong đều do theo hình luật đó.

Hình luật Tam Giáo để định án chăng? Thiên hạ sẽ nói Ðạo gì mà có Tòa Án? Người ta lầm! Vả chăng con người chỉ có quí ở cái Tâm và hạ sanh tại đây ít nữa phải có căn duyên sao đó mà mình không biết đó thôi. Bần Ðạo dám chắc dầu một vị chí Phật đến tại thế gian nầy mang thi hài xác thịt cũng quên hết tiền kiếp, cửa huệ quang bị bí lối, không tự biết mình, không tự hiểu phẩm vị mình, vì mang xác phàm thì cái gì cũng phàm hết. Duy có Ðấng toàn năng, toàn tri, toàn thiện, toàn mỹ là Chí Tôn mới tránh khỏi chuyển kiếp luân hồi mà thôi. Ngoài ra không vị Phật nào tránh khỏi luân hồi cả. Các chơn hồn ở các cung, các động, hoặc ở Ngọc Hư Cung đến đây là có mạng lịnh đến tạo hình thể của Ðức Chí Tôn, đó là những vị đại diện, còn tất cả bao nhiêu chúng sanh đều có căn nguyên, mà hễ có căn nguyên tức nhiên là có tội, phải đến đây đặng trả quả kiếp luân hồi.

Chí Tôn muốn cho con cái của Ngài nên Thánh thì phải làm sao? Phải đem cả thảy vô đây, tắm rửa cho sạch sẽ làm cho thiên hạ muốn gần, phải vì thương mến kỉnh khen mà gần, vì đáng tôn sùng yêu ái mà gần. Hình luật Tam Giáo là nước Cam Lồ tắm rửa linh hồn vậy. Chơn truyền từ trước đến nay Chí Tôn để tại mặt thế trên các Ðạo Phật, Tiên, Thánh, là phương để gội rửa linh hồn mà thôi, nhứt là Công Giáo có phép xưng tội là một bí pháp, nhưng ta không hiểu tại sao Chí Tôn lại không truyền chơn pháp. Ta nghĩ, có lẽ Ðức Chúa Jésus Christ đã ban quyền cho những đại diện của Ngài, tức là cầm quyền Hội Thánh có đủ năng lực xá tội, nhưng trong khi hai đàng là kẻ xá tội và kẻ xưng tội, cũng có lẽ có người không thực tâm xưng tội, hoặc người không xứng đáng là người xá tội. Nếu xét ra người đến xưng tội và người xá tội cũng đều là phàm cả, chưa biết người nầy có xá tội được cho người kia chăng? Thảng không đủ quyền tha tội lại càng thêm mang tội hơn nữa. Hễ có tội tức có hình, có hình tức có phạt, có phạt phải thành án, mà án tiêu mới hết tội. Nên hễ có tội thì phải trả, mà có trả rồi thì mới hết tội. Nếu mình không tự hạ mình và không đủ can đảm cung khai thì chịu lấy. Biết mình có tội mà lại sợ nhục cái thanh danh phàm thể thì hỏng cái phẩm vị thiêng liêng thì rất nên đáng tiếc. Nếu biết trọng linh hồn thì không ngần ngại gì, đến mấy vị Ðại Thiên Phong cầm quyền Pháp Chánh kia cung khai đi, rồi họ lên án quẹt lọ cho mình, không lẽ đem ra pháp trường xử trảm. Tội có quá nặng đi nữa, dầu Pháp Chánh Hiệp Thiên Ðài có trục xuất đi nữa cũng không hại gì. Nếu mình biết ăn năn tự hối, tự tu thân tự giác tánh thêm nữa đặng đền tội, mình tu một mình dầu Hội Thánh không biết tới, mình cũng vẫn tin rằng có Ðức Chí Tôn chứng lòng trọn hiếu với Ðức Chí Tôn, ngày kia về cửa Thiêng Liêng chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đẹp dạ hả lòng tiếp rước trọng thể hơn nhiều, người trọn gìn đạo đức vì phẩm trật đã cao siêu từ trước giáng sanh lập vị, danh vị lập được của kẻ bình thường đâu bằng của kẻ biết ăn năn sám hối. Thảng như bị trục xuất mà tự mình biết lập vị mình, thế gian không hiểu thì còn có Ðức Chí Tôn hiểu, lập tâm mà tu thì cửa Hư Linh kia cũng không đóng được. Những kẻ ấy do Ðức Chí Tôn sắp đặt hàng thứ, nên Ngài đã nói: "Cửa Hư Linh không ưa kẻ tàn bạo, lạ thay Thiêng Liêng vị phần nhiều do những kẻ tàn bạo phá cửa chung vô". Thảng như mình không đủ can đảm chịu án mà mình tự tu sửa lấy mình được, dầu trong Ðạo Cao Ðài đây không có hiểu biết thì Chí Tôn cũng hiểu biết, anh em không hiểu mình mà ông Cha mình hiểu mình là đủ rồi, sợ e mình quá phàm mà phải thất Ðạo, phải luân hồi mãi mãi mà thôi.

Bần Ðạo dám nói rằng trong Càn Khôn này, số Hóa nhân còn có ít hơn là Nguyên nhân bị đọa trần, chịu luân hồi chuyển kiếp đặng đền tội nhiều phen, chỉ vì quyến luyến phàm chất, không đủ can đảm thú tội trước Ðức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nếu không muốn đợi để thú tội với Ðức Chí Tôn thì hiện giờ vì biết mình có tội đến thú tội với chư Ðại Thiên Phong Hiệp Thiên Ðài cầm quyền Pháp Chánh đó đi, rồi quyết chắc đã đền xong tội phạm ắt cửa Thiêng Liêng cũng khó định nghiêm hình, vì cớ cố nhiên là một án chỉ có một hình.

Ngày giờ nào nhơn sanh chưa có can đảm thú tội của họ, thì cửa Hư Linh vẫn còn chối họ mãi mãi.