Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

245: CÔNG CỬ NGHỊ VIÊN PHÁI VIÊN THẾ NÀO???


THĂM VIẾNG ĐẦU XUÂN (tt).

CÂU 05.
Công cử nghị viên, phái viên cho Đại Hội Nhơn Sanh ngày 10.04. Ất Mùi (27. 05. 2015) như thế nào?
HỒI ĐÁP.
Việc công cử nghị viên phái viên theo KNS phải được chắc lọc từ 04 văn bản: Luật Lệ Chung Các Hội; Nội Luật HNS; Đạo Luật Mậu Dần (1938); và đặc biệt là Thánh Lịnh 257.
Một số người hiểu rằng Thánh Lịnh 257 chỉ áp dụng cho thời kỳ Tổng Thống Ngô Đình Diệm khủng bố đạo và Đức Hộ Pháp nay không còn giá trị là rất sai.
KNS hiểu rằng Thánh Lịnh 257 có giá trị cho đến khi nào có một Thánh Lịnh khác bãi bỏ nó.

Năm 1957 Đức Hộ Pháp có tư cách Giáo chủ Đạo Cao Đài ký Thánh Lịnh 257 vậy chỉ có Đức Hộ Pháp hay cấp cao hơn mới có quyền ra lịnh bãi bỏ Thánh Lịnh 257.
Tóm lại KNS lấy Thánh Lịnh 257 làm căn bản để hiệp cùng đồng đạo lo mở Đại Hội Nhơn Sanh nên có quyết nghị như sau:


CÔNG CỬ: PHÁI VIÊN, NGHỊ VIÊN.
“Trong thời kỳ không có Hội Thánh ĐĐTKPĐ”

Trong tình thế hiện nay muốn phục hồi cơ đạo phải có Đại Hội Nhơn Sanh (ĐHNS) để công cử nhân sự tôn giáo xây dựng lại Hội Thánh Anh. Chương trình ĐHNS đã nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ của đồng đạo, nhưng cũng có nhiều vấn nạn. KNS chọn 02 vấn nạn sau:
A/- HAI VẤN NẠN.
I/- Một số ý kiến cho rằng chỉ có Hội Thánh mới có quyền triệu tập Đại Hội Nhơn Sanh. Nay không có Hội Thánh mà mở ĐHNS là sai luật...
TRẢ LỜI:
KNS xin phân rõ LUẬT & LỊNH như sau.
./- Theo nội luật qui định thì đúng là Hội Thánh Anh triệu tập ĐHNS. Đây là ĐHNS thời kỳ có Hội Thánh (thường sự).
Nhưng hiện nay đạo đang ở thời kỳ không có Hội Thánh Anh (biến sự). Nếu nhứt định hiểu vậy thì vĩnh viễn ĐĐTKPĐ không có ĐHNS và nền đạo bị tiêu diệt. Đó là cách hiểu của những vị chỉ biết có Luật mà không tìm hiểu Thánh Lịnh 257 (Luật: thường sự; Lịnh: biến sự).
./- Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp ngày 11-01-Đinh Dậu. (10-02-1957) dạy rõ: ... Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẫy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội  Thánh của Đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.... Ấy vậy chiếu theo khuôn luật trên: Hễ quyền trên của ai đã bị  quỉ  quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt  đi nữa thì dưới nầy các Bàn Trị Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.
Phải triệt để tuân y và thi hành Thánh Lịnh nầy.
Thánh Lịnh 257 có giá trị trong thất ức niên và chỉ ra cách thức hành đạo rất tự chủ khi gặp biến sự. Thánh lịnh dạy về trách nhiệm phụng sự của người đạo. Công cử người có khả năng cầm giềng mối đạo, chứ không công cử lên phẩm tước.
Thời kỳ không có Hội Thánh muốn mở ĐHNS phải căn cứ vào THÁNH LỊNH 257. Những người không chấp nhận Thánh Lịnh 257 là phủ nhận sự tiên liệu của Tôn Sư Hộ Pháp.
II/- Phải có chức sắc đủ tài, đủ đức đứng ra mở ĐHNS; nhưng hiện nay không có chức sắc nào dám đứng ra lãnh trách nhiệm nên nhơn sanh không có quyền mở ĐHNS....
TRẢ LỜI.
Phần đông người Đạo Cao Đài đều biết Đức Hộ Pháp dạy rằng: ... theo đạo chớ không theo người.... Như vậy ý kiến trên đây đã nghịch lại với lời dạy của Tôn Sư. Họ cũng không biết Thánh lịnh 257 đã tiên liệu đủ đường. Những phát biểu như thế là tự mâu thuẫn nên chẳng có giá trị gì. Đó là những người thiếu hiểu về giáo lý lẫn pháp luật đạo.
B/- CÔNG CỬ PHÁI VIÊN, NGHỊ VIÊN.
Luật của Hội Thánh ban hành có liên quan đến Đại Hội Nhơn Sanh gồm có: Luật Lệ Chung Các Hội (1934). Nội Luật Hội Nhơn Sanh (1934). Đạo Luật Mậu Dần (1938).
Đối Chiếu Nội Luật Hội Nhơn Sanh và Đạo Luật Mậu Dần thấy có khoản cách tại một số điều, khoản quan trọng như sau:
I/- Nội Luật Hội Nhơn Sanh. 
CHƯƠNG THỨ HAI.   
VỀ SỰ CHỌN CỬ PHÁI VIÊN.
          Ðiều Thứ Mười Ba:       
Lễ Sanh, Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự đều có quyền đến dự nhóm Hội Nhơn Sanh nhưng bửa ấy mà cả thảy đều đến Toà Thánh thì nơi Làng nơi Quận không còn Chức Sắc, Chức Việc; phận sự phải bỏ bê e xảy ra điều khó khăn vậy định như sau đây rất tiện:
Sau khi nhóm tại Tỉnh đặng bàn cải quyết định và lập vi bằng các vấn đề trong chương trình của Thượng Chánh Phối Sư gởi đến thì mổi phẩm chọn cử một Hội Viên đặng thay mặt cho Tỉnh mình hầu đến Toà Thánh mà dự Ðại Hội.
Còn Phái Viên thì cũng một vị như mấy phẩm đã kể trên đây.
Việc chọn cử nầy phải tuân y Ðạo Nghị Ðịnh thứ 20 của Ðức Quyền Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp.   
Tại Tỉnh Thành Tây Ninh là Tỉnh THÁNH ÐỊA cũng tuỳ y một luật ấy. Nghị viên Hội Nhơn Sanh lãnh trách nhiệm một hạn kỳ là ba năm.     
Phái viên đắc cử Nghị Viên Hội Nhơn Sanh chụp ba tấm hình giao cho Ðầu Tỉnh Ðạo gởi cho Nội Chánh (Lại Viện) đặng gắn vào giấy chứng nhận và sổ bộ cùng vô khuôn treo tại nhà Hội .   
Cả Lễ Sanh Chức Việc và Phái Viên không đắc cử Nghị viên Hội Nhơn Sanh được thông thả đến Toà Thánh nhập hội nhưng được dự thính mà thôi, nơi Hội có sắp đặc chổ ngồi cho chư vị được dự thính.     
Muốn tỏ ý kiến chi cho Hội thì do nơi Chư Nghị viên ở Tỉnh Ðạo của mình mà thôi.
II/- Đạo Luật Mậu Dần: CHƯƠNG THỨ NHỨT: HÀNH CHÁNH.
CÁCH TỔ CHỨC HỘI QUYỀN VẠN LINH.
1/- Chương-trình về Hội Quyền Vạn Linh phải gởi các nơi trước ngày hội ít nữa là ba tháng, và phải phân biệt vấn đề theo mỗi Phái.
2/- Luật công cử Nghị Viên thì phải hội hiệp tất cả Chức Việc trong Quận bỏ thăm, để tuyển chọn một vị Chánh Trị sự, một vị Phó Trị sự, một vị Thông Sự, Nam Nữ cũng vậy.
3/- Cứ 500 Đạo Hữu trường trai đặng quyền tuyển cử lên một vị Phái Viên thay mặt.
4/- Chư Nghị Viên và Phái Viên, sau khi đắc cử rồi, phải có giấy chứng của Đầu Quận, Đầu Họ và Đầu Tỉnh Đạo. Phải nhóm nhau tại Quận Đạo đặng giải quyết những vấn đề trong chương trình rồi lập lời quyết nghị.
5/- Chư Nghị Viên và Phái Viên phải có mặt tại Tòa Thánh ít nữa là năm ngày trước ngày dự hội, phải trình giấy chứng nhận tại Tòa Nội Chánh đặng đổi giấy dự hội.
6/- Trước khi vào dự hội, phải trình giấy ấy cho Ban Kiểm Soát và nhứt nhứt tùng lệnh Kiểm Soát Viên sắp đặt trật tự theo mỗi Họ Đạo và Quận Đạo riêng nhau, cho dễ bề quan sát những điều sơ sót. Ấy là phép khảo dượt quyền hành (contrôle des pouvoirs).
7/- Ngoại trừ ra những người đến dự thính thì phải có chỗ nơi đặc biệt, chẳng đặng trà trộn, hay là thông công cùng chư Nghị Viên một điều chi mà làm cho mất trật tự trong khi hội nhóm.
8/- Còn Chức Sắc Thiên Phong Nam Nữ từ Lễ Sanh đổ lên đặng trọn quyền vào dự hội.
3- Đối Chiếu để hiểu vài điều.
3.1/- Theo  nội luật: Danh Từ Tỉnh trong nội luật chỉ Trấn Đạo chớ không phải Châu Đạo. Đơn vị dự ĐHNS là Tỉnh Đạo chớ không phải Tộc Đạo. Chỉ có Lễ Sanh (có xuất xư) mới được tham gia vào ĐHNS.
3.2/- Theo Đạo Luật Mậu Dần.
./- Gởi Chương Trình ĐHNS cho các nơi trước 03 tháng (Nội Luật Điều 6: Gởi chương Trình cho Tỉnh Đạo từ 01 tháng chạp (1 tháng rưỡi).
./- Đơn vị tham gia ĐHNS là Tộc Đạo.
./- Nghị Viên và Phái Viên có mặt trước 05 ngày (Nội Luật Điều 5: 03 ngày).
./- Nghị Viên, Phái Viên đắc cử rồi nhóm với nhau tại Quận Đạo đặng lập quyết nghị về chương trình (Nội Luật Điều 13: Bàn cải, lập vi bằng các vấn đề rồi mới bầu chọn nhân sự dự hội).
./- Chức Sắc Thiên Phong từ Lễ Sanh trở lên đặng trọn quyền vào dự hội.
C/- KẾT HỢP VỚI THÁNH LỊNH 257.
ĐHNS thời kỳ không có Hội Thánh là vận dụng Thánh Lịnh 257 kết hợp với Nội Luật và Đạo Luật Mậu Dần.
1/- Thánh Lịnh 257 dạy: ... các Bàn Trị Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ. Như vậy tất cả các Bàn Trị Sự và người đạo đều có đủ quyền vào dự ĐHNS.  
2/- Nội luật dạy: Lễ Sanh, Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự đều có quyền đến dự nhóm Hội Nhơn Sanh nhưng bửa ấy mà cả thảy đều đến Toà Thánh thì nơi Làng nơi Quận không còn Chức Sắc, Chức Việc; phận sự phải bỏ bê e xảy ra điều khó khăn vậy định như sau đây rất tiện:....
3/- Đạo luật: Luật công cử Nghị Viên thì phải hội hiệp tất cả Chức Việc trong Quận bỏ thăm, để tuyển chọn một vị Chánh Trị sự, một vị Phó Trị sự, một vị Thông Sự, Nam Nữ cũng vậy....
QUYẾT NGHỊ:
Trong thời kỳ không có Hội Thánh phải căn cứ vào Thánh Lịnh 257 để mở ĐHNS; nhưng vẫn tùng theo pháp luật đạo. KNS xin dâng lời quyết nghị đến quí chức sắc và đồng đạo theo chánh giáo ĐĐTKPĐ:
1/- Theo Đạo Luật Mậu Dần: Chức Sắc Thiên Phong Nam Nữ từ Lễ Sanh đổ lên đặng trọn quyền vào dự hội.
2/- Tất cả Bàn Trị Sự (hay chức việc) theo chánh giáo chơn truyền có đăng ký dự hội đều có quyền về Tòa Thánh dự hội (Thánh Lịnh 257).
3/- Tín Đồ Nam Nữ đăng ký về tham dự ĐHNS là người sáng suốt và có tinh thần hy sinh vì đại nghiệp đạo nên có đủ quyền về dự hội (Thánh Lịnh 257). Người không đăng ký dự hội là từ chối trách nhiệm mở ĐHNS trong buổi cơ đạo chinh nghiêng nên không có quyền dự hội.
3.1/- Tín đồ trường trai từ một tháng trở lên đều là phái viên có đủ quyền dự hội với tư cách nghị viên chính thức (không hạn chế số lượng người trong Tộc Đạo hay Hương Đạo).
3.2/- Các vị giử trai kỳ từ 10 ngày trở lên (có đăng ký tham dự ĐHNS) là đủ quyền tham dự ĐHNS. Theo Luật đạo các vị là thành phần dự thính. Thành phần dự thính có chổ ngồi trong nhà hội, có đủ quyền quan sát, ghi nhận, cung cấp tư liệu... Có quyền biên soạn ý kiến, nhận xét... rồi nhờ nghị viên chính thức phát biểu.
KNS nhận định rằng: Thành phần dự thính là con mắt, là NGUỒN LỰC rất quan trọng của ĐHNS; nó quyết định 70% hiệu quả. ĐHNS thành công đến đâu chính là do thành phần dự thính một phần lớn.
...Trường công quả ấy không thường gặp,
Cửa võ thiêng liêng gắng vẫy vùng.
ĐHNS là trường công quả phi thường đang chờ người sứ mạng.
Nay kính.
Việt Nam ngày 20. 01. Ất Mùi. (10. 03. 2015).
KNS xin Quyết Nghị và chịu trách nhiệm.

(đã ký tên)