Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

3175. GIÁO LÝ PHỔ THÔNG. BÀI 2

GIÁO LÝ PHỔ THÔNG.
BÀI 2.


TÌM HIỂU MỘT SỐ VẤN ĐỀ
BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH.

Theo giáo lý Tôn Giáo Cao Đài thì toàn Thế-giới Càn-Khôn, chỉnh có hai quyền: trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là quyền-hành của sanh-chúng….
Quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là sanh-chúng, ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng….
Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà thôi.
Quyền Vạn Linh trong Tôn Giáo thể hiện qua Ba Hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội. (HNS, HT, TH).


Ba Hội nầy có một luật chung là Luật Lệ Chung Các Hội, và mỗi Hội đều có Luật qui định thành phần và cách thức hội.
Trong bài nầy chúng tôi không đi vào phân tích Luật Lệ qui định cho từng hội theo Nội Luật mà chỉ nhằm tìm hiểu:
HNS lần đầu tiên có vào năm nào.
Cách thức biểu quyết ở từng hội.
A/- HỘI NHƠN SANH LẦN ĐẦU.
Tôn giáo lấy nhơn sanh làm gốc nên có cơ chế và luật pháp bảo đảm cho nhơn sanh thể hiện quyền lực rất rõ ràng. Vai trò, nhiệm vụ của Nhơn Sanh trong Tôn Giáo Cao Đài rất quan trọng. Đây là điều mà các Tôn Giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ chưa từng có.
Đức Hộ Pháp nói về tầm quan trọng của Nhơn Sanh trong Tôn Giáo Cao Đài:
  “Thật ra nhơn sanh ngày nay theo NGƯỜI chớ chưa theo ĐẠO, nghe CHỨC SẮC chớ không nghe ĐẠO” …
 Đức Hộ Pháp nhấn mạnh rằng HNS là một cơ chế mà các tôn giáo có mặt trên địa cầu nầy chưa hề có. “Hội Nhơn Sanh là một quyền lực của Vạn Linh nếu không phân trách nhiệm công bình, thiếu phương thế mong chi giữ pháp.
“Ôi nhiều Đạo đã khi rẻ chúng sanh và chúng sanh chê Đạo cũng bởi thiếu cơ quan nầy mà chớ”
… “Cũng vì chư Đạo Hữu trong Hội Nhơn Sanh chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép ‘xin chư Đạo Hữu lưỡng phái đọc luật cho thường rồi kiếm hiểu’. (Đền Thánh: 15-8- Quí Dậu ‘04-10-1933’).
Các Tôn giáo dù ở thời đại nào cũng nhằm mục đích giáo dân vi thiện cũng lấy bác ái công bằng làm nền tảng. Nhưng chưa có một tôn giáo nào công bố trước nhân loại là khai cơ tận độ. Điều nầy đồng nghĩa với việc Tôn Giáo chỉ chọn một phần người để độ rỗi…
 Hẳn nhiên có nhiều lý do từ bản thân tôn giáo cho đến hoàn cảnh dân trí, trình độ khoa học kỷ thuật… của xã hội cho nên các tôn giáo chưa đủ điều kiện để công bố là khai cơ tận độ. Nhưng có một lý do biện chứng rất cơ bản là các Tôn giáo trước đây chưa có một cơ chế dân chủ, chưa có cơ chế thể hiện quyền của nhơn sanh trong tôn giáo; chưa vận dụng được sức mạnh vô đối của nhơn sanh trong tôn giáo cho nên chưa đủ điều kiện để công bố là khai cơ tận độ.
 Vai trò của nhơn sanh trong các tôn giáo trước đây hầu như là con số 0. 
Xưa quyền hành trong Tôn giáo tập trung về cho thượng tầng còn hạ tầng thì chỉ biết có tùng phục vâng theo… Bộ máy của Thượng Tầng cũng không có giới hạn độ số cho nên hạ tầng vốn dĩ đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé trước thượng tầng.
Nay đến Tam Kỳ Phổ Độ thì bộ máy thượng tầng được qui định rất chặt chẽ, bất di bất dịch. Nhân sự thượng tầng của Cửu Trùng Đài Nam Phái từ phẩm Giáo Hữu trở lên có độ số hẳn hoi.  Còn từ Lễ Sanh trở xuống Tín đồ thì không hạn chế.
Cách lập pháp như vậy so ra thì suốt trong tiến trình lập pháp của nhân loại từ Âu sang Á từ cổ chí kim chưa hề có. (Điều nầy thể hiện tính cách lập pháp tiên tiến của Tôn Giáo Cao Đài. Tôn giáo cung ứng cho nhân loại những kiến thức mới và rất cách mạng về cách thức lập pháp cho một tổ chức từ nhỏ đến lớn… chắc chắn là trong tiến trình xây dựng dân chủ và nhân quyền thì nhân loại sẽ nhận ra và phải cầu lấy để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân và dân tộc mình).
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tuyên bố trước toàn nhân loại là mở cơ tận độ… Vậy nguồn năng lực nào đáp ứng cho cơ tận độ?
Nguồn năng lực vô biên cung ứng sức mạnh cho tôn giáo thực thi cơ tận độ chính là lấy năng lượng từ Nhơn Sanh. Muốn lấy năng lượng từ Nhơn Sanh thì không phải chỉ dán nhãn hiệu HNS, hay kêu gọi bằng những từ ngữ mỹ miều, giả tạo, êm ái và chung chung.
Muốn có được sức mạnh của nhơn sanh phải có cơ chế, có luật pháp rõ ràng để nhơn sanh thể hiện ý chí và quyền lực của mình đúng như câu: Ý DÂN LÀ Ý TRỜI.
I/- BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH ĐẦU TIÊN.
Đạo Cao Đài tổ chức Lễ Khai Đạo vào đêm 14-15/10- Bính Dần (1926) thì đầu năm Đạo thứ sáu đã có mở BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH. (1).
Theo những văn bản mà chúng tôi có được thì lần đầu tiên mở ba hội như sau: 
-  Hội Nhơn Sanh nhóm ngày 15-10- Tân Vì (24-11-1931).
-  Hội Thánh nhóm ngày 16-18/ 11- Tân Vì (24- 26/ 12-1931).
- Thượng Hội nhóm ngày 27-28-29/ 11- Tân Vì (04-05-06/01-1932).
Như vậy lần đầu tiên mở Hội Nhơn Sanh là ngày 15-10- Tân Vì (24-11-1931).
Ba Hội nầy nhóm giải quyết vấn đề gì?
Một trong những nội dung ba hội giải quyết là công nhận Nội Luật Toà Thánh. (Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký ban hành Nội Luật Toà Thánh ngày 15-01- Nhâm Thân “20-01-1932”).
“Lưu ý là có Hội nhưng chưa có Nội Luật cho các Hội”.
* * * Liên hệ đến các Đạo Nghị Định vào ngày 03- 10- Canh Ngọ (22-11- 1930). 
1/- Đạo Nghị Định thứ nhì.
Điều thứ tư: Chánh Phối Sư đặng trọn quyền thông công cùng Chánh Phủ và Nhơn Sanh nhưng buộc phải có Hội Viên Nhơn Sanh và Hội Thánh chăm nom cơ hành động.
2/- Đạo Nghị Định thứ tư.
Điều thứ tư: Thượng Chánh Phối Sư đặng quyền thay mặt cho toàn đạo mà giao thông cùng Chánh Phủ và cả Tín Đồ quyền giáo dục nơi tay người nắm, làm chủ toạ Hội Nhơn Sanh.
Căn cứ vào nội dung trích dẫn ta nhận thấy đến thời điểm tháng 11- 1930 cơ chế Hội Nhơn Sanh vẫn chưa hoàn chỉnh. Cho nên sau các Đạo Nghị Định thì Hội Thánh mới soạn thảo Nội Luật…. Và ban hành vào ngày 16-11- Giáp Tuất (22-12- 1934).
(Một điều cần lưu ý là các Đạo Nghị Định được thành lập vào ngày   03- 10-  Canh Ngọ (22- 11- 1930). Ngày nầy chưa đến ngày kỷ niệm Lễ Khai Đạo nghĩa là còn ở năm Đạo thứ tư. Nhưng vì sao các Đạo Nghị Định đều ghi là Đệ Ngũ Niên.
Đó là vì cuối Đạo Nghị Định thứ nhứt đến Đạo Nghị Định thứ năm đều có câu: Nghị Định nầy ban hành kể từ ngày rằm tháng 10 năm Canh Ngọ. Chỉ riêng Đạo Nghị Định thứ sáu là không có câu trên).
II/- CĂN CỨ VÀO ĐÂU MÀ TỔ CHỨC.
1/- Chúng tôi tìm trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu từ 15-10 Tân Mùi “24- 11- 1931” trở về trước không có đàn cơ nào chỉ dẫn Hội Thánh cách thức tổ chức Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.
Đàn cơ chỉ dẫn về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh do Đức Chí Tôn dạy vào ngày  15-11- Tân Mùi (23-12- 1931) tại Thảo Xá Hiền Cung.  “TNHT. Q.2 T. 83”.
“Ngày Hội Nhơn Sanh là 15-10- Tân Vì ‘24-11-1931’ thì một tháng sau là ngày15-11- Tân Mùi (23-12- 1931) mới có đàn cơ chỉ dạy”.
Như vậy thời kỳ nầy Hội Thánh đã có được sự hướng dẫn trước ngày 15-11- Tân Mùi (23-12- 1931) để tổ chức thực hiện Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội. 
Sau khi có đàn cơ ngày 15-11- Tân Mùi thì Hội Thánh mới soạn thảo và ban hành Nội Luật như ta thấy trên văn bản hiện nay.
(Lưu ý rằng đây là nói về phương diện sử liệu để xác định thời điểm công việc diễn ra chứ không phải đặc vấn đề công kích Hội Thánh tổ chức như thế có giá trị hay không có giá trị. Hai vấn đề đó hoàn toàn khác nhau. Cũng như Tân Luật được hướng dẫn thực thi một số điều trước khi thành lập Pháp Chánh Truyền… rồi sau khi có Pháp Chánh Truyền mới hoàn chỉnh Tân Luật)
2/- Ngày 07-3- Quí Dậu (01-4-1933) Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký Châu Tri 01. (Mở đầu có chiếu theo những điều của Thượng Hội đã quyết định ngày 25-12-1932- Như vậy Thượng Hội nầy khác thời điểm với Thượng Hội tháng 01- 1932 thông qua Nội Luật.).
Thông Tri có những điều quan trọng về nhân sự:
Điều 1: Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt chỉ còn cầm quyền Giáo Tông mà thôi.
Điều 2: …Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, Bảo Thế Lê Thiện Phước, Hiến Đạo Phạm Văn Tươi cầm quyền Chưởng Pháp.
Điều 4: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa cầm quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
Khai Đạo Phạm Tấn Đãi cầm quyền Thái Chánh Phối Sư.
Khai Thế Thái Văn Thâu cầm quyền Thượng Chánh Phối Sư.
3/- Ngày 08-4- Giáp Tuất (20-5-1934) Đức Quyền Giáo Tông đọc diễn văn nhân Lễ Vía Đức Phật Thích Ca… Có phân tích 03 Hội: Hội Nhơn Sanh; Hội Thánh; Thượng Hội… (Lưu ý là thời điểm nầy chỉ có Luật Thượng Hội mà chưa có ban hành Nội Luật về Luật Lệ Chung Các Hội; Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh- Vì đến 16-11- Giáp Tuất mới ban hành các Luật trên).
4/- Ngày 22-01- Nhâm Thân (1932) Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký ban hành Nội Luật Thượng Hội.
5/- Ngày 16-11- Giáp Tuất (22-12- 1934) Đức Hộ Pháp ký ban hành 03 luật:
. Luật Lệ Chung Các Hội.
. Nội Luật Hội Nhơn Sanh.
. Nội Luật Hội Thánh.
Với tư cách: Hộ Pháp Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng.  (Theo bản in: Thái Hoà Ấn Quán Long Thành- Tây Ninh. Bính Tý Niên 1936).
(Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đăng tiên là ngày 13-10- Giáp Tuất (19- 11-1934) thì ngày 06-11- Giáp Tuất Đức Hộ Pháp được công cử cầm luôn quyền Giáo Tông của Cửu Trùng Đài.  Ngày 16-11- Giáp Tuất (22-12- 1934) Đức Hộ Pháp đã ký ban hành 03 luật kể trên).
(TNHT Q2. T: 97.  Đức Lý Giáo Tông cũng xác nhận giao cho Đức Hộ Pháp ½ quyền của Giáo Tông ‘Nghĩa là giao về phần hữu hình còn phần vô vi thì Đức Lý Giáo Tông không có giao’).
(Ngày 06-11- Giáp Tuất (1934) có cuộc họp công cử Đức Hộ Pháp kiêm nhiệm Quyền Giáo Tông của Cửu Trùng Đài… có bản ghi là Hội Thánh công cử có bản ghi là Nhơn Sanh công cử.  Do không thấy được tư liệu gốc nên chúng tôi không xác định được…
Sở dĩ chúng tôi thận trọng ở đây là vì từ ngày 19-5- Quí Dậu ‘11-6-1933’ thì đã có xảy ra vụ Hội Vạn Linh tại Đền Thánh. Tham gia trong vụ nầy có đủ ba vị Quyền Chưởng Pháp và Q. Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang cùng nhiều vị Chức Sắc Chức Việc… Các ông Nguyễn Phan Long làm Nghị Trưởng, Trương Duy Toản Phó Nghị Trưởng, Tuyết Tấn Thành Từ Hàn, Phạm văn Long Phó Từ Hàn… Sự việc nầy sai với Luật Đạo… Đức Hộ Pháp đã có nói đến trong diễn văn ngày 15-8- Quí Dậu ‘04-10-1933’ tại Đền Thánh) 
Xác định cho đúng ngày tháng tổ chức Hội Nhơn Sanh lần đầu là rất khó chúng tôi đã phải chỉnh sửa rất nhiều lần… nhưng lần nầy cũng có thể là còn sơ sót.
Nhưng chúng tôi chấp nhận đúc kết thành văn bản vì trong quá trình học đạo chúng tôi thấy cách thức tổ chức Hội Nhơn Sanh là điều rất mới và rất quan trọng nên đưa lên thành đề tài để cùng nhau lưu ý là chính.
Tiếc vì Hội Thánh Cao Đài đang bị giải thể nên Ban Đạo Sử cũng không có để đối chiếu xem có văn bản nào khác với các mốc thời gian hay là sự kiện trên hay không.
Ước mong sao quí vị đạo tâm lưu ý bổ túc hay sửa đổi nếu có những văn bản rõ ràng để hiểu thời gian mở Hội Nhơn Sanh lần đầu được chính xác hơn.
B/- CÁCH THỨC BIỂU QUYẾT TỪNG HỘI.
Tìm hiểu cách thức biểu quyết ở từng hội ta thấy có điểm chung là không có trường hợp nào gặp trở ngại khi phải biểu quyết.
 LUẬT LỆ CHUNG CÁC HỘI.
Điều Thứ Sáu: Cách bỏ thăm.
Việc bỏ thăm có hai cách:
a/- Khi việc cần yếu trọng hệ thì phải bỏ thăm kín.
b/- Khi việc thường thì bỏ thăm dơ tay.
Những việc chi bàn tính nếu được phân nữa số thăm của cả Nghị viên hiện diện thêm một lá nữa thì việc ấy được công nhận. Thoản như số thăm đồng nhau Nghị trưởng bỏ thăm bên nào thì lời bàn định bên ấy được công nhận.
Nếu một phần năm (1/5) Nghị viên hiện diện xin bỏ thăm kín thì Nghị trưởng cho lịnh y theo.
I/- ĐẠI HỘI NHƠN SANH.
Nghị Trưởng của Hội Nhơn Sanh là Thượng Chánh Phối Sư chỉ tham gia biểu quyết khi nào cuộc biểu quyết rơi vào trường hợp 50% thuận và 50% không thuận. Phiếu của Thượng Chánh Phối Sư là phiếu dự bị để giải quyết khi số phiếu hai bên ngang nhau.
Toàn thể nghị viên của ĐHNS là một khối khi biểu quyết. Một vần đề khi bỏ thăm thì cần 50% số người hiện diện cộng thêm vào một lá thăm nữa thì việc ấy được công nhận. Khi vấn đề đã được công nhận thì Nghị Trưởng không có quyền bỏ phiếu.
Các thành phần có tham gia vào HNS như Thái Chánh Phối Sư, Ngọc Chánh Phối Sư, Hiệp Thiên Đài…  nhưng không phải là Nghị Viên của HNS nên không có tham gia biểu quyết. 
ĐHNS biểu quyết theo đa số và không bao giờ có trường hợp nào phải  biểu quyết lại lần thứ hai cho cùng một vấn đề.
II/- HỘI HỘI THÁNH.
Điều Thứ Nhứt:
Nếu một vấn đề nào sau khi bàn cải rồi mà Cửu Trùng Đài bỏ thăm thuận còn Hiệp Thiên Đài thì bỏ thăm nghịch hoặc là Cửu Trùng Đài bỏ thăm nghịch mà Hiệp Thiên Đài bõ thăm thuận thì vấn đề ấy phải bàn tính mà bỏ thăm lại.
Nếu hai phen bàn cải mà vẫn cũng còn phản khắc nhau thì Chánh Chủ Hội tuyên bố liền rằng vấn đề ấy sẽ dâng lên Thượng Hội định đoạt.
Nhận xét: Các Nghị Viên của ĐHHT vẫn chấp hành theo cách thức biểu quyết ở luật lệ chung.
Đồng thời phải chấp hành thêm những qui định riêng cho ĐHHT như:
1/- Các Nghị Viên chia thành 02 hệ.
a/- Hệ của Cửu Trùng Đài biểu quyết riêng. Nghị Trưởng là Thái Chánh Phối Sư là nhân sự của Cửu Trùng Đài nên bỏ thăm theo luật lệ chung. 
b/- Hệ của Hiệp Thiên Đài biểu quyết riêng. Hệ nầy không có nghị trưởng nên mọi phần tử đều bỏ thăm. 
2/- Khi mỗi hệ đã có ý kiến nhứt định rồi thì mới đem ý kiến ấy so lại với nhau coi có thống nhất chăng rồi giải quyết như luật định….
Nhân sự của Hiệp Thiên Đài rất ít so với nhân sự Cửu Trùng Đài. Cách bỏ thăm nầy bảo đảm cho giá trị ý kiến của hai Đài ngang nhau.
Cách biểu quyết ở ĐHHT hẳn nhiên là có khi phải bỏ thăm lại và luật qui định rõ chỉ được quyền bỏ thăm lại có một lần duy nhất.
III/- THƯỢNG HỘI.
1/- Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng:
Có điều cần lưu ý rằng Thượng Hội có Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng chớ không có Nghị Trưởng và Phó Nghị Trưởng.
 Điều Thứ Mười của Luật Lệ Chung Các Hội qui định:
…. Như Nghị trưởng định nhóm giờ nào khi quá giờ ấy 15 phút đồng hồ phải mở Hội không kể số Nghị viên nhiều ít.
Thoảng như Nghị trưởng vắng mặt hoặc đến trể thì Phó Nghị trưởng thay thế, một Nghị viên chức lớn hoặc lâu cũ hơn hết hoặc tuổi tác lớn hơn hết ngồi ghế Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng đến thì ngồi chỗ Nghị viên.
Còn như Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng vắng mặt hoặc đến trể thì hai Nghị viên chức lớn, hoặc lâu củ hơn hết ngồi Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng đến thì ngồi chổ Nghị viên….
Điều luật nầy áp dụng cho Nghị Trưởng và Phó Nghị trưởng của ĐHNS và ĐHHT chớ không áp dụng cho TH.
2/- Cách thức của Thượng Hội.
Điều Thứ Mười:
Trong mỗi việc chừng cả Hội viên tỏ hết ý kiến và bàn luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày tỏ ra sau rốt. Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm, bên nào phần đông thì Thượng Hội tuân theo.
Điều Thứ Mười Một:
 Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền Chí Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn nghĩa là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của Đạo y theo thế ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa thì cả thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa.
Nếu có việc chi trái Luật Đạo thì Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Đầu Sư định đoạt lại.
Điều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện mật nghị rồi phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
Phân tích các điều trên ta thấy Thượng Hội có hai cấp: biểu quyết và phán quyết.
Từng phần: khi thảo luận. “Biểu quyết”. 
Chung cuộc: khi hội xong. “Phán quyết”
a/- Biểu quyết từng phần: “điều 10”.
Sau khi bàn luận theo thứ tự đã định xong rồi thì Giáo Tông cho bỏ thăm (HTĐ & CTĐ bỏ thăm riêng nhau, như ở Hội Hội Thánh). Bên nào có số thăm nhiều thì TH tuân theo. “Chỉ có các Nghị Viên Bỏ thăm còn Giáo Tông và Hộ Pháp thì không bỏ thăm”. 
b/- Biểu quyết chung cho cả cuộc hội: “Điều 11 và 14”
Theo điều 11:
+ Giáo Tông và Hộ Pháp không bỏ thăm nhưng lại phán quyết trong cả 2 trường hợp:
-  Thượng Hội không thống nhất với quyết định hai hội trước.
-  Thượng Hội thống nhất với quyết định hai hội trước.
+ Khi Giáo Tông và Hộ Pháp cùng phán quyết thì lại xảy ra hai trường hợp:
-    Hai vị có cùng chung một phán quyết.
-    Hai vị không cùng chung một phán quyết.
Theo điều 14:
Dù theo trường hợp nào thì trước khi bế mạc cả Thượng Hội cũng phải đình lại 15 phút để chờ hai vị Hộ Pháp và Giáo Tông vào đại điện mật nghị và công bố phán quyết ngay sau đó. (Ở HNS và HHT khi điều gì đã được thông qua của toàn hội thì khi bế mạc được giữ y không có việc xét lại…)
Kết quả ở Thượng Hội không phụ thuộc vào biểu quyết của các Nghị Viên TH mà tuỳ thuộc vào quyền Chí Tôn tại thế sau khi hai vị vào đại điện mật nghị. 
Tóm lại:
Cách thức bỏ thăm ở HNS rất dễ hiểu. “Cả hội là một khối và biểu quyết qua một giai đoạn”. (Một Hội:  một hệ; một giai đoạn).
Cách thức bỏ thăm ở ĐHHT “Cả hội chia thành hai hệ ngang nhau: Hiệp Thiên và Cửu Trùng và qua 02 giai đoạn- giai đoạn riêng của mỗi hệ rồi mới đến ý kiến chung của Hội Thánh”. (Một Hội:  hai hệ; hai giai đoạn).
Cách thức bỏ thăm ở TH “Cả Thượng Hội chia thành hai cấp: biểu quyết và phán quyết. Biểu quyết là các nghị viên-điều 10. Phán quyết qua hai giai đoạn: Trong khi Hội- điều 11; và sau khi Hội xong-điều 14”. (Một Hội: hai cấp; ba giai đoạn).
Số nhân sự càng ít chừng nào thì quyền hành càng cao và cách làm việc càng có qui trình chi tiết hơn.
Chúng tôi hy vọng những phân tích trên đây là chính xác nhưng nếu có gì sai sót xin quí vị thông cảm và chỉ dẫn để điều chỉnh lại… xin kính lời cám ơn trước…./.

                           &    &     &

(1): Cái gốc để xác định năm đạo là ngày 15-10- Âm Lịch.
Nguyên tắc tính năm đạo theo chúng tôi hiểu là:
1/- Lấy năm dương lịch hiện có trừ cho năm khai đạo-1926.
2/- Định vị xem ngày cần tìm trước hay sau ngày 15-10- Âm lịch.
a/- Nếu ngày tìm ra trước 15-10- Âm lịch thì không cộng thêm 01.
b/- Nếu ngày tìm ra từ 15-10 Âm lịch trở về sau thì phải cộng thêm 01.
Thí dụ:  2006 – 1926 = 80.
+ Từ ngày 14-10- Âm Lịch trở về trước là năm đạo 80.
+ Từ ngày 15-10- Âm Lịch trở về sau thì phải cộng thêm 01.
Cho nên 80+01= 81. (Tháng 01- Đinh Hợi- là năm Đạo 81. Nhưng nhiều người nói năm đạo 82 là căn cứ trên nguyên tắc nào?)
Cách tính cho một trường hợp cụ thể.
Ngày 29 tháng 10 năm 2006 thuộc năm đạo thứ mấy?
Bước một: 2006 – 1926 = 80.
Bước hai: Tìm ngày âm lịch tương ứng: 08 tháng 9 Bính Tuất.
Ngày cần tìm trước ngày 15/10 Âm lịch: Nên không cộng thêm một.
Kết luận: Ngày 29/10/2006 thuộc năm đạo 80.
Thí dụ 2: Ngày 29/12/2003 thuộc năm đạo thứ mấy?
Bước một: 2003 – 1926 = 77.
Bước hai: Tìm ngày âm lịch: 07 tháng 12 Quý Mùi.
Ngày cần tìm sau ngày 15/10/Âm lịch: Nên cộng thêm một (77 + 1 = 78).
Kết luận: ngày 29/12/2005 thuộc năm đạo thứ 78.

Các kỳ Hội Nhơn sanh.
1/- Hội Nhơn Sanh năm 1931.
2/- Hội Nhơn Sanh năm 1932.
3/- Hội Nhơn Sanh năm 1937.
4/- Hội Nhơn Sanh năm 1946.
5/- Hội Nhơn Sanh năm 1951.
6/- Hội Nhơn Sanh năm 1964.
7/- Hội Nhơn Sanh năm 1967.
8/- Hội Nhơn Sanh năm 1974.