Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

3178. GIÁO LÝ PHỔ THÔNG, BÀI 5.

GIÁO LÝ PHỔ THÔNG
BÀI 5

MỘT BÁT QUÁI MỚI
TRÌNH CHÁNH VỚI NHÂN LOẠI.
“Bát Quái Đồ Thiên-1926”.

  Theo giáo lý Cao Đài Giáo thì Hư Vô chi khí sanh ra Đấng Chí Tôn hay còn gọi là Ngôi Thái Cực.
Thái Cực sanh Lưỡng Nghi.
Lưỡng Nghi biến sanh Tứ Tượng.
Tứ Tượng biến sanh Bát Quái.
Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giới nên mới gọi là Pháp. (là tài nguyên và môi trường sống).


Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng… (là sinh vật hay chúng sanh sống trên môi trường- mà con người là một trong những sinh vật sống trên vũ trụ)
Bát Quái qua văn bút đạo học xưa nay thể hiện cho nổ lực của nhân loại khi nhận thức về Thiên lý hay Nhân sự.
Văn minh nhân loại đã có 2 đồ hình Bát Quái còn lưu lại:
-  Tiên Thiên Bát Quái. ‘TTBQ’.
-  Hậu Thiên Bát Quái. ‘HTBQ’.
- Đến khi Đấng Chí Tôn chiếu luật Thiên điều hội Tam Giáo hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Tôn Giáo Cao Đài lại trình chánh thêm một Bát Quái mới với cộng đồng nhân loại.
Bát Quái mới được bố trí tại Bát Quái Đài Toà Thánh Tây Ninh:  Đồ Thiên Bát Quái. ‘ĐTBQ’.
DỊCH HỌC QUA BA THỜI KỲ.
I/- Bát Quái Tiên-thiên:
 TTBQ ứng với Đại Đạo Nhứt Kỳ Phổ Độ.
TTBQ bắt đầu từ Vua Phục Hy “còn gọi Bào Hy”.
Đây là vị Vua nằm trong huyền sử của Trung Hoa…
Tương truyền nhà Vua thấy con Long Mã nổi lên trên sông Hoàng Hà… trên lưng con Long Mã có những khoáy thành đám từ 1-9 nhà Vua nhân theo đó mà nghiền ngẫm về lẽ biến hoá của Vũ Trụ và đem lẽ đó vạch ra thành nét.
Đầu tiên vạch một nét liền “tức là vạch lẽ” để làm ký hiệu cho khí dương.
Kế đó là một nét đứt “tức là vạch chẳn” để làm ký hiệu cho khí âm.
Âm dương là vốn một chứ không phải là 2 khí.
Gọi là khí dương khi nó chuyển động.
Gọi là khí âm khi nó ngừng nghĩ.
TTBQ chỉ có 8 quẻ và được bố trí theo phương vị và lý số như sau:



Trình bày theo hướng Bắc ở trên

Các quẻ đơn ở Tiên Thiên Bát Quái được đánh số và có ý nghĩa như sau:
1: Càn vi Thiên; 2: Đoài vi Trạch; 3: Ly vi Hoả; 4: Chấn vi Lôi; 5: Tốn vi Phong; 6: Khảm vi Thuỷ; 7: Cấn vi Sơn; 8: Khôn vi Địa.
Khi cộng các quẻ đối nhau xuyên tâm ở Tiên Thiên Bát Quái theo chính phương hay bàng phương ta đều được con số 9. “Số của Cửu Thiên Khai Hoá”.
II/- Bát Quái Hậu-Thiên.                                                            
HTBQ ứng với Đại Đạo Nhị Kỳ Phổ Độ.
HTBQ bắt đầu từ Vua Văn Vương nhà Châu.
Nhà Vua đem 8 quẻ đơn chồng lên nhau tạo thành 64 quẻ kép.


                                          
Đồ hình BQHT vẫn dùng 8 quẻ như Tiên Thiên nhưng lý số và bố trí phương vị lại khác.
Khảm (1); Khôn (2); Chấn (3); Tốn (4); Càn (6); Đoài (7); Cấn (8); Ly (9).
Hậu Thiên không có quẻ nào mang số 5 vì thuộc ngũ trung cung. “cho nên Hậu Thiên vẫn chỉ có 8 quẻ mà có đến số 9”.
Cách bố trí  số 5 ở Ngũ Trung Cung như thế nên khi cộng các con số của Hậu Thiên theo chính phương hay bàng phương mà xuyên tâm hoặc là cứ 3 con số theo trục ngang hay dọc lại  thì đều được số 15 ‘cộng ngang dọc chéo đều được số 15’.
“Toán học cũng có một ma trận hay ma phương giống như các số của Hậu Thiên”
4
9
2
3
5
7
8
1
6
                         

(TỨ tướng TAM tài hội BÁT tiên- CỬU long NGŨ hổ NHẤT đoàn viên- NHỊ tướng THẤT hiền phò LỤC quốc. Đạo mầu từ đó hết chinh nghiêng)
 Nhưng nếu không tính số 5 ở Ngũ Trung Cung mà chỉ cộng theo Đông, Tây, Nam, Bắc: Tứ-Tượng Bát-Đồ hình của Hậu-Thiên chuyển-hóa giao nhau đều nên hình số 10. “thể hiện thập thiên-can bao hàm vạn tượng”.
Xin lưu ý:
+  “ Cũng có tư liệu khác viết rằng Phục Hy đem 8 quẻ ấy chồng lên nhau để tạo nên 64 quẻ- Cuộc tranh luận hãy còn chưa kết thúc…”.
+ “Theo Cao Đài Giáo: Thái cực đến Bát Quái là cả một chặng dài… đến khi có nhơn loại và nhơn loại nghĩ ra Bát Quái lại là một chặng dài nữa… Như vậy Bát Quái Tiên Thiên là do con người nghĩ ra nên sau Trời Đất; nhưng chữ Tiên Thiên hàm nghĩa là nổ lực của con người muốn tìm hiểu về Trời Đất trước khi có con người. Bát Quái Hậu Thiên có sau Tiên Thiên… thiết nghĩ ngôn từ Tiên Thiên; Hậu Thiên cũng còn hàm nghĩa theo thứ tự trước sau
III/- Bát Quái Đồ Thiên.
BQĐT ứng với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. BQĐT được trình bày tại Bát Quái Đài Toà Thánh Tây Ninh.
“Hội Thánh minh giao sách trường xuân”.
Chúng tôi chỉ ghi nhận hình thể và phương vị còn lý số BQĐT chưa thấy Hội Thánh Cao Đài công bố, nên chúng tôi không suy đoán được.

         Có thể nêu mấy đặc điểm:
(1): Dùng 8 quẻ  đã có trong dịch học;
(2): dụng các quẻ đơn như Tiên Thiên;
(3) dùng thứ tự 8 quẻ theo thứ tự Hậu Thiên ( Càn, Khảm, Cấn, Chấn…)
(4): BQĐT thì  khởi điểm cung Càn nằm ở Tây Nam (Khởi điểm cung Càn Hậu Thiên ở Tây Bắc).
(5): Chiều gọi tên của BQĐT ngược với chiều kim đồng hồ (Chiều gọi tên của Hậu Thiên theo chiều của kim đồng hồ).
Theo nhận định của chúng tôi thì Kinh Dịch Đồ Thiên vẫn là 64 quẻ (ứng với Tân luật 64 điều). Trong 64 quẻ dịch sẽ chia thành 32 và 32 chứ không chia thành 30 (thượng kinh) và 34 (hạ kinh). Bởi lẽ trong Tân Luật phần Đạo Pháp có phân chương (8 chương), 32 điều. Phần Thế Luật 24 điều không phân chương; Phần Tịnh Thất 08 điều cũng không phân chương. Như vậy phần phân chương 32 điều và không phân chương 32 điều; là chỉ dấu cho thấy Kinh Dịch Đồ Thiên chia làm 32 và 32.
MẤY NGUYÊN LÝ
KHI HỌC KINH DỊCH.
 Học Kinh Dịch cần chú ý 7 nguyên lý:
1/- Đạo sinh ra tất cả. (Đạo sinh Ngôi Thái Cực - Thái cực sinh ra vạn vật).
2/- Không có vật gì độc âm hay cô dương. (Vật gì cũng có đủ âm dương).
3/- Nhất nguyên đa cực. (Vạn vật cùng một nguyên lý nhưng có nhiều đối cực).
4/- Dịch là biến “CHỮ THỜI”. (Không có cái gì đứng yên- tự thân vận động).
5/- Thiên nhơn tương ứng. (Trời đất và con người cùng một nguyên lý).
6/- Nhân nào quả nấy. (Cái mà ta cho là ngẫu nhiên cũng do nhân quả mà).
7/- Sự vật gì cũng có chu kỳ của chính nó. (Tụ và tán).

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN:
Thượng cổ: Phục Hy quan sát vạn vật để định tượng và ghi thành vạch liền và dứt thể hiện “Lý&Sự khơi phát, chuyển luân”.
Trung cổ: Văn Vương – Chu Công khảo sát lẽ biến thành mà ghi thoáng tượng thể hiện “Trí dĩ tàng vãng”.
Khổng tử bổ túc lẽ hoá sanh mà đoán định hiện tượng thể hiện “Thần dĩ tri lai”.
Hậu học truy lý để Hườn nguyên mà an định trong minh triết và qua lại trong cuộc đời mà dìu dẫn nhau khi tri bước trên con đường tấn hoá. “Thuận căn thuận mạng đôi đường cao thăng; Kinh Tắm Thánh”.
Dịch: thể hiện sự vận hành biến đổi của tình thế, thuận hợp với qui trình thiên lý Đạo qua thời gian và không gian cho nhân gian chiêm nghiệm… để:
1/- Khi suy nghĩ thì lấy đạo đức làm căn bổn; (thiện căn, “lập đức”).
2/- Khi nói thì chuộng lời; (thiện ngôn, “lập ngôn”).
3/- Khi hành động thì chuộng thích nghi; (thiện hành; “lập công”).
4/- Khi chế tác thì chuộng hình tượng (thiện mỹ).
5/- Khi không nghĩ; khi không nói; không hành động; không chế tác mà vẫn thể hiện được Đạo Dịch…
(Thiên lý bao gồm cả hữu vi và vô vi. Hữu hoặc Vô chỉ là một cực của Đạo mà cả hai hợp lại mới đủ gọi là Đạo).
(Động – Tịnh: chưa đủ để gọi là đạo. Trung hoà: có động có Tịnh mới gọi là Đạo).
Quẻ dùng để chỉ một thời kỳ (Bĩ; Thái…) một công cuộc (Cổ; Tụng…).
Ngôi là thứ tự các hào. (Một quẻ 6 hào= 6 ngôi). Ngôi có chính và thất chính. Có trung và thất trung. Có ứng và không ứng.
+ Chính và thất chính:
Nếu hào dương ở vào vị trí: 1-3-5 là chính.
Nếu hào âm ở vào vị trí: 2-4-6 là chính.
Hào dương hay âm sai vị trí qui định trên là thất chính.
+ Trung và thất trung:
Dù hào (Cửu hay Lục) ở vị trí số 2 và số 5 là đắc trung. (Một quẻ kép là do 2 quẻ đơn chồng lên nhau nên chỉ xét đắc trung ở 2 hào nầy)
Do vậy mà có trường hợp đắc trung lại thất chánh trong mỗi quẻ.
+ Ứng và không ứng:
 Xét hào theo từng cặp một: 1-3; 2-5; 3-6.
Nếu từng cặp có một hào âm và một hào dương là ứng. (Nếu xét từng cặp mà chỉ có âm với âm hay dương với dương là không ứng).
* Về nguyên tắc giá trị: Nhân tố đắc trung đắc chính hẳn nhiên tuyệt vời; “như hào 5 quẻ Càn”. Nhưng khi phải chọn lựa giá trị “Trung hay Chính” thì đạo dịch quí đắc Trung hơn đắc Chính…
CÁI SAI LẦM BI ĐÁT
THƯỜNG THẤY Ở NGƯỜI HỌC DỊCH.
1/- Bị ám thị với thành kiến chết:
a/- Âm là Tiểu nhân.
b/- Dương là Quân tử.
Từ đó khai triển một chiều.  Thực ra:
*/- Lý có trước trời-đất, phân khí phát dục vạn-vật. Khí có Âm-Dương, tuy có hai danh nhưng cùng một khí.
-/- Âm khí lưu hành là Dương, Dương khí ngưng tụ là Âm, chúng phải có tương-đối vậy. “Âm dương không phải là 2 mà nó vốn là một. Nhưng có 2 tên gọi là do nơi nó ở trạng thái động hay tỉnh mà thôi”.                                   
-/- Dương thoái Âm sinh, Âm trưởng Dương sinh.
*/- Âm không phải chỉ có lạnh tối mà cũng có Dương sáng và ngược lại. 
Âm-Dương tương sinh-hóa có thanh-trược lẫn-lộn. 
*/- Người, vật sinh cùng một Lý.                                                
Khí Tụ là sống, khí tán là chết.
Khí tụ vào đó, Lý mệnh vào đó.
2/- Học qua ý kiến và lý luận của người trước mà thiếu BIỆN CHỨNG với trình độ với dân trí và hoàn cảnh văn minh hiện tại… không vượt lên từ bệ phóng tư tưởng người trước. Không hiểu rằng văn bút người trước như chiếc bè, ta nhờ đó mà qua sông. Qua sông rồi thì để bè lại đó ai có dùng thì dùng, chớ đừng có dại mà vác bè lên vai.
Thời kỳ của cung tên khi mủi tên khi bắn ra khỏi cây cung thì người bắn không có cách chi lèo lái mủi tên theo ý muốn của mình nữa. “Nó phải đi cho hết đoạn đường cho dù là vô vọng và lỗi thời… vì cái mục đích mà nó nhắm tới đã chuyển dịch…”
Nhưng đến thời kỳ của tên lửa hành trình thì một tên lửa khi ra khỏi bệ phóng trung tâm vẫn còn nắm quyền điều khiển tên lửa như thường.
Thời dùng đèn điện để thắp sáng phải khác với thời dùng đèn dầu thắp sáng… Thời đã khác mà nếu không nhận ra để có cách tiếp cận thích hợp thì người học dịch không khác người bị bệnh giáo điều vậy.
Dịch học xuất hiện từ thời kỳ văn minh nông nghiệp đến văn minh công nghiệp thì đã khác.
Chuyển sang văn minh điện tử và vi điện tử tất nhiên cũng phải khác. Và khi hướng đến văn minh tâm linh thì dich học cần có những bước chuyển mình mới rất linh hoạt thì mới đáp ứng thoả đáng nhu cầu học dịch trong nhân thế.
3/- Trang Tử có câu chuyện ý vị là người đời thường dùng rơm rạ để tạo nên những hình tượng Thánh, Thần… khi  có các cuộc tế lễ. Khi chưa tế hay đang tế thì kính trọng vô cùng, ai mà chạm đến các hình tượng ấy thì lôi thôi to. Nhưng khi đã tế lễ xong rồi thì những hình tượng ấy phải đem vứt bỏ, có người thấy vậy đem về làm gối nằm nên bị “mộc hãm”.
“Xem nguyên lý thứ 4: Chữ Thời. Trọng khinh là do cái Thời mà ra vậy”. 

TAM KỲ MINH LÝ DỊCH HỌC.
Đắc văn sách thông Thiên định Địa…
...Cung tận thức thần thông biến hóa...
Học Dịch là học về lẽ biến thiên của Kiền Khôn.
Học Dịch thì mới quán triệt cái Lý của Kiền Khôn.
Kiền Khôn là do Âm Dương vận hành mà có.
Vạn vật nói chung trong đó có con người cũng do Âm Dương kết  tạo, nên học dịch thì cũng quán thông được thế tình và tánh đức chính mình và bạn đồng sanh.
Thường nhân thuận đó mà an sinh.
Thánh nhân thừa ngự đó mà vận hành.
LỚN THAY DỊCH HỌC.
Gượng gạo mà định rằng:
KIỀN: là tượng Trời (Tượng Vua- Tượng Chủ).
KHÔN: là tượng Đất (Tượng Thừa Tướng- thi hành)
KIỀN KHÔN: là tượng cho ĐẠI ĐẠO.
HỘI CẢ Ý: Sáng tạo- Trưởng dưỡng- Bảo tồn.
Dịch: Dĩ Thiên Đạo, Minh Nhân Sự.
1/- Tuỳ theo từng thời kỳ, tuỳ theo sự tiến hoá, tuỳ vào sự hiểu biết của nhân sinh, của các chủng tộc, của các sắc tộc trên thế giới  mà vận dụng Dịch Lý ĐỒ THIÊN hầu ứng dụng phù hợp cho nhân thế trong tiến trình canh tân:
- Tôn Giáo.
- Xã hội.
- Khoa học.
Đừng cố chấp và bó cụm trong câu chữ của kinh điển, hay giáo lý theo ý riêng mình mà phải hiểu được chân lý của giáo lý thì mới thông được đạo lý. Đạo lý là cái lý nào để chính mình hiểu được đạo. Nền giáo huấn Cao Đài hướng tới khai mở lương tâm của chính mỗi người. Mỗi người phải mở cửa Hiệp Thiên của chính mình để bước vào trường học của Trời.
2/- Sau thời gian mà sát đúng mức thì:
- Từng người đã rõ bản lai diện mục. (Cái bản tánh đặc trưng của chính mình- Bi Trí Dũng …)
- Căn cứ vào đó mà bổ túc phần khiếm khuyết để trở thành hữu dụng (Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự. Lãnh Kim Sa đặng dự như lai…).
Phải tâm niệm rằng Dịch Lý Đồ Thiên được bố trí ở Bát Quái Đài Toà Thánh Tây Ninh là chuẩn mực để học hỏi trong buổi Tam Kỳ.
THỜI NẦY LÀ CỦA DỊCH HỌC ĐỒ THIÊN.
Dịch Học Đồ Thiên mới là cái chính còn Dịch học Tiên Thiên hay Hậu Thiên ngày nay chỉ còn giá trị tham khảo vì cái thời đã qua rồi.

HẬU TẤN HỌC DỊCH PHẢI HIỂU:
Vùng thoại khí bát hồn vận chuyển,
Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng”.
1/-Âm Dương là 2 mặt của một vấn đề.
2/- Mỗi vấn đề đều có 2 mặt khác nhau.
3/- Toàn quái trong Kinh Dịch thể hiện một vấn đề hay một hoàn cảnh xã hội.
4/- Vị trí của hào là vị trí của nhân tố trong hoàn cảnh.
5/- Xác định vị trí của Âm Dương phải đối chiếu vào vấn đề và hoàn cảnh. Thí dụ như bậc thang số 3 thì cao hơn bậc thang số 2 nhưng lại thấp hơn bậc thang số 4. Như thế tạm cho nó là dương đối với 2 nhưng chính nó cũng là âm đối với 3.
6/- (64) quẻ và hào thể hiện:
- Nhiều nhân tố trong cùng một vấn đề và hoàn cảnh. Thí dụ: nhiều người (nhân tố) cùng tham gia vào một kỳ thi (hoàn cảnh). Trong các nhân tố cùng tham gia đó cơ trí khác nhau, chuyên cần cũng khác nhau nên ứng xữ khác nhau, kết cấu khác nhau dẫn đến kết quả cũng có thể khác nhau (kẻ đậu người rớt) hay có thể giống nhau (cùng là người đậu hay cùng là người rớt).
- Một nhân tố trong nhiều (64) vấn đề và hoàn cảnh. Thí dụ: Một cá nhân lúc mới nhập học hay lúc học tiểu học, trung học, rồi đại học, học với Thầy học với bạn, học môn văn, môn toán, môn vật lý, hoá học hay vào học nghề…
Tóm lại:            
Nhân loại đã trải qua 3 nền văn minh:
-    Văn minh nông nghiệp.
-    Văn minh công nghiệp.
-    Văn minh điện tử và vi điện tử.
Hiện đang bước vào nền văn minh mới: Văn minh tâm linh hay là Văn minh Cao Đài Giáo.
Nên xét trên thực tiển hiện nay thì:
-    Trình độ Khoa Học Kỷ Thuật đã khác.
-    Trình độ tổ chức xã hội đã khác.
Vậy thì Tam Kỳ Phổ Độ (Tôn giáo) cũng phải khác với 2 thời kỳ trước.
Do đó những điểm cơ bản về Bát Quái qua 2 thời kỳ phổ độ và 3 nền văn minh đã qua thì được dùng lại như tên hay số các quẻ… nhưng không thể dùng kiến thức và quan niệm nguyên xi thời đó để bê vào mà vận dụng cho một thế giới đại đồng hay là thời đại  toàn cầu hoá ngày nay đựơc.
Một sự khiên cưỡng, gò ép như thế chỉ làm cho người học bị ức chế và lánh xa dịch học mà thôi.  Do vậy phải có một Bát Quái mới ra đời đủ sức để làm:
-    Binh Thư Chiến Pháp.
-    Kinh Thư Chiến lược.
Giúp cho nhân thế xây dựng xã hội mới tương thích với trình độ nhân loại cũng như hướng dẫn nhân thế xây dựng cuộc sống hoà bình hạnh phúc.
Bát Quái mới đó được trình bày tại Bát Quái Đài Toà Thánh Tây Ninh với tên gọi BQĐT.
Tóm lược trên là hành trang đi vào học DỊCH LÝ ĐỒ THIÊN đã được bố trí tại Bát Quái Đài T T T N (…Hội Thánh Minh giao sách Trường Xuân…)
Đem kiến văn từ nền Văn Minh Nông Nghiệp sang nền Văn Minh Công Nghiệp rồi đến Văn Minh Điện Tử và Vi Điện Tử là đã gượng gạo và hụt hơi cho nên dịch học đã xa lạ với môi trường giáo huấn.
Chuẩn bị cho nền Văn Minh Tâm Linh thì BQĐT ra đời. Dịch Lý Đồ Thiên sẽ giúp nhân loại canh tân dân trí hiểu được: Con người từ đâu tới; tới để làm gì và tới rồi đi về đâu?
Hiểu được mình thì cũng hiểu được xã hội mình đang sống đang ở vị trí nào và sẽ đi đến đâu về đâu, nghĩa là hiểu được cái chơn lý của đời người…

CÁCH GHI NHỚ 64 QUẺ.
“Nhờ Công Nghệ thông Tin”
Thường thì học đường ở bậc Trung Học ngày nay không có dạy Dịch Học.
Bậc Đại Học có một số chuyên ngành dạy Dịch Học. Nên đa số người đến với Dịch Học lúc đầu rất khó có khái niệm về điều mà các quẻ hay hào đề cập đến.
Một trong những khó khăn của người học Dịch là không nhớ chính xác tên các quẻ kép từ đó dẫn đến sự ngại ngùng khi tiếp cận với dịch học.
Ngày nay với các phương tiện của Khoa học kỷ thuật thì việc nhớ tên các quẻ dịch trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Một trong những phương tiện mà nhiều người ngày nay thường dùng là Điện Thoại Di Động.  Vậy thì dùng ĐTDĐ giúp ta tìm tên của 64 quẻ là điều nên làm.
Công việc tiến hành như sau.
a/-Phải nhớ nằm lòng thứ tự các số của quẻ đơn ở Tiên Thiên Bát Quái.
1: Càn (Vi Thiên). 2: Đoài (Vi Trạch). 3: Ly (Vi Hoả). 4: Chấn (Vi Lôi). 5: Tốn (Vi Phong). 6: Khảm (Vi Thuỷ). 7: Cấn (Vi Sơn). 8 : Khôn (Vi Địa).
Nhớ 8 qui ước trên thì dùng số để ghi rất tiện lợi.
b/- Mã hoá các quẻ bằng số:
Thí dụ:
Ghi:                                 Đọc:
1/6: Tụng.                  Thiên Thuỷ Tụng.
1/7: Độn.                    Thiên Sơn Độn.
5/3: Gia Nhân             Phong Hoả Gia Nhân.
5/7: Tiệm.                   Phong Sơn Tiệm.
7/3:  Bí.                       Sơn Hoả Bí
7/8: Bác.                     Sơn Địa Bác.
Cứ thế ta ghi hết những quẻ nào cần ghi.
Nếu thấy thích ta có thể ghi luôn số thứ tự của Quẻ vào để biết quẻ có số thứ tự là bao nhiêu từ đó biết quẻ thuộc phần Thượng Kinh hay Hạ kinh. (30+34=64)
Hẳn nhiên còn nhiều cách khác mà ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một cách giúp các vị có ĐTDĐ yên tâm là khi mình cần thì  tra  ngay được  tên gọi các quẻ…
ĐỐI CHIẾU MỘT VÀI THỰC TẾ.
“Dịch lý và khoa học”
Dịch lý Đồ Thiên biện giải rất rõ ràng:
Khoa học ngày nay định lịch cho một năm có 365 ngày (có dư ¼ nên 4 năm thì nhuận một ngày).
Trong một năm có: Hạ chí: nóng; Đông chí: lạnh
Ngoài ra còn có Xuân phân và Thu phân.
Một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Trong mùa lại có 8 tiết.
Theo quan niệm đạo học thì có 3 nguyên tố để tạo nên vũ trụ là: Nước, Lửa, Gió. (Thuỷ, Hoả, Phong).
(Phân biệt với 4 nhân duyên hiệp tạo nên con người là: Đất, Nước, Lửa, Gió. (Địa, Thuỷ, Hoả. Phong- Phật giáo gọi là tứ đại giả hiệp).
Mà theo dịch số thì: “ một năm có 365 ngày”
3: Lửa. (Ly vi Hoả)
6: Nước.(Khãm vi Thuỷ)
5: Gió. (Tốn vi Phong).
Thái cực: Một năm. Năm có 12 tháng.
Giáo Lý Cao Đài thì số 12 là số riêng của Chí Tôn.
Lưỡng Nghi: Tiết Hạ Chí (Nóng), Đông Chí (lạnh).
Tứ tượng: 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Bát quái: 8 tiết.
Còn số dư: ¼ ngày?
¼ ngày là biểu trưng Thái Dương trên Thái Âm (1: Thái Dương; 4: Thái Âm).
Số 365 thể hiện cho lửa đốt nước tạo thành gió.
Gió mang sự sống cho muôn loài.
Gió là thần khí của tạo hoá để bảo vệ cho hành tinh và định tinh. Khi chúng muốn ôm nhau thì xô ra, khi chúng xa nhau thì dìu lại. Lúc nào cũng giữ mực cân đối theo đức thái hoà của vũ trụ. Sự vận hành của tạo hoá đặt để giữa vũ trụ có thứ tự có kỷ cương nên dần dà nhân loại quan sát và phát hiện ra.
(Khoa học. Định luật Vạn vật hấp dẫn của NewTon: Hai khối lượng m và m’ cách nhau một khoản d thì chúng sẽ hút nhau bằng một lực F= mxm’/ d2)
Các nhận xét trên cho thấy Đạo học và Khoa học có những điểm giao thoa rất cụ thể cho nên nền văn minh mà nhân loại hướng đến phải có sự Trung Hoà giữa đạo học và khoa học.
- Đạo học nhờ khoa học mà bớt phần mê tín dị đoan.
- Khoa học nhờ đạo học mà tăng thêm phần tín ngưỡng.
*/- Một số ứng dụng của Dịch học trong lãnh vực khoa học đã được nhiều nhà nghiên cứu  biên soạn thành văn bút lưu hành trên thị trường :
-     Máy tính như: từ 2 vạch liền: ___ (dương)  và đứt __  __  các nhà toán học dùng hai  số 0 và 1 để xử lý…
- Còn một số khác cũng đã có biên soạn lưu hành trên xã hội như: Dịch Học Tinh Hoa của Thu Giang Nguyễn Duy Cần hay một số sách dịch của Nguyễn Hiến Lê chỉ xin giới thiệu mà không ghi lại nội dung./.