Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

3181. GIÁO LÝ PHỔ THÔNG, BÀI 8

GIÁO LÝ PHỔ THÔNG, 
BÀI 8


TÌM HIỂU Ý NGHĨA
“PHẬT GIÁO CHẤN HƯNG”.

Trong tham luận chúng tôi xin trình bày 3 phần: Danh hiệu- Chứng minh- Kết luận. Văn bút trích dẫn để dẫn chứng đều là văn bút chính thống của Hội Thánh.
I/- DANH XƯNG QUA VĂN BÚT.
Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ “ĐĐTKPĐ” dùng danh hiệu Phật Giáo Chấn Hưng  “PGCH” nhiều lần chúng tôi chỉ nêu lên vài trường hợp tiêu biểu.
1/- Thư mời ngày Lễ Khai Đạo:
Ngay trong thư mời quan khách dự Lễ Khai Đạo  ngày rằm tháng 10- năm Bính Dần tại Chùa Gò Kén thì đã có danh xưng “Phật Giáo Chấn Hưng hay là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”


Người có đọc Đạo Sử của Hội Thánh Cao Đài ấn hành đều nhận thấy rằng Đức Chí Tôn hướng dẫn cho các vị tiền bối chun bị từng chi tiết cho cuộc Lễ Khai Đạo.  Như vậy danh nghĩa trong việc giao thiệp là điều rất quan trọng; các vị tiền bối không thể vì bất cứ lý do gì mà để danh xưng ấy trong thơ mời nếu không có lịnh của Đức Chí Tôn.
2/- TỜ PHÚC SỰ năm 1937  gởi cho Chánh Phủ Pháp. Đức Hộ Pháp thay mặt Hội Thánh Cao Đài ký tên: Phạm Công Tắc Giáo Chủ Đạo Cao Đài hay PGCH .
II/-  MINH LÝ PHẬT GIÁO CHẤN HƯNG.
Đạo Sử  Q2, T 237, 29-7-B.D. “Bản in Hoa Kỳ”.
….Như Nhãn hiền đồ Thầy không muốn nói với con bằng tiếng Hớn Ngôn vì tiếng An Nam từ đây Thầy cho là Chánh Tự đặng lập Đạo của Thầy nên buộc phải nói rõ ràng với con.
Thời kỳ dấu diếm Thiên cơ đã qua rồi…
Vậy xin theo lời Thầy dạy: dùng Tiếng An Nam để hiểu danh hiệu PGCH.
Dụng Tiếng An Nam thì lời Đấng Cao Đài dạy gọi là Cao Đài Giáo. Lời của “Chí Tôn” Phật dạy gọi là Phật Giáo. (Không nhất thiết cứ thấy chữ Phật Giáo thì đã qui kết vào Tôn Giáo có tên là Phật Giáo. Nó giống như câu Tên thì cử Chữ thì đọc vậy. Thí dụ:  Ông Trương Vĩnh Ký có bút hiệu Sĩ Tải nhưng không phải là phẩm Sĩ Tải của Hiệp Thiên Đài).
PGCH  là lời dạy của Phật. Hay  lời  giáo hoá của  Phật để chấn chỉnh những cái còn thiếu, cái lỗi thời hay cái sai hầu xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp.  Vậy Ai là Phật? Phật là Ai?
1/- TNHT. Bản in 1973. Q1T: 52:
Khai Thiên Địa vốn Thầy, sanh Tiên Phật cũng Thầy; Thầy đã nói một chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế Giới và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.
Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Câu nói của Thầy rất nhiều tầng nghĩa.
Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy. “Thầy là Phật”
Sanh Tiên Phật cũng Thầy “Thầy sanh ra Phật”
Các con là chư Phật, chư Phật là các con. “Con người là Phật- Phật là con người”.
Vậy thì cùng là chữ Phật nhưng rõ ràng là không thể hiểu nghĩa của chữ Phật như nhau trong các trường hợp trên. Nhưng khi các “Phật” có lời dạy thì trên chính danh vẫn được gọi là lời dạy của Phật. (Các Tôn-giáo tuy đáng danh Đạo chứ chưa phải Đạo. Tỉ như cát kia ở nơi một gò, một bãi biển, một sa-mạc thì lớn nhỏ đều đặc-biệt cùng nhau. Thay vì chỉ tên một gò, một bãi hay một sa-mạc lại gọi tiếng cát trơn thì chúng ta chẳng hề chối đặng, bởi dầu một bãi, một sa-mạc hay một gò nó cũng có danh là cát.- Lời Đức Hộ Pháp Ngày 15-7- Đinh Sữu. (20-8- 1937). Trong Lễ Khánh Thành Thánh Thất Kiêm Biên).
Chữ giáo mang ý nghĩa là dạy phải có phương pháp tuỳ vào phẩm chất và trình độ của người học, tuỳ vào bộ môn học mà có phương pháp thích hợp…
TNHT Bản in 1973, Q1, T 08:
….Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh mỗi đứa mà dạy.    
Dầu cho Thầy phàm tục cũng phải vậy; nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng….
Từ lời dạy của Chí Tôn mới có ĐĐTKPĐ.
Có ĐĐTKPĐ mới có nhân sự, có tổ chức, có công thức và sử chương… để giúp cho từng người thực hiện cuộc cách mạng tâm thân và cách mạng xã hội.
Đó là ý nghĩa vỡ lòng của danh xưng PGCH.
2/- Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo: có 02 bài Chơn Kinh. Cả hai bài đều do PHẬT DẠY.
a/-  Phật Mẫu Chơn Kinh. “PMCK”.
Ngày rằm tháng 8 năm Đinh Hợi (1937) Đức Hộ Pháp thuyết đạo nói rõ: PMCK do Đức Phật Mẫu cho tại Kiêm Biên Tông Đạo.
Có thể trình bày rất vắn tắc ý nghĩa PMCK:
- Nguyên lý hình thành của chúng sanh từ cõi vô vi đến cõi hữu hình; và định luật của tạo hoá dành cho chúng sanh trong càn khôn vũ trụ. (Câu 1- 20).
- Chu kỳ của tạo hoá. Thiên Địa tuần hườn châu nhi phục thuỷ nên mới có ĐĐTKPĐ (Câu 21- 36).
- Tầm quan trọng và nhiệm vụ của Phật Mẫu trong ĐĐTKPĐ. Bổn phận của Chúng sanh đối với Phật Mẫu. (Câu 37- 54).
Nhơn loại căn cứ vào PMCK mà có những giáo án hay sử chương thực thi tôn chỉ Đạo Cao Đài…..
b/- Di Lc Chơn Kinh. ‘DLCK’.
Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật thuyết DLCK.
Ngay TỰA của Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã xác định: …Mãi đến ngày 23-7 tới mùng 4-8 Ất Hợi mới có Kinh Tận Độ… Cơ tận độ nhơn sanh duy kể từ ngày ban tân kinh nầy mà thôi.
Thương thay cho những kẻ vô phần chịu phận thiệt thòi qui liễu trước ngày Tân Kinh Chuyển Pháp.
Tân Kinh chính là DLCK.
Di Lạc Chơn Kinh dẫn dắt chúng sanh từ cõi hữu hình trở lại vô vi. Nghĩa là chúng sanh có đạt vị, có đắc pháp hay không là do nơi có thực thi theo DLCK hay không.
Một trong cái khổ của chúng sanh ai cũng thấy là bệnh tật và vô minh muốn giải quyết hai cái khổ ấy thì tự mỗi người cứ hằng ngày trì tụng DLCK chơn kinh xem có ứng nghiệm hay không?  Lời của Trời Phật ban truyền và Hội Thánh ĐĐTKPĐ còn e sợ cho nhơn sanh mơ hồ nên mới xác định  rõ thêm trong lời TỰA.
DLCK là phương thuốc giúp cho nhơn loại tự mình chữa lấy bệnh tật của mình, tự mình tạo sự sáng láng để đón nhận kiến thức từ cuộc sống thực tế hay nơi học đường…
Tại sao DLCK chữa được bệnh tật? Nội dung DLCK: năng cứu khổ ách… năng cứu tật bịnh… năng độ tận chúng sanh thoát ư tứ khổ… năng độ chúng sanh qui ư cực lạc tất đắc giải thoát…
TNHT Q.1. T: Phàm xác thân con người, tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất chứa vàn vàn muôn muôn sanh vật. Những sanh vật ấy câu kết nhau mà thành khối (la formation des cellules). Vật chất ấy có tánh linh. Vì chất nuôi nấng nó cũng đều là sanh vật; tỉ như rau, cỏ, cây, trái, lúa, gạo, mọi lương vật đều cũng có chất sanh
TNHT Q1 T 84: Thầy đã dạy rằng: Thân thể con người là một khối chơn linh cấu kết lại; những chơn linh ấy đều là hằng sống; phải hiểu rằng: ngũ tạng lục phủ cũng là khối sanh vật mà thành ra, nhưng mà phận sự chúng nó làm, hiểu biết hay là không hiểu biết, đều do nơi lịnh Thầy mà phán dạy.
Vậy: Một người bệnh có nghĩa là có một khối chơn linh trong cơ thể ấy đang bệnh.
Do nơi cơ thể con người là một khối thống nhất và hoàn chỉnh cho nên một khối chơn linh trong trái chủ bịnh thì cả thân thể phải chịu ảnh hưởng theo. Nếu trái chủ của khối chơn linh ấy biết trì tụng DLCK thì khí huyết lưu thông khí huyết lưu thông thì bách bệnh tiêu trừ.
(Vì Khí mới là nguồn gốc quyết định sự sống của vạn linh sanh chúng chứ không phải vật thực. Chứng minh rất đơn giản và rõ ràng: Con người một ngày ăn vài bữa ăn để sống… thậm chí trong một hoàn cảnh nào đó có thể nhịn ăn vài ba ngày vẫn sống… nhưng chỉ cần ngưng hơi thở một giây phút là sự sống không còn nữa… Vì khối chơn linh trong cơ thể ấy không có khí luân lưu nên chúng phải chết. Thượng Đế là sự hằng sống mà Khí là thông tín viên của Thượng Đế đem sự sống và linh điển đến cho muôn loài. Khi thông tín viên không đến nữa thì cái sống đã dứt…  Khí tụ là sống; khí tán là cái sống đã ra khỏi cơ thể. Đó là cơ sở khoa học, bất cứ ai suy nghĩ cũng có thể lý hội và biện giải được chứ không có mơ hồ gì cả).
Về thể chất: Mỗi lần cúi lạy là mỗi lần hệ cơ hoành ép trược khí trong phổi và cả cơ thể ra. Khi trở về tư thế ngồi hay quì thì không khí mới ùa vào cơ thể nên từng tế bào trong cơ thể đều được khử trược lưu thanh… một cách hết sức tự nhiên… 
Về tinh thần: Khi trì tụng phải tập trung mới đọc đúng được… tập trung tư tưởng lâu ngày thành thói quen… có thói quen ấy thì đương nhiên tinh thần mỗi ngày một minh mẫn… sáng láng.
Tóm lại nhìn dưới góc độ khoa học thì DLCK là phương pháp rèn luyện thân thể khoẻ mạnh và tâm thanh trí sáng. Còn góc độ huyền vi trong đạo học thì lại càng mênh mông hơn nữa.
Trong Chánh Trị Đạo có cúng liên gia, có cúng liên gia thì có tụng DLCK… ấy là phương pháp cách mạng tâm thân cho mỗi người…  Những thế hệ mạnh khoẻ và thông minh nên hình từ DLCK rất tự nhiên…
DLCK được khai triển như một học thuyết với:
+/- 6 phương án: (Thượng Thiên Hổn Nguơn. Hội Nguơn Thiên. Hư Vô Cao Thiên. Tạo Hoá Huyền Thiên. Phi Tưởng Diệu Thiên. Hạo Nhiên Pháp Thiên).
+/- 5 giai đoạn: “Thể hiện khi niệm danh”. Di Lạc Vương Phật. Nhiên Đăng Cổ Phật. Kim Bàn Phật Mẫu. Từ Hàng Bồ Tát. Chuẩn Đề Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.
+/- Các công thức: phần niệm danh và lạy.
Tôn giáo Cao Đài phải có giáo án, có bài bản cụ thể để giúp cho mỗi người có phương thế giải quyết được cái khổ bịnh của chính mình mới không lệ thuộc vào người khác, mới tự chủ, mới thể hiện được dân chủ mục và tự do quyền… Mới đủ điều kiện để tuyên bố trước nhân loại: Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.
 Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn đó chính là hạnh phúc thật sự của mỗi người.  Mà có được hạnh phúc chân chính như thế là do đâu?
Do Đức Chí Tôn hoằng khai ĐĐTKPĐ và Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật dùng huyền diệu cơ bút để nguyện giải Tân Kinh chơn thiệt nghĩa: thuyết DLCK cho chúng sanh.
Mọi cái khổ của nhân loại đều giao lại cho Chí Tôn. Chí Tôn hoá giải và chấm dứt cái khổ ấy đồng thời đưa nhân loại  đến một cuộc sống mới, một nền văn minh mới từ học thuyết DLCK.
3/- Cửu Trùng Đài:
a/- Theo TNHT Q1, T, 50 (bản in 1973):
….. Còn nay Thầy giáng thế thì chọn đến:
Nhứt Phật.
Tam Tiên.
Tam thập lục Thánh.
Thất thập nhị Hiền.
Tam thiên Đồ Đệ…
b/- Diễn văn ngày 14-02- Mậu Thìn (1928) của Đức Hộ Pháp đọc tại Toà Thánh Tây Ninh: … Chiếu y như Thánh Ngôn Thầy nói Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy thì Thầy lựa chọn: Nhứt Phật. Tam Tiên. Tam thập lục Thánh. Thất thập nhị Hiền. Tam thiên Đồ Đệ là Thầy nói Thầy đến hiệp các Đấng mà Thầy đã sai đến trước lại làm một mà làm hình thể của Thầy hầu mở Tam Kỳ Phổ Độ. Ấy là Cửu Trùng Đài….
c/- Theo Thể Pháp:
Giáo Tông là cái gốc của sự giáo huấn. Cái gốc của “Giáo dân vi thiện”.
Cái gốc đó có nguồn từ Bát Quái Đài.
Trong Thể Pháp của Đ Đ T K P Đ thì:
Toà Thánh Tây Ninh nằm theo trục Đông Tây.
Bát Quái Đài ở hướng Đông. Bao Lơn Đài ở hướng Tây.
Ngay sau Bát Quái Đài là Tháp Giáo Tông.
Ngay sau Tháp Giáo Tông là Hậu Điện.
Hậu Điện là một khối kiến trúc theo hình chữ U. Lòng của chữ U quay về hướng Tây “ngó ngay ra Tháp Giáo Tông”. Hai nét song song của chữ U là Đông Lang và Tây Lang. “Nét đặc trưng của Đông Lang và Tây Lang thể hiện qua hai chiếc đồng hồ mỗi bên”.
Đông Lang nằm theo trục Đông Tây và ở vào hướng Nam của Tháp Giáo Tông.  Đông Lang dành cho Nam Phái và là nơi lo về lễ nghi thường thức của Tôn Giáo.  (Thể hiện cho đạo đức)
Tây Lang cũng nằm theo trục Đông Tây và ở vào hướng Bắc của Tháp Giáo Tông.   Tây Lang dành cho Nữ Phái và các công việc liên đới. (Thể hiện cho khoa học kỷ thuật)
Bát Quái Đài là Hồn của Đạo; là nơi xuất phát giáo pháp của Đạo Cao Đài.
Hậu điện: Hậu điện có nghĩa là những công việc phải làm sau khi tiếp nhận công thức hay giáo án từ thiêng liêng truyền dạy.
Thiêng Liêng truyền dạy bằng cơ bút tại Cung Đạo là cái gốc của mọi việc.
Công việc của nhân sự Tôn giáo sau khi được Thiêng Liêng truyền giảng là nghiên cứu và phổ biến chân lý của Tôn giáo đến cho toàn nhân loại.
Mà nhân loại thì tựu trung vào hai hệ tư tưởng: Đông Phương và Tây Phương.
Phổ biến chân lý phải hiểu hai luồng tư tưởng Đông Phương và Tây Phương.  Phổ biến chân lý qua hệ tư tưởng của Đông Phương và Tây Phương tuy có những sắc thái tinh tế khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là phụng sự nhân loại.
 Nơi Cửu Trùng Đài thì Giáo Tông đối phẩm với Phật Vị. Đó là một trong những ý nghĩa của PGCH.
4/- Hiệp Thiên Đài:
Theo TNHT Q.1. T.98. (bản in 1973).
Hiệp-Thiên-Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng-liêng mối Đạo. Hễ Đạo còn thì Hiệp-Thiên-Đài vẫn còn…..
….Hiệp-Thiên-Đài dưới quyền Hộ-Pháp Chưởng-quản, tả có Thượng-Sanh, hữu có Thượng-Phẩm….
a/- TNHT Q.1. T.15. (bản in 1973).
Cư, nghe dặn: Con biểu Tắc tắm rửa sạch sẽ (xông hương cho nó) biểu nó lựa một bộ quần áo tây cho sạch sẽ, ăn mặc như thường đội nón...
Cười.....
Đáng lẽ nó phải sấm khôi, giáp như hát bội, mà mắc nó nghèo, Thầy không biểu.
Bắt nó đứng trên, ngó mặt ngay ngôi Giáo-Tông, lấy chín tấc vải điều đắp mặt nó lạị.
Lịch, con viết một lá phù (Giáng-Ma-Xữ) đưa cho nó cầm.
Các con, phải cho thanh tịnh kể từ ngày nay, diệt tận phàm tâm chớ nhơ một điểm, thì ngày ấy thề mới đặng….
….Cả hết thảy Môn-Đệ phân làm ba ban, đều quỳ xuống biểu Tắc leo lên bàn,con chấp bút bằng nhang,đến bàn Ngũ-Lôi đặng Thầy triệu nó đến rồi mới tới trước mặt Tắc đặng Thầy trục xuất chơn-thần nó ra: nhớ biểu Hậu. Đức xông hương tay của chúng nó, như em có giựt mình té thì đỡ.
b/- Pháp Chánh Truyền Chú Giải. T 76.
Huyền vi mầu nhiệm của Đạo có Thiên Điều, cơ bí mật của Đời có Luật Pháp.  Hộ Pháp là người nắm cơ mầu nhiệm của Đạo nắm luật của Đời xữ đoán Chư Chức Sắc Thiên Phong và cả Tín Đồ….
c/- Đức Hộ Pháp. 14-02- Mậu Thìn (1928).
…. Còn Nhứt Phật, Nhị Tiên, Thập Nhị Thánh tại Hiệp Thiên Đài thì là các Đấng hầu hạ bên Thầy từ lúc trước, nay tuy xuống thế cũng cứ giữ phận hầu Thầy mà thôi….
Như vậy nơi Hiệp Thiên Đài  thì  Hộ Pháp đối phẩm với Phật  Vị .
5/- Phước Thiện:
Thập nhị đẳng cấp thiêng liêng.
Phật Tử: được đồng quyền Chí Tôn cai quản cả Thần Thánh Tiên Phật trong Càn Khôn thế giới.
Chí Tôn có nói: Kỳ ba nầy Chí Tôn đến độ rỗi con cái của Ngài đến ngang bậc cùng Ngài là Ngôi Phật Tử đó vậy.
Đối phẩm Phật Vị nơi Phước Thiện là Phật Tử.
6/- Đạo Hữu, “Nhơn Sanh”: Mỗi người khi đến làm khách trần đều được Chí Tôn ban cho nhứt điểm linh quang, hay còn gọi là Phật Tánh.
a/-  Kinh Xuất Hội:
Nhờ Chí Tôn dạy khôn lẽ Đạo
Phật, Thánh, Tiên nhỏ máu nhiệt thành.
Vạn linh đã hiệp Chí linh
Hội xong cậy sức công bình Thiêng Liêng…
Phật, Thánh, Tiên là các Đấng vô hình vậy làm sao mà nhỏ máu nhiệt thành. Vậy có phải câu kinh đề cập đến Phật, Thánh, Tiên tại thế (hữu hình) đang để hết tâm huyết, cân não vào công cuộc xây dựng sự nghiệp Đại Đạo? Chơn truyền Chí Tôn đại kỵ những điều ảo ảnh, liêu trai cho nên Phật Tiên Thánh đều là tại thế. Thầy từng dạy: Chư Phật Thánh Tiên xuống ở trần…
Khi Nhập Hội thì đã đọc câu:
…Các con vốn trong vòng Thánh Thể…
… Diệt trí phàm hờn giận ghét ganh…
Chỉ có tâm thánh, chỉ có Phật Tánh thể hiện trong suy nghĩ và hành động của mỗi người mới thay đổi được bản thân mình và góp phần xây dựng xã hội.
b/- Lời Thuyết Đạo.(Q.2.T. 122):
Ngày 12-7- Mậu Tý (1948). Qua nói rằng: Mỗi  vị  Tín Đồ đều có cái mão của Giáo Tông và Hộ Pháp đội trước trên đầu, không lấy được là lỗi tại mấy em chẳng lẽ có một người mà người đó chết rồi là diệt tiêu nền Đạo….
c/- Trong ý nghĩa đạo học thì: Phật là Chân lý. Pháp là khuôn thước. Tăng là chúng sanh. Hẳn nhiên chỉ có Chân Lý mới Chấn Hưng được xã hội ….
III/- KẾT LUẬN.
Đạo Pháp Vô Biên… Người xưa có câu: Văn bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, được ý hãy quên lời.
Nhưng qua sự trình dẫn trên đây thiết tưởng ý nghĩa chữ PHẬT GIÁO CHẤN HƯNG đã rõ được phần nào.
Phật Giáo Chấn Hưng hẳn nhiên là khác với Chấn Hưng Phật Giáo.
Nói bình dân thì PGCH là toàn thể còn Chấn Hưng Phật Giáo chỉ là một phần trong toàn thể. Dùng khái niệm Tân Toán học để hiểu thì PGCH là một tập hợp, Chấn Hưng Phật Giáo là một phần tử trong tập hợp ….
Trong tiến trình khi triển khai giáo pháp của ĐĐTKPĐ, khai triển DLCK thành học thuyết Di Lạc để xây dựng một nền văn minh mới cho nhân loại “Lập Đời Thánh Đức” thì chắc chắn rằng danh xưng  nầy còn nhiều tầng ý nghĩa cao hơn,  còn rất nhiều biện chứng sáng tỏ và mênh mông bát ngát hơn nữa…./.