Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

3180. GIÁO LÝ PHỔ THÔNG BÀI 7

 GIÁO LÝ PHỔ THÔNG 
BÀI 7


GÓP PHẦN HIỂU ĐÚNG.
“MỘT SỐ ẨN NGÔN CỦA ĐỨC HỘ PHÁP”.

Nhiều người trong chúng ta hẳn còn nhớ câu: MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU DẪN VỀ LA MÃ. Câu nói trên có giá trị như thế nào?
Nếu xét trên nghĩa đen thì câu nói trên đây chưa bao giờ đúng, sai ngay từ lúc nói ra…  nghĩa là hoàn toàn sai….
Nếu xét theo nghĩa ẩn ngôn thì câu nói ấy hẳn nhiên phải có duyên cớ và đúng nên được xã hội chấp nhận và lưu truyền như một danh ngôn….
Con đường trong câu nói trên hẳn nhiên không phải là con đường bằng đất nơi làng xã hay là con đường tráng nhựa nơi quốc lộ như mắt ta vẫn thấy.
Con đường ở đây là con đường của trí tuệ, của tư tưởng và quyền lực.


Vậy La Mã là gì? La Mã là tên của một  quốc gia. Thủ đô của La Mã khi xưa  chính là thủ đô của nước Ý ngày nay. Vào thời Đức Chúa Jésus giáng sinh thì La Mã là một đế chế hùng mạnh… vùng đất Palestin nơi Chúa sinh ra là thuộc địa của La Mã…
Xét về ý nghĩa câu nói trên có lẽ ra đời lúc:
La Mã còn đang dẫn đầu tư tưởng một bộ phận của nhân loại trong thần quyền lẫn thế quyền.
Hoặc là lúc đế chế La Mã  đã tàn lụi về quyền lực nhưng nhân loại thấy được cái hay cái đẹp của nền văn hoá La Mã nên quay ra học tập nền văn hoá ấy…
Trường hợp nầy có thể là đế chế La Mã đã cáo chung về quyền lực nhưng quan niệm và cách thức tổ chức xã hội pháp quyền hay các tác phẩm triết học, văn học, nghệ thuật của họ còn lưu lại và chinh phục những kẻ thắng thế trên chiến trường nhưng lại kém La Mã về văn hoá. (Chủ nghĩa phục hưng là một minh chứng).
Nền văn hoá La Mã thì rực rỡ và hoành tráng… nhưng sự cáo chung của  đế chế La Mã là nguyên nhân chính để chữ La Mã trở thành TỬ NGỮ. Nghĩa là chữ La Mã vẫn còn nhưng không mấy ai xài đến nữa…
Tóm lại câu nói trên thể hiện: La Mã là toạ độ gốc nên  phải dùng đấy để định vị. (Thập niên 80 của thế kỷ 20 ta còn nghe câu mọi con đường đều đến Mácxơcơva nhưng ngày nay hiếm khi  thấy  lưu hành…).
Người có Đạo Cao Đài thường hay nghe nói lại  một số câu nói của Đức Hộ Pháp như:
-    Bình Dương máu nhuộm…
-    Khu Chà Là dành cho những người hai vợ.
-    Núi Bà là rún biển.
Những câu nói nầy không nằm trong hệ thống văn bản, nhưng thường là gắn liền với một câu chuyện hay giai thoại nào đấy rồi những người nghe được lưu truyền, kế tiếp sự lưu truyền là sự lý giải theo nhiều lãnh vực nhưng phần lớn chưa được biện giải… Hẳn nhiên cách hiểu về những câu nói trên tuỳ vào nhận thức mỗi người nhưng có những cách nhận xét làm cho nhiều người ngỡ ngàng…
Bài viết nầy nhằm góp phần hiểu đúng một số câu nói của Đức Hộ Pháp.  Muốn góp phần hiểu đúng thiết tưởng phải nêu rõ cơ sở văn bút của tham luận…
Tiền đề cơ bản: Phải hiểu các câu nói trên ở vào diện ẩn ngôn.
Đã xác định đó là những ẩn ngôn thì phải có ít nhất 03 yếu tố để hiểu.
- TIẾNG AN NAM là chánh tự của Đạo Cao Đài nên phải dùng đó ĐỂ LÀM CHÌA KHOÁ.
- Lấy luật lệ, kinh điển, giáo lý tôn giáo để làm nội lực cho sáng tỏ.
- Liên hệ đến thời điểm câu nói ra đời.
A- BÌNH DƯƠNG MÁU NHUỘM.
 Nhiều người hiểu rằng phải có những cuộc đổ máu kinh hồn trên Lộ Bình Dương Đạo. Nguyên nhân xuất phát những đau thương ấy thì cũng có rất nhiều kiến giải nhưng chúng tôi không chia xẽ những cách hiểu đó nên không ghi chép lại đây… Theo thiễn nghĩ thì các cách hiểu như thế chưa phù hợp với đạo lý thời Tam Kỳ Phổ Độ.
Chúng tôi xin phép trích dẫn một số văn bút để cùng nhau suy nghĩ.
1/- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
a/- Q1,  T 79, bản in 1928:
Thiên Thơ có đủ các máy hành tàng nhưng THẦY vì thương các con mà phải sửa nét tân khổ ra đường lo liệu. Các con đặng tự do mà hành biến cho xong việc… 
Mở đạo kỳ nầy Thầy không cho đổ máu nữa…
Cái lẽ không cho đổ máu là vì trình độ văn minh ngày nay đã khác với xưa rất nhiều; cuộc sống vật chất của nhơn loại ngày nay khác với ngày xưa thì hẳn nhiên cuộc sống tinh thần cũng khác. Cái thời nhân loại đun nấu bằng củi bằng than… di chuyển bằng sức kéo của gia súc… đã qua rồi.
Các bài toán về chiến tranh, hoà bình, công bằng, bác ái vẫn còn đó… chưa giải quyết xong nhưng cách thức giải quyết và mức độ sâu rộng của bài toàn không còn như xưa nữa… 
Xét về cơ chế các Tôn Giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ đều xuất phát từ một cá nhân đề xướng nên chính cá nhân ấy là mục tiêu để cho những người không đồng ý với các vị nhắm vào đấy mà triệt tiêu.
Còn cơ chế Tam Kỳ ngay từ đầu Chí Tôn đã lập ra Hội Thánh cho nên sẽ không thể có chuyện đem cả một Hội Thánh ra để giết hại hay là đóng đinh…
b/- Đức Chí Tôn dạy: Tình thương là chìa khoá mở cửa Bạch Ngọc Kinh. Đền Thánh là biểu tượng cho đức tin vô song cho tình thương, minh triết… và Lộ Bình Dương lại đi ngang qua Bao Lơn Đài tại Toà Thánh… “Đoạn trong Nội Ô thì Lộ Bình Dương Đạo mang tên Phạm Hộ Pháp” vậy thì không có lý gì trên một con đường có vị trí đặc biệt như thế lại diễn ra cảnh núi xương sông máu… đầy đau khổ như thế…
2/- Kinh Xuất Hội:
Nhờ Chí Tôn dạy khôn lẽ Đạo
Phật, Thánh, Tiên nhỏ máu nhiệt thành.
Vạn linh đã hiệp Chí linh
Hội xong cậy sức công bình Thiêng Liêng…
Chúng ta ai cũng biết rằng Thần, Thánh, Tiên, Phật là các Đấng vô hình… Các vị là người đã bỏ xác phàm, các vị không có phàm thân như người nơi cõi trần… vậy thì Thần, Thánh, Tiên, Phật làm gì có máu…  Đã không có máu thì câu Phật, Thánh, Tiên nhỏ máu nhiệt thành…. Phải hiểu thế nào???
Phật, Thánh, Tiên trong trường hợp nầy là Phật, Thánh, Tiên tại thế.
Tại sao dám hiểu là Phật, Thánh, Tiên tại thế?
Bởi vì Kinh Nhập Hội câu 13-16:
… Đại Từ Phụ ra ơn dìu dẫn
Diệt trí phàm: hờn, giận, ghét, ganh
Để tâm dưới ánh Chí Linh
Soi tường chơn lý chỉ rành chánh văn…
Có nhập hội rồi mới có xuất hội mà nhập hội thì đã Diệt trí phàm: hờn, giận, ghét, ganh ấy là diệt cái trí phàm để còn lại cái tâm thánh khi nhập hội, có tâm thánh mới tìm ra chánh lý ẩn chứa bên trong văn bản hay sự việc… tâm thánh thể hiện qua tâm huyết và cân não đó là cơ sở để hiểu Phật, Thánh, Tiên tại thế mới phù hợp với việc nhỏ máu nhiệt thành….
Trong Lễ rước Chư Thánh đáo tân niên năm Nhâm Thìn (1952) Đức Hộ Pháp có giảng: Bần Đạo nói thật chúng ta sống là do cái hồn mà sống chớ cái xác là vật tạm để để chúng ta mượn đặng trả quả kiếp đó thôi.  Còn các bạn chúng ta nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống có hồn mà không xác là vì họ đã thoát kiếp trần rồi….
Soi tường chơn lý chỉ rành chánh văn… thì hành động mới có được kết quả.
Còn như dốt nát công với nhiệt tình mà không gặp được bậc lãnh đạo đấy đủ đức độ và tài năng dìu dẫn thì biến thành kẻ phá hoại mà thôi…
Thực tế thì Đức Hộ Pháp trong lần Hội Nhơn Sanh năm Đinh Sửu (1937) cũng như một số lần khác, đã than thở rất nhiều về năng lực của Chức Sắc Thiên Phong, nhưng do nơi có được một tầng lớp lãnh đạo cực kỳ sáng suốt nên cơ Đạo tại Tổ Đình đã có những thành tựu hết sức rực rỡ… nhưng đến  khi tầng lớp lãnh đạo ấy rời bỏ quán tục trần ai thì các vị còn lại không thể bỉnh cán công việc, nên lần hồi  lộ ra những sút kém từ trong nội lực… (Chừng nào Chi Pháp đã ra đi; Lúc ấy Đạo Trời gặp vận suy…)
3/- Lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp.
Đạo Cao Đài là hườn thuốc phục sinh hoà bình của nhơn loại.
Thầy cấm hẳn sự ghét nhau…
Vậy hiểu chữ Bình Dương máu nhuộm theo cách giản đơn là máu chảy thành sông xương chất thành núi là quyền tự do suy đoán và tìm hiểu của mỗi người nhưng chúng tôi thì không chia sẻ…
4/- Sở hành Đức Hộ Pháp:
Năm 1954 đất nước Việt Nam đang đứng trước hiểm hoạ chia đôi hai miền Nam và Bắc. Tín đồ Cao Đài nói riêng và đồng bào cả nước nói chung đã lên tiếng tha thiết không muốn cảnh một dân tộc lại bị phân đôi.  Đức Ngài thể hiện ý chí đoàn kết ấy bằng hành động nên đã đích thân sang Pháp rồi đến Genèvre để kêu gọi các nhà lãnh đạo chánh trị tôn trọng ý muốn của người Việt Nam nhưng lời kêu gọi ấy không mang lại kết quả và sau đó Ngài sang Miên Quốc để không bị bất cứ thế lực chánh trị nào lợi dụng… “Khuất mắt không nhìn nước rẽ hai…
Trong cơ vay trả cho sạch vết oan khiên của nhân loại thì những chuyện xảy ra không thể đoán định nổi… nhưng trên vùng Thánh Địa của một Tôn giáo chủ trương dùng bác ái và công bằng để giải quyết mọi tương tranh thì lẽ nào lại có cảnh tang thương đến như vậy xãy ra? Như thế câu “Bình Dương Máu Nhuộm” phải hiểu thế nào?
Bình là nét ngang.
Dương là nét đứng.
Bình Dương thể hiện cho sự hội tụ của âm dương nghĩa là Đạo.
Máu màu đỏ thể hiện cho sự dũng cảm…
Máu thể hiện cho tâm huyết và cân não…
Nhuộm thể hiện cho sự thay đổi.
Nghĩa là: Muốn thay đổi con người và xã hội phải để hết cân não vào con đường đạo đức, và đạo đức thể hiện qua hành động mà muốn hành động thì phải có sự dứt khoát và dũng cảm. Chỉ có Đạo mới thay đổi được con người và xã hội.
 Bình còn có nghĩa là công bình, bình đẳng là trung dung mà muốn những điều đó thì phải để hết cân não tâm huyết vào đó để học đạo để thay đổi chính mình và hành đạo để xây dựng nên một thế giới mới thay đổi cho thế giới nặng về vật chất. (Bình trong HOÀ BÌNH CHUNG SỐNG…trong NAM BÌNH VƯƠNG PHẬT Dương:  xiễn dương, phất lên… cũng là trong ẩn ngôn…)
Trong cái THỂ của Thái Cực có âm có dương “Nhứt âm, nhứt dương chi vị đạo - Bình” nhưng Chí Tôn DỤNG cái Dương quang ấm áp để tạo cơ hoá sanh… nơi nào ánh linh quang của Chí Tôn chưa chiếu giám đến thì phải còn tối tăm mờ mịt, chẳng sanh, chẳng hoá…
Vậy Bình Dương trong nghĩa trên là đem sự sống đến cho chúng sanh… mà muốn làm điều đó thì phải để hết tâm huyết, cân não vào học đạo để làm cuộc cách mạng bản thân mình “chánh kỷ” và góp phần vào công cuộc xây dựng một xã hội “hoá nhơn” trên nền tảng bác ái và công bằng…
Xin trích một câu Thánh ngôn để minh hoạ cho phần nào ý nghĩa của câu Bình Dương máu nhuộn:
 Vào nơi đạo đức rồi, dầu cho phải cắt ái ly gia, chia tình xẽ nghĩa, máu thịt đoạn ly, mà làm cho tròn trách nhiệm xứng đáng của mình, để hiến thân chuộc sanh mạng cho muôn ngàn kẻ đồng bào, thì cái đau đớn thường tình, sự khổ tâm ở thế kia, đau khổ nào có tiếc… TNHT Q2, T 78.
Tóm lại: Bình Dương máu nhuộm hiểu theo nghĩa của máu chảy thành sông, xương chất thành núi… hay hiểu theo nghĩa phân tích và nhận định xuất phát từ những cơ sở trên đều tuỳ vào ý thức mỗi người. Đó là quyền tự do mà Thầy đã ban cho không ai có thể tước đoạt được.  Cách hiểu nào cũng đều thể hiện tấm lòng và trình độ nhận thức của mỗi người. Chỉ có nhận thức hay hiểu biết của chính mình mới thay đổi được mình một cách hiệu quả. 
*/- Khi ngồi đọc lại bài viết nầy thì chính quyền tỉnh Tây Ninh đã đổi tên đường Lộ Bình Dương Đạo thành Điện Biên Phủ. Đó là một địa danh đầy xương máu của đồng bào Việt Nam, là nơi mà chính quyền cộng sản đã dùng chiến thuật biển người để chiến thắng và làm bàn đạp để chia đôi đất nước, chia đôi dân tộc. Đó cũng là một ý nghĩa thiết thực của ẩn ngôn Bình Dương máu nhuộm.

B/- KHU CHÀ LÀ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI HAI VỢ.
Khi nghe một số đàn anh cho biết đấy là câu nói của Đức Hộ Pháp đã dấy lên trong lòng chúng tôi bao nỗi hoài nghi.
Tôi tìm hỏi các vị lão thành thì các vị cũng xác định đấy là câu nói của Đức Hộ Pháp còn nói trong dịp nào thì các vị cũng không xác định được.
Chúng Tôi xem lại Tân Luật, phần Thế Luật, điều thứ chín qui định:
Cấm người trong Đạo từ ngày ban hành luật nầy về sau không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chấp nối.
Thảng như phụ nữ kia không con nối hậu thì Thầy cũng rộng cho đặng phép cưới hầu thiếp, song chính mình chánh thê đứng cưới mới đặng.
Qua nội dung trên các vị đều đồng ý rằng Đạo Cao Đài không chủ trương đa thê, không cho phép đa thê… vậy thì câu nói trên hiểu theo nghĩa đen là hoàn toàn không phù hợp với Tân Luật.
Đức Hộ Pháp là người tham gia vào việc biên soạn Tân Luật.
Trong trách nhiệm Hộ Pháp thì Ngài là người có nhiệm vụ nắm trọn cả Luật Đạo và Luật Đời. Vậy thì lẽ nào Ngài lại ưu ái cho thành phần vi phạm Tân Luật có được một khu riêng biệt như thế.
Trong Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống và trong một số văn bút khác Ngài cũng đều khuyên mọi người phải đối xử công bằng, tôn trọng người bạn hôn phối của mình. Đấy là cộng tác viên của mình trên đường đời gió bụi chớ không phải là oan gia tội báo. Ngài chưa hề có một văn bút nào ưu ái cho người đa thê.
Vậy câu trên phải hiểu như thế nào cho đạt được yêu cầu:  thực tế, không khiên cưỡng và phù hợp với pháp luật Tôn giáo Cao Đài.
Thông thường ta vẫn nghe câu: Một cảnh hai quê hay Một kiễng hai quê. (có người bảo là huê có nghĩa là “Bông” … nhưng mục đích của chúng tôi không nhằm truy nguyên nguồn gốc của câu nói… mà chỉ đề cập đến ý nghĩa mà xã hội đang dùng mà thôi.
Trong hiện dụng thì câu nói trên dùng cho các trường hợp sau: 
Một người nhưng có nhiều chuyện phải lo…
Một người có hai vợ…
Một người có hai quê hương…
Vậy thì câu nói: KHU CHÀ LÀ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI HAI VỢ được hiểu là khu đất mà Tôn Giáo Cao Đài dành cho những người có hai quốc tịch hoặc đa quốc tịch hay những người có liên quan đến yếu tố nước ngoài sinh sống.
Trong buổi sơ khai của Tôn Giáo Cao Đài thì người Đạo đã biết là có qui hoạch tổng thể Châu Thành Thánh Địa 40 cây số vuông “Châu Thành Thượng”.
Nhưng ý nghĩa cụ thể của 40 cây số vuông như thế nào, Toạ độ gốc ở đâu… thì chưa khai triển cho Tín Đồ được rõ…
Trong qui hoạch 40 cây số vuông ấy Tôn giáo dành một khu vực cho người có yếu tố nước ngoài đến sinh sống riêng biệt để học đạo nhưng vì thời cuộc chưa thể nói trắng ra được… mặc khác cũng không thể không nói ra cho nên Đức Ngài phải nói bằng cách ẩn ngôn ấy cũng là một cách thức để chuẩn bị cho thế hệ đi sau vậy. 
        
C/-    NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN.
Đây có lẽ là một câu nói của Đức Hộ Pháp đã bị rất nhiều vị có kiến thức về địa lý không đồng ý; sự không đồng ý ấy hẳn nhiên đã được căn cứ vào những kiến thức từ sách giáo khoa hay những công trình nghiên cứu khoa học rất bài bản… nhưng cũng có người biện hộ rằng:
Ngài nói NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN cho thời khai thiên lập địa.
Ngài nói NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN cho thời gian rất lâu sau nầy.
Theo thiễn nghĩ nếu hiểu theo nghĩa đen thì đem quá khứ hay là tương lai để giải thích cho câu nói trên đều là khiên cưỡng và chưa thể biện chứng được cho nên thiếu sức thuyết phục.  Vậy thì vấn đề ở đâu?
Khi Đức Hộ Pháp tạo tác Trí Huệ Cung Ngài có nói. Trí Huệ Cung là nơi dành riêng cho Phái Nữ. Còn nơi dành riêng cho Nam Phái là Vạn Pháp Cung “VPC”. Vậy Vạn Pháp Cung ở đâu?
Ngài đã xác định rõ: VPC nằm trong khu vực chân Núi Bà.
(Từ Thị Xã chạy vào hướng cổng khu du lịch Núi Bà thì bên trái có bãi giữ xe. Trước khi đến khuôn viên bãi giữ xe có một con đường nhỏ. Đi men theo theo đường đó đến vòng phía sau bãi xe thì có một số nhà Sở Lương Điền của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngay sau hàng rào bãi cỏ nơi thờ Đức Phật Mẫu, đi một chút nữa thì đến Anh Linh Miếu đi tiếp thì có lối lên Hang Gạo, Hàm Rồng… Trước khi đến Hàm Rồng thì gặp địa điểm mà Đức Hộ Pháp chọn để xây dựng Vạn Pháp Cung… Nơi đó chưa xây dựng nhưng vẫn có rất nhiều người đến thắp hương cầu nguyện…)
VPC là gì? VPC là nơi hiền sĩ Tôn Giáo Cao Đài học tập và nghiên cứu để cung ứng hàng ngàn, hàng vạn phương pháp giúp cho Tôn giáo xây dựng cá nhân, tôn giáo và xã hội.
Tầm vóc của Cung Vạn Pháp được xác định trong Kinh Đệ Lục Cửu.
Bạch Y Quan mở đường rước khách,
Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.
Vào Cung Vạn Pháp xem qua,
Cho tường cựu nghiệp mấy toà  thiên nhiên…
Theo truyền thuyết Vua Hạ Võ trị thuỷ ở sông Hoàng Hà thấy Linh Qui từ dưới nước hiện lên trên lưng có chín chữ: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhà vua dụng đấy  chế tác Lạc Thư và định ra sách lược an dân.
(Núi Bà trong như một con linh qui, ảnh internet)
Xét về hình thể Núi Bà: Đứng từ Toà Thánh nhìn vào thì Núi Bà có hình thế của một con Linh Qui. Đến khi lòng Hồ Dầu Tiếng được xây dựng thì Núi Bà giống như truyền thuyết Linh Qui từ dưới nước hiện lên để  hiến dâng sách lược…  Nhưng trong thời Tam Kỳ Linh Qui không dâng cho một người nữa mà dâng cho hàng trăm hàng nghìn  hiền sĩ có lòng phụng sự nhân loại theo Tôn Chỉ  Cao Đài Giáo. “Sách lược thì dùng cho cả nhân loại trong hoàn vũ”cho nên các vị  về VPC  để hoàn thành sở học, hoàn thành  giáo án, sử chương, hoàn thành sự nghiệp… trên bước đường hoằng dương đạo pháp phổ độ  chúng sanh… VPC là một trong những trung tâm  cung ứng kiến thức cho nhân loại. Bước chân nhân loại phải tầm về vạn pháp, tư tưởng nhân loại phải hướng về vạn pháp… Xã hội là biển trần khổ và VPC là cái rún của xã hội chính là cái rún  của Biển Trần khổ vậy.
Vạn Pháp Cung lại gắn liền với Núi Bà vậy thì ý nghĩa câu nói NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN của Đức Ngài chính là lời giới thiệu tầm quan trọng  của Vạn Pháp Cung cho hậu tấn. Tham luận qua tiếng An Nam còn có thể hiểu thêm:
Núi thể hiện cho trí tuệ.  Bà thể hiện cho âm tính.
Rún nói lên Trung Tâm.  Biển là xã hội. “Biển Trần Khổ”.
NÚI BÀ LÀ RÚN BIỂN:
- Xét về phương diện xử kỷ còn có thể hiểu là: Người có trí tuệ mà biết khiêm cung thì được người đời mếm mộ… đó là cung cách: Tri kỳ Hùng, thủ kỳ Thư “Biết như con trống, sống như con mái” mà Đạo Đức Kinh đề cập đến vậy.
- Trong một ước định xa hơn thì: Vạn Pháp Cung là trung tâm nghiên cứu, trung tâm văn hóa tại Núi Bà. Người có Đạo Cao Đài thường hay truyền tụng về 40 cây số vuông… vậy toạ độ gốc của 40 cây số vuông ấy ở đâu? Có phải câu nói của Đức Ngài cũng còn mang ẩn ý rằng: Vạn Pháp Cung chính là Toạ độ gốc của 40 cây số vuông chăng? Dù sao đây cũng là một nghi vấn có cơ sở ít nhiều.
Ngay từ lúc khai sinh thì Đạo Cao Đài luôn luôn ở trong tầm ngắm của cường quyền… tầm vóc của Tôn giáo là cả thế giới và nhiệm vụ của Đức Hộ Pháp lại rất nặng nề… nói thẳng ra là tạo điều kiện cho kẻ nghịch làm khó… cho nên phải dùng ẩn ngôn để ngầm báo cho thế hệ mai sau./.