Trang

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

4338. Nhà nước VN nên ‘chuộc’ lại

 05/11/2022

3635. Về việc ‘hồi hương’ kim ấn ‘Hoàng đế chi bảo’: Nhà nước VN nên ‘chuộc’ lại

BASAM 05/11/2022

Kim ấn triều Nguyễn được đăng tải trên trang web của hãng Millon và bức thư của hội đồng Nguyễn Phúc tộc VN gửi tổng thống Pháp. Millon, Dân Trí -RFA edited

FB Trần Đức Anh Sơn (*)

Sau khi tôi nhận được thông tin về việc hãng đấu giá MILLON của Pháp sắp bán đấu giá chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” (đúc năm 1823, triều Minh Mạng) và chiếc bát vàng “Khải Định niên tạo” (chế tác dưới triều Khải Định) vào sáng 18/10/2022, tôi đã liên lạc với TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, tôi đề nghị TS. Nguyễn Văn Đoàn báo cáo việc này với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đề nghị Bộ trưởng bộ này báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để tìm hướng giải quyết, làm sao đưa được hai hiện vật này, đặc biệt là chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam, trước khi diễn ra phiên đấu giá.

Bởi lẽ, tôi biết một hiện vật dù được thông báo sẽ đưa ra đấu giá, thì vẫn có thể đàm phán để mua được trước phiên đấu giá (gọi là private sale), nếu bên mua và chủ sở hữu thương lượng được giá cả. Điều này tốt hơn nhiều so với phải ra đấu giá công khai và phải “đua” cùng các người mua khác.

Ngay chiều ngày 18/10, TS. Nguyễn Văn Đoàn đã báo cáo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về sự việc trên, cũng như ý kiến đề xuất của tôi. Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam họp cùng và các chuyên gia của bộ để bàn thảo các phương án “hồi hương” hai hiện vật này.

Theo tôi được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, để xin ý kiến chỉ đạo việc mua lại hai hiện vật này trước khi cuộc đấu giá xảy ra vào ngày 31/10/2022. Tôi cũng được biết là phía Việt Nam cũng đã có những tiếp xúc với đại diện của hãng đấu giá MILLON, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, để bàn thảo phương án khả dĩ nhất nhằm hồi hương hai hiện vật trên, đặc biệt là chiếc ấn.

Đến chiều ngày 27/10/2022, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam gửi qua messenger cho tôi ảnh chụp bức thư (gồm 2 trang) do ông ấy ký tên. Bức thư đề ngày 27/10/2022, gửi ông Jean Gauchet, giám định viên của hãng đấu giá MILLON, đề nghị ông này hủy bỏ cuộc đấu giá nói trên vào ngày 31/10/2022, với rất nhiều lý do.

Sau đó, tôi thấy bức thư này được đăng tải trên một số tờ báo điện tử ở Việt Nam và tác giả các bài báo này ủng hộ ý kiến của ông Nguyễn Phước Bửu Nam.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ bức thư của ông Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, tôi thấy nội dung và lập luận trong thư có quá nhiều chỗ không ổn, do người viết thư không am hiểu tường tận vụ việc này và không hiểu hết luật pháp của nước ngoài và các công ước của UNESCO liên quan đến những trường hợp đấu giá hiện vật như vụ đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và bát vàng “Khải Định niên tạo” này:

– Thứ nhất, tôi nghĩ rằng việc gửi thư cho một giám định viên của hãng đấu giá thì không giải quyết được gì, bởi giám định viên chỉ là người được mời để giám định tính thật giả và giá trị của hiện vật đó. Ông ấy không có quyền quyết định dừng việc đấu giá hay không, mà người quyết định việc này là chủ sở hữu hiện tại của hai món cổ vật này.

– Thứ hai, hiện vật này không phải là “bảo vật quốc gia” như thông tin trên nhiều tờ báo ở Việt Nam đăng tải trong những ngày gần đây, cũng như được thể hiện trong nội dung bức thư do ông Nguyễn Phước Bửu Nam đứng tên gửi cho ông Jean Gauchet. Ở Việt Nam, từ năm 2001, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Di sản văn hóa, có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong đó có quy định rất rõ về “bảo vật quốc gia”. Các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Di sản văn hóa (2001, sửa đổi bổ sung năm 2009) đã quy định rõ các tiêu chí để được công nhận là “bảo vật quốc gia”. Hiện vật được chọn phải được lập hồ sơ đăng ký “bảo vật quốc gia” trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phải được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, sau đó mới trình cho Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận.

Đến nay, Việt Nam đã có 10 đợt xét công nhận “bảo vật quốc gia”, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định công nhận 238 hiện vật là “bảo vật quốc gia” qua 10 đợt xét duyệt này. Tất cả các “bảo vật quốc gia” đều đang hiện hữu ở Việt Nam.

Trong khi, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” là ấn được hoàng đế Bảo Đại trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn (Huế) vào chiều ngày 30/8/1945, cùng với thanh kiếm của vua Khải Định, trong lễ thoái vị, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ triều Nguyễn.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi chuyển ra Hà Nội bàn giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tháng 12/1946, thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội. Chính phủ Hồ Chí Minh rút lên Việt Bắc tiến hành “trường kỳ kháng chiến”. Bộ ấn kiếm trên được đem giấu trong một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô, vốn là một xưởng in tiền của Việt Minh trước đây. Ngôi nhà này đã bị phá hủy năm 1947.

Ngày 28/2/1952, Tiểu đoàn 2 B.P.C của Pháp do Tiểu đoàn trưởng Toce Raymond chỉ huy, đào bới phần móng ngôi nhà đổ nát này để thu nhặt gạch vỡ, thì tình cờ tìm thấy trong hai chiếc hòm kẽm chôn chứa bộ ấn kiếm này. Người Pháp quyết định trao trả bộ ấn kiếm này cho cựu hoàng Bảo Đại, lúc này đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam.

Lúc này, cựu hoàng Bảo Đại đang ở Pháp cùng hoàng hậu Nam Phương, nên “thứ phi” Mộng Điệp và bà Đoan Huy hoàng thái hậu (Đức Từ Cung), thân mẫu cựu hoàng, thay mặt ông tiếp nhận bộ ấn kiếm này.

Năm 1953, do tình hình chiến sự ở Đông Dương ngày càng ác liệt, cựu hoàng Bảo Đại nhận thấy không thể đưa bộ ấn kiếm này trở về cố đô Huế, nên cử bà Mộng Điệp mang bộ ấn kiếm, cùng một số tư trang sang Pháp giao cho hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long cất giữ.

Năm 1963, Hoàng hậu Nam Phương qua đời, bộ ấn kiếm được hoàng thái tử Bảo Long ký gửi trong một két sắt tại Union des Banques Européennes (Ngân hàng Châu Âu). Cũng theo lời kể của bà Mộng Điệp, năm 1980, khi xuất bản tập hồi ký “Le Dragon d’Annam” (Con rồng An Nam), cựu hoàng Bảo Đại muốn dùng kim ấn “Hoàng đế chi bảo” để đóng vào sách để làm tăng giá trị cho cuốn sách của ông, nhưng ông Bảo Long không cho mượn ấn.

Cựu hoàng Bảo Đại liền kiện con trai ra tòa để đòi lại ấn kiếm. Sau một quá trình tranh tụng rất lâu dài và phức tạp, cuối cùng tòa án ở Pháp phân xử: cựu hoàng Bảo Đại được sở hữu kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, còn cựu thái tử Bảo Long giữ thanh bảo kiếm.

Năm 1972, cựu hoàng Bảo Đại kết hôn với bà Monique Baudot, người Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, cựu hoàng để lại di chúc, trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản của ông ở Pháp, trong đó có kim ấn Hoàng đế chi bảo cho bà Monique Baudot, người được cựu hoàng “ban” cho tước hiệu La Princesse Vinh Thuy [sau khi cựu hoàng qua đời thì bà đổi thành L’Impératrice Thai Phuong].

Bà Monique Baudot qua đời vào năm 2021, nên có lẽ con cháu của bà là người đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra đấu giá.

Như vậy thì, cái ấn này có còn thuộc về Việt Nam nữa đâu, có ở Việt Nam nữa đâu, mà bảo là “bảo vật quốc gia” của Việt Nam.

– Thứ ba, trong bức thư nói trên, ông Nguyễn Phước Bửu Nam có viện dẫn Công ước UNESCO năm 1970 về việc phòng chống mua bán hiện vật trái phép. Đúng là có công ước này và Việt Nam là thành viên của Công ước này từ năm 2005, nhưng hai hiện vật mà chúng ta đang bàn trên đây ko phải là hiện vật đánh cắp / cướp đoạt, mà là hiện vật có chủ sở hữu hợp pháp từ năm 1953 đến nay. Vậy thì viện dẫn Công ước của UNESCO 1970 nói trên trong trường hợp này là không đúng.

Theo tôi, cách tốt nhất để “hồi hương” hai hiện vật này, đặc biệt là chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo”, là Chính phủ Việt Nam nên cử một phái đoàn qua Pháp làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON và chủ sở hữu hiện nay của chiếc ấn này, để đàm phán và mua ấn về với giá tốt nhất có thể.

Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước kế tục nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là chính thể mà hoàng đế Bảo Đại đã trao ấn và kiếm vào tháng 8/1945. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên bộ ấn kiếm bị thất lạc. Khi người Pháp tìm thấy bộ ấn kiếm vào năm 1952, họ đã trao trả cho vua Bảo Đại, với tư cách là người đại diện hợp pháp của nhà nước Quốc gia Việt Nam, được nước Pháp công nhận vào lúc đó, chứ không phải là đại diện cho hoàng tộc nhà Nguyễn. Vì thế, nói Nguyễn Phúc tộc là người “thừa kế” ấn “Hoàng đế chi bảo” thì không hợp lẽ.

Theo tôi, nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mới là pháp nhân có đầy đủ tư cách pháp lý để đàm phán với chủ sở hữu hiện tại của kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, thông qua nhà đấu giá Millon, nhằm “chuộc” chiếc bảo ấn này và “hồi hương” kim ấn về Việt Nam.

(*) Tác giả: Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, hiện là Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Đông Á ở Đà Nẵng. Theo Wikipedia, ông “… còn được nhiều người biết đến với các công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông; đã xuất bản nhiều bài viết và sách chuyên khảo trong lĩnh vực này. Ông được The New York Times mệnh danh là “Người săn bản đồ chủ quyền” trong một phỏng vấn của tờ báo này với ông vào năm 2017…“. Ngoài ra, ông từng bị khai trừ hỏi đảng do “đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội”; ông coi đây là “giây phút hạnh phúc” khi “được ra khỏi đảng cộng sản và tự do biểu đạt những gì mình muốn”.