Trang

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

247. PHONG, LAO, CỔ, LẠI LÀ GÌ?


Hỏi đáp Y học: Tứ chứng nan y 'phong, lao, cổ, lại'

VOA. Thứ Tư, 01/04/2015.

Thính giả Trần Thị Lệ hỏi như sau:
“Thưa Bác sĩ
Tôi ở một xã nhỏ gần An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Trước nay người thôn làng chúng tôi hay nói thành vần 4 chứng bệnh không chữa được là "phong, lao, cổ, lại – bốn chứng nan y, thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới."

Tôi hiểu phong là cùi và lao là ho lao. Còn hai bệnh kia tôi không biết.
Xin Bác sĩ nói sơ qua về bốn chứng nan y này. Ngày nay, thầy thuốc còn bỏ đi khi gặp bốn chứng này nữa không?
Cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Cảm ơn vị thính giả đã đặt câu hỏi thú vị, tuy khó trả lời. Tôi xin đưa ra đáp án đơn giản trước, sau đó chúng ta sẽ bàn thêm vài chi tiết chữ nghĩa cũng như ý nghĩa y khoa của câu nói này.
Câu trả lời đơn giản là "phong" là bệnh phong, theo tiếng Việt hiện nay, là bệnh cùi (leprosy), hay còn gọi là bệnh Hansen, do bác sĩ G. H. Amauer Hansen, người Na Uy tìm ra năm 1873. Đấy là lần đầu tiên, người ta tìm ra một vi trùng là nguyên nhân gây ra một bệnh nhiễm. "Lao" được hiểu theo nghĩa phổ thông là bệnh lao, do con vi khuẩn hình que, được Robert Koch người Đức (1843-1910), tìm ra năm 1882. Về phần "cổ" có nghĩa là bệnh sưng bụng do ứ nước, trong chữ Hán "cổ" viết gần giống như chữ “cổ” nghĩa là cái trống, không biết có phải người xưa thấy cái bụng báng nước (ascites) giống cái trống hay không. Một số tác giả tiếng Việt giải thích là xơ gan cổ trướng, và xem chữ cổ ở đây có nghĩa là xơ gan (cirrhosis). Về chữ"lại", đa số các bài viết từ Việt Nam giải thích là ung thư (cancer).
Vậy thì thông thường, nan y tứ chứng mà chúng ta bàn ở đây là bệnh Hansen, bệnh lao, bệnh xơ gan, và bệnh ung thư.
Về câu hỏi là hiện nay, thầy thuốc (tôi chỉ bàn đến tây y mà thôi) có còn "bỏ đi khi gặp các bệnh này” không, thì dứt khoát câu trả lời là không.
1) Bệnh Hansen (cùi) có thể chữa được bằng kháng sinh, bệnh lao cũng vậy.
2) Bệnh xơ gan (liver cirrhosis) có thể chữa để bệnh tiến triển chậm lại, giảm các triệu chứng, cho người bệnh bớt khổ sở đi. Ví dụ người nghiện rượu bị xơ gan vì rượu cần được chữa trị để cai rượu; người bị xơ gan không phải do alcohol (non alcoholic fatty liver disease) mà do quá mập phì cần được giúp giảm cân và kiểm soát cho đường máu đừng lên quá cao.


Người bị viêm gan do vi rút (virus) (viral hepatitis) có thể dùng thuốc chống vi rút viêm gan (hepatitis B, C) lúc cần, để ngăn chặn biến chứng. Người xơ gan (cirrhosis) do mật ứ đọng trong gan có thể được chữa với thuốc làm cho bệnh tiến triển chậm lại, tránh cho những triệu chứng không xuất hiện.
Người xơ gan nặng có thể được thoải mái hơn nhờ các thuốc lợi tiểu, thuốc hạ áp huyết, theo dõi tình trạng cơ năng gan và khả năng xuất hiện ung thư gan, chữa những triệu chứng của bệnh não bộ do bệnh gan gây ra. Biện pháp cuối cùng nếu gan không làm việc được là ghép gan mới (từ xác chết hoặc người cho sống).
3) Chúng ta nên nhớ có rất nhiều bệnh ung thư khác nhau và cách chữa trị mỗi thứ một khác. Nói chung dùng hoá trị liệu, xạ trị, giải phẫu, phóng xạ, v.v., trong nhiều trường hợp kết quả tốt, và có thể trị dứt bệnh. Hiện nay, chúng ta có thể ngừa ung thư phổi bằng cách đừng hút thuốc lá, ngừa ung thư gan bằng cách chích ngừa viêm gan B, ngừa ung thư cổ tử cung và một số ung thư đầu và cổ bằng cách chích ngừa siêu vi u nhú (Human Papilloma Virus/ HPV), ngừa ung thư da bằng cách tránh các tia tử ngoại.
Đoạn trên tôi có nói đây là một câu hỏi khó trả lời. Bây giờ chúng ta bàn thêm về vài chi tiết mà tôi thấy khá thú vị. Thứ nhất câu này là một câu tục ngữ đã xưa, có thể đúng với thời cách đây mấy trăm năm hoặc trước đó.
Đúng cho thời y khoa tiền khoa học, tiền hiện đại vì bốn từ "phong, lao, cổ, lại/ hay lỵ" có lẽ đã có hàng ngàn năm trong lịch sử y khoa Đông Phương (phần lớn là y khoa Tàu). Đây chỉ là những từ xưa, cổ, chỉ những triệu chứng hay hội chứng với trình độ y học thời đó, người ta ghi nhận được. Tôi tham khảo một số từ điển và bài viết từ trong nước, và nhận thấy rằng trong chữ Hán, chữ phong không bao giờ có nghĩa là phong cùi hay bệnh ngoài da tương tự như triệu chứng bệnh phong cùi. Chữ Hán "phong"có nghĩa là bệnh điên. Theo google translate, bệnh điên được dịch là "phong cuồng". Ngược lại, chữ "lại" theo chữ Hán có nghĩa "phung, cùi" hay ít ra, bệnh ngoài da có vẻ như bệnh cùi thật sự theo quan điểm hiện nay.
Theo một bài viết trên báo "Y học dự phòng": trong sách Sử ký, ở phần Dự Nhượng truyện có câu: “Dự Nhượng hựu tất thân vi lại, thôn thán vi ách, sử hình trạng bất khả tri” (豫讓又漆身為厲, 吞炭為啞, 使形狀不可知), nghĩa là Dự Nhượng lại bôi sơn vào mình làm như người bệnh hủi, nuốt than cho mất tiếng, để khỏi ai nhận ra hình tích của mình.” Có nghĩa rằng trong tiếng Hán Việt xưa, “ lại” chỉ một bệnh với những lở lói ngoài da.
Bệnh lở lói ngoài da có thể là bệnh cùi (bệnh Hansen) mà cũng có thể do những nguyên nhân khác. Như trong bệnh pellagra do thiếu vitamin niacin (vitamin PP) cũng có thể gây da lở loét, triệu chứng thần kinh và tâm thần, điên loạn (dementia). Bệnh Hansen được chữa trị sớm và đàng hoàng có thể khỏi hẳn (dapsone, rifampicin, clofazimine). Bệnh pellagra chữa bằng nicotinamide (tương tự như vitamin PP).
Bệnh giang mai (syphilis) do vi khuẩn Treponema pallidum (khám phá năm 1905) có thể gây những triệu chứng ngoài da, làm biến dạng khuôn mặt (gummatous syphilis) và triệu chứng thần kinh. Nếu chữa trị sớm bằng Penicillin kết quả rất tốt.
Ngoài ra “lại” có thể đọc là "lỵ", như trong bệnh “kiết lỵ” (dysentery), nghĩa là bệnh đi cầu ra máu, nhớt, tiêu chảy, mà theo y học hiện nay có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh "lỵ" có thể do nhiễm vi khuẩn đường ruột như shigella, hay ký sinh trùng (to hơn vi trùng) a-míp (amoebiasis). Những bệnh này ngày nay được định bệnh chính xác bằng cách cấy phân và xem xét tìm a míp trong phân và được điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh hay thuốc chống a míp. Tuy nhiên ngày xưa, không có thuốc men hiệu nghiệm, và nhất là dinh dưỡng đa số bệnh nhân kém, bệnh nhân khó hồi phục, có thể chết vì suy dinh dưỡng, nhiễm trùng lan rộng. Nếu thầy thuốc ngày xưa "chào thua" thì cũng không có gì là lạ, và bệnh cũng xứng đáng danh hiệu "nan y".
Riêng về bệnh đường ruột, có thể kể ra đây một nhóm khác hai nhóm trên nhưng khó định bệnh và khó chữa là những bệnh viêm ruột mãn tính gồm bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) và bệnh viêm ruột Crohn (Crohn disease, regional enteritis), cả hai đều gây tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sụt cân và có thể có biến chứng chết người. Tuy không chữa dứt được, nhờ thuốc men (chống viêm và biến đổi hệ miễn nhiễm) và giải phẫu nếu cần, có thể giúp bệnh nhân hầu như không có triệu chứng hoặc ít lắm thì cũng giảm được nhiều các triệu chứng.
Hiện nay chúng ta hiểu "ung thư" (cancer) là sự sinh sản hỗn loạn không kiểm soát của một số tế bào bất bình thường.Theo tự điển của linh mục Trần Văn Kiệm, "ung là cái nhọt", "thư" là mụt bọc có rễ sâu, ung thư là "mụn loét", hiểu theo nghĩa Hán Việt xưa. Cho nên không thể dùng danh từ "ung thư" (cancer) hiện đại để ghép vào "tứ chứng" nan y của các cụ ngày xưa được, lúc mà người ta chưa hiểu tế bào là cái gì. Thật ra, người Tàu không gọi "cancer" là ung thư, mà dùng chữ "độc lựu” hoặc "nham" (theo TVK).

Công nghệ OnGuard Chest X-ray CAD (computer-aided detection) của công ty Riverain phát hiện các cục u bướu hạch nhỏ đáng nghi có thể là dấu hiệu của ung thư phổi giai đoạn sớm giúp cải thiện tỷ lệ sống sót cho các bệnh nhân. (PRNewsFoto/Cleveland Clinic and Riverain Medical)
Cuối cùng, theo nghĩa chữ Hán, "lao" có nghĩa là hao mòn. Bệnh lao do Mycobacterium tuberculosis với những triệu chứng đặc thù như sưng phổi (pneumonia), hang trong phổi (lung cavities), sưng màng óc (meningitis), v..v là những ý niệm của y khoa thời thế kỷ 20 trở đi. Lao theo nghĩa chung chung là "hao mòn" có thể do nhiễm trùng khác, do ung thư, bệnh thần kinh đúng là nan y nếu không có những phương tiện chữa trị theo khoa học hiện đại. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, đừng hiểu lầm các cụ ngày xưa, và gán nghĩa mới cho lời người xưa.
Trước thời có kháng sinh, tây y cũng biết định bệnh lao căn cứ trên những bằng chứng lâm sàng như kiệt sức, mệt mỏi, ho ra máu, cộng với các bằng chứng lúc khám nghiệm tử thi. Các mô phòng thủ cơ thể người bệnh phản ứng lại với vi trùng, bao vây chúng tạo nên những khối giống củ khoai nên gọi là "tubercules" (tiếng Pháp nghĩa là củ, như củ khoai), từ đó (1860) có tên tuberculosis. Trước đó, người ta gọi là consumption (wasting of the body by a disease, hay phthisis), có nghĩa là mất sức, hao mòn như từ "lao" của chúng ta.
Nói tóm lại "tứ chứng nan y" có lẽ gồm “phong” là bệnh tâm thần,” lao” là hao mòn, suy nhược, kể cả trường hợp do nhiễm vi khuẩn bệnh lao, “cổ” là cổ trướng, bụng sưng to, có thể do tràn dịch màng bụng vì xơ gan, "lại" có thể là bệnh lở loét, ngoài da mà bệnh cùi có thể là một nguyên nhân. Hiện nay, những bệnh này đa số chữa trị có kết quả tốt. Số ít bệnh chưa trị được hết hẳn bệnh, vẫn là "nan y", nhưng cũng được bác sĩ săn sóc để bớt triệu chứng, phẩm chất cuộc sống tốt hơn.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
---------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.